Không gian

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử nguyễn triệu luật (Trang 89)

Nếu như trong thế giới thực tại, không gian địa lý là cái nền cảnh tồn tại của thế giới vật chất thì trong các tác phẩm văn học, không gian nghệ thuật là hình thức

tồn tại của thế giới nghệ thuật. Không gian là một “phạm trù của hình thức nghệ thuật, là phương thức tồn tại và triển khai của của thế giới nghệ thuật. Nếu thế giới nghệ thuật là thế giới của cái nhìn, cách nhìn mang ý nghĩa thì không gian nghệ thuật là trường nhìn mở ra điểm nhìn” [2; tr.176]. Không gian nghệ thuật là “hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó…Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian nên mang tính chủ quan” [20; tr.160]. Như vậy, không gian nghệ thuật vừa là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật vừa là một trong những yếu tố tạo nên thế giới nghệ thuật. Khảo sát các loại không gian trong các tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật, chúng tôi bắt gặp một số kiểu không gian như: không gian cung đình, không gian dân dã, không gian huyền ảo. Bên cạnh đó, còn có một số dạng không gian khác như: không gian đường phố, không gian chiến trường,… Sau đây, chúng tôi sẽ đi vào phân tích cụ thể các kiểu không gian chủ yếu trong sáng tác của tác giả này.

3.3.1.1 Không gian cung đình

Có thể nói không gian cung đình là loại không gian thường thấy nhất trong những tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật. Điều này là tất yếu bởi vì để tái hiện lại cái không khí lịch sử của thời kỳ vua Lê chúa Trịnh – giai đoạn lịch sử mà tác giả chọn làm bối cảnh cho hầu hết các tiểu thuyết lịch sử của mình thì không thể thiếu sự xuất hiện của không gian cung đình. Hoạt động của hầu hết nhân vật trong phần lớn các tác phẩm của ông đều diễn ra trong không gian này. Trong đó, chủ yếu là trong phủ chúa, bởi vì những hoạt động trong cung vua ít được tác giả đề cập đến. Bởi vậy, chúng tôi cũng khảo sát không gian cung đình trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật là không gian của phủ chúa. Qua những tác phẩm như: Bà chúa Chè, Chúa Trịnh Khải, Loạn Kiêu binh, Hòm đựng người,… không gian này xuất hiện với mật độ khá dày đặc.

Không gian cung đình trước tiên được mô tả là nơi sinh hoạt của chúa cùng những bậc hoàng thân, đại thần, quan lại,… trong những nghi thức chung cũng như riêng. Đó là một không gian uy nghi, nơi có sự hiện diện của quyền lực tối thượng của chúa. “Trên một chiếc sập thành chạm hồi văn, sơn son thiếp vàng, chúa uy

nghi ngồi giữa. Hai chiếc ghế bành kê trước sập, một chiếc Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc ngồi, một chiếc quan Hành Tham tụng Nguyễn Nghiễm ngồi”. [31; tr.82]. Đó cũng là một không gian riêng, phục vụ cho thú chơi tao nhã của chúa. Điển hình đó là những vườn hoa trong nội phủ chúa Trịnh. Những vườn hoa này được chăm nom hết sức kỹ lưỡng, vì chúa thích chơi hoa. “Mỗi buổi sáng, một người thị nữ phải dâng lên một lẵng hoa. Hoa dâng lên phải theo đúng tiết. Cứ mười lăm ngày, qua một tiết, là phải đổi thức hoa”. [31; tr.68]. Đặc biệt, có thể nhấn mạnh điểm cốt yếu trong không gian cung đình đó là nơi diễn ra các hoạt động của những người đứng đầu nhà nước phong kiến. Những buổi thiết triều, những quyết sách, những tranh cãi, rối ren,… đều được diễn ra tại đây. Bởi thế, một lần nữa, có thể nói không gian cung đình có một vị trí quan trọng trong các tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật.

