NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG CHO VAY NGẮN HẠN CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.1. Hoạt động cho vay ngắn hạn của Ngân hàng thương mại 1. Khái niệm và đặc điểm của hoạt động cho vay ngắn hạn Khái niệm cho vay ngắn hạn
1.1.1.1. Khái niệm cho vay ngắn hạn
Cho vay là một hoạt động cơ bản và đem lại nguồn thu chủ yếu của Ngân hàng thương mại (NHTM). Nó được hiểu là việc Ngân hàng đưa tiền cho khách hàng với cam kết khách hàng phải hoàn trả cả gốc và lãi trong khoảng thời gian xác định. (Phan Thị Thu Hà, 2013).
Theo Luật các Tổ chức tín dụng Việt Nam:
“Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thoả thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi”. (Quốc hội, 2010).
Hoạt động cho vay của NHTM có thể được phân loại dựa trên nhiều tiêu thức khác nhau sao cho phù hợp với tính chất, đặc điểm của nhu cầu vay vốn của khách hàng và việc quản lý cho vay của Ngân hàng. Căn cứ vào tiêu thức thời hạn cho vay, hoạt động cho vay của NHTM được chia thành: cho vay ngắn hạn và cho vay trung, dài hạn. Và phạm vi nghiên cứu của luận văn chỉ giới hạn hình thức cho vay ngắn hạn.
Theo quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN về Quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng:
“Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay đến 12 tháng”.
(NHNN, 2001).
Đây thường là các khoản vay nhằm tài trợ cho tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp và các nhu cầu sử dụng vốn ngắn hạn của cá nhân, hộ gia đình.
1.1.1.2. Đặc điểm của cho vay ngắn hạn
Hoạt động cho vay nói chung và hoạt động cho vay ngắn hạn nói riêng có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, hoạt động cho vay của NHTM được dựa trên nguyên tắc hoàn trả và sự tín nhiệm, tin tưởng giữa người đi vay và người cho vay. Theo đó người vay sẽ phải hoàn trả cả gốc và lãi khi đến hạn thanh toán. Và khi Ngân hàng chuyển giao tiền cho người đi vay phải có sự tin tưởng rằng họ sẽ trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Sự tin tưởng này được thể hiện qua những điều kiện vay vốn cụ thể.
Thứ hai, trong quan hệ cho vay, không có sự vận động của quyền sở hữu mà chỉ có sự vận động của quyền sử dụng. Cụ thể Ngân hàng chỉ nhường quyền sử dụng vốn của mình cho khách hàng trong một khoảng thời gian nhất định mà không có sự thay đổi quyền sở hữu đối với lượng vốn đó. Điều này được thể hiện qua hợp đồng tín dụng và cam kết khác.
Thứ ba, khác với quan hệ mua bán, giá cả ngang bằng với giá trị trao đổi nhưng trong quan hệ cho vay thì giá cả được hiểu là lãi suất và lãi suất không biểu thị giá trị của số vốn đem trao đổi.
Ngoài những đặc điểm chung như trên thì cho vay ngắn hạn còn những đặc điểm riêng sau đây:
Thứ nhất, cho vay ngắn hạn chủ yếu để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt tạm thời vốn lưu động trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vốn vay ngắn hạn sẽ luân chuyển cùng chu kỳ sản xuất kinh doanh của khách hàng. Ngân hàng thường cho vay khi khách hàng phát sinh nhu cầu vốn để mua vật tư, nguyên vật liệu, hoặc trang trải các chi phí sản xuất, hoặc mua hàng hoá (đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại). Thông thường những thiếu hụt này chỉ mang tính tạm thời, sau đó khi hàng hoá được tiêu thụ, khách hàng có doanh thu, cũng là lúc Ngân hàng thu hồi được nợ. Xuất phát từ đặc điểm này, các Ngân hàng thường quy định thời hạn cho vay trên cơ sở chu kì sản xuất – kinh doanh của người vay.
Thứ hai, cho vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngắn hạn của cá nhân.
Hoạt động cho vay ngắn hạn giúp cho các cá nhân được hưởng các tiện ích trước
khi tích lũy đủ tiền và đặc biệt là trong những trường hợp khi các nhu cầu chi tiêu có tính cấp bách.
Thứ ba, rủi ro trong cho vay ngắn hạn thường thấp hơn so với cho vay trung, dài hạn. Do khoản cho vay chỉ cung cấp trong thời gian ngắn nên ít chịu ảnh hưởng của những biến động không thể lường trước của nền kinh tế như các khoản cho vay trung và dài hạn. Vì vậy, cho vay ngắn hạn tiềm ẩn ít rủi ro hơn so với các khoản cho vay trung và dài hạn. Đồng thời vì rủi ro ít hơn nên lãi suất cho vay ngắn hạn sẽ thấp hơn lãi suất cho vay trung và dài hạn.
