Đào tạo công chức là khâu quan trọng trong quản lý nhân sự và phát triển nguồn nhân lực khu vực công ở Cộng hòa Pháp. Việc đào tạo được tiến hành thường xuyên, liên tục theo kế hoạch hằng năm, có lộ trình dài hạn để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, từng ngành, từng địa phương.
Nhà nước bảo đảm công chức làm việc suốt đời, được đào tạo và đào tạo lại thường xuyên. Luật Công chức năm 1966 quy định: Đào tạo thường xuyên là bắt buộc đối với công chức. Có 2 loại hình đào tạo: Đào tạo ban đầu dành cho số công chức mới được tuyển dụng, đào tạo thường xuyên dành cho số công chức đã làm việc nhiều năm. Đây không chỉ là quyền lợi mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với công chức. Thời gian đào tạo thường xuyên cho mỗi công chức là 3-4 ngày/tháng. Hiến pháp cũng như Luật Công chức quy định như vậy nhằm bảo đảm cho công chức thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho công chức có thể thay đổi công việc ở trình đô cao hơn, tạo sự bình đẳng giữa công chức mới và cũ, giữa nam và nữ, mọi đối tượng đều có điều kiện thăng tiến.
Luân chuyển công chức ở Cộng hòa Pháp là thường xuyên. Công chức đang làm việc tại các bộ, cơ quan trung ương có thể điều chuyển, luân chuyển về làm việc tại các địa phương. Có 3 hình thức điều động, luân chuyển: (1) Điều chuyển theo quy chế, bắt buộc bốn năm một lần, nếu công chức từ chối việc điều chuyển sẽ bị xử lý, không được cất nhắc; (2) Điều chuyển không bắt buộc cho phép công chức chuyển ra ngoài; (3) Điều chuyển công chức lớn tuổi. Luân chuyển công chức lớn tuổi gặp nhiều khó khăn nhất, nếu không thực hiện sẽ lão hóa công chức nền hành chính công. Do đó phải động viên, hỗ trợ công chức lớn tuổi luân chuyển thông qua các chuyên gia tư vấn về thị trường lao động. Tất cả các cải cách đó nhằm tạo điều kiện cho công chức tăng khả năng thích nghi, thăng tiến trong sự nghiệp, đảm bảo tính cạnh tranh trong công việc.
Thay đổi quan niệm đào tạo để khắc phục tâm lý ỷ lại vào sự bảo đảm của Nhà nước, không quan tâm nâng cao trình độ. Mặt khác, ở Pháp người ta tổ chức kiểm tra, sát hạch đối với những công chức làm việc lâu năm, có kinh nghiệm trong công việc nhưng chưa được đào tạo ban đầu để cấp bằng hoặc chứng chỉ. Đây là cuộc cách mạng nhằm xóa bỏ “vách ngăn” giữa công chức đào tạo ban đầu và công chức làm việc lâu năm chưa được đào tạo.
Việc xây dựng kế hoạch đào tạo công chức được coi là một khâu quan trọng không thể thiếu trong tất cả các cấp của nền hành chính nhà nước. Kế hoạch đào tạo được tiến hành theo 4 bước: Tìm hiểu thực tế, đánh giá nhu cầu đào tạo, xây dựng nội dung đào tạo và tổ chức triển khai thực hiện. Nhu cầu đào tạo được xác định dựa trên các yếu tố bên trong và bên ngoài, dựa trên yêu cầu đào tạo của từng cá nhân công
chức và phải phù hợp, gắn kết với mục tiêu phát triển của đơn vị. Từ mục tiêu đào tạo tiến hành lựa chọn nội dung đào tạo cho sát hợp. Các cơ quan phải dành 3,8% quỹ lương cho đào tạo (có cơ quan dành 6%).
Ở Cộng hòa Pháp tuổi nghỉ hưu đối với người lao động kéo dài từ 60 đến 65. Từ đó, Chính phủ càng quan tâm đến đào tạo thường xuyên, liên tục cho công chức lớn tuổi và công chức trẻ để mọi người đều có cơ hội thăng tiến, được khuyến khích, làm việc, hưởng thụ và thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phù hợp với lợi ích chung của cơ quan, đất nước.