3.3.1.2 Không gian dân dã

Ngoài không gian cung đình, không gian dân dã là kiểu không gian thường gặp trong các tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật. Đó là hình ảnh của những cánh đồng, những nhà trọ, sân đình,… được tìm thấy trong những tác phẩm như Bà chúa Chè hay Bốn con yêu và hai ông đồ,…

Mở đầu tác phẩm Bà chúa Chè là hình ảnh hết sức dân dã của một cây cầu. Cây cầu này cũng là khởi đầu cho một câu chuyện dài mà tác giả sẽ trình bày tiếp ngay sau đó. Đây là một “cái cầu bắc qua một quãng nước, thông hai cánh đồng chiêm. Cầu ấy bắc theo kiểu “thượng gia, hạ kiều” (trên nhà dưới cầu) khum khum như một cái nhà dài, uốn mái, uốn xà, uốn rui, vắt ngang một quãng nước màu mỡ cua, nối hai đoạn đường ngoằn ngoèo cuộn khúc từ đồng làng Bịu đến đồng làm Ném” [31; tr.21]. Nó được gọi là Cầu Vồng Trạng Bịu do ông đồ Nguyễn Đăng Đạo bỏ tiền ra xây thay cho dịp cầu tre bấp bông, nguy hiểm. Ông cho xây dựng cây cầu này với mong muốn trả một món nợ từ tiền kiếp. Cây cầu dựng lên có một ý nghĩa vô cùng to lớn với người dân nơi đây. Nó không chỉ mang ý nghĩa về giao thông mà còn là địa điểm gặp gỡ, sinh hoạt của những người dân quê. Hình ảnh cây cầu là

trung tâm cùng với cánh đồng chiêm nước trải dài tạo nên một bức tranh đồng quê dân dã:

“Hai bên cầu, hai cánh đồng ruộng chiêm nước ngập liền bờ, chạy thẳng tít đến tận chân núi Nguyệt Hằng và núi chè. Giá như không có những ngọn cây gáo nước lơ phơ trên mặt nước để phân bờ ruộng, giá không có mấy con trâu đương bừa bì bõm, nước chấm đến bụng, thì chiếc cầu và con đường người ta tưởng như vắt ngang qua một cái hồ rộng hoặc một cánh đồng lụt ngút ngàn. Trong cầu, một bọn vài chục người đương ngồi nghỉ mát, quang gánh không vứt bừa bãi giữa sàn cầu. Giữa cầu một bà già đương ngồi múc nước và chan canh riêu vào bún bán cho khách đi chợ về đã giải khát và đói. Ngoài ruộng, mặt nước mỡ cua hắt ánh nắng hạ đầu mùa, đưa lên toàn hơi lửa”. [31; tr.25].

Hình ảnh làng quê chiêm trũng ấy cho thấy sự cực nhọc của người dân nơi đây. Tuy nhiên, họ vẫn lạc quan với cuộc sống của mình. Giữa cái nắng bỏng rát nơi đồng quê chiêm trũng, họ vẫn có những giây phút thảnh thơi, tự thưởng cho mình một tô bún riêu thơm ngon, chống đói. Mặc cho ngoài ruộng ánh lên cái nắng hạ đầu mùa, bốc lên toàn hơi lửa, người ta vẫn chọn cho mình một không gian riêng để tạm lánh xa những cực nhọc của cuộc sống.

ĐọcNgược đường Trường Thi, người đọc được lạc vào một không gian phố thị, thoáng đãng của những con đường. Mở đầu tác phẩm là hình ảnh của “Con đường Pierre Pasquier (tục gọi là Đường Đôi) lạnh lẽo phơi hai mặt đường ba hàng cây dưới ngọn gió bấc buổi mai. Ba hàng cây sắp hàng ở một phố Tây, ít người qua lại, mùa hè cho bóng cho mát bao nhiêu thì mùa này như thổi ra lạnh, tuôn ra rét bấy nhiêu. Những biệt thự sắp hàng rộng rãi đôi bên còn như ngủ lịm dưới đám sương mù buổi sáng”. Đó là hình ảnh mở đầu để tác giả dẫn dắt đến hình ảnh của một ông giáo với đám học trò của mình. Tại một lớp học với những con số, tác giả cũng đi đến cái triết lý của lịch sử. Đó là lịch sử thời nào thì cũng giống nhau cả mà thôi.

Cùng với không gian cung đình, không gian dân dã đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh của không gian xã hội Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Nó giúp cho người đọc có thể hình dung một cách toàn diện nhất bức tranh đất nước trong một thời kỳ lịch sử đầy những rối ren, tăm tối.

3.3.1.3 Không gian huyền ảo

Không gian huyền ảo hiện lên trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật là một không gian ma quái, nơi có sự ngự trị của những yếu tố thuộc “phần âm”. Đó là những con ma, những con yêu được lưu truyền trong dân gian từ lâu. Dạng không gian này xuất hiện trong phẩm Bốn con yêu và hai ông đồ.

