trình XTXK nông sản
1.3.1.1. Thái Lan
Thái Lan là một nước nằm trong khu vực Đông Nam Á, có điều kiện tự nhiên và xuất phát điểm kinh tế khá tương đồng với Việt Nam. Là một nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, cơ cấu sản phẩm nông nghiệp của Thái Lan và của Việt Nam tương đối giống nhau với những sản phẩm chính là nông sản và rau quả nhiệt đới. Thái Lan cũng vốn là một nước nông nghiệp truyền thống với dân số nông thôn chiếm khoảng 80% dân số cả nước, nông nghiệp Thái Lan trong hàng thập kỷ qua có vai trò quan trọng, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân.
Là quốc gia có nền nông nghiệp tương đồng với Việt Nam, thậm chí có những điều kiện còn hạn chế hơn nhưng Thái Lan đã vươn lên trở thành nước đứng đầu về xuất khẩu nông sản trong khu vực và trên thế giới với giá trị cao hơn hẳn Việt Nam. Trên thị trường quốc tế, hàng nông sản của Thái Lan là đối thủ cạnh tranh rất lớn với Việt Nam và thực tế là nhiều mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với hàng Thái Lan ngay cả trên thị trường nội địa. Nông nghiệp Thái Lan có được thành công như vậy là do Chính phủ Thái Lan xác định hướng chiến lược là xây dựng nền nông nghiệp với chất lượng cao, có sức cạnh tranh mạnh, từ đó Chính phủ tích cực chỉ đạo thực hiện các hoạt động xúc tiến xuất khẩu để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra đối với ngành nông nghiệp.
Những năm gần đây, Thái Lan tập trung mũi nhọn phát triển mạnh hàng chế biến nông sản và công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Hiện Thái Lan có tới hơn 1/4 số xí nghiệp gia công sản phẩm được xây dựng ngay tại nông thôn, nhờ đó đã tạo dựng sự vững mạnh và ổn định về kinh tế cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân. Bên cạnh đó, Chính phủ còn chú trọng xây dựng các tổ chức nông nghiệp và phát triển hệ thống điều hành nông nghiệp và nông thôn trên cơ sở sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách khoa học và hợp lý hướng tới phát triển bền vững.
Để thúc đẩy phát triển bền vững xúc tiến xuất khẩu nông sản, Thái Lan đã thực hiện tăng cường vai trò các cá nhân và các tổ chức xúc tiến thương mại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh phong trào học tập, nâng cao trình độ xúc tiến thương mại của từng cá nhân và tập thể thông qua các khoá đào tạo chuyên môn. Đối với các sản phẩm nông sản, Nhà nước tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản bằng việc tăng khả năng tổ chức và tiếp thị thị trường, phân bổ khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách khoa học và hợp lý, thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất lúa và các loại cây trồng nông nghiệp khác đặc biệt là các loại cây trồng phục vụ xuất khẩu.
Xuất khẩu nông sản của Thái Lan thời gian qua đạt được những thành tựu đáng kể một phần là nhờ Chính phủ đã thực hiện đồng bộ nhiều chính sách có tác dụng trực tiếp cũng như gián tiếp tới đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông sản. Cụ thể:
Chính sách phát triển nông nghiệp: Bộ Nông nghiệp Thái Lan thực hiện kế hoạch cơ cấu lại mặt hàng nông sản của Bộ Nông nghiệp Thái Lan, nhằm mục đích nâng cao chất lượng và sản lượng của 12 mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn, trong đó có các mặt hàng: gạo, dứa, tôm sú, gà và cà phê. Nhiều sáng kiến làm gia tăng giá trị cho nông sản được khuyến khích trong chương trình “Mỗi làng, một sản phẩm” (One Tambon, One Product – OTOP) và “Chương trình quỹ làng” (Village Fund Program).
Chính sách đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Chính phủ Thái Lan thường xuyên thực hiện chương trình quảng bá vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2004, Thái
Lan phát động chương trình “Năm an toàn thực phẩm” và “Thái Lan là bếp ăn của thế giới” (Thailand: Kitchen to the world). Mục đích chương trình này là khuyến khích các nhà chế biến và nông dân có hành động kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ở Thái Lan, đa số nông dân được chính phủ hướng dẫn và hỗ trợ cặn kẽ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt) từ khâu chọn cây giống cho đến bón phân, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, Chính phủ thường xuyên hỗ trợ cho doanh nghiệp cải thiện chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, thực phẩm chế biến của Thái Lan đều được người tiêu dùng ở các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU chấp nhận.
Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài: Chính phủ Thái Lan xúc tiến đầu tư, thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài vào liên doanh với các nhà sản xuất trong nước để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm thông qua việc mở cửa cho các quốc gia dù lớn hay nhỏ vào đầu tư kinh doanh. Thái Lan cũng định hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào việc khai thác đặc sản của từng vùng, thậm chí cả những vùng khó khăn nhất. Các dự án FDI trong nông nghiệp được miễn giảm 50% thuế nhập khẩu đối với các loại máy móc, thiết bị. Các dự án đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn và có sản phẩm xuất khẩu được miễn hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm. Chính sách này đã làm cho nền nông nghiệp Thái Lan có được những lợi thế về chất lượng và giá cả trên thị trường nông sản thế giới và tạo được thương hiệu tốt.
Về xúc tiến tiếp cận thị trường xuất khẩu, Chính phủ Thái Lan là người đại diện thương lượng với Chính phủ các nước để các doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu thực phẩm chế biến. Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan có chính sách trợ cấp ban đầu cho các nhà máy chế biến và đầu tư trực tiếp vào cơ sở hạ tầng như: Cảng kho lạnh, kho trữ lúa gạo, xây dựng sàn đấu giá, đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Cơ quan xúc tiến thương mại của Thái Lan (DEP) cũng thường xuyên tổ chức cho các doanh nghiệp Thái Lan tham gia các hội chợ quốc tế lớn trên thế giới nhằm tìm kiếm bạn hàng, thị trường.
Chính vì vậy bài học xây dựng chiến lược xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông sản của Thái Lan rất đáng để chúng ta học tập.