Bên cạnh kiểu kết cấu chương hồi, Nguyễn Triệu Luật cũng đã tạo nên sự đa dạng về các kiểu kết cấu trong những tác phẩm của mình bằng việc sử dụng kiểu kết cấu trữ tình – thơ lồng trong truyện. Kiểu kết cấu này xuất hiện trong hai tác phẩm tiêu biểu là Bốn con yêu và hai ông đồ, Rắn báo oán.Đặc điểm chung của lối kết cấu này đó là giữa những trang văn xuôi kể chuyện có sự đan xen của những câu thơ. Đó có thể là những vần thơ tự sáng tác của các nhân vật trong truyện, cũng có thể là những trích dẫn từ những câu đồng dao, ngạn ngữ, những câu nói lưu truyền trong dân gian,… Những câu thơ đó khiến cho tác phẩm thiên về tính trữ tình, nhẹ nhàng mà sâu lắng.
Trong số những tác phẩm thuộc kiểu kết cấu trữ tình – thơ lồng trong truyện thì tác phẩm Bốn con yêu và hai ông đồ là tiêu biểu nhất với mật độ những câu thơ nhiều và dài hơn so với những tác phẩm khác. Là câu chuyện về những ông đồ, những nho sinh với con đường thi cử, công danh nặng gánh, bởi vậy thơ phú luôn tràn ngập qua mỗi trang văn. Đó có thể là những câu thơ tức thời sáng tác của họ, đó còn là những câu thơ trích lại của những nhà thơ nổi tiếng, những câu ngạn ngữ, đồng dao,… Trong truyện, không hiếm khi chúng ta bắt gặp những câu thơ như:
Quan Tụng có cô con gái đẹp Lăm le xui bố cưới làm chồng
Đó là những câu thơ của một bác đồ Cuồng xứ Đoài vẫn lấy làm đắc ý khi nói về việc những cô gái ở phố xá đô thành lúc bấy giờ tìm những nho sinh đỗ Cống sinh hoặc Tiến sĩ cưới làm chồng. Hay trong những màn đối đáp của họ không mấy khi vắng những vần thơ:
Ông đồ Hạ Hồng lên kinh thi, Trọ quán Tí Hàn, nhà Bá Chi
Thông trúc khuất bóng chẳng thấy gì …
Nhân dịp thịnh khoa kiếm một người Một người tuấn nhã mà lịch sự Đại khái na ná như đồ tôi,
Đó là những câu thơ áp kinh của ông đồ Tốn Hạ Hồng trong lúc chuếnh choáng men say cùng với các ông đồ khác. Bài thơ đã họa lại cuộc sống của những nho sinh khi lên kinh dự thi. Trong một số câu, ông đồ Tốn có chút phạm vào lễ giáo thông thường mà khi tỉnh táo chắc rằng ông sẽ không nói thế. Ngay sau đó, mạch thơ của ông lại tuôn trào khi tiếp tục ý thơ trên với độ dài hai trang văn bản.
Hay một bài thơ khác cũng của ông đồ Tố để đáp lại đề bài của ông cống Ngô Tiêm đó là:
Buồn ngủ lại gặp chiếu manh Anh đồ Tốn nọ vô tình mà câu
Rồi ông vanh vách mà đọc ra rằng:
Việc đời lắm lúc thật buồn cười Hạnh ngộ đôi phen tựa chuyện chơi Mắt đã thiu thiu, sao ngủ được, Cói hơi nung núc, tạm cho rồi Cơ tâm chi lắm cho thêm nhọc. Vô tích như ta chán lúc hời
Câu chuyện luân thường nào chuyện bỡn Quỷ thần xin chứng cả hai vai.
Những đoạn bình thơ trên những bức tranh được treo ở quán trọ Tí Hàn của tác giả cũng hết sức thu hút người đọc. Bởi qua những bức họa đó, người ta có thể phát hiện ra tính tình, nhân cách và thân thế của một con người mang trong mình nhiều điều bí ẩn này như:
Thế gian diệm thuyết phong hầu quý Nhữ thị hầu trung bất đãi phong
(Người đời nô nức phong hầu lắm Mày hẳn hầu thôi chẳng đợi phong)
Những câu thơ trên cùng với hình ảnh trên bức tranh khiến người ta có thể nhận thấy chủ nhân của nó là một người bất đắc chí. Chữ “hầu” ở đây là khỉ nhưng lại được ông đem ra làm một món lộng ngữ ngạo ngược khinh đời.
Hay hai câu thơ khác đề trên một bức tranh vẽ mấy bông hoa mẫu đơn như sau:
Đãn đắc quân vương thì thì cố, Thử sinh bất nhượng hải đường hoa (Quân vương đoái đến luôn luôn
Thân này nhường đóa hải đường? Có đâu?)