Trong xã hội phương Đông cổ ở ta, ở mỗi địa phương đều có hai chế độ thống quản. Một chế độ chính trị thống quản phần thực tế và một chế độ thần kỳ ma quỷ thống trị phần linh hồn. Theo đó, việc âm được ghi lại trong mỗi hồi, mỗi đoạn lại có một hoặc hai ba con yêu con ma dùng làm mốc thời gian. Hồi cuối Lê đầu Nguyễn lúc bấy giờ, thành Thăng Long có bốn con yêu:

Long Thành có bốn con yêu tinh

Yêu hồ trước Giám, yêu đình Đồng Xuân Yêu cây Bàng ở giữa Hàng Cân,

Yêu gốc cây Liễu giữa sân chùa Tàu

Đó là bốn con yêu cai quản phần âm u, phần tín ngưỡng, lòng dục vọng của con người thành Thăng Long thời bấy giờ. Bốn con yêu này đều là con gái và cùng sống một thì ở một nơi như nhau nhưng có tính chất khác nhau. Những không gian âm u, rậm rạp thường là nơi trú ngụ của những con yêu: “Trước cửa Giám Hà Nội bây giờ, người ta vẫn còn thấy một cái hồ con. Giữa hồ có một bãi cỏ xanh, giữa bãi cỏ xanh một cái miếu nhỏ… Xưa, đôi bên cạnh Giám, trước sau Giám cây cối hoang vu, nhưng Giám từ cửa đến lầu Khuê Văn, từ lầu Khuê Văn đến Thiên Quang Tỉnh, đền thờ đứng Chí Thành, đứng Khải Thánh, đều trơn tru sạch sẽ. Nay: những chỗ bao bọc Giám thành nơi đường cái phố xá phong quang thì ở trong lại thành chỗ hoang vu như hồn vô chủ.

Hồi ấy chung quanh hoang vu mà trong sáng sủa. Con yêu trước hồ thường ẩn hiện ở những nơi hoang vu quanh Giám mà ít khi dám vào đến trong đền”. [31; tr.570].

Đó là nơi trú ngụ của con yêu hồ trước Giám, còn nơi ẩn nấp của con yêu đình Đồng Xuân cũng được tác giả vẽ nên với một không gian ma mị: “Giữa

phường (Đồng Xuân) có một cái đình. Cạnh cái phương đình giữa sân có một cây đề thật to. Thân cây hai người ôm chưa xuể, tán cây vùng rache khắp cái sân rộng ngót mẫu đất. Cái phương đình, nấp dưới tán cây ấy, luôn luôn được mát. Lại thêm nỗi, vì gốc cây có ma nên ít người lui tới” [31; tr.572].

Không kém phần rùng rợn, huyền ảo, nơi trú ngụ của con yêu gốc liễu được tác giả mô tả: “Ở giữa sân chùa có một gốc liễu già. Thân cây xù xì hốc hác khiến người ta nhớ đến chuyện con ma liễu đòi uống rượu ăn chả ở bộ Liêu Trai của Bồ Tùng Linh. Tơ liễu về xuân buông thõng dài từ ngọn đến sát đất trông như người đàn bà rũ tóc hóng gió. Gốc liễu ấy lâu ngày thành tinh. Vì thế, lâu ngày vì sợ tinh, sợ yêu, chùa cũng bỏ hoang không ai nhìn nhận tới”. [31; tr.573]

Với những không gian đầy âm u, ma mị được dựng nên như thế, tác giả dễ dàng dẫn dắt người đọc đến với thế giới huyền ảo của những con yêu, con ma. Dù chưa được biết trước, đó là nơi trú ngụ của những con ma, người đọc cũng không khỏi rùng rợn, liên tưởng đến một địa điểm với những ám khí, gây kích thích với trí tò mò của con người. Bốn con yêu được tác giả nói đến ở đây cũng có tính cách, bản tính tốt xấu như con người. Trong đó, con yêu hồ trước Giám cũng không ác gì cho lắm. Ai có thái độ tốt với nó thì người đó tất sẽ gặp may mắn, hiển vinh. Ngược lại, ai thấy nó hát hỏng bông đùa thì người ấy tất quỷ quyệt và hay chết bất thường. Còn ai thấy nó mà quay mặt đi, người ấy tất là người tiểu nhân nham hiểm. Con ma đình Đồng Xuân cũng hơi giống với con yêu hồ Giám. Nó cũng hay nói chuyện với học trò, cũng hay trêu người nhưng không làm hại một ai. Con yêu gốc liễu có phần ác hơn cả. Nếu như khi người ta trông thấy hai con yêu trên kia, có người thế nọ, có người thế kia chứ “ai vô phúc mà nhìn thấy con yêu gốc liễu thì ít nhất cũng ốm hàng tháng. Ai trao đổi lời nói với nó thì ít ra công việc cũng trắc trở hàng năm. Ai vô phúc tưởng nó là con gái mà trêu ghẹo bông đùa thì thế nào cũng mắc một tật nặng”[31; tr.573].Còn con yêu cây bàng ở giữa Hàng Cân là con ma lành nhất. Đặc biệt, bốn con yêu đó cũng theo vận suy thịnh của việc dương mà thêm bớt sức thiêng.

