Tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật trong dòng chảy của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam giai đoạn từ những năm đầu thế kỷ XX đến năm

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử nguyễn triệu luật (Trang 39)

lịch sử Việt Nam giai đoạn từ những năm đầu thế kỷ XX đến năm 1945

Tiểu thuyết lịch sử Việt giai đoạn từ những năm đầu thế kỷ XX đến năm 1945, đặc biệt là những năm 1930 – 1945 có sự phát triển mạnh mẽ với sự gia tăng về số lượng tác giả cũng như dung lượng tác phẩm. Những nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử có thể kể đến như: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tử Siêu, Lan Khai, Phan Trần Chúc,… và dĩ nhiên không thể không nhắc đến Nguyễn Triệu Luật. Nhưng nếu như trong cách viết của các tác giả trên còn chịu ảnh hưởng nặng nề của văn học truyền thống và khuynh hướng lãng mạn thì Nguyễn Triệu Luật lại có một phong cách

khác hẳn. Ông đã chọn cho mình lối viết theo phong cách hiện thực, tôn trọng những sự kiện và nhân vật lịch sử.

Nguyễn Triệu Luật đã lựa chọn một thể tài khó viết như tiểu thuyết lịch sử lại sáng tác khá nhiều nhưng ông vẫn sáng tạo nên các tác phẩm với những giá trị nội dung và nghệ thuật lớn lao. Với những quan điểm nghệ thuật rõ ràng cùng với ngòi bút sắc sảo, ông đã tạo được dấu ấn riêng trong dòng tiểu thuyết lịch sử Việt Nam giai đoạn từ những năm đầu thế kỷ XX đến năm 1945.

Theo tác giả Đặng Thị Hương Liên trong Luận văn Thạc sĩ: Tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật dưới góc nhìn văn hóa và thi pháp thì các nguyên nhân khiến cho nhà văn Nguyễn Triệu Luật lựa chọn thể tài tiểu thuyết lịch sử đó là: nguyên nhân xuất phát từ bối cảnh xã hội bấy giờ, nguyên nhân xuất phát từ gia thế của nhà văn, nguyên nhân xuất phát từ công việc của ông là giáo viên dạy sử và cuối cùng là nguyên nhân xuất phát từ hoài bão cá nhân của ông. Qua đó chúng ta có thể thấy rằng, không phải ngẫu nhiên mà trong vô số những thể loại văn học, Nguyễn Triệu Luật đã chọn cho mình thể tài tiểu thuyết lịch sử. Sống trong một xã hội với nhiều những đau thương khi cả dân tộc đang phải chịu sự thống trị của chế độ thực dân, ông hiểu hơn ai hết nỗi nhục mất nước, nỗi nhục của một người dân một dân tộc nô lệ. Hơn nữa, việc được sinh ra trong một gia đình Nho học truyền thống đã bồi đắp cho Nguyễn Triệu Luật một nhãn quan tinh nhạy để thấu hiểu thời cuộc và để thôi thúc ông trải lòng mình qua những trang tiểu thuyết lịch sử.

Trong số những tác giả viết tiểu thuyết lịch sử đương thời, Lan Khai được coi là người viết nhiều nhất với hơn 20 tiểu thuyết. Trong đó, có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu như: Ai lên phố Cát, Cái hột mận, Chiếc ngai vàng, Cánh buồm thoát tục, Bóng cờ trắng trong sương mù,… Lan Khai thường chú trọng đến khía cạnh nghệ thuật nhiều hơn trong những tác phẩm của mình. Theo đó, tác giả thường quan tâm đến việc làm sinh động hơn các nhân vật lịch sử có thật, để qua những nhân vật lịch sử, bài học lịch sử ông thể hiện những quan niệm, tư tưởng của mình. Ngoài ra, tác giả cũng tạo nên những nhân vật hư cấu hoàn toàn như: Thục Nương, Yến Xuân, Bội Ngọc,… Nhìn chung, phong cách của Lan Khai thiên về khuynh

hướng lãng mạn với những câu chuyện kể về các mối tình trai gái lâm ly, đau thương như Chiêu Hoàng và Trần Cảnh trong Chiếc ngai vàng, nàng Nhạn và Bàng Tuyết Hận trong Đỉnh non thần,… Có thể thấy trong cách viết của Lan Khai mang hơi hướng hiện đại với nhiều chi tiết hư cấu, thêm thắt vào khiến cho người đọc đôi khi lầm tưởng tiểu thuyết lịch sử của ông với các tiểu thuyết tâm lý, tình cảm.

Không giống như Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật đã chọn cho mình một phong cách tiểu thuyết lịch sử hoàn toàn khác, đó là đi theo hướng coi trọng sự thực. Chính Lan Khai cũng từng nhận xét rằng: “Cũng như tôi, ông Nguyễn Triệu Luật viết tiểu thuyết lịch sử. Nhưng, khác với tôi, ông Luật riêng chú trọng về sự thực. Đọc Gái thời loạn, Ai lên phố Cát, Chiếc ngai vàng, Cái hột mận, nếu người ta mơ màng say đắm bởi những cái có thể có được thì đọc Hòm đựng ngườiBà Chúa Chè, người ta phải sống đủ những cái đã có rồi. Cái hay của ông Luật là ở chỗ ấy”[16; tr.163].Vì vậy, trong những tác phẩm của mình, Nguyễn Triệu Luật luôn cố gắng khắc họa một cách chân thực nhất những sự kiện, nhân vật lịch sử. Ngay cả những chi tiết hư cấu - một đặc điểm tất yếu của thể loại tiểu thuyết trong các tác phẩm của ông cũng chỉ có tác dụng làm cho sự thực “thật hơn cả thật” mà thôi. Nguyễn Triệu Luật cũng đã thừa nhận việc mình “chỉ là một người thợ vụng có thế nào làm nên thế, gốc tre già cứ để là gốc tre già chứ không có thể - vả cũng không muốn – hun khói lấy màu, vẽ vân, cho thành gốc trúc hóa long”. [31; tr.18].

