Trên thế giới, mô hình trường học thân thiện được triển khai xây dựng ở những nước đang phát triển vào những năm đầu tiên của thế kỷ XXI nhằm mục tiêu huy động tổng lực của nhà trường, gia đình, cộng đồng và xã hội trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo cơ hội cho trẻ em phát huy hết tiềm năng của chúng.
Mô hình trường này được xây dựng trên cơ sở phát triển những ý tưởng trong Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em, Tuyên ngôn Giáo dục cho mọi người và Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp quốc. Để có những hiểu biết sâu sắc hơn về đặc trưng của mô hình trường này, tác giả xin được trình bày vắn tắt một số nội dung của 3 văn bản trên:
Văn bản thứ nhất: Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em:
Công ước về quyền trẻ em được Liên hiệp quốc thông qua ngày 20/11/1989 sau 10 năm soạn thảo, điều chỉnh với những sự góp ý tích cực của nhiều tổ chức quốc tế.
Công ước gồm 54 điều trong đó có 41 điều nói về quyền trẻ em được hưởng. Trong số các quyền đó có những quyền sau:
- Quyền được học hành, được hưởng giáo dục Tiểu học miễn phí và tiếp thu một nền giáo dục tiến bộ (điều 28, 29);
- Quyền được nghỉ ngơi, giải trí, vui chơi, sinh hoạt văn hoá lành mạnh (điều 31)
- Quyền được phục hồi về thể chất, tâm lý và tái hoà nhập (điều 39) Văn bản thứ hai: Tuyên ngôn Giáo dục cho mọi người :
Tuyên ngôn Giáo dục cho mọi người ra đời vào tháng 3/1990 tại Hội nghị thế giới về giáo dục cho mọi người tổ chức tại Jomtien, Thái Lan.
Nội dung cơ bản của tuyên ngôn là: Cam kết quốc tế của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ về giáo dục cho mọi người, trẻ em được phổ cập giáo dục tiểu học với chất lượng tốt, người lớn được xoá mù chữ và được cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản để có khả năng lao động tốt; đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục cơ bản giữa các nước, các khu vực trên thế giới, giữa các nhóm đối tượng khác nhau.
Văn bản thứ ba: Mục tiêu thiên niên kỷ:
Tháng 9/2000, Hội nghị thượng đỉnh thiên niên kỷ đã thông qua 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ làm phong phú thêm các yếu tố cấu thành HDI, bao quát một khối lượng lớn các vấn đề như: Kinh tế, giáo dục, sức khoẻ bà mẹ trẻ em, ngăn chặn HIV, chống ô nhiễm môi trường, nâng cao công tác quản lý nhà nước để xoá đói, giảm nghèo .... Trong đó, các mục tiêu về phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục được đề cập hết sức đầy đủ từ tỉ lệ nhập học đúng độ tuổi ở tiểu học, THCS đến xoá bỏ sự bất bình đẳng giới, nâng cao số giờ đi học của trẻ ...
Trên cơ sở tiếp cận nội dung của 3 văn bản trên, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc đã xây dựng mô hình “Trường học thân thiện” (Child – friendly school) với những nội dung cơ bản sau : [dịch từ bản Tiếng Anh]
Tất cả các hệ thống các cơ quan, tổ chức liên quan đến trẻ em cần phải tuân thủ các quy định trong Công ước về quyền trẻ em (the Convention on the Rights of the Child)
Trường học thân thiện không chỉ giúp trẻ em hiện thực hoá những quyền cơ bản về một nền giáo dục chất lượng mà còn phải giúp trẻ thực hiện được nhiều điều khác - giúp các em học những điều các em cần để đối mặt với những thách thức của thế kỷ mới, tăng cường sức khoẻ; đảm bảo cho các em được an toàn, được hưởng một môi trường giáo dục thân thiện, không có lạm dụng và bạo lực; nâng cao ý thức trách nhiệm của giáo viên; huy động sự ủng hộ cho giáo dục của cộng đồng.
Một trường học thân thiện có 13 đặc trưng cơ bản:(Characteristics of a rights based, child friendly school)
1. Phản ánh và hiện thực hoá những quyền của trẻ em: (Reflects and realises the rights of every child).
Nhà trường phối hợp với các đối tác để nâng cao và quản lý việc thực hiện các quyền của trẻ em; ngăn chặn và bảo vệ trẻ em khỏi sự lạm dụng và xâm hại cả trong và ngoài nhà trường.
