Hư cấu toàn phần

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử nguyễn triệu luật (Trang 76)

Bên cạnh những nhân vật có thật trong lịch sử được nhà văn Nguyễn Triệu Luật hư cấu thêm để trở nên sống động, chân thực thì trong những trang viết của mình, tác giả cũng tạo nên những nhân vật hoàn toàn do trí tưởng tượng, hư cấu của mình. Để hình thành nên những nhân vật như thế, cũng có căn nguyên từ trong quan điểm sáng tác của nhà văn. Như đã nói ở phần trên, Nguyễn Triệu Luật quan niệm: “… viết tiểu thuyết lịch sử (Roman historique) không cần theo phép của sử học, không cần có sự thật. Tác giả chỉ phải tưởng tượng ra một câu chuyện “có thể có” ở một thời đại, rồi đem chuyện ấy lồng vào khung thời đại ấy. Mục đích là lấy một chuyện không đâu mà làm sống lại một thời đại. Những tiểu thuyết “Notre dame de Paris”, “Quatre vingt treize” của Victor Hugo đều là bịa đặt, nhưng đọc chuyện đó ta thấy cả thời đại hồi vua Louis hồi Đại cách mạng sống lại” (Trích lời nói đầu cuốn Hòm đựng người). Và dẫn chứng tiêu biểu nhất cho quan niệm sáng tác này của nhà văn chính là tác phẩm Hòm đựng người.

Hòm đựng người là một tác phẩm hoàn toàn do sự hư cấu, sáng tạo của nhà văn mà thành. Từ những nhân vật đến các tình tiết, sự kiện trong tác phẩm đều do tác giả “bịa đặt” nên. Tuy nhiên, cái “bịa đặt” này không phải là vô lý khi tác giả dựa trên nền là triều đại Lê mạt cuối thế kỷ XVII. Trong bối cảnh đó, một câu chuyện tình yêu ly kỳ, cảm động nhưng cũng đầy bi kịch đã diễn ra. Xung quanh câu chuyện đó là cả một bức tranh về thời đại, về những trái ngang, bất công xảy đến với con người. Cũng bởi tác giả đã dựa trên nền là một bối cảnh lịch sử xác định như thế nên câu chuyện trong tác phẩm dù là hư cấu hoàn toàn nhưng người đọc lại không thấy gượng ép, vô lý.

Trên nền của cốt truyện đầy ly kỳ và cảm động đó, những tình tiết đa phần được tác giả Nguyễn Triệu Luật hư cấu nên. Từ sự gặp gỡ đầy duyên nợ của Ấu Mai và Vũ Lăng hầu khi nàng rời cung về thăm gia đình thì gặp bọn cướp chặn đường trêu ghẹo, được chàng cứu giúp đến việc Ấu Mai thông đồng với nàng hầu Thúy Hồng đưa người tình vào Sơn Lăng, đến việc Tố Hà – bạn thân của Ấu Mai phản bội nàng hay việc người hầu nhà Ấu Mai là Kiều Cảnh đã phản bội chủ nhân và kết thúc là cái chết thảm khốc của nàng Ấu Mai và Tố Hà. Tất cả những chi tiết đó đều được tác giả hư cấu, “bịa đặt” nên nhưng độc giả lại hoàn toàn bị lôi cuốn bởi câu chuyện với nhiều những tình huống ly kỳ, hấp dẫn ấy.

Dù là một câu chuyện hoàn toàn hư cấu nhưng bất cứ ai khi đọc Hòm đựng người, chắc hẳn đều cảm thương cho thân phận của những người thiếu nữ phải chôn vùi tuổi thanh xuân của mình chốn Sơn Lăng như Tố Hà, như Ấu Mai,… Người ta có lẽ sẽ không thể nào quên chi tiết đầy ám ảnh tác phẩm này: “Mỗi ngày hai lần sớm tối, bọn cung nhân áo trắng theo sau ông Tông Nhân Lệnh, từ điện Kiền Long đến đền thờ ở lăng làm lễ chiêu tịch. Dưới những cây cao ngất, bóng tối che hồ khắp các đài tạ, ở một nơi tĩnh mịch đầy khí chết, lũ cung nữ, trắng toát cúi đầu sắp hàng từ từ tiến bước, nom tựa một lũ oan hồn hiện lên muốn đến tận nhà mồ kêu oan cùng ông vua nằm dưới kia, xác thịt đã sắp tiêu mà còn dìu đến tận Sơn lăng một đoàn cung nga thể nữ”. [31; tr.377].Một trong những cung nữ phải chịu số phận cay nghiệt đó là Ấu Mai. Nàng mang một mối tình đầy duyên nợ với ông hoàng Vũ Lăng hầu. Tuy nhiên với thân phận của một nàng cung nữ sống dưới vòng kiềm tỏa của chế độ phong kiến như thế, nàng lại không thể làm gì hơn. Dù vậy, nàng cũng muốn một lần vượt ra khỏi sự đè nén ấy với việc cấu kết cùng con hầu Thúy Hồng và người nhà quyết tâm đưa Vũ Lăng hầu vào Sơn lăng để gặp mặt. Kế hoạch không thành, nàng phải nếm trải những cay đắng gấp trăm ngàn lần lúc bình thường khi phải chịu sự trừng phạt cho cái tội “tày đình” của mình. Trong bối cảnh thời đại như thế, một kết cục bi thảm, một kết thúc không có hậu với Ấu Mai là điều hoàn toàn có thể dự đoán trước.

