Những quan điểm sáng tác tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử nguyễn triệu luật (Trang 35)

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Triệu Luật cũng đề ra cho mình những quan điểm sáng tác và quá trình sáng tác của ông đã không nằm ngoài những quan điểm đó. Có thể thấy những quan niệm của nhà văn Nguyễn Triệu Luật về việc sáng tác tiểu thuyết lịch sử được thể hiện qua bài tựa: Tựa Hòm đựng người

(1936), tựa Bà chúa chè (1938), tựa Ngược đường Trường Thi (1939). Qua, những quan điểm sáng tác của ông về tiểu thuyết lịch sử được thể hiện một cách rõ ràng.

1.3.2.1 Tiểu thuyết lịch sử có thể hoàn toàn hư cấu nhưng phải làm sống lại cả một thời đại

Trước tiên, Nguyễn Triệu Luật có quan niệm hoàn toàn khác các cụ xưa khi viết tiểu thuyết lịch sử. Trong tiểu thuyết lịch sử có hai phần là tiểu thuyết và tiểu thuyết lịch sử. Ở phần tiểu thuyết nghĩa là hư cấu và ở phần lịch sử nghĩa là tính chính xác chân thật về các nhân vật và sự kiện lịch sử. Ông quan niệm tiểu thuyết lịch sử hoàn toàn có thể hư cấu nhưng phải làm sống lại cả một thời đại.

Cái hư cấu mà Nguyễn Triệu Luật muốn nói đến ở đây không phải là cái hư cấu theo kiểu nhà văn muốn viết gì thì viết mà không thèm quan tâm đến thời đại mình nói đến. Ông muốn đến cập đến cái hư cấu nhưng phải có sự “hợp lý” trong bối cảnh thời đại mà nhà văn phản ánh, nghĩa là nó phải có thể xảy ra ở thời đại đó. Không phải tác giả tiểu thuyết lịch sử lại mang một câu chuyện hư cấu lẽ ra phải xảy ra ở thời phong kiến để nói về thời kỳ hiện đại được. Điều đó như một quy luật bất thành văn trong quá trình sáng tác thể loại đặc thù của tiểu thuyết này. Nguyễn Triệu Luật đã một lần nữa khái quát lên đặc điểm đó và trong tác phẩm của mình, ông cũng đã thể hiện rõ quan điểm này.

Nhà văn Nguyễn Triệu Luật là người thông thạo cả Hán văn và Pháp văn. Bởi vậy, ông không còn viết tiểu thuyết lịch sử như các cụ ta ngày xưa nữa. Ông nói: “Những cuốn chuyện diễn nghĩa như Tam Quốc chí, Tây Hán chí, Đông Chu Liệt Quốc, những bộ bút lục như Tùy Ẩn Mạn thư, Tang Thương Ngẫu Lục, Vũ Trung Tùy Bút đều chép những việc thuộc sử cả… Những bộ ấy đều làm tài liệu cho sử cả, chép những chuyện ấy ít nhiều phải theo phương pháp của sử gia”.

Không những thế, ông cho rằng:

“Trái lại, viết tiểu thuyết lịch sử (Roman historique) không cần theo phép của sử học, không cần có sự thật. Tác giả chỉ phải tưởng tượng ra một chuyện “có thể có” ở một thời đại rồi đem chuyện ấy lồng vào khung thời đại ấy. Mục đích là lấy một chuyện không đâu mà làm sống lại một thời đại. Những tiểu thuyết Notre dame de Paris, Quatre vingt treize của Victor Hugo đều là bịa đặt, nhưng đọc truyện đó, ta thấy cả thời đại hồi vua Louis hồi Đại Cách Mạng sống lại”.

Nếu như trong Hoàng lê nhất thống chí, ta thấy hầu như toàn là những người thật việc thật cả, phần hư cấu hầu như rất nhỏ thì trong Hòm đựng người của Nguyễn Triệu Luật, ta thấy điều đó hoàn toàn khác hẳn. Hòm đựng người là một câu chuyện hư cấu toàn bộ, nhưng lại là một câu chuyện hoàn toàn “có thể có” ở thời vua Lê chúa Trịnh.

