Nguyên nhân chủ quan

Một phần của tài liệu hạn chế rủi ro tín dụng đối với khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần kiên long chi nhánh khánh hoà (Trang 26)

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan mà chúng tôi đã đề cập ở trên còn có những nguyên nhân chủ quan dẫn đến rủi ro trong tín dụng.

- Nguyên nhân thứ nhất, rủi ro do các nguyên nhân đến từ phía khách hàng. Có thể khẳng định rằng đối tượng đi vay của ngân hàng không ai khác chính là khách hàng. Khi vay được vốn từ ngân hàng thì đối tượng trở thành chủ thể sử dụng nguồn vốn vay. Xét trên góc độ tâm lý của các chủ thể khách hàng thì ai cũng mong muốn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích để sinh lợi nhằm hoàn lại vốn cho ngân hàng, chi trả các chi phí và mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế không phải chủ thể nào cũng sử dụng nguồn vốn có hiệu quả mà ngược lại có thể thua lỗ thậm chí là mất trắng. Các chủ thể sử dụng nguồn vốn không hiệu quả này lại là một trong số các nguyên nhân chính gây nên rủi ro trong tín dụng. Thực tiễn cho thấy khả năng xảy ra rủi ro tín dụng xuất phát từ phía khách hàng là phổ biến nhất bởi khách hàng là người trực tiếp sử dụng vốn vay. Ở đây chúng tôi trình bày một số nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro tín dụng xuất phát từ khách hàng cá nhân như sau:

Thứ nhất là do khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, đầu tư vào các hoạt

động rủi ro cao dẫn đến thua lỗ không có thiện chí trong việc trả nợ vay. Đa số các khách hàng khi vay vốn ngân hàng đều có các phương án trả nợ cụ thể, khả thi. Ngân hàng sẽ xem xét phương án đó mới đưa ra quyết định cho vay. Tuy vậy, dù không được mong đợi, nhưng rủi ro vẫn luôn hiện diện trong mọi quyết định đầu tư của khách hàng và có thể biến những “giấc mơ ngọt ngào với những con đường trải đầy hoa” của khách hàng trở thành “quả đắng”. Tùy theo mức độ nặng hay nhẹ mà rủi ro có thể gây ra những thiệt hại về tài chính nhất định, hay thậm chí có thể đẩy

khách hàng vào tình trạng khánh kiệt, dẫn đến phá sản.

Bên cạnh nhiều khách hàng luôn có trách nhiệm để thanh khoản cho ngân hàng thì vẫn còn đó một số khách hàng thiếu trách nhiệm, không có thiện chí thanh toán nợ cho ngân hàng. Nguyên nhân là do khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, đầu tư vào các hoạt động rủi ro cao dẫn đến thua lỗ, thậm chí một số khách hàng cố ý lừa đảo ngân hàng để chiếm đoạt tài sản. Sự thiếu trách nhiệm và sự suy đồi về đạo đức của một số khách hàng đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề, liên quan đến uy tín của nhiều khách hàng khác. Một số khách hàng do chậm trả lãi một vài tháng nên họ có suy nghĩ họ đã mất uy tín đối với ngân hàng, nếu họ trả hết nợ cho ngân hàng thì ngân hàng sẽ không cho vay nữa. Một khi ngân hàng không cho vay nữa thì họ sẽ không có vốn để tiếp tục đầu tư nên mặc dù có tiền nhưng họ nhất định không trả, cố tình để cho khoản nợ bị quá hạn luôn. Trong trường hợp này ý chí trả nợ của khách hàng là rất kém, không có thiện chí trả nợ cho Ngân hàng.

Thứ hai là xuất phát từ khả năng tư duy kinh doanh của khách hàng còn non

kém nên hiệu quả kinh doanh không cao. Có nhiều khách hàng vay vốn nhằm mục đích mở rộng quy mô kinh doanh, quá trình thực hiện họ tập trung đầu tư phát triển tư liệu sản xuất, không chú ý đến việc phát triển sức lao động và đổi mới cách quản lý. Trong lúc quy mô kinh doanh ngày càng mở rộng thì phương thức quản lý vẫn xơ cứng dẫn đến sự rủi ro. Đa số các khách hàng có sự quản lý rất đơn giản, phương thức quản trị chủ yếu theo nguyên tắc thuận tiện dẫn đến nguy cơ rủi ro cao. Các quyết định thường mang tính chủ quan, chủ yếu dựa vào ý chí, kinh nghiệm của cá nhân nên dễ mắc sai lầm. Chưa chú trọng đến các hoạt động phân tích, đánh giá, kiểm tra, giám sát, v.v nên không phát hiện kịp thời các sai lầm, do vậy hậu quả của quyết định sai lầm thường rất nặng nề và khó sửa chữa.

