Các sáng kiến trong khuôn khổ ASEAN+3

Một phần của tài liệu Hợp tác tài chính - tiền tệ Đông Á thực trạng, triển vọng và một số gợi ý cho Việt Nam (Trang 79)

Đề xuất của Nhóm tầm nhìn Đông Á

Nhóm Tầm nhìn Đông Á được thành lập năm 1999 tại Seoul (Hàn Quốc). Thành viên của nhóm bao gồm các nhà khoa học từ các nước ASEAN+3 (mỗi nước có hai nhà khoa học đại diện). Nhiệm vụ chủ yếu của Nhóm là đưa ra các chiến lược hợp tác trong khu vực. Tháng 10 năm 2001, Báo cáo “Hướng tới một Cộng đồng Đông Á” của nhóm đã được trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN +3 tại Bandar Seri Begawan, Brunei.

Báo cáo “Hướng tới một Cộng đồng Đông Á” gồm 22 đề xuất quan trọng với 57 biện pháp cụ thể cho hợp tác khu vực trong sáu lĩnh vực là kinh tế, tài

chính, an ninh chính trị, môi trường, văn hóa xã hội và thể chế nhằm xây dựng một Cộng đồng Đông Á. Điểm nổi bật trong đề xuất này là hợp tác Đông Á sẽ chú trọng vào phát triển con người, giảm đói nghèo và khoảng cách giữa các nước. Đề xuất cũng nhấn mạnh sự phối hợp của các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ trong hợp tác khu vực. Hợp tác kinh tế sẽ là nền tảng và chất xúc tác cho hợp tác trong các lĩnh vực còn lại. Nhóm tầm nhìn Đông Á cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tính hài hòa của Cộng đồng Đông Á với hệ thống thế giới.

Trong hợp tác kinh tế, báo cáo đưa ra 15 biện pháp cụ thể trong đó có những đề xuất quan trọng được đưa ra nhằm mục tiêu cuối cùng là thành lập Cộng đồng Kinh tế Đông Á.

Hợp tác tài chính cũng là một trọng tâm quan trọng trong đề xuất của Nhóm tầm nhìn Đông Á. Nhóm đề xuất cách tiếp cận từng bước, xoay quanh ba trụ cột chính của hợp tác tài chính là thể chế tín dụng khu vực, cơ chế tỷ giá và cơ chế giám sát với các biện pháp cụ thể sau:

- Thành lập Quỹ tự hợp tác tài chính để hỗ trợ cho nội bộ khu vực, ví dụ như các Hiệp định vay mượn khu vực (Regional Arrangements to Borrow) hoặc Quỹ tiền tệ Đông Á. Tuy nhiên, đặc điểm cơ bản của quỹ này là bổ trợ cho IMF, chứ không cạnh tranh với IMF như trong đề xuất về AMF.

- Thực hiện một cơ chế phối hợp tỷ giá nhằm ổn định tài chính và phát triển kinh tế. Theo đánh giá của nhóm, tỷ giá linh hoạt nhưng ổn định sẽ tốt hơn cho phát triển kinh tế dài hạn so với tỷ giá thả nổi hoàn toàn. Do vậy, nhóm cho rằng cơ chế tỷ giá neo theo rổ tiền tệ sẽ phù hợp hơn việc neo vào một đồng tiền duy nhất. Việc phối hợp thực hiện cơ chế tỷ giá này đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ trong các chính sách tiền tệ và tài khóa. Về dài hạn, nhóm đề xuất Đông Á là khu vực tiền tệ chung, khi các điều kiện kinh tế chính trị xã hội đã chín muồi

- Tăng cường quy trình giám sát khu vực, bổ trợ cho quy trình giám sát toàn cầu của IMF và thống nhất với IMF về các biện pháp tư vấn.

Đề xuất của Nhóm nghiên cứu Đông Á

Nhóm nghiên cứu Đông Á gồm các quan chức chính phủ được thành lập vào tháng 3 năm 2001 với nhiệm vụ đánh giá các đề xuất của Nhóm tầm nhìn Đông Á và nội dung của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Tháng 11 năm 2002, báo cáo của nhóm được trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+3 tại Phnompenh.

Về cơ bản, Nhóm nghiên cứu Đông Á nhất trí với những đề xuất trong báo cáo “Hướng tới một Cộng đồng Đông Á” đặc biệt là mục tiêu cuối cùng của hợp tác Đông Á là hướng tới một Cộng đồng Đông Á.

Đóng góp quan trọng nhất của Nhóm nghiên cứu Đông Á là lựa chọn trong các đề xuất của báo cáo “Hướng tới một Cộng đồng Đông Á” những biện pháp hợp tác cụ thể mà theo nhóm là quan trọng và đề xuất thứ tự ưu tiên. Cụ thể, Nhóm đưa ra 26 biện pháp cần ưu tiên thực hiện, trong đó có 17 biện pháp ngắn hạn và 9 biện pháp trung hạn. Theo đánh giá của Nhóm, trong phát triển hợp tác kinh tế ngắn hạn cần chú trọng hỗ trợ và hợp tác trong cơ sở hạ tần g, công nghệ thông tin và phát triển nguồn nhân lực. Nhóm kiến nghị phải chú trọng hơn đến vấn đề thể chế hợp tác trong ngắn hạn như thành lập Ủy ban kinh doanh Đông Á, Diễn đàn Đông Á. Thành lập khu mậu dịch tự do và khu vực đầu tư Đông Á là những biện pháp trung hạn. Tuy nhiên, cả trong ngắn hạn và trung hạn, việc khuyến khích đầu tư thông qua FDI và các doanh nghiệp vừa và nhỏ đồng thời thiết lập mạng lưới thông tin đầu tư Đông Á là những biện pháp cần ưu tiên.

Đặc biệt, Nhóm đề xuất Đông Á cần hỗ trợ khối ASEAN trong hội nhập kinh tế khối. Những hỗ trợ hợp tác trong khuôn khổ ASEAN sẽ làm giảm khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN, và do vậy, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập Đông Á.

Ngoài ra, Nhóm Nghiên cứu Đông Á còn đề nghị bổ sung những lĩnh vực hợp tác quan trọng như du lịch, lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp. Đây là

những lĩnh vực mà Nhóm tầm nhìn Đông Á không đánh giá đầy đủ trong Báo cáo “Hướng tới một Cộng đồng Đông Á”.

Một phần của tài liệu Hợp tác tài chính - tiền tệ Đông Á thực trạng, triển vọng và một số gợi ý cho Việt Nam (Trang 79)