Đây được coi là một yếu tố sống còn trong cuộc cạnh tranh giữa các nền báo chí. Việc tăng cường chất lượng thông tin bao hàm cả yếu tố về nội dung và hình thức của tác phẩm. Xu hướng này có liên quan mật thiết với xu hướng đa dạng về đề tài. Việc đa dạng về đề tài thực ra cũng chính là việc khai thác những nguồn thông tin phong phú từ mọi lĩnh vực trong đời sống một cách hiệu quả hơn, chất lượng hơn. Từ một khía cạnh khác, có thể thấy rằng xu hướng này cũng đang là một yếu tố khách quan đặt ra đối với từng tác giả viết phóng sự.
Chất lượng thông tin trong tác phẩm được thể hiện ở sự hấp dẫn, lý thú và bổ ích và các yếu tố khác như sự mới lạ, sự độc đáo. Cao hơn là yêu cầu về phẩm chất của thông tin mà giá trị xã hội của nó tạo ra tới dư luận xã hội. Điều này là một nhiệm vụ đặt ra cho các nhà báo khi sáng tạo tác phẩm báo chí, nhất là các nhà báo viết phóng sự. Với bối cảnh đời sống báo chí hiện đại, các tờ báo luôn tìm cách đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin cho tờ báo của mình. Tờ báo nào làm được điều đó mới thu hút sự quan tâm ngày càng nhiều của công chúng. Có thể khẳng định rằng: phóng sự báo chí ở nước ta đã đáp ứng được những yêu cầu về sự bổ ích và
hấp dẫn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các tờ báo có quyền viết ra những tác phẩm mang tính chất giật gân, câu khách, thông tin sai sự thật.
Các nhà báo có thể đề cập một cách thẳng thắn đến những số phận, những sự việc, vấn đề mà thời kỳ trước ít có điều kiện nói tới. Trong cuộc sống hàng ngày có biết bao những số phận, sự việc, vấn đề được các tác giả viết lên không hề tô vẽ. Đó có thể là những số phận có hoàn cảnh khó khăn nhưng họ đã vượt lên ra khỏi sức tưởng tượng của mọi người. Với cách viết đơn giản của nhà báo đã gây được sự đồng cảm của độc giả trước những số phận, con người đó.
Bên cạnh việc khai thác các yếu tố về sự bổ ích và hấp dẫn, việc khai thác cái mới lạ cũng là một trong những thủ pháp quan trọng trong việc tăng cường chất lượng thông tin trong các tác phẩm phóng sự. Trong những năm vừa qua có không ít tác phẩm được đăng tải trên các báo có những bài viết như vậy. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhà báo cũng có thể phát hiện ra được vấn đề hay, mới lạ để viết. Chính cái đó quyết định giá trị của tác phẩm. Bởi lẽ đó, khi nói đến việc tăng cường chất lượng thông tin trong phóng sự, xét cho cùng lại vẫn là đề cập tới thế giới quan và đặc biệt là tài năng của mỗi tác giả.
Ba tờ báo mà tác giả tiến hành khảo sát trong luận văn đều thể hiện năng lực trong việc tăng cường chất lượng thông tin trong tác phẩm khá hiệu quả. Phóng sự
“Băm nát quy hoạch trước ngày Thủ đô mở rộng: Đua nhau ôm đất, lập dự án” của
tác giả Đặng Vương Hạnh và Phùng Công Sưởng (Báo Tiền Phong, Số ra ngày 24/03/2009) là một phóng sự như vậy. Bài viết phản ánh về việc quá nhiều dự án bất động sản, tình trạng thiếu quy hoạch tổng thể, phê duyệt và cấp phép đầu tư tràn lan đã dẫn đến mất cân đối về việc phân bố các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội mở rộng. Không ít chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc chỉ có mục đích ôm đất khiến nhiều dự án được phê duyệt, giao đất hàng năm trời nhưng vẫn chỉ là bãi trống…Thông qua việc phản ánh thực trạng thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên quý giá là đất đai, đồng thời cũng cảnh báo hệ lụy của việc ồ ạt thu hồi đất nông nghiệp đối với vấn đề tam nông đang nóng bỏng hiện nay. Khi số lượng các dự án nhà đất, đô thị tăng lên thì số lượng nông dân mất đất, đối mặt tình trạng mất
việc làm cũng tăng mạnh. Vấn đề đặc biệt nóng tại Quốc Oai (Hà Nội) nơi có nhiều xã bị thu hồi gần như hết đất nông nghiệp, có nơi chỉ còn mỏm núi là không bị các dự án quây chiếm. Với phóng sự này, hai tác giả đã được trao giải C Giải Báo chí quốc gia năm 2009.