- Xác định ngưỡng quy mô kinh doanh, doanh thu ở mức độ nào bắt buộc thực hiện chế độ sổ sách, hóa đơn, chứng từ. Hiện nay nước ta có nền kinh tế đang phát triển, hình thức kinh doanh nhỏ lẻ còn tồn tại nhiều, vẫn còn hoạt động mua bán nằm ngoài sự quản lý của nhà nước nên việc thất thu thuế là điều không thể tránh khỏi. Nếu áp dụng chế độ sổ sách, hóa đơn, chứng từ cho tất cả người kinh doanh là điều không thể thực hiện. Về phía người kinh doanh, kinh doanh nhỏ lẻ, đơn giản nếu áp dụng chi phí lớn, ít hiểu biết nên họ sẽ không thực hiện. Về phía cơ quan thuế, không đủ nhân lực để kiểm tra việc chấp hành chính sách. Các nước trong khu vực Châu Á đã thực hiện chính sách này thành công, họ làm được điều này do quy trình sản xuất, phân phối, lưu thông cho đến tay người tiêu dùng đều khép kín, một công ty hoặc DN đảm nhận ( cung cấp vốn ban đầu, đầu tư kỹ thuật, nhân công, chế biến, bao bì, vận chuyển..) nên bắt buộc phải mở sổ sách, chứng từ theo dõi.
- Sửa đổi một số quy định trong chính sách thuế để hạn chế tình trạng lách luật, tạo tính liên kết, chặt chẽ trong hệ thống pháp luật thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
+ Đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán chỉ cho phép đăng ký với CQT tạm ngừng kinh doanh với lý do khách quan ( thiên tai, ốm nặng...), lý do chủ quan không cho phép để hạn chế việc các hộ kinh doanh cố tình trốn tránh nghĩa vụ thuế, đảm bảo công bằng cho những hộ thật thà dù trong tháng doanh thu ít nhưng vẫn duy trì hoạt động.
+ Chủ trương nộp thuế qua hệ thống ngân hàng, kho bạc là hoàn toàn hợp lý, tiến tới hiện đại hóa công tác thu NSNN. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu nên chọn hộ kinh doanh có ngưỡng đóng thuế tương đối lớn, cụ thế tiền thuế phát sinh bằng hoặc trên 1.000.000đ. Những hộ có tiền thuế phát sinh nhỏ để nhân viên ủy nhiệm thu thu.
- Bổ sung các quy định để bao quát được hoạt động kinh tế mới phát sinh trong kinh tế thị trường hội nhập cụ thể như hoạt động bán hàng qua mạng.
Hiện nay, ở Việt Nam hình thức bán hàng này chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ. Chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh hoạt động thu thuế chuyên sâu ở lĩnh vực này. Do vậy, cơ quan thuế cũng chưa có máy móc, nhân sự đủ tay nghề để quản lý thu thuế đối với những hoạt động kinh doanh trên mạng. Trước mắt, Chính phủ cần có quy định Bộ Tài chính, ngành ngân hàng, viễn thông, cơ quan cấp giấp phép hoạt động (Sở Kế hoạch đầu tư) phối hợp với cơ quan thuế để kiểm tra hoạt động kinh doanh của các trang mạng có kinh doanh, thu phí. Cụ thể:
Bộ Tài chính : Quy định hình thức kinh doanh qua mạng phải thanh toán qua ngân hàng.
Sở kế hoạch đầu tư: Kiểm tra chặt nội dung đăng ký kinh doanh về địa bàn hoạt động, mặt hàng buôn bán.
Viễn thông: Quy định việc xây dựng hệ thống bán hàng qua mạng đạt tiêu chuẩn như thống kê số lượng giao dịch (cho biết thông tin lịch sử giao dịch cụ thể), số tiền giao dịch và thông tin khách hàng. Khi đó bất kỳ công ty hay cá nhân bán hàng qua mạng ở địa bàn nào, cơ quan thuế cũng kiểm tra được doanh thu.
