Sự cần thiết phải hợp tác về tài chính và tiền tệ Đôn gÁ

Một phần của tài liệu Hợp tác tài chính - tiền tệ Đông Á thực trạng, triển vọng và một số gợi ý cho Việt Nam (Trang 39)

Hợp tác tài chính - tiền tệ Đông Á là một nhu cầu cần thiết trong khu vực hiện nay. Nó giúp các nước trong khu vực hấp thụ được những lợi ích của toàn cầu hoá tài chính và giảm thiểu những tác động tiêu cực của chúng. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ Châu Á năm 1997-1998 còn cho thấy, việc hợp tác trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ là một nhu cầu cấp thiết. Hợp tác tài chính - tiền tệ sẽ giúp các nước trong khu vực phòng và chống được khủng hoảng tài chính - tiền tệ cũng như quản lý tốt khủng hoảng khi nó xảy ra. Hơn nữa, quá trình hợp tác này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình liên kết thương mại và đầu tư trong khu vực; giúp khu vực giảm thiểu sự phụ thuộc vào dòng vốn tư nhân nước ngoài ngắn hạn và bù đắp lại được những thiệt hại về phúc lợi do việc hình thành đồng tiền chung châu Âu (Euro) gây nên. Cụ thể như sau:

2.1.1. Hấp thụ tối đa những lợi ích và giảm thiểu những tác động tiêu cực của toàn cầu hoá tài chính

Toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, đã khiến cho các nước phụ thuộc vào nhau nhiều hơn và nhiều vấn đề trở nên mang tính toàn cầu và khu vực (điều tiết sự di chuyển của các dòng vốn quốc tế: quản lý nợ nước ngoài; sự bất ổn trong giá trị giữa các đồng tiền chủ chốt...). Điều này, đến lượt nó, lại khiến cho “cầu về hàng hoá công cộng quốc tế” (international public goods) gia tăng trong khi “cung” về nó lại giảm sút với việc quá trình cải tổ hệ thống tài chính - tiền tệ quốc tế diễn ra khá chậm chạp [43]. Do đó, hợp tác tài chính - tiền tệ khu vực sẽ khiến cho các chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phù hợp hơn với những phản ứng chính sách quốc tế và bổ sung

tích cực cho những chính sách này nhằm hấp thụ được ở mức cao nhất những lợi ích của toàn cầu hoá và giảm thiểu những tác động tiêu cực của chúng.

2.1.2. Phòng, chống được khủng hoảng tài chính - tiền tệ cũng như quản lý tốt khủng hoảng khi nó xảy ra.

Mặc dù còn có nhiều tranh cãi nhưng phần lớn các nhà kinh tế đều cho rằng khủng hoảng tài chính Đông Á 1997-98 nổ ra do sự đảo ngược mạnh của các dòng vốn và hiệu ứng lây lan. Tuy những nguyên nhân mang tính cơ cấu của khủng hoảng là rất khác nhau nhưng có rất nhiều yếu tố chung gây ra khủng hoảng ở các nước như: hệ thống tài chính - ngân hàng yếu kém (cho vay quá mức, nợ khó đòi cao; nợ nước ngoài lớn; sai lệch tiền tệ và tỷ giá…); quản lý công ty yếu và những sai lầm trong việc quản lý dòng vốn tư nhân nước ngoài. Có thể nói, về bản chất, khủng hoảng là kết quả của sự tương tác giữa quá trình toàn cầu hóa tài chính và những yếu kém cơ cấu nội địa.

Điều này cho thấy, việc phòng, chống khủng hoảng đòi hỏi những giải pháp mang tính khu vực. Đó là, chia sẻ thông tin, đối thoại chính sách, tham khảo, giám sát và kiểm soát khu vực. Bên cạnh đó, khu vực cần phát triển hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện các dấu hiệu bất thường trong khu vực kinh tế vĩ mô, đối ngoại và tài chính. Với một cơ chế giám sát hiệu quả, mỗi nền kinh tế trong khu vực sẽ phải chịu các sức ép kiểm điểm ngang hàng khi theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách cơ cấu đã được thông qua nhằm tạo sự ổn định trong cán cân bên ngoài và tiền tệ.

Ngoài ra, khu vực cần tham khảo chính sách nhằm hướng tới ổn định tỷ giá hối đoái trong khu vực đối với các nền kinh tế có mức độ liên kết cao hoặc hỗ trợ cho một nước khác thông qua thương mại và FDI. Để duy trì sự ổn định tài chính cho các nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau, khu vực cần tránh việc cạnh tranh giảm giá đồng tiền. Điều này góp phần ổn định tỷ giá hối đoái, mở đầu một cơ chế chính thức cho ổn định tỷ giá hối đoái trong khu vực hay thiết lập một đồng tiền chung khu vực.