Ở phần sau của tác phẩm là phiên tòa xét xử vụ thông dâm giữa Ấu Mai và ông hoàng Duy Lễ được tác giả viết dựa trên những kiến thức về việc xét xử, tra tấn, các kiểu cung hình từ nhẹ đến nặng thời phong kiến. Mỗi trang viết, mỗi cực hình được thi hành với nàng Ấu Mai khiến người đọc không khỏi rùng mình, sợ hãi và thương cảm cho số phận của người cung nữ ấy. Có lẽ nếu không đọc tác phẩm này, người ta khó lòng có thể hình dung ra những cực hình tra tấn dã man đến như thế với một người phụ nữ. Qua đó, độc giả cũng có thể hình dung sự khắc nghiệt, dã man của chế độ phong kiến ở mức độ nào. Giữa những trang viết liệt kê về các kiểu hình phạt dã man ấy, tác giả đã đan xen vào những diễn biến nội tâm của nhân vật. Chương cuối cùng của tác phẩm là những hư cấu của tác giả về cái chết bi thảm của nàng Ấu Mai và Tố Hà. Sau khi biết gia đình đều đã chết vì bị tra tấn, Ấu Mai đã một mình trên tháp chuông Thiên Bảo phơi nắng phơi sương, nàng toan chết tại đây nhưng bị ngăn lại. Còn nàng Tố Hà, sau khi phản bội Ấu Mai đã được thả tự do nhưng lương tâm lại vô cùng cắn dứt trước việc và cô đã quyết định tìm về với nàng Ấu Mai trên tháp chuông và rồi họ cùng nhau tự vẫn. Hai người phụ nữ ấy đều cố gắng vượt thoát ra khỏi khuôn khổ của chế độ phong kiến để tìm đến tự do và hạnh phúc cá nhân nhưng đều không thành. Để rồi họ đều kết thúc cuộc đời bằng một cái chết đầy bi thảm. Câu chuyện hư cấu của Nguyễn Triệu Luật trong tác phẩm này làm đọng lại trong lòng độc giả biết bao những suy tư, trăn trở về số phận của những người phụ nữ dưới chế độ phong kiến.

Ngoài những nhân vật và sự kiện được tác giả Nguyễn Triệu Luật hư cấu hoàn toàn trong Hòm đựng người, chúng ta còn bắt gặp một nhân vật khác cũng được tác giả hư cấu trong tác phẩm Bà chúa Chè là ông Đồ Nam. Trong sử sách, không có cứ liệu nào ghi chép về gia thế của Đặng Thị Huệ nhưng trong tác phẩm này, chúa Trịnh Sâm nhiều lần đem chuyện quốc gia đại sự ra bàn với Đặng Thị Huệ thì việc tác giả Nguyễn Triệu Luật hư cấu bà là con nhà gia giáo cũng là điều hợp lý. Ông đồ Nam hiện lên dưới ngòi bút của Nguyễn Triệu Luật là một nhà nho “công không thành, danh không toại”, sống nhờ vào sự tần tảo của người vợ và sau này là của đứa con gái. Dù nghèo đói nhưng ông đồ Đặng không hề muốn con gái

mình phải vào cung làm kẻ hầu người hạ. Trong khi cô con gái của ông lại ấp ủ một khát vọng “đảo hành nghịch thi” lớn lao, rằng với tài năng và sắc đẹp của mình, nàng có thể làm được một điều gì đó lớn lao để thoát ra khỏi cái nương chè này. Tư tưởng của hai cha con hoàn toàn đối lập nhau. Người cha đại diện cho những chuẩn mực phong kiến, còn người con lại đại diện cho sự phá cách, muốn vượt thoát lên khỏi những chuẩn mực cũ kỹ, lâu đời đó. Sự xuất hiện của ông đồ Nam ở đây khiến cho tác phẩm thêm sinh động. Hình ảnh của ông cũng góp phần khắc họa sâu đậm hơn tính cách và những tham vọng lớn lao của cô con gái Đặng Thị Huệ. Tham vọng ấy được nuôi dưỡng, thực hiện và thành công, nhưng cho đến khi thất thế, là một Tuyên phi bị giam trong chốn Sơn lăng thì nàng vẫn một mực bảo vệ quan điểm của mình. Chi tiết ông đồ Đặng tìm gặp con gái tại nơi đây sau mười năm xa cách mang nhiều ý nghĩa. Người cha vẫn mang trong mình ý đồ thức tỉnh con gái và vẫn luôn dang rộng vòng tay đón nàng trở về nhưng ở con người mà những tham vọng lấn át tất cả ấy, vẫn không hề có sự lay chuyển: “Con vẫn cho là phải. Con làm trái thường thì được hưởng phú quý cực vọng trong mười năm… Thà rằng hưởng nhiều mà chết non còn hơn chết già mà khổ sở” [32; tr.213]. Cuối cùng, người cha đành buồn bã trở về, “đi thất thểu như người điên dại”. Hình ảnh này đại diện cho sự khuất phục của con người trước những lễ giáo phong kiến, trước những ý tưởng lớn lao mưu cầu hạnh phúc cá nhân của mỗi con người.

Tóm lại, với sự xuất hiện của những nhân vật cũng như sự kiện được hư cấu hoàn toàn trong tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật đã khiến cho những tác phẩm của ông trở nên hấp dẫn, thu hút với người đọc. Những sáng tạo này đã giúp cho nhân vật trở nên chân thực và gần gũi hơn với độc giả hiện đại.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử nguyễn triệu luật (Trang 76)