Ngân hàng: xây dựng biểu phí phù hợp, vì đây là hoạt động kinh doanh dựa vào sự tin tưởng nên rất cần trung gian thanh toán giữa người mua và người bán. Người mua chuyển tiền vào tài khoản trung gian tại ngân hàng, người bán giao hàng được người mua chấp nhận thì ngân hàng sẽ chuyển tiền từ tài khoản trung gian vào tài khoản người bán. Nếu người mua không chấp nhận hàng thì ngân hàng chuyển tiền trả lại tiền cho người mua, đồng thời cung cấp chứng từ cho bên bán để làm cơ sở khi cơ quan thuế kiểm tra việc ghi nhận doanh thu ( trên chương trình có ghi nhận giao dịch
- Hoàn thiện phương pháp tính thuế TNCN.
Hiện nay thu nhập của người dân đã phải chịu một lần thuế là thuế TNCN vậy mà khi đi mua hàng người dân lại tiếp tục phải gánh thêm thuế GTGT, điều này cho thấy hiện tượng thuế chồng thuế. Vậy tại sao cơ quan quản lý thuế không thực hiện việc khấu trừ thuế GTGT cho người tiêu dùng. Điều này vừa đảm bảo việc thuế không đánh chồng lên thuế vừa là một cách thiết thực khuyến khích người dân lấy hoá đơn khi mua hàng. Hơn nữa, việc không lấy hoá đơn khi mua hàng sẽ tác động trực tiếp vào túi tiền của người dân như thế thì không có lý gì người dân khi đi mua hàng lại không lấy hoá đơn và chúng ta sẽ giải quyết được các DN kinh doanh hàng hoá không xuất hoá đơn.Tuy nhiên bước đầu khi thực hiện phương pháp tính thuế này sẽ xảy ra tình huống không phải tất cả người tiêu dùng hàng chịu thuế GTGT đều là người phát sinh tiền thuế TNCN phải nộp, những người mua hàng không phát sinh nghĩa vụ thuế sẽ yêu cầu người bán xuất hóa đơn cho người phát sinh nghĩa vụ thuế. Theo quy định thì tình huống này đã vi phạm về việc kê sai tên người mua hàng nhưng trên thực tế thì giải pháp này đã giải quyết tình trạng DN không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn không đúng giá bán thực tế, buôn bán hóa đơn bất hợp pháp. Đối tượng thực hiện chỉ là những người có mối quan hệ thân thuộc, quen biết mới có thể thực hiện.
Cơ quan thuế thay đổi phương pháp tính thuế TNCN bằng cách đánh thuế trên phần thu nhập còn lại, tức là mỗi cá nhân phải xác định được tổng thu nhập có được, tổng thu nhập đã tiêu dùng. Trong đó tổng thu nhập đã tiêu dùng được thể hiện qua các hóa đơn tiêu dùng. Do đó hóa đơn được người tiêu dùng rất coi trọng. Điều này sẽ giúp giải quyết triệt để tình trạng các DN bán hàng không xuất hoá đơn trên toàn quốc. - Sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế để phù hợp với tình hình quản lý thuế mới. Cụ thể như hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cơ sở kinh doanh phải trang bị máy tính tiền để phục vụ yêu cầu của quản lý nhà nước hoặc của cơ quan thuế. Trong khi đó, Nghị định 89/2002/NĐ-CP về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn mới chỉ khuyến khích siêu thị, cửa hàng sử dụng hoá đơn trên máy tính tiền, chứ chưa bắt buộc mọi cơ sở sử dụng máy tính tiền phải đăng ký in hoá đơn trên máy tính tiền với cơ quan thuế. Đây là lý do khiến cơ quan thuế chưa thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý doanh thu, chống gian lận.
Thực tế các cửa hàng, siêu thị sử dụng máy tính tiền chỉ nhằm phục vụ nhu cầu quản lý của đơn vị, cá nhân yêu cầu xuất hóa đơn thì siêu thị xuất, còn lại cuối ngày
siêu thị tổng hợp lượng hàng bán ghi hóa đơn một lần. Cơ quan thuế muốn kiểm tra cũng chỉ dựa vào bảng kê doanh thu, hóa đơn mà cơ sở kinh doanh xuất trình, không kiểm soát được phần in tiền của máy. Vì vậy, thất thu thuế qua máy tính tiền hiện rất lớn.
