3.1 Về công tác quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn Tp. Nha Trang. Trang.
3.1.1 Công tác tổ chức, nhân sự:
Trong cải cách hành chính thuế, nếu cải cách thủ tục hành chính thuế là khâu đột phá thì vấn đề kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức thuế lại là trọng tâm. Bởi vì nếu xây dựng được một hệ thống thể chế tốt về thuế và thiết kế được mô hình tổ chức hành chính thuế tốt nhưng không có đội ngũ cán bộ công chức thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức, tâm huyết với công việc để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính thì mọi ý đồ cải cách hành chính thuế cũng không thể trở thành hiện thực được.
Từ ngày 01/07/2007 cơ chế NNT tự kê khai, tự nộp thuế được chính thức luật hóa tại Luật Quản lý thuế và áp dụng trong phạm vi toàn quốc. Theo cơ chế này NNT tự tính, tự kê khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế theo pháp luật thuế; cơ quan thuế thay đổi căn bản phương pháp quản lý theo hướng tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ NNT thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng thời trên nguyên tắc quản lý rủi ro đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, cưỡng chế nợ thuế, tập trung các biện pháp để phát hiện và xử lý NNT không tự nguyện tuân thủ pháp luật.
Thực tế hiện nay cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra ở Văn phòng Cục và Chi cục Thuế Nha Trang chỉ chiếm 19% (62 người/324 người) tổng số cán bộ công chức Thuế. Tỷ lệ này rất thấp so với chỉ tiêu phấn đấu chung của ngành là tối thiểu 30% nguồn lực. Thêm vào đó do giai đoạn trước năm 2005 ngành thuế hầu như không tuyển dụng thường xuyên, mỗi đợt tuyển dụng cách nhau khoảng 6 đến 7 năm nên hiện nay số cán bộ chuẩn bị về hưu ngày càng nhiều, chênh lệch về tuổi tác, kinh nghiệm giữa các lớp công chức khá lớn. Do đó ngành thuế Khánh Hòa cần tuyển dụng thêm biên chế cho hai bộ phận này. Về yêu cầu chuyên môn, đối với công chức tuyển dụng đầu vào đạt tối thiểu 70% có trình độ đại học, riêng tại Văn phòng Cục Thuế là 100%, ngoại ngữ trình độ C trở lên. Đối với cán bộ, công chức đang công tác cần được cập nhật văn bản mới kịp thời, được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn. Trong thời gian qua, Cục Thuế đã phối hợp với Trường Bồi dưỡng cán
bộ Tài chính trực thuộc Bộ Tài chính, trường Đại học Tài chính kế toán Quảng Ngãi thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo về nghiệp vụ. Tuy nhiên thực tế vận dụng chính sách vào cuộc sống là vấn đề không đơn giản do đó ngành Thuế cần tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm của công chức có thâm niên, vững về chuyên môn để lớp công chức sau được bổ sung thêm kiến thức thực tế.
Về công tác luân chuyển công chức trong ngành thuế Khánh Hòa: Theo quy định 3 năm cán bộ công chức phải luân chuyển vị trí công tác, trừ những trường hợp đặc biệt. Việc luân chuyển chủ yếu do phòng Tổ chức cán bộ căn cứ vào nhu cầu biên chế của các phòng /đội, đạo đức, chuyên môn của cán bộ công chức tham mưu lãnh đạo xem xét để luân chuyển. Thực tế hiện nay NNT đã chủ động tìm hiểu về chính sách thuế, do đó việc chấp hành chính sách thuế sẽ tốt hơn; cùng với sự đa dạng về hình thức, lĩnh vực kinh doanh, số lượng các cơ sở kinh doanh tăng lên buộc cán bộ, công chức thuế phải vững về chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp nên công tác luân chuyển cán bộ cần có sự kiểm tra kỹ, có thể tổ chức các đợt kiểm tra công khai.
Về công tác giáo dục đạo đức ngành Thuế: Việc NNT phản ánh tình trạng cán bộ Thuế gây phiền hà, tư vấn để NNT lách luật vẫn còn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, số thu của ngành Thuế. Do đó ngành Thuế nên có Qũy “ Dưỡng liêm”, quy chế chi tiêu quỹ này được ban hành cụ thể như chi cùng tiền lương hàng tháng của cán bộ, công chức thuế, mức chi ổn định không theo hệ số lương để đảm bảo thu nhập cho cán bộ, công chức thuế. Nếu cán bộ, công chức nào bị phản ánh vi phạm đạo đức, 10 điều kỷ luật ngành thuế sẽ bị phạt nặng (đuổi việc).