1.1.2. Vai trò của hoạt động cho vay ngắn hạn
Hoạt động cho vay ngắn hạn của NHTM có vai trò hết sức quan trọng đối với cả Ngân hàng và khách hàng có nhu cầu vay vốn. Hoạt động cho vay ngắn hạn không chỉ mang lại thu nhập chủ yếu cho Ngân hàng mà mguồn vốn vay ngắn hạn còn góp phần ổn định và duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, nâng cao đời sống của các cá nhân, hộ gia đình.
1.1.2.1. Đối với Ngân hàng thương mại
Hoạt động cho vay nói chung và cho vay ngắn hạn nói riêng là hoạt động cơ bản, chủ yếu và mang lại nguồn thu nhập chính cho NHTM. Trong khi các tổ chức tài chính phi Ngân hàng như công ty bảo hiểm, công ty tài chính, các quỹ đầu tư hay các Ngân hàng đầu tư... chủ yếu cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn vào nền kinh tế, thì kênh dẫn vốn ngắn hạn lại phần lớn thuộc về các NHTM. Vì thế, hoạt động cho vay ngắn hạn ngày càng có vai trò hết sức quan trọng đối với các NHTM.
Cho vay ngắn hạn luôn là khoản mục chủ đạo, tạo nguồn thu chủ yếu để bủ đắp các chi phí (chi phí huy động vốn, chi phí cho hoạt động của Ngân hàng – chi trả lương, chi phí quản lý).
Hoạt động cho vay ngắn hạn phát triển, nguồn vốn được sử dụng hiệu quả sẽ tạo ra hình ảnh tốt, tăng uy tín của Ngân hàng. Thông qua đó Ngân hàng có thể thu hút thêm được nhiều khách hàng, mở rộng mạng lưới kinh doanh, quy mô, củng cố chất lượng tín dụng và tăng khả năng cạnh tranh của mình.
1.1.2.2. Đối với khách hàng
- Đối với khách hàng cá nhân: Cho vay ngắn hạn giúp khách hàng có nguồn tài chính nhằm đáp ứng các nhu cầu ngắn hạn về tiêu dùng hoặc kinh doanh. Nhờ có hoạt động cho vay ngắn hạn mà khách hàng cá nhân được hưởng các tiện ích trước khi tích lũy đủ tiền và đặc biệt quan trọng hơn nó rất cần thiết cho những trường hợp khi các nhu cầu chi tiêu có tính cấp bách. Điều này không những cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân mà còn có những tác động tích cực đến nền kinh tế như kích cầu, kích thích nền kinh tế sản xuất phát triển.
- Đối với khách hàng doanh nghiệp: Vốn vay ngắn hạn là nguồn vốn quan trọng không thể thiếu đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Cho vay ngắn hạn là nguồn bổ sung kịp thời cho các nhu cầu về vốn ngắn hạn của doanh nghiệp. Nguồn vốn này giúp các doanh nghiệp tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh, hoặc giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn tạm thời về tài chính. Trong nhiều trường hợp, vay vốn Ngân hàng còn là giải pháp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bắt kịp những cơ hội kinh doanh, tận dụng được thời cơ phát triển sản xuất.
1.1.3. Phân loại cho vay ngắn hạn
Hoạt động cho vay ngắn hạn của NHTM có thể được phân loại dựa trên nhiều tiêu thức khác nhau sao cho phù hợp với tính chất, đặc điểm của nhu cầu vay vốn của khách hàng và việc quản lý cho vay của Ngân hàng. Có một số tiêu thức chủ yếu để phân loại hoạt động cho vay ngắn hạn như sau:
1.1.3.1. Căn cứ vào đối tượng khách hàng
Theo tiêu thức đối tượng khách hàng thì hoạt động cho vay của NHTM được phân chia thành:
- Cho vay các tổ chức tài chính khác (NHTM, Công ty tài chính, Quỹ tín dụng,...): Là hoạt động cho vay chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản hoặc thanh toán liên ngân hàng.
- Cho vay doanh nghiệp: Là hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn kinh doanh. Cho vay đối với doanh nghiệp được thực hiện với nhiều phương thức khác nhau nhằm đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu vốn của các doanh nghiệp.
- Cho vay cá nhân: Là hoạt động cho vay đối với khách hàng là các cá nhân nhằm phục vụ cho các nhu cầu ngắn hạn về tiêu dùng hoặc kinh doanh.
