Bối cảnh chính trị xã hộ

Một phần của tài liệu Đặc điểm ngôn ngữ của văn bản hành chính trong Châu Bản triều Nguyễn(chiếu, chỉ, dụ, tấu, biểu, tư (Trang 55)

2. Lịch sử vấn đề 3 Mục tiêu nghiên cứu

2.1.1. Bối cảnh chính trị xã hộ

Triều Nguyễn chính thức được thành lập vào năm 1802 sau khi Gia Long Nguyễn Ánh hoàn thành công cuộc quy cả ba miền Bắc, Trung, Nam về một mối. Tiếp nối các triều đại phong kiến trước, bộ máy hành chính và hệ thống văn bản hành chính triều Nguyễn thời kỳ đầu được xây dựng trên cơ sở tham khảo hệ thống hành chính các triều Minh – Thanh với các đặc điểm: độc tôn Nho giáo, áp dụng chế độ tuyển quan lại bằng hình thức khoa cử, toàn bộ chương trình học và các dạng tài liệu, văn bản đều sử dụng hoàn toàn bằng ngôn ngữ Hán văn. Những văn bản hành chính bằng chữ Nôm trọng dụng trong triều đại Tây Sơn thời kỳ này vẫn tiếp tục tồn tại nhưng rất hạn chế, chủ yếu sử dụng tại những cơ quan sự vụ cấp làng xã huyện dưới dạng đơn từ, trình bẩm hoặc trong các sự vụ không phải chính yếu dưới dạng bản sao dịch lại từ bản gốc chữ Hán.

Để củng cố địa vị của mình, triều Nguyễn tiếp tục truyền thống bang giao mềm mỏng với Trung Quốc từ những triều trước. Là thời kỳ suy yếu nhất của phong kiến Việt Nam trên phương diện kinh tế, chính trị, quân sự, triều Nguyễn phải nương tựa rất nhiều vào triều Thanh tại Trung Quốc và các thế lực quân sự di cư từ Trung Hoa. Theo hệ lụy, hệ thống văn bản hành chính chữ hán giai đoạn này cũng tuân thủ và bị quản thúc theo khuôn mẫu của thiên triều chặt chẽ hơn so với các triều đại trước, nhất là ở phương diện ngôn ngữ. Về công tác đối nội, các hoàng đế nhà Nguyễn trọng dụng các sỹ phu, trong đó có tầng lớp sỹ phu Bắc Hà – vốn không được hoàng đế Quang Trung, Nguyễn Huệ coi trọng khi còn nhà nước Tây Sơn. Chính tầng lớp sỹ phu này đã giúp triều Nguyễn xây dựng nên hệ thống khoa cử và các văn bản khoa cử tiếp nối được truyền thống các đời trước và tiếp thu những biến đổi cải tiến từ triều Thanh.

Khi hệ thống nhà nước mới đi vào ổn định và đạt được thành tựu bước đầu, nhà Nguyễn phải đương đầu với một biến động mới làm đảo lộn hoàn toàn các thể chế đã cố công xây dựng trước đó là sự xâm lược và đặt chế độ bảo hộ của đế quốc

Pháp. Bế quan tỏa cảng để đảm bảo quyền lực không được, nhà Nguyễn đành mở cửa để các nước phương Tây vào thông thương, trong đó Pháp là quốc gia thông thương chính, nhưng ra chính sách ngăn cấm đạo Thiên Chúa. Tư tưởng và chính sách bài đạo này thể hiện rất rõ trong các văn bản hành chính của triều đình Huế khi gọi đạo Thiên Chúa là tà đạo, tả đạo, tổ chức các hoạt động quân sự, vây bắt người theo đạo. Lấy lý do này, năm Tự Đức 9 (1856) Pháp bắn phá Đà Nẵng, tới năm 1858 quay lại chiếm đánh và hạ hai (02) thành An Hải, Tôn Hải. Năm 1859, Pháp tiến đánh Gia Định và san phẳng thành này rồi nhân thế thắng trở ra hạ thành Đà Nẵng, đến 1862 thì chiếm luôn Biên Hòa và Vĩnh Long, buộc triều Nguyễn ký bản hòa ước ngày 9 tháng 5 năm Nhâm Tuất nhượng đất ba (03) tỉnh Nam Kỳ: Gia Định, Biên Hòa và Định Tường. Năm 1867, Pháp đánh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, vua tôi nhà Nguyễn biết thế không chống nổi phải giao đất sáu tỉnh Nam Kỳ, từ đây Nam Kỳ nằm dưới sự bảo hộ của đế quốc Pháp. Sáu năm sau Pháp ra Bắc Kỳ, tấn công và hạ thành Hà Nội, trong 20 ngày chiếm liền bốn (04) tỉnh, khi gặp phải nghĩa quân hắc kỳ do Lưu Vĩnh Phúc thống lĩnh mới chịu dừng bước. Sau thất bại tại trận địa phục kích của quân hắc kỳ tại Cầu Giấy, Pháp tạm đình chiến và tiến tới ký với triều đình Huế hòa ước Giáp Tuất (1874) giao trả bốn (04) tỉnh đã chiếm, ngược lại triều Nguyễn phải công nhận Nam Kỳ thuộc về Pháp. Đến năm 1881, Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai (02), tái hạ thành Hà Nội và đánh thêm các thành khác. Thất thế, triều đình Huế buộc phải hòa ước Quý Mùi (1883) nhường một số đất và công nhân Việt Nam nằm dưới sự bảo hộ của đế quốc Pháp. Về phía Pháp, sau khi ký kết thành công với Trung Quốc hòa ước Fournier năm Giáp Thân (1884) để công nhận quyền bảo hộ của mình tại Việt Nam liền sai công sứ Patenôtre sang ta sửa lại hòa ước Quý Mùi do Harmand ký trước đó, cùng Phạm Thận Duật, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết ký bản hòa ước mới (hòa ước Patenôtre) chia lãnh thổ của triều Nguyễn hiện tại thành Trung kỳ và Bắc kỳ, trên giấy tờ ghi bảo hộ Bắc Kỳ, bảo trợ Trung Kỳ, nhưng thực chất bảo hộ cả hai (02) kỳ, hoàn thành công cuộc xâm lược của mình.

Song hành với lấn chiếm bằng quân sự, đế quốc Pháp cũng xây dựng một hệ thống hành chính và trường học đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho chính quyền và hệ thống kinh tế tại Đông Dương. Từ chỗ được tiếp xúc với văn hóa, ngôn ngữ phương Tây qua các nhà truyền giáo và thuyền thương, nay nhà Nguyễn buộc phải thay đổi hệ thống, chấp nhận kết hợp sử dụng hệ thống văn bản mới do chính phủ Pháp đặt ra. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhà nước phong kiến Việt Nam trung đại xuất hiện một hệ thống văn bản không chỉ bằng chữ Hán tiếp thu từ Trung Hoa mà còn song hành với các văn bản bằng tiếng Pháp, đặc biệt là các văn bản bằng chữ quốc ngữ, giúp người dân bình thường lần đầu tiên hiểu được ý nghĩa các văn bản triều đình ban ra. Những thay đổi này còn tác động mạnh đến chính hệ thống văn bản bằng chữ Hán, nhiều nhất là ở mặt từ vựng, tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới mẻ cho chữ Hán tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu Đặc điểm ngôn ngữ của văn bản hành chính trong Châu Bản triều Nguyễn(chiếu, chỉ, dụ, tấu, biểu, tư (Trang 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(192 trang)