- Cho vay thấu chi:
1.3.2.1. Về phía khách hàng
Khách hàng là người trực tiếp nhận các khoản cho vay của Ngân hàng, do đó trong các yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển hoạt động cho vay ngắn hạn của Ngân hàng không thể không tính đến các yếu tố thuộc về phía khách hàng. Khi việc cho vay chưa diễn ra thì vai trò của các điều kiện về phía Ngân hàng là quan trọng. Tuy nhiên khi hợp đồng cho vay được ký kết, khách hàng đã vay được vốn của Ngân hàng thì chính khách hàng mới là người quyết định khoản vay được hoàn trả đầy đủ nợ gốc và lãi đúng hạn.
Xét về phía khách hàng, hoạt động cho vay ngắn hạn chịu sự tác động của những nhân tố chủ yếu sau:
Năng lực tài chính của khách hàng
Khi xem xét hồ sơ khách hàng, chỉ những khách hàng có tình hình tài chính tốt mới được xem xét để cho vay. Nếu tiềm lực tài chính của khách hàng tốt, đáp ứng được những điều kiện của Ngân hàng, khoản vay sẽ ít rủi ro hơn. Điều kiện cho vay ngắn hạn thường quy định một tỷ lệ tối thiểu của vốn tự có tham gia vào phương án vay vốn hay tỷ lệ vốn tự có so với khối lượng vốn vay. Năng lực tài chính của khách hàng càng cao, khả năng đáp ứng các điều kiện cho vay càng lớn càng góp phần vào việc phát triển hoạt động cho vay nói chung và cho vay ngắn hạn nói riêng.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng sử dụng các báo cáo tài chính của doanh nghiệp để đánh giá tình hình tài chính của khách hàng. Thông qua các báo cáo đó, Ngân hàng xây dựng các nhóm chỉ số về: Khả năng thanh toán các khoản nợ của khách hàng, khả năng hoạt động, chỉ số cân đối vốn, chỉ số phản ánh mức sinh lời,… và đánh giá khả năng trả nợ, phân tích rủi ro, chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh của khách hàng.
Năng lực sản xuất của doanh nghiệp
Đối với khách hàng doanh nghiệp, năng lực sản xuất là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khoản vay. Năng lực này thể hiện ở quy mô, năng suất, quy trình sản xuất, bán hàng,.. của doanh nghiệp. Phân tích năng lực sản xuất của doanh nghiệp giúp Ngân hàng đánh giá được khả năng đáp ứng nhu cầu thị truờng về chất lượng, giá cả,
khả năng sinh lời và khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có năng lực sản xuất tốt, tức là có hoạt động sản xuất ổn định, có lãi sẽ có khả năng trả nợ gốc và lãi ngắn hạn cho Ngân hàng đầy đủ và đúng hạn theo quy định trong hợp đồng tín dụng, đảm bảo chất lượng cho vay, tạo điều kiện phát triển hoạt động cho vay.
Năng lực điều hành, quản lý của chủ doanh nghiệp
Một trong những yêu cầu quan trọng khi xem xét cho vay khách hàng là năng lực điều hành, quản lý của chủ doanh nghiệp. Năng lực điều hành, quản lý thể hiện ở việc tổ chức hệ thống hạch toán kế toán quản lý tài chính hiệu quả và phù hợp với những quy định của pháp luật. Một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn nhưng năng lực quản lý kém có thể gây ra thất thoát vốn, sử dụng vốn không có hiệu quả. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới khoản tín dụng mà Ngân hàng đã cung cấp cho doanh nghiệp, hạn chế sự phát triển của hoạt động cho vay, trong đó có cho vay ngắn hạn.
Ngược lại, khi chủ doanh nghiệp có trình độ chuyên môn cao, năng lực quản lý, lãnh đạo tốt thì phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ được thực hiện một cách hiệu quả, nâng cao khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn cho Ngân hàng. Do vậy, năng lực quản lý của doanh nghiệp ảnh hưởng tới hiệu quả và sự phát triển của hoạt động cho vay và cho vay ngắn hạn của Ngân hàng.
Đạo đức của khách hàng
Bên cạnh việc xem xét về các năng lực của khách hàng như trên, cán bộ tín dụng còn phải đánh giá khách hàng vay vốn trên khía cạnh đạo đức của khách hàng. Yếu tố này ảnh hưởng tới chất lượng cũng như sự phát triển của hoạt động cho vay và cho vay ngắn hạn. Tính trung thực trong việc cung cấp các thông tin, mức độ thực hiện đúng theo các cam kết trong hợp đồng tín dụng của khách hàng, tinh thần hợp tác trong việc kiểm tra, quản lý tình hình sử dụng vốn và xử lý các vấn đề phát sinh là điều kiện quan trọng để đảm bảo khoản vay có an toàn và hiệu quả không.