Tuy nhiên, khi một nền kinh tế phải đối mặt với khủng hoảng tiền tệ, thì một phản ứng chính sách phù hợp và một khoản thanh khoản quốc tế kịp thời là cần thiết nhằm bảo vệ nền kinh tế đó. Việc cung cấp các khoản thanh toán bằng tiền mặt theo mức độ toàn cầu có thể chậm lại nhiều trong thời gian khủng hoảng hay lây lan khủng hoảng bởi vì quá trình hành chính cồng kềnh và bất đồng các điều kiện chính sách. Một số chuyên gia và các nhà khoa học đã chỉ trích mạnh mẽ các điều kiện gần đây của IMF tại một số quốc gia Đông Á, cụ thể là Indonesia, vì đã không tập trung đầy đủ vào việc kiềm chế khủng hoảng tài chính khẩn cấp.

Nhằm tránh sự trì hoãn lâu dài và làm tăng thêm các nguồn lực toàn cầu có sẵn, việc ra đời các phương tiện tài chính khu vực là một nhu cầu cấp thiết. Các phương tiện tài chính này có thể nhanh chóng huy động một số lượng tiền lớn để ngăn chặn và phòng tránh các cuộc tấn công đầu cơ. Tuy nhiên, để có hiệu quả thì sự cung cấp của các điều kiện tài chính phải theo một chính sách phù hợp nhằm giải quyết vấn đề và phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường. Các sáng kiến khu vực, bao gồm các khoản hỗ trợ thanh toán, có thể cho phép một nền kinh tế chịu tác động của một sự tấn công tiền tệ hoặc lây lan phản ứng tốt hơn với các biện pháp chính sách tập trung đã được xây dựng để giải quyết các nhu cầu trước mắt mà không phải lo ngại về các vấn đề rủi ro đạo đức. Tuy nhiên, sáng kiến này phải được phù hợp và bổ sung cho khung toàn cầu nhằm khai thác sự hiệp lực giữa bảo đảm gắn kết chính sách, và người cho vay tư nhân liên quan từ bên ngoài khu vực.

2.1.3. Thúc đẩy quá trình liên kết thương mại và đầu tư trong khu vực.

Kể từ đầu những năm 1990, cùng với quá trình mở cửa và tự do hoá, thương mại cũng như đầu tư trong nội bộ Đông Á ngày càng gia tăng. Thương mại Đông Á hiện chiếm hơn ¼ thương mại thế giới; xuất khẩu nội bộ khu vực cũng đã tăng từ 33,4% (86 tỷ USD) năm 1980 tới 49,3% (970 tỷ USD) trong năm 2003.

Bên cạnh đó, đầu tư trong khu vực Đông Á cũng có sự tăng trưởng nhanh. Các dòng vốn vào (chủ yếu là FDI), đặc biệt là từ Mỹ và Châu Âu đã có tác động tích cực đối với thương mại thậm chí cả khi dòng vốn FDI vào một số nước bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Đông Á và bởi môi trường đầu tư nội địa ở một số quốc gia. FDI của Đông Á trong tổng FDI thế giới tăng từ 6,6% năm 1980 lên tới 17,3% năm 2003, trong đó 59,2% là vào Trung Quốc. Thị phần FDI trong nội bộ khu vực trong tổng dòng vốn vào Đông Á đã lên tới 40% trong năm 2001 từ mức 37% năm 1999.

Chính vì vậy, hợp tác tài chính – tiền tệ khu vực (ổn định tỷ giá hối đoái, tránh cạnh tranh phá giá; giảm chi phí giao dịch; đảm bảo được sự ổn định của giá cả;...) sẽ tối đa hoá được những lợi ích của liên kết thương mại và đầu tư đối với các nước trong khu vực.

2.1.4. Giảm thiểu sự phụ thuộc vào dòng vốn tư nhân nước ngoài ngắn hạn.

Mặc dù tỷ lệ tiết kiệm ở Đông Á khá cao (khoảng 30 - 40%, xem bảng 2.1) nhưng do hệ thống tài chính - ngân hàng yếu kém và thị trường vốn kém phát triển nên lượng tiết kiệm này lại chảy ra bên ngoài, vào các thị trường tài chính phát triển, sau đó lại quay trở lại các nước trong khu vực dưới dạng vốn vay ngắn hạn, vốn rất bất ổn định và chứa đựng nhiều rủi ro.

Sự phụ thuộc quá mức vào dòng vốn này đã khiến cho nhiều nước Đông Á bị tổn thương và rơi vào khủng hoảng trong những năm 1997-1998, khi các điều kiện kinh tế bên trong và bên ngoài thay đổi.

