1.2.3.1 Nhân tố chủ quan
Trình độ phẩm chất của cán bộ thẻ
Cán bộ thẻ là những người thường xuyên và trực tiếp tiếp xúc hàng ngày với khách hàng và hoạt động kinh doanh thẻ của ngân hàng. Kiến thức chuyên môn về thẻ ngân hàng và ý thức của đội ngũ cán bộ thẻ có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và ngăn ngừa các hành vi gian lận trong hoạt động thẻ.
Bên cạnh năng lực và trình độ chuyên môn thì phẩm chất cán bộ thẻ cũng rất quan trọng. Một cán bộ có trình độ cao, năng lực tốt nhưng thiếu đạo đức nghệ nghiệp thì rất dễ dẫn đến những hành vi gian lận, dựa vào trình độ chuyên môn của mình để thực hiện các hành vi lừa đảo, gây tổn thất nghiệm trọng cho ngân hàng.
Sự phát triển công nghệ ngân hàng:
Thẻ ngân hàng là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ra đời trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại trong lĩnh vực ngân hàng. Công nghệ ngân hàng càng phát triển, tính bảo mật của sản phẩm thẻ càng được nâng cao, thẻ càng khó làm giả. Tuy nhiên nếu thiếu đồng bộ, hoặc lựa chọn công nghệ không phù hợp sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường. Vì thế có thể nói công nghệ là một trong những nhân tố quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh thẻ.
Chiến lược kinh doanh, các quy trình, chính sách kinh doanh thẻ:
Chiến lược kinh doanh bao gồm các chiến lược dài hạn, các kế hoạch kinh doanh và các chương trình phát triển sản phẩm thẻ trong từng thời kỳ, từng giai đoạn của ngân hàng, các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình triển khai các sản phẩm dịch vụ thẻ mới. Riêng đối với chiến lược dài hạn của ngân hàng, việc xác định mức độ rủi ro có thể chấp nhận trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung và hoạt động thẻ nói riêng sẽ điều chỉnh toàn bộ hoạt động quản lý rủi ro thẻ của ngân hàng. Nếu
việc xác định chiến lược không đúng đắn, sẽ dẫn đến những tổn thất không lường trước và việc khắc phục hậu quả mất rất nhiều thời gian và công sức.
Chất lượng của công tác thẩm định khách hàng:
Thẩm định khách hàng trong kinh doanh thẻ là việc ngân hàng phân tích, đánh giá năng lực pháp lý, năng lực tài chính của khách hàng để quyết định đồng ý hay từ chối phát hành thẻ cho khách hàng hoặc làm đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ của ngân hàng. Chất lượng công tác thẩm định cao tức là ngân hàng đã lựa chọn cho mình những khách hàng tốt, từ chối những khách hàng có ý định lừa đảo, hạn chế được rủi ro chủ thẻ không thanh toán cho Ngân hàng, ĐVCNT lừa đảo chiếm dụng vốn của ngân hàng.
Công tác quản trị, điều hành
Để đáp ứng một cách tốt nhất các yêu cầu của khách hàng thì cần có sự phối hợp nhịp nhàng và thống nhất giữa các phòng ban trong ngân hàng. Việc tổ chức và quản lý ngân hàng một cách khoa học, chặt chẽ là cơ sở để tiến hành các nghiệp vụ cho vay lành mạnh, nâng cao chất lượng cho vay và phát hành thẻ.
1.2.3.2 Nhân tố khách quan
Nhân tố thuộc về khách hàng:
Khách hàng là người trực tiếp sử dụng thẻ để thanh toán. Chủ thẻ sử dụng thẻ đúng cách sẽ đảm bảo việc thực hiện giao dịch thanh toán thành công và an toàn. Nếu chủ thẻ có nhận thức đầy đủ, chính xác về thẻ và thanh toán thẻ cũng như các biện pháp an toàn sử dụng thẻ sẽ hạn chế rủi ro trong các hoạt động thanh toán thẻ và ngược lại. Vì thế ở các quốc gia phát triển nơi thẻ ngân hàng được sử dụng rộng rãi, rủi ro trong quá trình sử dụng và chấp nhận thẻ sẽ thấp hơn các quốc gia mới bắt đầu làm quen và phát triển phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt này.
