Hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng

Một phần của tài liệu hạn chế rủi ro tín dụng đối với khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần kiên long chi nhánh khánh hoà (Trang 85)

Nguyên nhân quan trọng làm phát sinh rủi ro tín dụng là do các ngân hàng chủ quan trong việc xây dựng hệ thống, chính sách, chế độ, qui chế, qui trình, thủ tục cấp tín dụng. Các qui trình, qui chế thường thiếu đồng bộ, không tuân thủ các qui định của Ngân hàng Nhà nước, thường quá thông thoáng và thiếu chặt chẽ. Để hạn chế rủi ro trong công tác tín dụng, KLB Khánh Hòa phải tham mưu lên cấp lãnh đạo và xây dựng văn bản một cách đồng bộ, có hệ thống, cụ thể như sau:

- Theo dõi, ban hành, và hướng dẫn đầy đủ, kịp thời các văn bản, chế độ liên quan đến công tác tín dụng theo đúng qui định, chủ trương của hệ thống KLB và Ngân hàng Nhà nước.

- Bổ sung, hoàn thiện các chính sách, chế độ, qui trình tín dụng … phù hợp với hoạt động thực tiễn, tình hình hoạt động của địa bàn, chi nhánh. Thường xuyên cập nhật các văn bản, qui định của KLB và của Ngân hàng Nhà nước, có ý kiến và tham mưu kịp thời lên các cấp lãnh đạo để các chính sách, văn bản phù hợp hơn.

- Chủ động và thường xuyên rà soát các văn bản liên quan đến công tác tín dụng đã ban hành, tuân thủ đúng qui trình, đảm bảo thực hiện đúng thời hạn hiệu lực, phù hợp nội dung giữa các văn bản chỉ đạo hoạt động tín dụng của Ngân hàng Kiên Long với các văn bản chỉ đạo khác còn hiệu lực của Ngân hàng Nhà nước. Đối với các văn bản hết hiệu lực cần loại bỏ, hoặc một số văn bản sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện hành cần theo dõi chặt chẽ, thực hiện đúng theo hướng dẫn.

- Xây dựng chính sách tín dụng hợp lý: Chính sách tín dụng là tổng thể các quy định của ngân hàng về hoạt động tín dụng nhằm đưa ra định hướng và hướng dẫn hoạt động của cán bộ ngân hàng trong việc cấp tín dụng cho khách hàng. Tổng thể các quy định này bao gồm toàn bộ các vấn đề liên quan đến cấp tín dụng như: quy mô, lãi suất, kỳ hạn, đảm bảo, phạm vi, các khoản tín dụng có vấn đề và các nội dung khác… Khi xây dựng chính sách tín dụng cần chú ý vào qui mô, tính chất của nguồn vốn, phải xác định các đối tượng có thể vay vốn, phương thức quản lý các hoạt động tín dụng, những ràng buộc về tài chính, các loại sản phẩm tín dụng khác nhau do ngân hàng cung cấp, phương thức quản lý các danh mục cho vay, thời hạn và điều kiện áp dụng cho các sản phẩm tín dung khác nhau, dựa vào kinh nghiệm của đội ngũ nhân viên, chính sách tài chính tiền tệ của nhà nước để xây dựng chính sách cho vay. Trong thời gian tới, để phát triển tín dụng an toàn và hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, chi nhánh nên tập trung cho vay tiêu dùng, hỗ trợ đối với các hộ buôn bán nhỏ lẻ, các loại hình kinh doanh xoay vòng vốn đảm bảo vốn được sử dụng đúng mục đích và kiểm soát dòng vốn cho vay, đây là loại hình mà chi nhánh có thế mạnh, trên cơ sở quy định cụ thể về chính sách cho vay đối với đối tượng này, có thể xây dựng thêm một số loại hình cho vay khác phù hợp với thời kỳ phát triển kinh tế năm 2014 của tỉnh Khánh Hòa.

Một phần của tài liệu hạn chế rủi ro tín dụng đối với khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần kiên long chi nhánh khánh hoà (Trang 85)