Trong phạm vi nghiên cứu của mình, luận văn chỉ đề cập đến cho vay doanh nghiệp và cho vay cá nhân.
1.1.3.2. Căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay
- Cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh: Là hoạt động cho vay mà vốn vay thường được sử dụng để tài trợ vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh. Đối tượng khách hàng vay kinh doanh có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp.
- Cho vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngắn hạn: Là hoạt động cho vay mà vốn vay được sử dụng cho mục đích tiêu dùng ngắn hạn của các cá nhân hay hộ gia đình.
Một trong những hình thức cho vay tiêu dùng ngắn hạn của Ngân hàng là nghiệp vụ phát hành thẻ tín dụng.
1.1.3.3. Căn cứ vào phương thức cho vay - Cho vay trực tiếp từng lần:
Cho vay trực tiếp từng lần là hình thức cho vay tương đối phổ biến của Ngân hàng được áp dụng trong trường hợp khách hàng không có nhu cầu vay vốn thường xuyên hoặc khách hàng vay thường xuyên nhưng chưa đủ điều kiện để được cấp hạn mức thấu chi.
Đặc điểm của phương thức cho vay trực tiếp từng lần là thủ tục cho vay phức tạp, tốn nhiều chi phí, thời gian và khách hàng không chủ động được nguồn vốn. Mỗi lần vay khách hàng phải làm giấy đề nghị vay vốn cùng phương án sử dụng vốn vay nộp cho Ngân hàng. Ngân hàng sẽ tiến hành phân tích khách hàng và xem xét kí hợp đồng cho vay, xác định quy mô cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất và các điều kiện bảo đảm nếu cần đối với từng hồ sơ cụ thể.
- Cho vay theo hạn mức tín dụng:
Cho vay theo hạn mức tín dụng là nghiệp vụ tín dụng theo đó Ngân hàng thoả thuận cấp cho khách hàng một hạn mức tín dụng được duy trì trong thời hạn nhất định mà Ngân hàng và khách hàng đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Trong
kỳ, khách hàng có thể thực hiện vay trả nhiều lần, song dư nợ không được vượt quá hạn mức tín dụng.
Ngân hàng cấp hạn mức tín dụng đối với các doanh nghiệp căn cứ vào phương án sản xuất kinh doanh và nhu cầu vay vốn của khách hàng, tỉ lệ cho vay tối đa trên tổng giá trị tài sản đảm bảo và khả năng nguồn vốn của ngân hàng. Sau khi phân tích tín dụng, nếu đồng ý cho vay, Ngân hàng sẽ xác định hạn mức tín dụng và tiến hành giải ngân cho khách hàng.
Đối với khách hàng cá nhân, Ngân hàng cấp hạn mức tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng (Credit Card). Theo đó, khách hàng được sử dụng một hạn mức tín dụng tuần hoàn để mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại những cơ sở chấp nhận thanh toán bằng loại thẻ này. Khách hàng chỉ được phép chi tiêu trong phạm vi hạn mức tín dụng này.
Cho vay theo hạn mức tín dụng có thủ tục đơn giản và khách hàng chủ động được nguồn vốn vay, bổ sung kịp thời vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh hay đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tiêu dùng của cá nhân.
- Cho vay thấu chi:
Cho vay thấu chi là phương thức cho vay ngắn hạn, trong đó Ngân hàng cho vay bằng cách cho phép khách hàng được chi vượt quá số dư trên tài khoản tiền gửi thanh toán của mình trong một giới hạn số tiền và thời hạn nhất định. Giới hạn này được gọi là hạn mức thấu chi. Sau khi được Ngân hàng xét duyệt và ký hợp đồng hạn mức thấu chi, khách hàng có thể ký séc, lập uỷ nhiệm chi, rút tiền… vượt quá số dư tiền gửi để chi trả nhưng phải trong hạn mức thấu chi đã cam kết với Ngân hàng.
Phương thức cho vay thấu chi thường dựa trên cơ sở thu và chi của khách hàng không phù hợp về quy mô và thời gian. Phương thức cho vay này tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong quá trình thanh toán được chủ động, nhanh chóng và kịp thời.
- Cho vay luân chuyển:
Cho vay luân chuyển là phương thức cho vay dựa trên luân chuyển của hàng hoá.
Ngân hàng cho doanh nghiệp vay để mua hàng khi thiếu vốn và sẽ thu nợ khi doanh
nghiệp bán hàng. Ngân hàng và khách hàng thoả thuận với nhau về phương thức vay, hạn mức tín dụng, các nguồn cung cấp hàng hoá và khả năng tiêu thụ.