Môi trường kinh tế:
Nền kinh tế là một hệ thống gồm nhiều hoạt động kinh tế có quan hệ biện chứng và ràng buộc lẫn nhau. Bất kỳ sự biến động của một hoạt động kinh tế nào cũng gây ảnh hưởng lên các hoạt động khác. Hoạt động của ngân hàng thương mại trong nền kinh tế giống như một chiếc cầu nối. Vì vậy một sự thay đổi trong nền kinh tế cũng có tác động nhất định đến hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động thanh toán thẻ. Tốc độ phát triển của nền kinh tế, đặc điểm nền kinh tế cũng đem lại những rủi ro tiềm ẩn trong kinh doanh thẻ. Chu kỳ suy thoái của nền kinh tế, tình trạng bất ổn, biến động lạm phát, ngân sách, giá cả cũng là những nhân tố ảnh hưởng đến dịch vụ thẻ…
Môi trường pháp lý :
Các yếu tố pháp lý, chính sách của nhà nước có ổn định hay không cũng tác động lớn đến sự phát triển của hoạt động thẻ ngân hàng. Một môi trường pháp lý hoàn thiện, chặt chẽ rõ ràng đầy đủ hiệu lực và đồng bộ mới có thể đảm bảo cho quyền lợi của tất cả các bên tham gia hoạt động phát hành, thanh toán và sử dụng thẻ, đảm bảo cho hoạt động thẻ đi theo một quỹ đạo nhất định nhằm hạn chế rủi ro.
Môi trường tự nhiên:
Việt Nam là một nước nhỏ nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa thường xuyên phải chịu nhiều thiên tai như bão lụt, hạn hán. Những yếu tố này đã ảnh hưởng không nhỏ đến người dân, nhu cầu chi tiêu, thanh toán của họ. Mặt khác, thiên tai lũ lụt còn có thể làm hỏng hoặc gây ra những sự cố liên quan đến hệ thống công nghệ thông tin, cột ATM, POS… gây ra một số rủi ro trong hoạt động phát hành và thanh toán thẻ.
Kết luận Chương 1
Trong chương 1, tác giả đã trình bày một cách khái quát về rủi ro thẻ tín dụng và quản trị rủi ro tín dụng trong mảng kinh doanh thẻ tín dụng. Về cơ bản rủi ro thẻ tín dụng cũng có những đặc điểm rủi ro của tín dụng thông thường và các dạng rủi ro chỉ có trong đặc thù kinh doanh thẻ tín dụng như tạo thẻ giả, ăn cắp, gian lận thẻ …..
Quản trị rủi ro thẻ tín dụng là quá trình xây dựng và thực thi các chiến lược, các chính sách quản lý trong quá trình vận hành của thẻ tín dụng từ các khâu thẩm định phát hành đến quá trình sử dụng thẻ để thanh toán lưu thông thay thế tiền mặt trên thị trường.
Hoạt động quản lý rủi ro trong kinh doanh thẻ bao gồm các nội dung cơ bản sau:
- Phát hiện và phân tích rủi ro tiềm tàng: bao gồm nhận định các rủi ro có thể
phát sinh; phân tích và xác định các tác động và hậu quả có thể phát sinh về mặt định tính và định lượng khi rủi ro xảy ra.
- Xây dựng chính sách quản lý rủi ro: xác định các mục tiêu đạt được; phân
nhóm các loại rủi ro; xác định mức độ thiệt hại tối đa có thể chấp nhận được; trách nhiệm cụ thể của các chủ thể có liên quan; xác định phương hướng và các biện pháp phòng ngừa rủi ro;
- Triển khai chính sách quản lý rủi ro: trên cơ sở phân bổ các nguồn lực của
ngân hàng (chi phí, nhân sự, cơ cấu tổ chức...) áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro như: các biện pháp kỹ thuật, công nghệ, biện pháp an ninh mạng; các biện pháp nghiệp vụ cần thiết nhằm bảo đảm bí mật thông tin hoạt động thẻ; công tác lưu trữ dữ liệu; chế độ báo cáo; kiểm tra kiểm soát nội bộ…
- Đánh giá kết quả đạt được: Thường xuyên kiểm tra đánh giá các kết quả đạt
được, đồng thời rút kinh nghiệm để quá trình quản lý rủi ro ngày càng hoàn thiện hơn. Các hoạt động này được thực hiện liên tiếp nhau, tạo thành một quá trình chặt chẽ, khâu trước định hướng cho khâu sau.
Cơ sở lý thuyết trên làm nền tảng cho tác giả để phân tích các chương tiếp theo. Theo đó trong khuôn khổ đề tài này, tác giả tiến hành phân tích thực trạng Quản trị rủi ro thẻ tín dụng tại Ngân hàng TMCP Nam Việt chi nhánh Kiên Giang theo khung lý thuyết trên.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG PHÁT HÀNH VÀ CÔNG TÁC QUẢN TRỊ RỦI RO THẺ TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG TMCP NAM VIỆT CHI NHÁNH KIÊN GIANG
GIAI ĐOẠN 2010 - 2013