Tóm lại, với việc dựng nên một không gian huyền ảo – nơi ngự trị của những con ma như thế, nhà văn Nguyễn Triệu Luật muốn mượn một thế giới khác để nói về thế giới thực tế. Và giữa hai thế giới này cũng có một sự liên quan mật thiết với nhau. Dường như trong một xã hội rối ren, khủng hoảng như thế, phần âm cũng không được yên và sự lộng hành của những con yêu ngày càng dữ tợn. Tác giả nhấn mạnh vào việc những con yêu này theo vận thịnh suy của việc dương mà bớt thiêng cũng thể hiện mong muốn của ông về một đất nước thái bình, thịnh trị cho dù điều đó còn mơ hồ và chưa rõ ràng.

3.3.2 Thời gian

Bên cạnh không gian, thời gian cũng là hình thức tồn tại của vật chất, không có gì có thể tồn tại ngoài không gian và thời gian. Trong khi thế giới vật chất tồn tại trong thời gian vật lý thì thế giới nghệ thuật lại tồn tại trong thời gian nghệ thuật. Ngày nay, vấn đề thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học ngày càng được chú trọng và nghiên cứu. A.X.Likhasep, một nhà nghiên cứu văn học của Nga đã nói: “Thời gian là đối tượng, là chủ thể, là công cụ miêu tả - là sự ý thức và cảm giác về sự vận động và đổi thay của thế giới trong các hình thức đa dạng của thời gian xuyên suốt toàn bộ văn học”. Trong Từ điển thuật ngữ văn học, thời gian nghệ thuật là “hình thức nội tại của của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó” [47; tr.332]. Trần Đình Sử trong Dẫn luận thi pháp học nhận định: “Thời gian nghệ thuật là thời gian ta có thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai” [45; tr.62]. Trong khi thời gian vật lý là thời gian tuyến tính một chiều, kéo dài từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, được đo đếm bằng những dụng cụ vật lý như đồng hồ, lịch…và không thể đảo ngược thì thời gian nghệ thuật lại hoàn toàn khác hẳn. Thời gian trong những tác phẩm văn học lại có thể vận động theo ý đồ của tác giả. Đó có thể là thời gian đa chiều, cùng lúc nói về hiện tại nhưng lập tức có thể quay ngược về quá khứ, cũng có thể mở ra một chiều tương lai cách xa hàng trăm năm. “Thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược về quá khứ, có thể bay vượt tới tương lai xa xôi, có thể dồn nén thời gian

dài trong chốc lát lại có thể kéo dài chốc lát thành vô tận” [47; tr.322] . Như vậy, có thể nói thời gian nghệ thuật trong văn học là thời gian nhiều chiều, đa dạng, có mối liên hệ mật thiết giữa các chiều thời gian và là cái đinh treo để tác giả sáng tạo nên tác phẩm văn học.

Nhìn chung thời gian trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật nói về một thời kỳ lịch sử dài với dung lượng lớn. Trong những tác phẩm của ông, có sự đan xen giữa các chiều kích thời gian là quá khứ - hiện tại. Nhưng về cơ bản, do đặc thù là tiểu thuyết lịch sử nên các sự kiện hầu như đều diễn ra theo trật tự niên biểu nhất định, tức là việc gì diễn ra trước thì kể trước, việc gì diễn ra sau thì kể sau. Sự đồng hiện của thời gian hiện tại và quá khứ tạo được hiệu ứng mạnh mẽ với người đọc. Còn thời gian tuân theo trật tự niên biểu lại giúp cho người đọc dễ theo dõi nhưng tình tiết, sự kiện lịch sử, cũng như những dấu mốc chính trong cuộc đời các nhân vật. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

3.3.2.1 Đan xen giữa các chiều thời gian: quá khứ - hiện tại

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử nguyễn triệu luật (Trang 89)