Bảng 2.1. Tỷ lệ tiết kiệm ở khu vực Đông Á (% GDP)

Nƣớc Tỷ lệ tiết kiệm nội địa Tổng vốn tƣ bản

1990 2000 2004 1990 2000 2004 Trung Quốc Hàn Quốc Campuchia 38,7 37,3 2,3 39,0 33,9 6,8 44,7 35,0 10,6 34.7 37.5 8.3 36.3 31.0 17.2 45.3 30.2 22.6

Nƣớc Tỷ lệ tiết kiệm nội địa Tổng vốn tƣ bản 1990 2000 2004 1990 2000 2004 Indonesia Malaysia Myanmar Philippin Singapore Thái Lan Việt Nam 32,3 34,4 11,7 18,7 43,3 34,3 2,9 31,8 47,3 12,3 17,3 47,4 33,0 27,1 25,3 43,8 10,5 20,9 48,0 33,4 28,3 30.7 32.4 13.4 24.2 36.4 41.4 12.3 22.2 27.3 12.4 21.2 32.5 22.8 29.6 22.8 22.5 10.4 17.0 18.3 27.1 35.5 Nguồn: http://www.adb.org/Documents/Books/Key_Indicators/2005/pdf/

Ngoài ra, hiện nay, các nước Đông Á đang nắm giữ các đồng tiền nước ngoài cao hơn nhu cầu nhập khẩu của khu vực. Tính đến tháng 6 năm 2004, các nước Đông Á chiếm giữ khoảng 50% dự trữ ngoại hối của thế giới, tức là khoảng 2,03 nghìn tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản là nước có dự trữ ngoại hối lớn nhất (818 tỷ USD) và Trung Quốc là nước lớn thứ hai (439,8 tỷ USD). Tiếp theo là Đài Loan (230,1 tỷ USD), Hàn Quốc (167 tỷ USD) và Hồng Kông (120,8 tỷ USD) (xem bảng 2.2). So sánh với toàn bộ khu vực đồng Euro, nắm giữ khoảng 385 tỷ USD và Mỹ, được coi là nước giàu nhất thế giới, nắm giữ khoảng 82,1tỷ USD thì dự trữ ngoại hối của khu vực Đông Á là khá lớn. Chi phí của việc nắm giữ dự trữ này là rất lớn đối với các nước Đông Á bởi vì, nhìn chung, tiền lãi của dự trữ thường thấp hơn chi phí lãi suất của các khoản nợ được phát hành để thu hút dự trữ. Do vậy, nếu các nước Đông Á góp quỹ khoảng 10% - 20% tổng dự trữ ngoại hối của nó, thì nó sẽ đủ để cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính chống lại bất kỳ cuộc tấn công đầu cơ nào.

Bảng 2.2: Dự trữ ngoại hối của các nước (tỷ USD)

Chính vì vậy, hợp tác tài chính - tiền tệ sẽ giúp khu vực thiết lập một thị trường vốn chung, bao gồm cả thị trường trái phiếu, tạo điều kiện cho các nước giảm thiểu được những rủi ro và bất ổn tài chính trong tương lai.

2.1.5. Bù đắp lại được những thiệt hại về phúc lợi do việc hình thành đồng tiền chung châu Âu (Euro) gây nên. chung châu Âu (Euro) gây nên.

Sự ra đời của đồng Euro thúc đẩy quá trình hợp tác Đông Á trên hai phương diện: Một là, sự ra đời của đồng tiền này cho thấy tính khả thi của việc hình thành một đồng tiền chung khu vực với những tác động tích cực tới sự phát triển của khu vực đó và Đông Á hoàn toàn có thể rút ra được những kinh nghiệm cần thiết cho quá trình hợp tác tài chính - tiền tệ của mình; Hai là, với việc xuất hiện một đồng tiền chung, phúc lợi của khu vực Euro sẽ gia tăng tương ứng với việc giảm phúc lợi của các khu vực khác [56] (thương mại nội bộ khu vực phát triển trong khi thương mại với các khu vực ngoài khối giảm; tầm quan trọng của các đồng tiền ngoài khu vực giảm). Do đó, việc hợp tác tài chính - tiền tệ sẽ giúp khu vực bù đắp được sự giảm sút đó. Ngoài ra, cùng với việc xuất hiện của đồng tiền chung châu Âu, hệ thống tiền tệ quốc tế trở nên lưỡng cực (với hai đồng tiền

chủ đạo là Đô la Mỹ và Euro) và một khi ngân hàng trung ương châu Âu cũng áp dụng chính sách bỏ mặc (benign neglect policy) giống như FED thì sự bất ổn cao giữa 2 đồng tiền này sẽ xảy ra với những tác động tiêu cực tới các nước trong khu vực. Hợp tác tài chính-tiền tệ sẽ giúp cho các nước trong khu vực giảm thiểu được những tác động tiêu cực đó.

