Trung Quốc là quốc gia có đất tự nhiên rộng, người đông nhưng tỷ trọng đất canh tác trong tổng số đất tự nhiên nhỏ (chiếm 10,8%), đất canh tác bình quân đầu người thấp. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là một trong những nước hàng đầu trên thế giới về xuất khẩu nông sản (đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gạo, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu chè, đứng số một thế giới về xuất khẩu rau quả, thịt lợn). Có được những thành tựu như vậy là do Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách nhằm chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tích cực, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, sản xuất nhiều nông sản hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, Trung Quốc cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu nông sản.
Tăng đầu tư cho khoa học kỹ thuật nông nghiệp: Trung Quốc chú trọng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư cho nghiên cứu giống tốt, phân bón hoá học, phòng trừ sâu bệnh cho những cây nông nghiệp có khả năng tăng sản, hiệu quả cao. Do vậy, chất lượng nông sản xuất khẩu của Trung Quốc luôn đảm bảo.
Khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu: Trung Quốc tập trung sản xuất các sản phẩm có ưu thế như ngũ cốc, cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và chăn nuôi lợn. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao như các giống lai (lúa lai, ngô lai).
Thực hiện chính sách ưu tiên xuất khẩu: như hạ thuế xuất khẩu, đa dạng hoá các hình thức xuất khẩu kể cả hình thức xuất khẩu phi mậu dịch, thực hiện xóa bỏ thuế nông nghiệp và phụ thu thuế nông nghiệp, trợ cấp cho nông dân sản xuất lương thực; xoá bỏ những kiểm soát mang tính kế hoạch trong sử dụng ngoại hối.
Chính sách cạnh tranh bằng giá của các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc cũng là một chính sách nổi bật nhằm xúc tiến xuất khẩu nông sản. Ở khắp các thị trường trên thế giới, hàng nông sản của Trung Quốc luôn có mức giá thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại của các nước khác. Chính phủ Trung Quốc cũng linh
hoạt né tránh các qui định của luật bán phá giá của các nước chủ nhà. Chính phủ Trung Quốc không tiến hành trợ cấp và trợ giá cho các doanh ghiệp nhưng đã tạo ra một môi trường kinh doanh có chi phí thấp cho các doanh nghiệp nên cơ cấu giá thành hợp lý, giá cả các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc luôn rẻ.
Trung Quốc cũng xây dựng các cơ quan chuyên trách xúc tiến thương mại (China Council for the Promotion of International Trade - CCPIT, International Exhibition Center Group Corporation - CIEC) nhằm tổ chức hội chợ triển lãm trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia hội chợ quốc tế lớn trên thế giới, hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực như xây dựng thương hiệu, tư vấn pháp luật, … Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi trong công tác xúc tiến, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, tìm kiếm đối tác, phát triển thị trường.