Tuy Đông Á đã có một vài diễn đàn chia sẻ thông tin và giám sát kinh tế trong khu vực nhưng cho đến nay vẫn chưa có diễn đàn nào thực sự hiệu quả. Do vậy, để nâng cao hiệu quả quy trình đối thoại chính sách và giám sát khu vực, quy trình giám sát cần chú trọng vào những thảo luận mang tính kỹ thuật và tạo
dựng môi trường thảo luận chính sách nghiêm túc trên cơ sở đạt được sự cân bằng giữa những nguyên tắc truyền thống như đồng thuận, không can thiệp vào nội bộ, hành vi cư xử tốt với các nguyên tắc giám sát mạnh như sức ép giám sát ngang hàng.
Để thực hiện được điều đó, khu vực cần thiết lập một thể chế riêng với nhiệm vụ trợ giúp cho quy trình kiểm điểm kinh tế và đối thoại chính sách ASEAN+3 (ERPD) cũng như cung cấp các nghiên cứu và đánh giá sâu, có chất lượng cao nhằm kịp thời xác định những vấn đề nảy sinh và bất ổn đối với khu vực cũng như cung cấp những khuyến nghị chính sách có hiệu quả.
Các thảo luận về tương lai của khu vực cho thấy khu vực cần phải thành lập một bộ phận giám sát và kiểm soát với mục tiêu cung cấp các thông tin đầy đủ và chính xác cho các nước ASEAN+3 trong dài hạn. Các hoạt động kiểm soát chung bao gồm: 1) Các xu hướng kinh tế và sự thay đổi chính sách trong khu vực, 2) Sự phát triển của các thị trường tài chính và 3) Sự thay đổi về cấu trúc và thể chế.
Bên cạnh đó, bộ phận kiểm soát và giám sát ASEAN+3 cũng nhằm tăng cường: 1) quá trình thực hiện các tiêu chuẩn chung đã được các quốc gia đồng ý, 2) những thay đổi chính sách và cải cách mà các nước phải thực hiện (đặc biệt là đối với các nước nhận hoán đổi trong khuôn khổ CMI) và 3) sự phối hợp chính sách kinh tế đã được các nước thông qua.
Nâng cao hiệu quả giám sát khu vực có thể được tiến hành theo những bước sau:
Thứ nhất, thiết lập bộ phận giám sát độc lập trong khu vực (có thể thông qua sát nhập hai quy trình giám sát ASEAN và quy trình giám sát các nước Đông Bắc Á) nhằm quản lý cơ chế đối thoại chính sách trong khu vực. Bộ phận này sẽ là nơi cung cấp các thông tin và cảnh báo các dấu hiệu đối với từng nước và toàn bộ khu vực. Thông qua việc thiết lập hệ thống cảnh báo sớm ở cấp độ quốc gia và khu vực, bộ phận giám sát khu vực thông báo các vấn đề và chuẩn bị
các báo cáo giám sát độc lập cho quá trình kiểm điểm ngang hàng. Dựa trên kết quả báo cáo, quá trình kiểm điểm ngang hàng có thể đưa ra một số gợi ý chính sách cụ thể.
Khắc phục hạn chế của AASP trước đây, trong khi chuẩn bị báo cáo giám sát, bộ phận giám sát khu vực cần tự tìm kiếm các số liệu thực tế và để tránh trùng lặp với IMF, bộ phận giám sát khu vực có thể tham gia hoạt động giám sát của IMF với các nhân viên của IMF.
Bộ phận giám sát khu vực có thể xây dựng các nghiên cứu mở đầu về các vấn đề hợp tác trong tương lai như phối hợp chính sách tỷ giá hối đoái và phát triển thị trường trái phiếu Châu Á. Tuy nhiên, hiện nay các liên kết trong việc quản lý kinh tế ở Đông Á còn khá lỏng lẻo, không phù hợp với việc quản lý tỷ giá hối đoái và hệ thống tài chính còn yếu kém, nên bộ phận giám sát khu vực phải vừa là một đồng hồ theo dõi các chính sách kinh tế và tỷ giá hối đoái quốc gia vừa là một giám thị theo dõi các thị trường tài chính quốc gia, và là cầu nối giữa chúng với phần còn lại của thế giới.
Thứ hai, nâng cao vai trò của Thể chế ra quyết định của NBSA. Cụ thể, trong trường hợp cần hỗ trợ thanh khoản, dựa trên báo cáo của bộ phận giám sát độc lập, Thể chế ra quyết định của NBSA sẽ đưa ra các điều kiện đối với các nước yêu cầu hoán đổi. Một cơ cấu mới về các điều kiện, đi kèm với quá trình giám sát khu vực sẽ giúp kiểm soát các thị trường tài chính trong khu vực.
Bộ phận giám sát, với các thông tin do các mô hình chỉ số cảnh báo cung cấp, sẽ xác định nguy cơ và loại khủng hoảng. Khi có sự thay đổi dự kiến khiến cho các dòng vốn vào bị đột ngột đảo ngược hoặc sự thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, triệu chứng của mất cân bằng cơ cấu thì một sự hỗ trợ tài chính khẩn cấp sẽ được cung cấp trước khi áp dụng bất kỳ quyết định cải cách chính sách nào đối với nước chịu ảnh hưởng của khủng hoảng. Sau khi cuộc tấn công đầu cơ bị ngăn chặn, Thể chế ra quyết định của NBSA sẽ quyết định áp dụng các cải cách chính sách phù hợp đối với các nước đã tận dụng được các điều kiện thuận lợi của NBSA.
Thứ ba, các thành viên của ASEAN+3 hiện đang theo đuổi mục tiêu hợp tác tài chính mà không có sự phối hợp trong tỷ giá hối đoái. Điều này là không trọn vẹn khi Đông Á muốn thành lập liên minh tiền tệ. Do vậy, nếu Đông Á muốn thành lập liên minh tiền tệ ở khu vực thì cơ chế giám sát khu vực cần được sắp xếp và quản lý tốt để hỗ trợ cho việc phối hợp chính sách tỷ giá hối đoái và phát triển hệ thống tỷ giá hối đoái chung cho khu vực. Giống như Ủy ban Châu Âu và Viện Tiền tệ Châu Âu là nơi khuyến khích các hợp tác tài chính và tiền tệ, ASEAN+3 có thể lưu ý tới việc thành lập các thể chế độc lập chính trị cùng với một quá trình đối thoại chính sách chính thức. Các chuyên gia làm việc tại các tổ chức độc lập này sẽ có khả năng theo đuổi các quyết định của các nhà chính trị về các mục tiêu chính sách chung cao cấp và hợp nhất và các thể thức có liên quan phù hợp hơn thông qua việc đóng góp các ý tưởng của họ tới nhóm đối thoại chính sách.