2. Nhận biết và hiểu trẻ một cách đầy đủ (Sees and understands the whole child, in a broad context)
Điều này liên quan đến cả những gì xảy ra với trẻ trước khi các em nhập học (sự sẵn sàng nhập học về mặt tình trạng sức khoẻ, xã hội và kĩ năng ngôn ngữ), khi trẻ đã dời lớp học về nhà, ở cộng đồng và ở nơi làm việc.
3. Là trường học với trẻ em là trung tâm (Is child-centred):
Khuyến khích sự tham gia, sự sáng tạo, lòng tự trọng, khả năng giao tiếp, ứng xử của trẻ; có một chương trình giáo dục được thiết kế lấy người học làm trung tâm, có phương pháp dạy học phù hợp với trình độ phát triển, khả năng nhận thức, phong cách học của trẻ; nhu cầu của trẻ được quan tâm cao hơn bất cứ một thành viên nào trong trường.
4. Không có sự phân biệt về giới tính (Is gender-sensitive and girl- friendly)
Khuyến khích sự công bằng, sự đồng đều trong nhập học và các thành quả đạt được của cả học sinh nam và học sinh nữ; giảm sự căng thẳng về bình đẳng giới để loại bỏ ấn tượng sâu sắc về giới tính; cung cấp các thiết bị, chương trình và quá trình dạy học phù hợp, lôi cuốn trẻ em nữ.
5. Khuyến khích nâng cao chất lượng đầu ra (Promotes quality learning outcomes):
- Khuyến khích trẻ em phát triển tư duy phê phán, đặt câu hỏi, phát biểu ý kiến, học cách tự học; giúp trẻ nắm được những kĩ năng cần thiết về nghe, nói, đọc, viết, tính toán, những hiểu biết và kĩ năng chung theo yêu cầu của cuộc sống trong thế kỷ mới, bao gồm: những hiểu biết hữu ích về truyền thống, giá trị của hoà bình, dân chủ và chấp nhận tính đa dạng của nhân loại.
6. Cung cấp giáo dục dựa trên hiện thực cuộc sống của trẻ (Provides education based on the reality of children‟s lives)
Cần đảm bảo rằng nội dung chương trình phản ánh nhu cầu học tập của mỗi người học cũng như mục tiêu chung của chương trình giáo dục, bối cảnh địa phương và hiểu biết truyền thống của gia đình và cộng đồng.
7. Linh động và đáp ứng được sự đa dạng (Is flexible and responds to diversity):
- Đáp ứng được những nhu cầu và hoàn cảnh khác nhau của người học (ví dụ: về giới tính, văn hoá, tầng lớp xã hội, năng lực của bản thân)
8. Hành động để đảm bảo sự tham gia, sự tôn trọng, sự bình đẳng về cơ hội cho tất cả trẻ em (Acts to ensure inclusion, respect, and equality of opportunity for all children)
Không rập khuôn, loại bỏ hoặc phân biệt trên nền tảng sự khác biệt của mỗi cá nhân.
9. Nâng cao sức khoẻ về cả thể chất và tinh thần. (Promotes mental and physical health):
Nhà trường cần cung cấp sự hỗ trợ về mặt tình cảm, khuyến khích những hoạt động nâng cao sức khoẻ, đảm bảo một môi trường vệ sinh, an toàn và vui vẻ.
10. Tạo điều kiện để tất cả trẻ em đều được tiếp cận với giáo dục, đặc biệt là những trẻ em và gia đình trong nhóm có nguy cơ nguy hiểm cao nhất.
(Provides education that is affordable and accessible, especially to children and families most at-risk)
11. Nâng cao năng lực, lòng nhiệt tình, sự cam kết và vị thế của giáo viên (Enhances teacher capacity, morale, commitment, and status)
Cần đảm bảo rằng giáo viên trong trường đã được đào tạo bài bản trước đó, có được thu nhập, vị thế và sự phát triển chuyên nghiệp, sự hỗ trợ thường xuyên của các cấp quản lý giáo dục.
12. Tập trung vào gia đình (Is family focused )
Tập trung nỗ lực hợp tác và tăng cường sức mạnh của gia đình; giúp trẻ em, gia đình và thày, cô giáo thiết lập được những mối quan hệ hợp tác và hoà thuận.
13. Dựa vào cộng đồng (Is community-based)
Tăng cường sự kiểm soát nhà trường thông qua cách tiếp cận phi tập trung, dựa vào cộng đồng; khuyến khích cha mẹ, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và các tổ chức khác ở địa phương tham gia quản lý cũng như cung cấp nguồn lực tài chính cho giáo dục; đẩy mạnh mạng lưới liên kết và các mối quan hệ cộng đồng tập trung vào quyền lợi và hạnh phúc của trẻ em.