Ngoài ra, còn có một số khách hàng bị lừa đảo trong kinh doanh hoặc đối tác của họ gặp rủi ro thì ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc thu nợ đúng hạn. Đối với những khoản vay tiêu dùng: do đa số những khoản vay tiêu dùng đều có thời hạn trên 1 năm, thời gian trả nợ dài nên những dự tính trong tương lai của khách hàng có thể gặp khó khăn do các nguyên nhân bất khả kháng như: Do tình trạng sức khoẻ, bệnh tật, hoặc mâu thuẫn trong gia đình, người vay bị thất

nghiệp, v.v tất các các nguyên nhân đó đều ảnh hưởng đến thu nhập thường xuyên của khách hàng.

Thứ ba là khách hàng cố tình cung cấp sai thông tin để lừa ngân hàng. Bên cạnh rất nhiều khách hàng minh bạch trong quá trình cung cấp thông tin cá nhân và tài sản sở hữu thì vẫn còn đó một số lượng không nhỏ khách hàng cố tình cung cấp sai sự thật về thông tin và tài sản thuộc chủ sở hữu gây khó khăn lớn cho việc thẩm định năng lực tài chính của khách hàng đối với cán bộ ngân hàng trong quá trình thẩm định. Độ tin cậy về năng lực tài chính, tính đúng đắn của thông tin khách hàng là “thước đo” mang tính thủ tục, không thể thiếu khi tiếp cận vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, một số khách hàng cố ý lừa ngân hàng thông qua việc cung cấp những thông tin không chính xác, hay cung cấp thông tin không đầy đủ, che giấu thông tin về bản thân như: quyền sở hữu tài sản, cố ý đưa ra số liệu sai sự thật, phản ánh không đúng thực trạng sản xuất kinh doanh và tình hình thu nhập của khách hàng. Những món cho vay trên cơ sở những thông tin giả như vậy dễ đưa đến rủi ro cho ngân hàng.

- Nguyên nhân thứ hai là rủi ro xuất hiện từ phía ngân hàng cho vay. Ngoài những nguyên nhân xuất phát từ phía người vay, từ môi trường khách quan có thể gây ra tình trạng rủi ro tín dụng, còn có những nguyên nhân chủ quan từ phía các ngân hàng:

* Ngân hàng không có chính sách cho vay rõ ràng, không phù hợp với thực trạng nền kinh tế. Chính sách cho vay của ngân hàng dành cho khách hàng là kim chỉ nam cho hoạt động tín dụng của ngân hàng. Một khi chính sách cho vay thống nhất, rõ ràng, đầy đủ và đúng đắn sẽ giúp cán bộ tín dụng xác định được nhiệm vụ của mình, nâng cao hiệu quả của hoạt động tín dụng. Ngược lại khi chính sách cho vay không đầy đủ, không phù hợp với thực trạng nền kinh tế và khả năng của ngân hàng thì sẽ làm cho hoạt động tín dụng đi lệch lạc, dẫn đến việc cấp tín dụng không đúng đối tượng gây nên rủi ro tín dụng cho ngân hàng. Một số ngân hàng chưa xây dựng được chiến lược quản trị rủi ro có khả năng thích ứng được với tình hình biến động của thị trường, đặc biệt là sự biến động theo xu hướng xấu. Do vậy, với tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong những năm gần đây cộng với sự biến động của kinh tế thị trường đã tạo ra một môi trường không thuận tiện cho sự kiểm soát rủi ro tín

dụng gặp nhiều khó khăn. Danh mục tín dụng của nhiều ngân hàng trong thời gian qua đã bị sự chi phối của thị trường. Ngân hàng chưa xây dưng được cho mình danh mục tín dụng phù hợp với khả năng chịu đựng rủi ro của mình.

