Những thăng trầm cuộc đời và sự nghiệp sáng tác

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử nguyễn triệu luật (Trang 32)

Là một nhà văn với những đóng góp nhất định cho nền văn học Việt Nam, nhưng cái tên Nguyễn Triệu Luật thực sự chưa in đậm trong tâm trí của nhiều người. Những thông tin về ông còn quá ít ỏi, thậm chí nhiều chi tiết trong cuộc đời ông vẫn là một bí ẩn ngay cả với những người thân trong gia đình nhà văn. Tuy nhiên cuộc Hội thảo “Nguyễn Triệu Luật – con người và tác phẩm” đã làm sáng danh một nhà văn có những tác phẩm giá trị nhưng một thời gian dài chìm trong im lặng.

Nguyễn Triệu Luật (1903-1946), bút hiệu Dật Lang, Phất Văn Nữ Sĩ, quê làng Du Lâm huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cũ, nay thuộc xã Mai Lâm

huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, ông được bổ đi dạy học ở Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang.

Nguyễn Triệu Luật thuộc dòng dõi đại nho (ông nội là tiến sĩ Nguyễn Tư Giản, nổi tiếng hay chữ, làm quan tới thuợng thư Bộ Lại thời Tự Đức). Thuở nhỏ, ông học ở Hà Nội. Nguyễn Triệu Luật học chưa xong trường Cao đẳng Sư phạm, nhưng sau đó, ông đã từng đi dạy học một số tỉnh ở miền Bắc và miền Trung. Nguyễn Triệu Luật là người ham học, ham đọc và say sưa viết. Ông đã cho in nhiều bài báo, bài nghiên cứu có giá trị như Bàn góp về truyện Kiều, Vấn đề cải cách chữ quốc ngữ, Một cách để gây cho dân tộc ta một cái nguyên tắc tinh thần, Báo tiếng Tây Mercure de France với văn tự Việt Nam…Ông biên dịch (tiếng Pháp) cuốn sách Tâm lý học dày ngót hai trăm trang, truyện ngắn Một cái hờn xuân giữa tiết thanh minh ở Yên Kinh bảy mươi năm trước đây…Qua đó, ta có thể thấy Nguyễn Triệu Luật là một nhà trí thức trẻ tuổi hiểu nhiều biết rộng.

Với tố chất của mình cùng với truyền thống gia đình, Nguyễn Triệu Luật hoàn toàn có thể trở thành một nhà giáo mô phạm, một nhà văn học sử nổi tiếng hay một nhà nghiên cứu uyên bác ở Đông phương bác cổ học viện,… nhưng ông lại chọn cho mình con đường trở thành nhà văn, nhà tiểu thuyết lịch sử. Có nhiều lý do khiến Nguyễn Triệu Luật chọn cho mình con đường trở thành nhà văn nhưng lý do quan trọng nhất có lẽ là việc qua những sáng tác văn học, ông muốn gửi gắm những tình cảm yêu nước của mình. Ở thời đại của Nguyễn Triệu Luật, không chỉ có riêng mình ông viết tiểu thuyết mà còn có nhiều tác giả khác như: Lan Khai, Phan Trần Chúc, Đào Trinh Nhất,… Tuy nhiên ông đã khẳng định được phong cách nghệ thuật của mình với xu hướng coi trọng hiện thực.

Năm 1929, Nguyễn Triệu Luật gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng. Tổ chức này đã thu hút được đông đảo giới nhà giáo, nhà binh, công chức, học sinh, sinh viên,… tham gia. Trong đó có nhà thơ Nhượng Tống, nhà thơ Trúc Khê, nhà thơ Phạm Tuấn Tài, Hồ Văn Mịch, Nguyễn Khắc Nhu,… đứng đầu là Nguyễn Thái Học. Đây là những người trong Nam Đồng thư xã, tổ chức tiền thân của Việt Nam Quốc dân Đảng.

Tháng 2-1930, cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo bị thất bại, ông bị Pháp bắt cùng với nhiều chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng khác. Sau đó, thực dân Pháp đã mở một chiến dịch khủng bố hết sức dã man hòng làm cho người dân Việt Nam khiếp sợ, không còn nuôi ý chí lật đổ chính quyền thống trị. Thời gian này, Nguyễn Triệu Luật cũng bị bắt, bị tù. Đến năm 1932, ông mới được “hồi dân quản thúc” (theo cách nói của ông).

Sau khi ra tù, Nguyễn Triệu Luật làm báo và viết văn. Ông viết cho các như:

Trung Bắc tân văn, Phổ thông bán nguyệt san, Tiểu thuyết thứ bảy,… Với những bài viết chuyến chuyên về những vấn đề lịch sử, ông đã góp phần nâng cao hiểu biết trong quần chúng nhân dân về lịch sử nước nhà và thôi thúc lòng yêu nước của người dân trước cảnh sống nô lệ. “Nguyễn Triệu Luật là một cây bút viết tiểu thuyết lịch sử đậm tính chân thực và có tiếng thời bấy giờ” [31, tr.12].

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông tham gia trong các tổ chức chống Pháp ở Hà Nội và mất tích trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Triệu Luật đã để lại 8 cuốn tiểu thuyết lịch sử hoàn chỉnh được lưu lại đến ngày nay đó là: Hòm đựng người (in từng kỳ trên báo Nhật Tân vào năm 1936, đến năm 1938 in thành sách), Bà Chúa Chè (Nxb Tân Dân, Hà Nội, 1938), Loạn Kiêu binh (Nxb Tân Dân, Hà Nội, 1940),

Ngược đường Trường Thi (Phổ thông bán nguyệt san số 46, 1939), Chúa Trịnh Khải (Nxb Tân Dân, Hà Nội, 1940), Rắn báo oán (1941), Thiếp chàng đôi ngả (in chung với Rắn báo oán, 1941), Bốn con yêu và hai ông đồ (1943). Ngoài ra, Nguyễn Triệu Luật còn có một cuốn tiểu thuyết nữa là Chúa cuối mẻ đang in dở trên nguyệt san Tiểu thuyết thứ bảy.

Tóm lại, có thể thấy cuộc đời nhà văn Nguyễn Triệu Luật là một chuỗi những thăng trầm, biến cố lớn lao. Sinh ra trong thời đất nước chống ngoại xâm, bản thân là một người trí thức, ông đã đóng góp hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ việc tham gia trực tiếp trong tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng đến việc gián tiếp

bộc lộ tư tưởng của mình qua những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, Nguyễn Triệu Luật hy vọng sẽ góp một phần nhỏ bé của mình cho sự thay đổi vận mệnh lớn lao của đất nước. Ông đã sống cạn đời mình cho lý tưởng và vắt kiệt tâm hồn mình cho nghiệp văn. Nguyễn Triệu Luật xứng đáng là một nhà văn lớn, một nhà hoạt động cách mạng đầy tâm huyết của dân tộc.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử nguyễn triệu luật (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(110 trang)
w