1.3.2.2 Nhà tiểu thuyết phải tôn trọng lịch sử

Đã là một người viết tiểu thuyết lịch sử thì yếu tố đầu tiên cần phải có ở nhà văn đó là phải tôn trọng lịch sử. Lấy lịch sử làm đề tài nhưng nếu người viết có thái độ không tôn trọng lịch sử thì tác phẩm của họ cũng trở nên vô giá trị. Những nhà tiểu thuyết lịch sử xuất sắc là những người có khả năng tạo được sự hài hòa giữa tính chân sử và cái hư cấu nghệ thuật để làm nổi bật lên nội dung tư tưởng mà mình muốn gửi lắm. Phần chân sử thể hiện đặc trưng về thể tài tiểu thuyết lịch sử, phần hư cấu thể hiện tính tiểu thuyết, sự sáng tạo trong văn học. Phối hợp được tính chân xác lịch sử cũng như hư cấu nghệ thuật một cách linh hoạt, sáng tạo nhất, nhà văn sẽ tạo nên những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử thành công.

Nếu như ở phần trên, ở khía cạnh tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Triệu Luật quan niệm về sự hư cấu thì ở khía cạnh lịch sử, ông cũng có quan niệm rõ ràng. Đó là nhà tiểu thuyết phải có một thái độ khách quan khi đánh giá lịch sử và phải tôn trọng lịch sử. Ông quan niệm:

“Tôi chỉ là một người thợ vụng, có thể nào làm nên thế, gốc tre già cứ để là gốc tre già, chứ không có thể, và cũng không muốn, hun khói lấy màu, vẽ vân cho thành gốc trúc hóa long”.

Qua đây, tác giả muốn nói rằng lịch sử như thế nào thì phải viết thế, phải tôn trọng lịch sử, không được xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử. Hay nói cách khác là những gì thuộc về lịch sử thì nhà văn phải tôn trọng nó, không thể tô vẽ một cách quá đáng cho nó.

Thông qua bài tựa thứ hai này (tựa Bà chúa Chè), nhà văn Nguyễn Triệu Luật còn đưa ra một luận điểm quan trọng: Đó là việc đánh giá lịch sử. Nhà tiểu thuyết phải đánh giá bằng lý trí khách quan, tránh kiểu đánh giá chủ quan dễ làm sai lệch lịch sử. Ông muốn lòng mình như cái cân, theo đó phải công bằng với lịch sử. Có thể thấy việc đánh giá lịch sử ảnh hưởng lớn đến nội dung tác phẩm tiểu thuyết lịch sử. Bởi vì nếu có những tư tưởng phiến diện với lịch sử thì vô hình chung tác giả đã hướng tư tưởng của mình đi lệch quỹ đạo. Không những thế, nó còn tạo nên sự “bối rối” cho người đọc trong quá trình tiếp cận tác phẩm. Đối tượng tiếp nhận chủ thể văn học lúc này sẽ không biết phải tiếp cận sáng tác của nhà văn theo hướng nào khi mà những gì mà tác giả phản ánh trong tác phẩm của mình lại khác quá xa so với sự thật lịch sử. Thế mới thấy việc đánh giá lịch sử một cách khách quan có ý nghĩa như thế nào.

Trong bộ ba tác phẩm Bà Chúa Chè, Chúa Trịnh KhảiLoạn Kiêu binh, Nguyễn Triệu Luật đã vẽ nên một bức tranh chân thực về cả một thời kỳ tối đen, mục nát của chế độ phong kiến Việt Nam. Đó là những cuộc tranh giành quyền lực giữa những tập đoàn phong kiến với nhau, trong nội bộ cung vua phủ chúa cũng có sự đấu đá này và trong giới cung phi, quan lại,… cũng tồn tại những cuộc chiến ngầm khốc liệt. Không những thế tác giả còn phản ánh những vấn đề lịch sử một

cách khách quan như việc Trịnh Sâm phế con trưởng lập con thứ, việc quân Tam phủ làm cuộc bạo loạn đưa Trịnh Khải lên ngôi chúa rồi lại cậy công gây nhũng nhiễu,… Tất cả những điều đó đã hiện lên trong tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật với những nét chân thực nhất. Qua đó, người đọc có thể có một cái nhìn toàn cảnh về một thời kỳ nhiễu nhương của dân tộc.