Trong phương thức cho vay luân chuyển, giá trị hàng hóa mua vào (có hoá đơn hợp pháp, hợp lệ đúng đối tượng) đều là đối tượng được Ngân hàng cho vay và thu nhập bán hàng đều là nguồn để chi trả cho Ngân hàng. Theo đó, khách hàng cam kết các khoản vay sẽ được trả cho người bán và mọi khoản thu bán hàng đều dùng để trả vào tài khoản tiền vay tại Ngân hàng trước khi được trích trả lại tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng.
Cho vay luân chuyển rất thuận tiện cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp được đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời để thanh toán cho người cung cấp nhanh chóng. Cho vay luân chuyển thường được áp dụng đối với các doanh nghiệp thương mại hoặc doanh nghiệp sản xuất có chu kì tiêu thụ ngắn ngày, có quan hệ vay trả thường xuyên với Ngân hàng.
- Cho vay gián tiếp:
Cho vay gián tiếp là phương thức cho vay thông qua các tổ chức trung gian.
Ngân hàng cho vay gián tiếp thông qua các tổ, đội, hội, nhóm như nhóm sản xuất, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ…
Ngân hàng có thể chuyển một vài khâu trong quy trình cho vay sang các tổ chức trung gian như thu nợ, phát triển cho vay… Tổ chức trung gian cũng có thể đứng ra tín chấp cho các thành viên vay hoặc các thành viên trong nhóm bảo lãnh cho một thành viên vay. Điều này rất thuận tiện cho người vay không có hoặc không đủ tài sản thế chấp.
Ngân hàng cho vay qua trung gian nhằm giảm bớt rủi ro, giảm chi phí. Tuy nhiên, phương thức cho vay này cũng bộc lộ các khiếm khuyết. Nhiều trung gian đã lợi dụng vị thế của mình, nếu ngân hàng không kiểm soát, trung gian sẽ tăng lãi suất để cho vay lại, hoặc giữ lấy số tiền của các thành viên khác cho riêng mình.
1.1.4. Quy trình cho vay ngắn hạn tại Ngân hàng thương mại
Quy trình cho vay là bảng tổng hợp mô tả các khâu cụ thể từ khi tiếp nhận nhu cầu vay vốn của khách hàng cho đến khi ngân hàng quyết định cho vay, giải ngân và thanh lý hợp động tín dụng.
Để chuẩn hoá hoạt động cho vay ngắn hạn, tùy theo đặc điểm riêng của mình, mỗi NHTM tự thiết kế và xây dựng cho mình quy trình cho vay ngắn hạn riêng, nhưng nhìn chung đều bao gồm các bước căn bản sau:
Bước 1: Tiếp xúc khách hàng: đây là giai đoạn đầu tiên và quan trọng để đánh giá sơ bộ về khách hàng vay. CBTD tiến hành tư vấn cho khách hàng về phương thức vay, thời hạn vay sao cho phù hợp với nhu cầu và khả năng của khách hàng.
Bước 2: Lập hồ sơ tín dụng: CBTD có trách nhiệm hướng dẫn khách hàng hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của Ngân hàng.
Bước 3: Phân tích, thẩm định khách hàng và phương án vay vốn: Nội dung cơ bản của bước này tập trung vào hai vấn đề chủ yếu:
- Phương án vay vốn phải đầy đủ các điều kiện cho vay, đảm bảo khả năng cho vay thu được gốc và lãi đúng hạn.
- Hồ sơ, thủ tục vay vốn phải đầy đủ, hợp lệ, hợp pháp, nếu xảy ra tranh chấp, tố tụng thì đảm bảo an toàn về pháp lý cho ngân hàng.
Bước 4: Quyết định cho vay: Sau khi xem xét, thẩm định hồ sơ vay vốn thấy thoả mản các điều kiện và nguyên tắc, Ngân hàng quyết định cho vay đối với khách hàng.
Bước 5: Giải ngân: Tuỳ theo thoả thuận trong hợp đồng vay vốn, tuỳ theo mục đích sử dụng tiền vay, phương thức thanh toán có liên quan đến tiền vay, Ngân hàng ra quyết định hình thức giải ngân phù hợp.
Bước 6: Kiểm tra, giám sát sau giải ngân: CBTD thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, tình hình tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng để phát hiện và dự báo những rủi ro có thể phát sinh, đề xuất giải quyết xử lý kịp thời.
Bước 7: Thu nợ và tất toán khoản vay: Ngân hàng thu nợ khách hàng theo đúng các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng cho vay. Khi hợp đồng cho vay đã hết thời hạn và khách hàng đã trả hết nợ cho Ngân hàng thì Ngân hàng và khách hàng làm thủ tục thanh lý hợp đồng cho vay.