* Chất lượng đội ngũ thấp, phẩm chất đạo đức kém của một số cán bộ ngân hàng. Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy đội ngũ nhân sự của các ngân hàng thương mại có trình độ chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ, kỹ năng nghề còn hạn chế. Nguyên nhân của thực trạng đó bắt nguồn từ việc tuyển chọn nhân sự, một số nhân sự khi tuyển vào có chuyên môn nhưng thiếu khả năng thực tiễn, một số khác có khả năng thực tiễn nhưng không nắm vững chuyên môn. Nguyên nhân đó dẫn đến việc phân tích thông tin, đánh giá khách hàng trong quá trình xác nhận thông tin, điều tra, thẩm định còn mang tính hời hợt, chủ quan duy ý chí làm cho việc tham mưu và quyết định cấp tín dụng kém chất lượng, hiệu quả thấp. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ tín dụng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tín dụng, sự hạn chế trong khả năng phân tích thẩm định phương án; kiến thức thị trường, kiến thức xã hội hạn chế có thể dẫn đến khi cho vay mà không đánh giá được liệu dự án hay phương án đó có khả thi không.

* Sự thả lỏng việc giám sát và quản lý nguồn vốn sau khi vay của ngân hàng đối với khách hàng. Việc giám sát và quản lý nợ sau khi cho vay cũng là một trong những công cụ hữu ích góp phần giảm thiểu rủi ro tín dụng. Khi ngân hàng cho vay thì khoản cho vay phải được quản lý một cách chủ động để đảm bảo được hoàn trả. Đây cũng là một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của cán bộ tín dụng nói riêng và của ngân hàng nói chung. Việc theo dõi hoạt động của khách hàng vay không những để tuân thủ các điều khoản đã đề ra trong hợp đồng tín dụng đã ký mà còn là điều kiện để tìm ra những cơ hội kinh doanh mới và mở rộng kinh doanh. Cán bộ tín dụng là người nắm rõ nhất tình hình của khách hàng của mình, việc kiểm tra sau khi vay chính là cơ hội để chia sẻ, tâm sự, tư vấn với khách hàng, để hiểu thêm họ đang cần gì và ngân hàng có thể giúp được gì cho họ. Tuy nhiên, do tâm lý ngại gây phiền hà cho khách hàng của một số cán bộ tín dụng, cũng như do hệ thống quản lý thông tin của cá nhân, doanh nghiệp còn lạc hậu, không cung cấp kịp thời những thông tin mà ngân hàng yêu cầu, vì vậy, công tác kiểm tra sau vẫn chưa được thực hiện tốt. Các ngân hàng thường có thói quen tập trung nhiều công sức

cho việc thẩm định trước khi cho vay mà lơi lỏng quá trình kiểm tra, kiểm soát đồng vốn sau khi cho vay. Khi ngân hàng cho vay thì khoản cho vay cần phải được quản lý một cách chủ động để đảm bảo sẽ đựơc hoàn trả.

* Sự phối hợp giữa các ngân hàng chưa chặt chẽ. Hiện nay có nhiều khách hàng cùng một lúc cầm tài sản đi thế chấp nhiều ngân hàng để vay vốn, mà các ngân hàng vẫn không phát hiện ra điều đó cho thấy sự hợp tác giữa các ngân hàng để hạn chế rủi ro chưa thực sự hiệu quả. Trong quản trị tài chính, khả năng trả nợ của một khách hàng là một con số cụ thể, có giới hạn tối đa của nó. Sự phối hợp không chặt chẽ giữa các ngân hàng dẫn đến việc nhiều ngân hàng cùng cho vay một khách hàng đến mức vượt quá giới hạn tối đa này thì rủi ro chia đều cho tất cả các ngân hàng.

Bên cạnh những nguyên nhân trên thì còn có những nguyên nhân khác như; nguyên nhân ngân hàng quá chú trọng về lợi tức, đặt mong muốn về lợi tức cao hơn các khoản cho vay lành mạnh, do vậy rủi ro của khoản vay càng cao. Nguyên nhân xuất phát từ sự cạnh tranh không lành mạnh với các ngân hàng khác để mong muốn có tỷ trọng cho vay nhiều hơn. Cạnh tranh không lành mạnh ở đây có thể hiểu rằng ngân hàng đã bỏ qua một số bước kiểm định các khoản cho vay, hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng...nhằm lôi kéo khách hàng. Nguyên nhân rủi ro do ngân hàng thiếu một cơ chế theo dõi, quản lý rủi ro, thiếu hạn mức tín dụng tối đa cho từng khách hàng thuộc các ngành nghề, địa phương khác nhau để phân tán rủi ro, chưa đủ các tiêu thức để đo lường rủi ro, rủi ro tối đa cho phép chấp nhận đối với từng khách hàng, nhóm khách hàng thuộc các ngành khác nhau.

Một phần của tài liệu hạn chế rủi ro tín dụng đối với khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần kiên long chi nhánh khánh hoà (Trang 26)