Nguyễn Triệu Luật còn đi xa hơn nữa, ông muốn tìm ra những quy luật lịch sử. Có thể đọc truyện xưa mà ngẫm đến chuyện nay. Ông nói: “Lịch sử chỉ là một cuộc diễn lại những trò cũ. Bước loạn vong, đông tây kim cổ vẫn tương trợ như nhau. Đã thế thì gần xa âu cũng thế thôi. Coi như phải xem việc gần mới biết việc gần”.

1.3.2.3 Nguyễn Triệu Luật muốn hướng đến một thể loại tiểu thuyết lịch sử trộn lẫn giữa cái hư cấu với cái chân sử

Trong quan niệm về tiểu thuyết lịch sử, Nguyễn Triệu Luật muốn hướng đến một thể loại tiểu thuyết lịch sử trộn lẫn giữa cái hư cấu và cái chân sử. Ở bài tựa cuốn Ngược đường Trường Thi, ông viết: “Chuyện lịch sử của ông (Sacha Guitry) đã trộn lẫn chân sử với bông lông… Sự trộn lẫn của ông là một hóa hợp chứ không phải hỗn hợp”. Nguyễn Triệu Luật cũng phỏng theo phong cách của nhà điện ảnh Pháp ấy mà viết nên cuốn tiểu thuyết này. Phần chân sử trong đó hết sức quý giá, mà phần bông lông, thêm thắt vào cũng không hẳn là vô nghĩa. Chúng ta có thể thấy cách viết này, thời hiện đại dùng rất nhiều, tuy đã được biến tấu đi.

Trong các tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật, có thể thấy Hòm đựng người là một tác phẩm hư cấu, không có thật trong lịch sử. Còn Bà chúa Chè lại là câu chuyện lịch sử có thật. Bên cạnh đó, Nguyễn Triệu Luật cũng có cuốn Ngược đường Trường Thi nằm giữa hai tiểu thuyết lịch sử. Qua đây, có thể thấy Nguyễn Triệu Luật đã trộn lẫn tính chân sử và sự hư cấu trong tác phẩm của mình để tạo nên những tác phẩm mang những tư tưởng nghệ thuật có giá trị.

Nhà văn Nguyễn Triệu Luật không chỉ tổng kết những quan niệm về tiểu thuyết lịch sử của mình về mặt lý thuyết mà ông còn hiện thực hóa những quan điểm đó thông qua những tác phẩm cụ thể như: Hòm đựng người, Bà chúa Chè, Chúa Trịnh Khải, Ngược đường Trường Thi.

Tổng kết lại quan những quan niệm sáng tác tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Triệu Luật, chúng tôi tán thành nhận định của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ở những điểm sau:

Thứ nhất là đối với những tiểu thuyết mà nhân vật và sự kiện là những điều thật 100% thì nhà văn phải hết sức trân trọng. Phải làm công việc đánh giá lịch sử một cách công bằng, chính xác. Không được để cảm tính làm sai lạc. Phải khách quan khoa học. Trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại, đã chẳng có lúc có những quyển sách mà độc giả thắc mắc đó sao.

Thứ hai là chúng tôi chú ý đến câu nói của Nguyễn Triệu Luật trong bài tựa

Hòm đựng người: “Tác giả phải tưởng tượng ra một chuyện “có thể có” ở một thời đại rồi đem chuyện ấy lồng vào thời đại ấy” rồi tác giả lấy Notre dame Paris

Quate Vingt Treize, hai cuốn tiểu thuyết của Hugo ra làm dẫn chứng.

Quan niệm ấy về nhà viết sử và nhà tiểu thuyết lịch sử hay kịch tác giả lịch sử đã phổ biến ở phương Tây từ thời cổ đại. Quan niệm ấy khác hẳn với quan niệm văn sử bất phân của phương Đông.

Thứ ba là: Dạng tiểu thuyết thứ ba mà cụ Nguyễn Triệu Luật đề cập là loại trộn lẫn cái hư và thực với nhau. Có lẽ đây là loại mà ta hay sử dụng ngày nay. Điều đó có nghĩa là trong một cuốn tiểu thuyết gồm nhiều nhân vật có thật, có thể trộn lẫn các nhân vật ở các thời đại khác nhau cho tương tác với nhau… Nói tóm lại, đó là một tiểu thuyết rất mở, rất phóng khoáng.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử nguyễn triệu luật (Trang 35)