Các ý tưởng của các chính phủ và thủ lĩnh chính trị

Một phần của tài liệu Hợp tác tài chính - tiền tệ Đông Á thực trạng, triển vọng và một số gợi ý cho Việt Nam (Trang 78)

Sáng kiến đầu tiên về hợp tác khu vực trong lĩnh vực tài chính là sáng kiến về thành lập Quỹ tiền tệ Châu Á (AMF), được đề xuất tháng 10/1997 ngay sau khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra. Nhật Bản là nước đề xuất và nội dung chính là AMF sẽ hoạt động độc lập với IMF, thay thế cho IMF trong một số hoạt động như giám sát tài chính khu vực. Tuy nhiên, sáng kiến này đã vấp phải sự phản đối từ Mỹ và IMF vì lo ngại sự chồng chéo trong hoạt động của AMF và IMF.

Tiếp theo sáng kiến thành lập Quỹ tiền tệ Châu Á là sáng kiến Miyazawa mới (NMI) của Nhật Bản, được đưa ra vào tháng 10/1998. Mục tiêu là thành lập cơ chế hỗ trợ song phương hỗ trợ các nước Châu Á bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính đồng thời góp phần ổn định thị trường tài chính quốc tế. Tổng số tiền cho NMI là 30 tỷ USD, trong đó 15 tỷ USD dành để hỗ trợ khả năng thanh toán ngắn hạn và số còn lại dành cho các dự án trung và dài hạn. Khác với phương pháp tiếp cận đa phương của AMF, NMI thông qua phương pháp tiếp cận song phương để đạt được sự ổn định tiền tệ và tài chính. Chủ yếu số tiền 30 tỷ USD trên là tiền cho vay, không phải tiền viện trợ.

Tiếp theo đó, Nhật Bản cam kết sẽ hỗ trợ việc huy động vốn từ các quỹ khu vực tư nhân trong và ngoài nước cho Châu Á (thông qua bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất của JBIC và ADB). Đồng thời, Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ cho đầu tư vào khu vực tư nhân Châu Á thông qua quỹ huy động vốn. Một trong các lĩnh vực ưu tiên khác của giai đoạn này là phát triển các thị trường trái phiếu, được coi là tiền thân của thị trường trái phiếu khu vực.

Đi xa hơn những ý tưởng và đề xuất kể trên, các nguyên thủ ở Đông Á còn nêu lên những ý tưởng về một Cộng đồng Đông Á, coi đây là xu hướng tất yếu và cần thiết của liên kết khu vực. Thủ tướng Nhật Bản Koizumi đưa ra ý tưởng này trong chuyến thăm Đông Nam Á đầu năm 2002. Đây cũng được coi là bước phát triển tiếp theo của cơ chế 10+3 hiện có. Mới đây, Thủ tướng Malaysia lại kêu gọi thành lập Nhóm kinh tế Đông Á ở một trình độ cao hơn ASEAN + 3. Theo Thủ tướng Malaysia, APEC đã không thực sự quan tâm đến các quyền lợi Đông Á. Ông tuyên bố: “Chúng ta cần phải chấm dứt việc núp sau danh nghĩa giả mạo ASEAN +3 để tự gọi mình là Tổ chức kinh tế Đông Á” [12]. Trung Quốc cũng tỏ ra quan tâm đến một sự hợp tác chặt chẽ hơn của Đông Á, “lấy hợp tác Trung - Nhật làm nền tảng, với vai trò thúc đẩy của ASEAN” [15]. Sự hợp tác này sẽ không chỉ xuất phát từ các mục tiêu kinh tế mà còn giải quyết các vấn đề khu vực khác như ngăn chặn khủng bố và an ninh phi truyền thống. Cựu tổng thống Philippin, Phidel Ramos cho rằng từ sự tương tác về kinh tế, các nước Đông Á sẽ củng cố được vị thế của mình trên thế giới [13]. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Hiromu Nonaka còn tuyên bố mạnh mẽ hơn rằng những vấn đề của Châu Á phải do Châu Á tự giải quyết và Đông Á sẽ bắt đầu bằng việc thay thế phụ thuộc vào IMF bằng việc lập ra AMF và cuối cùng sẽ tiến đến một Liên bang chặt chẽ hơn như EU [14].

Một phần của tài liệu Hợp tác tài chính - tiền tệ Đông Á thực trạng, triển vọng và một số gợi ý cho Việt Nam (Trang 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)