Pháp luật về giao dịch đảm bảo

Một phần của tài liệu hạn chế rủi ro tín dụng đối với khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần kiên long chi nhánh khánh hoà (Trang 92)

Đăng ký giao dịch bảo đảm là một trong những cách thức để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên nhận bảo đảm. Pháp luật về giao dịch bảo đảm của các nước đều thừa nhận giao dịch bảo đảm được đăng ký mang ý nghĩa công bố quyền lợi của bên nhận bảo đảm với người thứ ba và tất cả những ai xác lập giao dịch liên quan đến tài sản bảo đảm đều buộc phải biết về sự hiện hữu của các quyền liên quan đến tài sản bảo đảm đã được đăng ký.

Giao dịch bảo đảm là hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản theo đó bên bảo đảm cam kết với bên nhận bảo đảm về việc dung tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 về đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm ghi vào Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm việc bên bảo đảm dùng tài sản để báo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm.

Đối với bên nhận bảo đảm: Ngoài quyền truy đòi tài sản bảo đảm, việc đăng ký giao dịch bảo đảm còn giúp cho bên nhận bảo đảm có được thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm so với các chủ nợ khác. Trong trường hợp một tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, thì khi xử lý tài sản đó, thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên nhận bảo đảm được xác định căn cứ theo thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm. Về nguyên tắc “ ai đăng ký trước hoặc hoàn thiện lợi ích bảo đảm trước thì được ưu tiên trước”. Điều này có nghĩa bên nhận bảo đảm đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc hoàn thiện lợi ích bảo đảm (nắm giữ tài sản bảo đảm) sẽ được ưu tiên thanh toán trước. Như vậy, thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là một trong những cách thức để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên nhận bảo đảm với nhau. Một thực trạng tồn tại xảy ra ở một số trường hợp vay vốn tại ngân hàng Kiên Long là cán bộ kinh doanh không theo dõi kỹ ngày tháng đăng ký giao dịch đảm bảo hoặc đăng ký giao dịch đảm bảo sau khi đã tiến hành giải ngân cho khách hàng, điều này vô cùng nguy hiểm, gây ra những tổn thất và rủi ro cho chính ngân hàng, việc này do sự chủ quan, thiếu sót của cán bộ

tín dụng, thậm chí một số cán bộ tín dụng cố tình phớt lờ và không quan tâm đến việc đăng ký tài sản bảo đảm đối với tài sản thế chấp. Điều quan trọng nhất khi đăng ký giao dịch tài sản bảo đảm là đăng ký giao dịch bảo đảm sẽ cho phép các tổ chức tín dụng khi xử lý tài sản của khách hàng sẽ được hưởng thứ tự ưu tiên thanh toán theo thứ tự đã đăng ký nhằm hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Nên nếu cán bộ tín dụng không kiểm tra, theo dõi chính xác tài sản đảm bảo đang trong tình trạng như thế nào, có được thế chấp hay đăng ký giao dịch đảm bảo ở nơi nào hay không sẽ gây rủi ro, tổn thất cho Ngân hàng, ảnh hưởng uy tín của ngân hàng trên thị trường.

Đối với bên bảo đảm: Một trong những yêu cầu đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội là việc dung tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của bên bảo đảm. Bên bảo đảm vẫn giữ tài sản bảo đẩm và tiếp tục khai thác, sử dụng tài sản nhằm phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của mình. Thông qua cơ chế đăng ký giao dịch bảo đảm, bên bảo đảm vừa đạt được mục đích dùng tài sản để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ, vừa duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Chính nguồn lợi thu được từ việc khai thác tài sản bảo đảm sẽ giúp bên nhận bảo đảm từng bước thu hồi vốn, tái đầu tư và thanh toán được nợ cho bên nhận bảo đảm.

Hiện nay khi cho vay có tài sản bảo đảm các tổ chức tín dụng thường giữ bản chính các giấy tờ liên quan để chứng minh quyền sở hữu như quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe … của tài sản bảo đảm, tài sản thường giao cho bên bảo đảm giữ, điều quan tâm ở đây là các tổ chức tín dụng luôn tin tưởng là khách hàng không thể sử dụng tài sản này để làm tài sản bảo đảm vay vốn tại một tổ chức tín dụng khác, vì cho rằng tài sản đó chỉ có khả năng bảo đảm trả nợ tại một tổ chức tín dụng, ngân hàng luôn nghĩ khách hàng không còn bản chính các giấy tờ này để thực hiện hành vi lợi dụng. Tuy nhiên hiện nay vẫn đang tồn tại không ít trường hợp một tài sản nhưng lại có nhiều bản chính các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu. Vì khi chủ tài sản báo mất các giấy tờ liên quan chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thì đều được các cơ quan chức năng xem xét cấp lại giấy khác. Từ việc quản lý thiếu chặt chẽ trên, khách hàng có thể lợi dụng để có nhiều bản chính của một tài sản để thực hiện vay vốn tại nhiều tốt chức tín dụng khác

nhau và các cơ quan chức năng không phát hiện được. Đăng ký giao dịch bảo đảm giúp xác định liệu còn ai có quyền lợi liên quan đến tài sản đó hay không? Việc công khai hóa thông tin về giao dịch bảo đảm được đăng ký là một giải pháp để biết được những giao dịch bảo đảm liên quan đến tài sản bảo đảm đã tồn tại từ trước, những thông tin về giao dịch bảo đảm được lưu giữ và công bố rộng rãi, nhờ đó rủi ro pháp lý trong giao dịch sẽ được giảm thiểu, nhất là trong trường hợp tài sản bảo đảm vẫn do bên bảo đảm chiếm giữ và khai thác. Công khai thông tin về giao dịch bảo đảm là rất quan trọng trong hệ thống giao dịch bảo đảm hiện đại, giúp các tổ chức tín dụng đánh giá và phòng ngừa rủi ro, việc công khai hóa thông tin giúp hạn chế những tranh chấp phát sinh do các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận với thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm trước khi ký kết, thực hiện các giao dịch có liên quan đến tài sản đó.

Một phần của tài liệu hạn chế rủi ro tín dụng đối với khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần kiên long chi nhánh khánh hoà (Trang 92)