Tóm lại, hợp tác tài chính - tiền tệ khu vực sẽ giúp cho các nước tạo dựng được hậu thuẫn kinh tế vĩ mô lành mạnh; thúc đẩy thương mại và đầu tư, đảm bảo được an ninh tài chính, qua đó, giúp cho các nước này đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững.

2.2. Các hình thức hợp tác tài chính tiền tệ ở Đông Á

Từ khi được chính thức bắt đầu vào năm 1997 đến nay, Đông Á đã trải qua nhiều hình thức hợp tác tài chính - tiền tệ. Các hình thức này đã có sự tiến triển từ thấp đến cao cùng với sự thay đổi các điều kiện bên trong và bên ngoài khu vực. Theo trình tự phát triển, có thể chia các hình thức hợp tác tài chính - tiền tệ Đông Á theo thứ tự như sau:

1. Trao đổi thông tin và xây dựng các quy trình giám sát khu vực 2. Thiết lập cơ chế chung cho hợp tác tài chính - tiền tệ khu vực 3. Xây dựng Quỹ trái phiếu Châu Á và thị trường trái phiếu khu vực Sau đây chúng ta cùng nghiên cứu, phân tích về lịch sử hình thành, nội dung và đánh giá những thành công cũng như hạn chế của từng hình thức hợp tác tài chính - tiền tệ ở Đông Á.

2.2.1. Trao đổi thông tin và xây dựng các quy trình giám sát khu vực

Trao đổi thông tin và xây dựng các quy trình giám sát khu vực ở Đông Á được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997 - 1998. Cụ thể như sau:

2.2.1.1. Nhóm khuôn khổ Manila (Manila Framework Group)

Nhóm khuôn khổ Manila - MFG được thành lập vào tháng 11/1997 sau khi đề xuất về thành lập Quỹ tiền tệ châu Á (AMF) của Nhật Bản không được ủng hộ. Thành viên của MFG bao gồm các thứ trưởng tài chính và phó thống đốc ngân hàng trung ương của 14 nước trong và ngoài khu vực (gồm các nước Úc, Bruney, Canađa, Trung Quốc, Hồng Kông, Inđônêxia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Niu Dilân, Philippin, Singapore, Thái Lan và Mỹ ) và đại diện của ADB, IMF, BIS và WB. Các cuộc họp của MFG được tổ chức hai lần trong một năm nhằm trao đổi, thảo luận về các vấn đề kinh tế vĩ mô và tài chính trong khu vực Châu Á. Tính đến tháng 10 năm 2003, nhóm đã họp được 10 lần.

Mục đích của MFG là phát triển một khuôn khổ hợp tác tài chính khu vực nhằm khôi phục và tăng cường ổn định tài chính trong khu vực. Những sáng kiến của MFG bao gồm: thiết lập một cơ chế mới cho giám sát khu vực nhằm bổ sung cho cơ chế giám sát toàn cầu của IMF; thúc đẩy sự hợp tác kinh tế và kỹ thuật, đặc biệt thúc đẩy việc củng cố các hệ thống tài chính nội địa và khả năng điều tiết; củng cố năng lực của IMF trong việc đối phó với khủng hoảng; phát triển các thoả thuận hợp tác tài trợ khu vực nhằm bổ sung cho nguồn lực của IMF.

Việc thành lập một cơ chế mới nhằm giám sát khu vực của MFG đã cung cấp một nền tảng cho quá trình giám sát và đối thoại cấp cao và chuyên sâu giữa các bộ tài chính của các quốc gia thành viên và các ngân hàng trung ương dưới sự hỗ trợ của IMF, WB, ADB và BIS. Tuy nhiên, với tư cách là một cơ chế giám sát khu vực, MFG đã không đạt được các mục tiêu đề ra khi thành lập. MFG không có quy định rõ ràng, cụ thể và thứ tự ưu tiên cho việc trao đổi thông tin và giám sát; không có quá trình kiểm điểm ngang hàng, quá trình giám sát chỉ đơn giản là thảo luận về các triển vọng kinh tế toàn cầu và khu vực, không có nỗ lực đưa ra bất cứ gợi ý chính sách nào ở cấp quốc gia và khu vực. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến cải cách tài chính chỉ được thảo luận sơ sài và MFG hiện không có ban thư ký thường trực. Chính vì vậy, MFG đã không hỗ trợ được cho việc điều chỉnh, giám sát và liên kết các thị trường tài chính ở Đông Á.

Một phần của tài liệu Hợp tác tài chính - tiền tệ Đông Á thực trạng, triển vọng và một số gợi ý cho Việt Nam (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)