Hai câu thơ trên phảng phất một giọng cay đời của một con người mười năm về trước. Sở dĩ cái giọng cay đời ấy được cất lên từ một con người “thi không đỗ, làm chẳng nên mà cũng hằn học mãi không thôi” [32; tr.542].
Bên cạnh những bài thơ tức thời sáng tác của những ông đồ, những đoạn bình của tác giả về những câu thơ được họa trên các bức tranh của một ông chủ quán nặng nỗi ưu thời, trong tác phẩm còn xuất hiện những câu đồng dao, ngạn ngữ như:
Long Thành có bốn con yêu tinh:
Yêu hồ trước Giám, yêu đình Đồng Xuân Yêu cây Bàng ở giữa Hàng Cân,
Yêu gốc cây liễu, giữa sân Chùa Tàu.
Hay:
Yêu Đồng Xuân cứ khinh Tớ nhẹ đường công danh Yêu Đồng Xuân mà trọng Trăm việc làm trăm hỏng
Trong một số tác phẩm khác như Rắn báo oán hay Thiếp chàng đôi ngả, ta cũng bắt gặp lối kết cấu thơ lồng trong truyện này. Ở chương II của tiểu thuyết Rắn báo oán, với một vài lời dẫn của tác giả, cả chương là lời dịch nôm Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi:
Núi có suối tiếng reo như hát Ta lấy làm đàn nhạc véo von; Sườn non có đá mấy hòn,
Trời mưa tẩy mốc xanh rờn sắc rêu; …
Hỏi khách đời hầm hục làm chi? Sào, Do ví có ngày ni,
Sơn trung khúc hát xin nghe cho tường.
Bài thơ thể hiện nỗi lòng của một vị quan đại thần khi lui về ở ẩn chốn Côn Sơn. Ở đó, ông có thể vui thú với cảnh núi non, sơn thủy hữu tình. Và điều quan trọng là tại nơi ấy, ông có thể tạm gác việc đời để hòa lòng mình cùng với thiên nhiên, cây cỏ. Tưởng rằng có thể an trí với khung cảnh hữu tình ấy để quên đi chuyện đời nhưng nỗi lòng của một tâm hồn lớn luôn nặng nỗi ưu thời mẫn thế đâu có làm được như vậy. Cảnh vui buồn đen đỏ của thế tục vẫn đeo đuổi con người ấy, khiến ông cũng chẳng thể nào yên.
Ở chương tiếp theo trong truyện Rắn báo oán: Vua tôi xướng họa kể về việc vua Lê Thái Tông xướng họa thơ cùng cụ Ức Trai. Hai người đối đáp thơ qua lại với nhau, chiếm hơn hai trang trong tổng số hơn bốn trang văn bản của chương này. Cuối cùng vua phải chịu thua cụ Ức Trai mà rằng: “Trẫm nối nghiệp Tiên hoàng, tuy không phải thì dụng võ, nhưng công việc còn bề bộn nên cũng không năng làm. Nay phải họa theo vẫn thì cũng vụng lắm. Tiệc hôm nay thật là “cường chủ áp tân”… Thôi, trẫm thua khanh”. [32; tr.458].
Ở những chương tiếp theo, thỉnh thoảng tác giả lại lồng vào trong truyện những câu thơ của nhân vật Thị Lộ như trong đoạn cuối của chương VII:
Cái đêm hôm ấy đêm gì?
Bóng trăng lồng bóng trà mi trập trùng.
Nhìn chung, với lối kết cấu thơ lồng trong truyện này, Nguyễn Triệu Luật đã khiến cho mạch truyện được giãn ra. Người đọc có thể ngưng lại để nhìn nhận, đánh giá một vấn đề qua những vần thơ được sưu tầm lại hay do những nhân vật trong tác
phẩm viết nên, hoặc cũng có thể do chính tác giả viết ra. Bên cạnh đó, sức truyền tải những thông điệp của tác giả qua những câu thơ cũng trở nên hiệu quả hơn. Điều đặc biệt là với lối kết cấu này, những tiểu thuyết lịch sử giờ đây đã không còn khô khan, nhiều chữ nghĩa, đơn thuần dài dòng và nhàm chán như người ta vẫn thường nghĩ. Thay vào đó, sự đan xen của những câu thơ như thế đã khiến cho tác phẩm mang đậm chất trữ tình, xóa nhòa ranh giới giữa những tác phẩm tự sự và trữ tình. Đây cũng là một điểm mới trong sáng tác của Nguyễn Triệu Luật tiến dần hơn với thi pháp hiện đại, khi mà sự đan xen giữa các thể loại khác nhau ngày càng trở nên khá phổ biến. Nó cũng khiến cho tác phẩm của ông trở nên gần gũi hơn với độc giả ngày nay.