Giọng điệu là một trong những yếu tố của thế giới nghệ thuật, là dấu ấn riêng của nhà văn trong tác phẩm, tạo nên phong cách của nhà văn đồng thời góp phần khu biệt các nhà văn. Chỉ những nhà văn có tài mới có giọng điệu riêng: “Đó chính là đặc điểm chủ yếu của một tài năng sống độc đáo” (M.B.Khrapchencô). Vì vậy, khi nghiên cứu thế giới nghệ thuật tất yếu phải nghiên cứu giọng điệu trong tác phẩm. Các kiểu giọng điệu chính trong những tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật đó là giọng điệu phê phán, lên án, tố cáo và giọng điệu thâm trầm, vị tha.
• Giọng điệu phê phán, lên án, tố cáo
Trong thời kỳ mà triều đình loạn, vây cánh bè đảng phân chia, nạn Kiêu binh, lũ chôn người gây tai họa khắp chốn cùng nơi; nhân dân lâm vào cảnh điêu linh, máu
đổ tương tàn; chúa Trịnh ăn chơi sa đọa,… tác giả cũng không khỏi bất bình thể hiện qua giọng điệu mỉa mai, phê phán.
Giọng điệu phê phán trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật thể hiện ở việc nhà văn đã phơi bày một cách chân thực xã hội và con người trong một giai đoạn lịch sử có thật của dân tộc. Như trên chúng ta đã nói, đây là thời kì bão táp nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Chưa bao giờ các tập đoàn phong kiến thống trị bộc lộ đầy đủ sự sa đoạ, sự tàn bạo, và suy thoái như lúc này. Do đó, giọng điệu phê phán, lên án, tố cáo thường thấy trong những tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật. Hay nói cách khác, việc tái hiện lịch sử một cách chân thực cũng chính là thể hiện thái độ phê phán của tác giả. Nhà văn phê phán những cái xấu xa, bạo tàn, bất lực của lịch sử để làm bài học cho ngày hôm nay, cảnh tỉnh tấm lòng của những con người thời hiện tại đối với lịch sử của dân tộc. Vì thế, có thể nói những trang viết của Nguyễn Triệu Luật hết sức sâu sắc.
• Giọng điệu thâm trầm, vị tha
Các tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật một mặt rất coi trọng sự thực lịch sử, nhưng một mặt cũng hướng trọng tâm vào vấn đề số phận của những con người cá nhân, vào khát vọng tự đo và tình yêu của con người. Điều này chúng ta có thể thấy rõ ràng nhất qua tác phẩm Hòm đựng người, Bà chúa Chè,...
Qua câu chuyện tình yêu của nàng Ấu Mai và Vũ Lăng hầu Lê Duy Lễ trong tiểu thuyết Hòm đựng người, Nguyễn Triệu Luật muốn cổ vũ cho tình yêu cá nhân. Đồng thời, đó cũng là tiếng nói phê phán sâu sắc tới chế độ phong kiến với những luật lệ, lễ giáo hà khắc, phi nhân đạo.
Không chỉ cổ vũ cho tình yêu cá nhân, hạnh phúc của con người, Nguyễn Triệu Luật còn thể hiện niềm xót thương cho số phận những người đàn bà trong hậu cung. Đọc tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật “ta thấy tỉ mỉ cái sống u uẩn trong bí mật của cung vi, đã chôn vùi bao nhiêu ánh sáng thanh xuân mơn mởn... ta thấy lòng dào dạt một xót thương đối với ức vạn người đàn bà, đời ấy qua đời khác, phải bắt buộc làm vật hi sinh cho sự ích kỉ của các vua chúa, xót thương đến cả những lầm lỗi, những mưu mô phản trắc, những ganh tị nhỏ nhen của một hạng đàn bà không hiểu cảnh ngộ thê thảm của chính mình” [31; tr.16].
Tấm lòng xót thương của Nguyễn Triệu Luật còn được thể hiện ở hình ảnh những người dân thường đi chạy loạn ngay chốn kinh kì. Khi quân Kiêu binh làm loạn kinh thành, đốt phá các phủ đệ, tác oai tác quái, khiến những thường dân vô tội rất khổ sở. Những người dân vô tội phải gồng mình lên trước sự lũng đoạn khủng khiếp của lũ Kiêu binh. Đã có máu đổ, đã có những sự vô tâm của người đời dành cho nhau bởi có quá nhiều cảnh thương tâm, bởi đó đã là chuyện thường ngày,… Xót xa!
Như vậy, với một tấm lòng mang nặng nỗi niềm thế sự, khi viết về thân phận những con người bất hạnh, Nguyễn Triệu Luật như muốn bộc lộ những tiếng thở than thầm kín với thời đại. Với một giọng điệu thâm trầm, vị tha, lắng đọng tác giả quan tâm tới tình yêu, hạnh phúc cá nhân, tới cuộc sống của người dân trong buổi loạn lạc. Điều này cũng thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc trong những tác phẩm của ông.
