Kiểm định các giả thuyết nghiên cứu trong mô hình

Một phần của tài liệu đánh giá sự hài lòng của học viên cao học trường đại học nha trang về chất lượng khóa học (Trang 96)

Giả thuyết H6: Phát triển kỹ năng mềm có mối quan hệ dương với sự hài lòng của học viên về khóa học.

Kết quả phân tích tương quan và hồi quy đều cho thấy hệ số tương quan giữa sự hài lòng của học viên và phát triển kỹ năng mềm là +0,618 (bảng 3.15); hệ số hồi quy β = 0,386 và mức ý nghĩa thống kê là sig. = 0,000 (xem bảng 3.18). Như vậy, kết quả cho thấy phát triển kỹ năng mềm và sự hài lòng của học viên có quan hệ dương với nhau. Điều này cho thấy việc xây dựng và phát triển mô hình giảng dạy mới trong đó thực tiễn và các kỹ năng sống được nhà Trường quan tâm phát huy sẽ đem lại cho người học rất nhiều lợi ích trong cuộc sống, trong công việc, và người học sẽ cảm thấy hài lòng hơn, thỏa mãn hơn với khóa học.

Giả thuyết H5: Thái độ nhiệt tình cảm thông có mối quan hệ dương với sự hài lòng của học viên về chất lượng khóa học.

Theo kết quả kiểm định trong mô hình hồi quy cho thấy biến thái độ nhiệt tình cảm thông có tác động dương có ý nghĩa đến sự hài lòng của học viên (β = 0,202 > 0 và sig. = 0,000). Điều này cho thấy chất lượng thái độ nhiệt tình cảm thông có tác động đến sự hài lòng của học viên. Khi học viên càng hài lòng với chất lượng thái độ nhiệt tình cảm thông thì mức độ thỏa mãn của người học về khóa học càng cao. Ngoài ra, thông qua hệ số β cũng cho ta thấy yếu tố “ thái độ nhiệt tình cảm thông” là yếu tố quan trọng thứ hai tác động đến mức độ hài lòng của học viên về chất lượng khóa học tại trường.

Giả thuyết H3: Cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập có mối quan hệ dương với sự hài lòng của học viên về chất lượng khóa học.

Theo kết quả kiểm định trong mô hình hồi quy cho thấy biến cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập có tác động dương có ý nghĩa đến sự hài lòng của học viên

(β = 0,165 > 0 và sig. = 0,002). Như vậy, giả thuyết H3 được chấp nhận. Kết quả này cũng gợi ý cho lãnh đạo nhà trường nên đầu tư nhiều hơn nữa cho cơ sở vật chất phục vụ đào tạo để có thể đáp ứng cho nhu cầu mở rộng quy mô đào tạo của nhà trường trong giai đoạn mới.

Tóm lại, với các kết quả đã phân tích ở trên cho thấy rằng mô hình nghiên cứu hoàn toàn phù hợp và khẳng định có mối liên hệ chặt chẽ giữa các thang đo với sự hài lòng của học viên về chất lượng dịch vụ đào tạo của Trường Đại học Nha Trang.

Đồng thời, theo kết quả kiểm định các giả thuyết ở trên, ta có thể kết luận rằng sự hài lòng của học viên về chất lượng khóa học chịu tác động dương của các thành phần: phát triển kỹ năng mềm, thái độ nhiệt tình cảm thông và cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập. Như vậy, các giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5, H6 (đã được xây dựng trong chương 2 của đề tài này) có giả thuyết H3, H5 và H6 được chấp nhận, giả thuyết H1, H2 và H4 đều không có ảnh hưởng có ý nghĩa đến sự hài lòng của học viên. Trong đó, thành phần phát triển kỹ năng mềm là yếu tố tác động lớn nhất đến sự hài lòng của học viên, tiếp đến lần lượt là thái độ nhiệt tình cảm thông và cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập.

Một phần của tài liệu đánh giá sự hài lòng của học viên cao học trường đại học nha trang về chất lượng khóa học (Trang 96)