Muốn khuyến khích các cơ sở kinh doanh đăng ký, sử dụng máy tính tiền (hoá đơn in trên máy tính tiền được coi là hợp pháp và là căn cứ để tính thuế) thì Nhà nước phải hỗ trợ bằng chính sách thuế và lãi suất cho vay vốn đầu tư. Chi phí trang bị máy được hạch toán vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; áp dụng cơ chế miễn, giảm thuế cho cơ sở tự nguyện lắp đặt máy tính tiền (có thể cho cơ sở lắp đặt máy được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với chi phí trang bị máy); cơ quan thuế cấp phát miễn phí phần mềm quản lý cho cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, để khuyến khích tổ chức, cá nhân mua hàng hoá sử dụng máy tính tiền, cơ quan thuế coi hoá đơn in từ máy tính tiền là hoá đơn hợp pháp, được khấu trừ thuế giá trị gia tăng, được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp
Hiệu quả của phương thức này ngoài việc kiểm soát chặt chẽ doanh thu, hạn chế thất thu thuế; đảm bảo công bằng, bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các cơ sở kinh doanh mà còn khắc phục dần sự tuỳ tiện, tiêu cực của cán bộ thuế. Khi đã có máy tính tiền, thì những cán bộ thuế tiêu cực không thể tuỳ tiện ấn định doanh số bán hàng, tuỳ tiện áp đặt mức thuế khoán đối với cơ sở kinh doanh.
- Bộ Tài chính ban hành cơ chế tạo lập nguồn Qũy “Dưỡng liêm” cho ngành Thuế. Hiện nay nguồn kinh phí của Cục Thuế gồm 2 nguồn: kinh phí cấp theo cơ chế tự chủ của TCT để đảm bảo các chi thanh toán cá nhân (tiền lương, bảo hiểm, làm ngoài giờ.., chi nghiệp vụ chuyên môn và quản lý hành chính; địa phương hỗ trợ một phần kinh phí phục vụ công tác thu trong tỉnh. Hai nguồn kinh phí này đều phục vụ công tác chuyên môn chung. Ngoài ra hàng năm dự toán thu giao về Cục Thuế luôn tăng so với năm trước, áp lực thực hiện kế hoạch thu càng cao trong khi tình hình kinh tế còn khó khăn. Do đó rất cần tạo lập một quỹ để đảm bảo thu nhập, khuyến khích cán bộ, công chức Thuế yên tâm công tác.
Kết luận chương III: Qua tình hình thực tế công tác quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại tại địa bàn thành phố Nha Trang, tác giả đưa ra một số giải pháp trong công tác quản lý thuế và về mặt kinh tế xã hội.
Đối với công tác quản lý thuế, tác giả tập trung vào giải pháp về công tác tổ chức, nhân sự, tuyên truyền hỗ trợ, thanh kiểm tra, khai thuế và nộp thuế; quản lý nợ. Một
mặt tăng cường, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của ngành, mặt khác phối hợp với cơ quan ban ngành địa phương để thực hiện đồng bộ, đa dạng, có hiệu quả nhất các giải pháp góp phần thu đúng, thu đủ tiền thuế.
Về mặt kinh tế xã hội, trước đây người dân vẫn có những định kiến về ngành thuế, nguyên nhân cũng bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về chính sách thuế, chính sách thuế chưa được phổ biến, tuyên truyền sâu rộng. Ngày nay, chính sách thuế đã được công khai, phổ biến tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức từ đơn giản bằng tờ rơi cho đến phương tiện thông tin đại chúng, bằng các buổi đối thoại, các cuộc thi. Ngành Thuế nói chung và Cục Thuế Khánh Hòa nói riêng mong muốn mang chính sách, pháp luật thuế đến gần nhất với người dân, hướng người dân đến với những hoạt động, thói quen đúng, có lợi cho cả bản thân người dân và ngành Thuế. Trong luận văn này, tác giả nêu lên một số giải pháp như thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng, khuyến khích các cơ sở kinh doanh niêm yết bán hàng đúng giá, khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn, người bán hàng xuất hóa đơn.
Bên cạnh đó tác giả đề xuất một số kiến nghị liên quan đến công tác ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách thuế và một số chính sách liên quan nhằm phối hợp đồng bộ trong công tác thu thuế.