Trong dòng chảy của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, Nguyễn Triệu Luật còn tạo nên sự khác biệt khi những sáng tác của ông chủ yếu tập trung vào giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn. Có một độc giả sống cùng thời với Nguyễn Triệu Luật đã gửi một lá thư thắc mắc đến ông về vấn đề này. Và nhà văn cũng đã hết sức thẳng thắn đáp lại những nghi vấn của độc giả đó: “Người thợ tài – tôi nói là người thợ văn – thì nước lã có thể vã nên hồ; thì, có thể tài liệu ít mà làm nổi lên những cái trông hoa mắt; thì có thể dùng khóe văn của mình mà cho thiên hạ trông theo ý mình muốn trông, nghe cái ý mình muốn nghe, cười khóc theo ý mình… Lịch sử chỉ là một cuộc diễn lại những trò cũ. Bước loạn vong, đông tây cổ kim vẫn tương tự như nhau. Đã thế thì, gần xa âu cũng thế thôi, can chi phải xem việc gần mới biết việc

gần”. Với ngòi bút sắc sảo của mình, Nguyễn Triệu Luật đã thực sự khiến cho độc giải và phải trông theo cái ý của ông và cười khóc theo ý ông. Qua bộ ba tác phẩm

Bà Chúa Chè, Chúa Trịnh KhảiLoạn Kiêu binh, quyển sau nối tiếp quyển trước đã giúp độc giả có được một cái nhìn toàn diện, chi tiết và hệ thống của cả một thời kỳ lịch sử. Từng bước, từng bước một trong cái sự “mạt vận tàn hôi” của nhà Trịnh. Trong lời tựa tác phẩm Bà Chúa Chè, Nguyễn Triệu Luật đã khái quát lại như sau: “Tôi phải đem ba việc: đào hố, đẩy người và sa hố là ba việc dính liền nhau chép riêng ra. Độc giả đọc xong Bà Chúa Chè, tức là đã xem việc đào hố. Sau đây đọc

Chúa Trịnh KhảiLoạn Kiêu binh, độc giả sẽ được xem việc sa hố và đẩy người”. Qua đó, cả một giai đoạn rối ren của lịch sử Việt Nam thời vua Lê chúa Trịnh đã được hiện lên với những gì chân thực, cụ thể nhất.

Cũng với những tư liệu về thời kỳ lịch sử này, Nguyễn Triệu Luật đã sáng tạo nên một câu chuyện hoàn toàn hư cấu trong Hòm đựng người. Dù tác phẩm là hư cấu hoàn toàn nhưng những câu chuyện trong đó lại hoàn toàn có thể xảy ra ở thời kỳ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Chính vì vậy mà độc giả vẫn có thể cảm nhận hơi thở của lịch sử một cách dồn dập, nóng hổi. Với sự am hiểu lịch sử một cách sâu sắc cùng ngòi bút tài hoa của Nguyễn Triệu Luật, nàng Ấu Mai cùng biết bao người con gái khác bị giam hãm trong chốn hậu cung đã hiện lên một cách không thể chân thực hơn.

Có thể nói trong mạch nguồn vô tận của dòng tiểu thuyết lịch sử vẫn âm thầm chảy trong nền văn học Việt Nam, tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật vẫn có một vị thế và phong cách riêng, không thể nhầm lẫn. Những đóng góp của ông đã giúp cho thể loại tiểu thuyết lịch sử nước nhà trở nên phong phú, đa dạng hơn, vì thế cũng góp phần tích cực vào quá trình hiện đại hóa văn học.

Tóm lại, qua chương 1, chúng tôi đã trình bày những nét khái quát nhất về khái niệm “thế giới nghệ thuật”. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành tìm hiểu khái niệm tiểu thuyết lịch sử trên các phương diện: khái niệm, đặc trưng cũng như quá trình phát triển trong nền văn học Việt Nam. Tiếp đó, chúng tôi cũng dụng tâm phác thảo những những đường nét cơ bản nhất trong hành trình sáng tác của tác giả

Nguyễn Triệu Luật, bao gồm những đặc điểm chính trong cuộc đời và sự nghiệp của ông, những quan điểm sáng tác của nhà văn cùng với đó là đặc điểm tiểu thuyết lịch sử của ông trong dòng chảy của tiểu thuyết lịch sử nước ta nói chung. Chúng tôi cũng lấy đó làm tiền đề để đi sâu tiếp cận thế giới nghệ thuật với những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật qua những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Triệu Luật ở các chương tiếp theo.

Chương 2: Hình ảnh thời đại và con người trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử nguyễn triệu luật (Trang 39)