Các hình thức khác

Một phần của tài liệu Hợp tác tài chính - tiền tệ Đông Á thực trạng, triển vọng và một số gợi ý cho Việt Nam (Trang 50)

Bên cạnh các hình thức trao đổi thông tin và xây dựng các quy trình giám sát khu vực ở trên, Đông Á còn có một số hình thức hợp tác tài chính - tiền tệ khác với quy mô và tính chất cụ thể hơn như:

Giám sát sự di chuyển vốn tư nhân

Hội thảo về "Giám sát sự di chuyển của dòng vốn tư nhân ở ASEAN+3" do ADB và Ban thư ký ASEAN đồng tổ chức đã được thực hiện vào 26- 27/4/2000. Giám sát sự di chuyển của dòng vốn tư nhân gồm 2 lĩnh vực chính là:

- Trao đổi song phương dữ liệu về các dòng vốn: Việc trao đổi dữ liệu về các dòng vốn ngắn hạn được dựa trên nguyên tắc tự nguyện, chủ động và có đi có lại. Với đề xuất này, Ban Thư Ký ASEAN đang chuẩn bị mẫu báo cáo số liệu về các dòng vốn. Cho đến nay, chỉ có một số ít quốc gia thực hiện việc trao đổi số liệu song phương mặc dù việc trao đổi có thể gồm các số liệu không hoàn chỉnh. - Kiểm soát hệ thống các dòng vốn ngắn hạn xuyên quốc gia: Hoạt động này nhằm cung cấp một hệ thống phương pháp nhằm kiểm soát và báo cáo sự dịch chuyển của các dòng vốn ngắn hạn trong khu vực, cũng như phân tích hành vi thị

trường, sự phát triển của phạm vi chính sách trong quản lý các nguồn vốn và xây dựng một phương pháp thích hợp nhằm dự báo sự dịch chuyển của các dòng vốn. Cho đến nay, dự án này vẫn đang được tiến hành thông qua việc báo cáo và kiểm soát hệ thống mẫu ở một số nước.

Hệ thống cảnh báo sớm ASEAN+3 (The ASEAN+3 Early Warning Systems)

Việc thiết lập hệ thống cảnh báo sớm ASEAN+3 đã được đưa ra trong thông cáo chung của cuộc họp nội các bộ trưởng tài chính ASEAN+3 tại Hônôlulu vào tháng 5/2001. Hiện tại, ADB đang thực hiện việc trợ giúp kỹ thuật nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN+3 để thiết lập hệ thống cảnh báo sớm khu vực với mục đích giúp các nước loại bỏ những bất ổn về kinh tế vĩ mô, tài chính cũng như ngăn ngừa khủng hoảng tài chính trong tương lai. Trợ giúp kỹ thuật sẽ giúp cho việc: i) Phát triển mô hình cảnh báo sớm mẫu dựa trên phương pháp tiếp cận sẵn có của IMF, giới hàn lâm và các nước khác nhau; ii) Xác định một tập hợp các chỉ số kinh tế vĩ mô chủ chốt có liên quan đến hệ thống cảnh báo sớm; iii) Tổ chức hội thảo để hoàn chỉnh, phổ biến và ứng dụng mô hình mẫu đó ở các nước ASEAN+3.

Các diễn đàn của các ngân hàng trung ương

Bên cạnh các hình thức trao đổi thông tin và giám sát trên, các ngân hàng trung ương (NHTW) châu Á còn có những quy trình đối thoại chính sách riêng như diễn đàn của nhóm các NHTW Đông Nam Á (SEACEN); diễn đàn nhóm các NHTW Đông Nam Á, Niu Dilân và Úc (SEANZA); diễn đàn các NHTW Đông Á - Thái Bình Dương (EMEAP) và diễn đàn các NHTW ASEAN.

- SEANZA ra đời năm 1956 và là diễn đàn trao đổi thông tin về các vấn đề quan tâm chung của các NHTW và cung cấp các khóa đào tạo tạo cho các nhân viên NHTW.

- SEACEN được thành lập tháng 2 năm 1996, ban đầu như là một tổ chức đào tạo và nghiên cứu. Sau đó nó đã phát triển thành một diễn đàn độc lập hơn nhằm thảo luận về các vấn đề của NHTW.