KẾT LUẬN
Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước, để chính sách pháp luật thuế đi vào cuộc sống, được mọi người hiểu, thực hiện đúng và ủng hộ là điều không dễ. Đối với các cơ sở kinh doanh áp dụng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ đầy đủ thì việc chấp hành chính sách thuế đã trở thành thói quen, các cơ sở kinh doanh đã phần nào chủ động tìm hiểu về thuế. Đối với hộ kinh doanh thì việc tiếp cận chính sách thuế vẫn còn nhiều hạn chế do tư tưởng kinh doanh mang tính nhỏ lẻ. Thêm vào đó là những thói quen, hành vi không phù hợp của người tiêu dùng đã tạo môi trường cho những hành vi trốn thuế, gian lận thuế tiếp diễn. Tình trạng này diễn trong trong tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh. Trong luận văn này, tác giả đã tập trung nghiên cứu công tác quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại.
Trong chương I, tác giả làm rõ khái niệm về hoạt động thương mại, giới thiệu hai sắc thuế chủ yếu trong lĩnh vực thương mại là thuế GTGT và thuế TNDN, nội dung công tác quản lý thuế, đặc điểm của các cơ sở kinh doanh thương mại ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế, một số bài học kinh nghiệm của các nước và bài học rút ra cho Việt Nam.
Chương II, tác giả đi vào phân tích thực trạng công tác quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn thành phố Nha Trang. Từ đó đưa ra đánh giá ưu, nhược điểm cùng nguyên nhân trong hoạt động quản lý thuế này. Bên cạnh đó tác giả cũng nêu lên những vướng mắc xuất phát từ cơ chế, trình độ quản lý.
Với những nhược điểm và vướng mắc nêu trên, sang chương III, tác giả đưa ra các giải pháp về chuyên môn trong công tác quản lý thuế, giải pháp về mặt kinh tế xã hội. Đối với những vấn đề nằm ngoài phạm vi ngành, tác giả nêu lên một số kiến nghị nhằm tạo cơ sở để thực hiện thống nhất, đồng bộ chính sách thuế góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
Thương mại là lĩnh vực rộng, tương đối nhạy cảm do có yếu tố kinh doanh hộ cá thể. Đây là chủ thể kinh doanh hoạt động vừa thực hiện vừa không thực hiện chế độ kế toán hóa đơn, chứng từ, do đó gây nhiều khó khăn cho cơ quan Thuế trong công tác quản lý. Để đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng đối với các chủ thể kinh doanh khác, ngành Thuế phải có những phương pháp quản lý khoa học, hiệu quả hơn đối tượng này. Tác giả mong muốn với những giải pháp, kiến nghị nêu trong luận văn này sẽ góp một phần vào việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa ( 2010), Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2009 và phương hướng thực hiện nhiệm vụ năm 2010,
Khánh Hòa
2. Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa (2011), Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2010 và phương hướng thực hiện nhiệm vụ năm 2011,
Khánh Hòa.
3. Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa (2012), Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2011 và phương hướng thực hiện nhiệm vụ năm 2012,
Khánh Hòa.
4. Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa (2012), Các quy trình quản lý thuế tại Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa theo TCVN ISO 9001:2008, Khánh Hòa.
5. Bộ Tài chính (2011), Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2015, Nhà xuất bản Tài Chính, Hà Nội.
6. Huỳnh Duy Khang (2001), Giải pháp góp phần hoàn thiện công tác quản lý thu thuế tại Tỉnh Bình Thuận, Luận văn thạc sĩ kinh tế, trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh.
7. Trần Thiện Ân (2004), Giải pháp hoàn thiện thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020, Luận văn thạc sĩ kinh tế, trường Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh. 8. Nguyễn Thị Ngọc Dung (2001), Biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế giá trị
gia tăng tại Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sĩ kinh tế, trường Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh.
9. PGS.TS Phan Thị Cúc – TS. Phan Hiển Minh – Ths Nguyễn Thị Mỹ Linh (2009),
Thuế, Nhà xuất bản Tài chính, Tp. Hồ Chí Minh.
10. PGS.TS Sử Đinh Thành, TS. Bùi Thị Mai Hoài (2006), Lý thuyết Tài chính công, Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Tp.Hồ Chí Minh.