3.4.2 Ngôn ngữ
Ngôn ngữ có vai trò hết sức quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật. Mỗi nhà văn muốn tạo nên những tác phẩm có giá trị thì phải xây dựng nên một hệ thống ngôn từ phong phú, mang phong cách riêng. Với tính đặc thù thể loại riêng nên trong tiểu thuyết lịch sử, hệ thống ngôn ngữ cũng cần được tạo nên với nét đặc trưng riêng, mang màu sắc lịch sử của thời đại mà tác phẩm đề cập đến. Qua quá trình khảo sát, chúng tôi có thể thấy những đặc điểm chính trong hệ thống ngôn ngữ của tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật đó là: Ngôn ngữ có tính lịch sử - cụ thể và ngôn ngữ sử dụng nhiều đối thoại.
* Ngôn ngữ có tính lịch sử - cụ thể
Với một hệ thống ngôn ngữ mang tính lịch sử - cụ thể, đã góp phần giúp Nguyễn Triệu Luật góp phần dựng nên một không khí thời đại sống động, như thật trước mắt người đọc. Trong bất kỳ tiểu thuyết lịch sử nào của ông, ta cũng bắt gặp kiểu ngôn ngữ lịch sử - cụ thể này. Các nhân vật trong trong đó hiện lên một cách chân thực qua lối xưng hô theo địa vị cá nhân. Các từ như: thần, bẩm, trình, chúng bay,… là những từ chúng ta thường bắt gặp.
Có thể nói bối cảnh của nhiều tình tiết trong tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật được diễn ra trong không gian cung đình nhà Lê – Trịnh nên ngôn ngữ mà tác giả sử dụng mang đậm màu sắc lịch sử, sang trọng. Đặc biệt trong đó có sự xuất hiện dày đặc của các tước vị trước tên người như: Tuân Sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân, Đốc đồng Ngô Thì Nhậm, Hân Quận công Nguyễn Phương Đĩnh,…
Bên cạnh ngôn ngữ lịch sử - cụ thể mang tính chất cung đình, trang trọng, trong các tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật còn xuất hiện lớp ngôn ngữ bình dân vừa giản dị, vừa gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân lao động. Đồng thời nó cũng đảm bảo tính lịch sử của thời đại mà tác giả đề cập đến. Biểu hiện rõ ràng nhất của ngôn ngữ dân gian là tác giả sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao trong giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày của người dân. Điển hình như trong tác phẩm
Bà chúa Chè, có riêng một đoạn toàn là những câu hát ca dao, dân ca, đối đáp nhau của các cô thôn nữ trên những nương chè.
* Sử dụng nhiều đối thoại
Có thể nói gần như mở bất cứ trang nào trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật, người đọc cũng bắt gặp các đọa đối thoại. Những đối thoại liên tiếp của các nhân vật nhằm kể một câu chuyện dài, hoặc làm nổi rõ tính cách nhân vật. Lấy ví dụ là một đoạn đối thoại giữa bà Ngọc Hoan và tên Khê Trung Hầu đã cho thấy sự buồn bã vì thất sủng của một lệnh bà và sự mưu mẹo của tên thái giám:
“- Mấy hôm nay, bắt đầu từ hôm 13, tôi cứ nóng lòng sốt ruột như có tai vạ gì xảy đến. Nay quả nhiên thế thật.
- Lệnh bà đừng vội buồn. Nếu thượng công say đắm Thị Lộc thì tôi đã có cách. - Cách gì?
- Rồi hẵng hay.
- Thì ông cứ nói đi đã sao?
- Để xem đã. Nếu thượng công chỉ đậm đà chốc lát thì cũng bất tất phải thi thố gì. Nếu thật là say đắm thì chữa bệnh háo sắc, còn gì mạnh bằng sắc đẹp.
- Nghĩa là làm sao?
- Nghĩa là lại tìm một người khác đẹp đem vào phủ làm thị nữ riêng của lệnh bà. Rồi làm sao cho thượng công đoái tới. Việc ấy đã có tôi.”
Với sự xuất hiện dày đặc của những đối thoại trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật, các nhân vật của ông tự hiện lên với những nét tính cách của mình một cách chân thực nhất. Tác giả không cần tô vẽ thêm, không cần mô tả một cách cụ thể mà bản chất nhân vật cứ hiện lên một cách rõ ràng.
Tóm lại, qua các lớp ngôn ngữ trên, có thể thấy được tài sử dụng ngôn ngữ linh hoạt của tác giả. Nó cũng cho thấy khả năng lựa chọn vốn từ với sự đầu tư nghiên cứu tỉ mỉ, công phu của tác giả. Đó là cái tài và cũng là cái tâm của một nhà viết tiểu thuyết lịch sử. Tuy vậy, ở một số tác phẩm thường xuất hiện rất nhiều từ cổ khiến tác giả phải liên tục chú thích làm cho độc giả khó có thể theo dõi tác phẩm một cách liền mạch, gây tình trạng khó đọc, khó theo dõi tác phẩm.