- EMEAP được thành lập tháng 2 năm 1991 với sự lãnh đạo của Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Dự trữ Australia với mục đích chính là tổ chức các hội nghị thường niên của các thống đốc NHTW EMEAP, các hội nghị nửa năm một lần của các phó thống đốc và ba nhóm làm việc liên quan đến việc giám sát ngân hàng, các thị trường tài chính, hệ thống giải quyết tranh chấp và thanh toán. Diễn đàn này được coi là có ảnh hưởng nhất đến các NHTW khu vực tuy nhiên nó vẫn có các điểm yếu của bản thân như lịch họp bất thường và thiếu tính liên tục. EMEAP không có ban thư ký, thay vào đó, trách nhiệm đối với các vấn đề tổ chức, phụ thuộc vào chính bản thân các hội nghị, được luân phiên quanh các NHTW thành viên.

- Diễn đàn NHTW ASEAN là nơi các NHTW của các nước ASEAN gặp gỡ nhằm đối thoại chính sách. Diễn đàn được thành lập cuối năm 1997.

Các diễn đàn trên tuy đã hướng tới việc tăng cường hợp tác tài chính và tiền tệ ở khu vực Đông Á tuy nhiên vai trò của các diễn đàn còn mờ nhạt và không được đánh giá cao.

Diễn đàn hợp tác khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM)

Diễn đàn các bộ trưởng tài chính APEC được thiết lập vào năm 1994 nhằm trao đổi các quan điểm và thông tin về các điều kiện kinh tế vĩ mô, sự di chuyển vốn và sự phát triển của thị trường vốn. IMF, WB, và ADB trợ giúp diễn đàn này bằng cách chuẩn bị các báo cáo về những vấn đề quan tâm. Điều đặc biệt của APEC là các bộ trưởng còn mời các đại diện của khu vực tư nhân tham dự như Hội động Hiệp hội Ngân hàng châu Á, Nhóm Tài chính APEC, Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương, để báo cáo tóm tắt những kết quả nghiên cứu của họ cũng như thảo luận các vấn đề quan tâm.

Diễn đàn các bộ trưởng tài chính ASEM được thiết lập vào năm 1997 (cuộc gặp gỡ Á - Âu lần đầu tiên diễn ra vào năm 1996). Trên diễn đàn này, Hội đồng châu Âu là thành viên thường xuyên còn IMF, NHTW châu Âu và ADB thường tham gia thảo luận. Hoạt động đáng lưu ý nhất của diễn đàn là Dự án

nghiên cứu Kobe (Kobe Research Project) với mục đích tăng cường hợp tác tài chính khu vực ở Đông Á trên cơ sở những bài học kinh nghiệm châu Âu.

Bảng 2.3: Các diễn đàn khu vực đối với các bộ tài chính và các NHTW

Nguồn: Yung Chul Park, Beyond the Chiang Mai Initiative: Prospects for Regional Financial and Monetary Integration in East Asia, 2004

Các hình thức khác

Ngoài những hình thức hợp tác nội bộ khu vực và liên kết khu vực kể trên, ở Đông Á còn có những hình thức hợp tác với quy mô nhỏ hơn như Diễn đàn 4 thị trường (gồm Úc, Hồng Kông, Nhật Bản và Singapore, được thiết lập vào tháng 5/1992); Diễn đàn 6 thị trường (gồm Trung Quốc, Mỹ và các thành

viên của Diễn đàn 4 thị trường, được bắt đầu vào tháng 3/1997); Diễn đàn 3 thị trường (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, được bắt đầu vào tháng 9/2000). Các diễn đàn này thảo luận các vấn đề của khu vực như các điều kiện kinh tế vĩ mô, sự di chuyển vốn, các thị trường ngoại hối và sự phát triển của thị trường tài chính. Đến tháng 3 năm 2003, Diễn đàn 4 thị trường đã được tổ chức 16 lần và Diễn đàn 6 thị trường được tổ chức 2 lần.

Một phần của tài liệu Hợp tác tài chính - tiền tệ Đông Á thực trạng, triển vọng và một số gợi ý cho Việt Nam (Trang 50)