Phối hợp chính sách tỷ giá hối đoái trong khu vực

Một phần của tài liệu Hợp tác tài chính - tiền tệ Đông Á thực trạng, triển vọng và một số gợi ý cho Việt Nam (Trang 89)

Như đã trình bày ở trên, các hình thức hợp tác tài chính - tiền tệ hiện nay ở Đông Á chưa bao gồm việc phối hợp chính sách tỷ giá hối đoái trong khu vực. Trong khi đó, tầm quan trọng của hình thức hợp tác này ngày một gia tăng, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính - tiền tệ 1997-1998. Bởi vì: i) Sự dao động mạnh trong giá trị giữa các đồng tiền chủ chốt (Đô la Mỹ, Yên Nhật Bản và Euro) có những tác động tiêu cực đến tỷ giá hối đoái thực hữu hiệu của các đồng tiền trong khu vực. Chẳng hạn, sự giảm giá của Yên Nhật Bản so với Đô la Mỹ sẽ làm giảm sức cạnh tranh của những nước có đồng tiền cố định với Đô la Mỹ so với những nước có đồng tiền cố định với Yên Nhật Bản; ii) Tồn tại khả năng cạnh tranh phá giá và nguy cơ áp dụng chính sách "phá sản người láng giềng" (beggar-thy-neighbor) trong khu vực vì hiện tại chưa có cơ chế thực thi pháp luật bắt buộc chung cũng như vì rất khó xác định ranh giới giữa phá giá do sự mất cân bằng cơ bản của cán cân thanh toán hay phá giá do cạnh tranh; iii) Do chưa có cơ chế thực thi mang tính pháp luật trói buộc chung nên các giao dịch hoán đổi và mua lại có thể dẫn tới những hoạt động rủi ro quá mức.

Những lý do trên đã khiến cho các nhà kinh tế đưa ra nhiều đề xuất khác nhau về cách thức phối hợp chính sách tỷ giá hối đoái trong khu vực.

Chuẩn mực Đô la Mỹ (Mckinnon, 2001)

Theo đề xuất này, các đồng tiền trong khu vực nên được cố định với đồng Đô la Mỹ bởi vì chính sách tiền tệ của Mỹ rất linh hoạt, kinh tế Mỹ năng động, tăng trưởng tốt với lạm phát thấp. Hơn thế nữa, Đông Á sử dụng chủ yếu Đô la

Mỹ trong việc định giá thương mại, thậm chí giữa các nước trong khu vực với nhau; cố định với Đô la Mỹ các nước Đông Á sẽ có được mỏ neo danh nghĩa cho chính sách tiền tệ ổn định và qua đó, ổn định được giá cả. Theo Mckinnon, cố định tỷ giá với USD không phải là lý do dẫn đến khủng hoảng 1997-1998 trong khu vực mà sự yếu kém của hệ thống ngân hàng mới là nguyên nhân chính.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế khác lại cho rằng, cố định với Đô la Mỹ Đông Á sẽ mất tự chủ về chính sách tiền tệ và chu kỳ kinh tế ở khu vực này sẽ phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế của Mỹ. Trong khi đó triển vọng kinh tế của Mỹ không phải lúc này cũng sáng sủa. Cố định với Đô la Mỹ, Đông Á sẽ không có khu vực tiền tệ chung mà đó là khu vực Đô la Mỹ. Hơn thế nữa, quan hệ kinh tế của Đông Á rất đa dạng, không chỉ phụ thuộc vào Mỹ mà còn cả vào châu Á, Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN.

Khu vực đồng Yên (Ohno &Shirono, 1997; Dornbusch & Park, 1999)

Theo đề xuất này, các đồng tiền Đông Á nên được cố định vào đồng Yên Nhật Bản hoặc lấy Yên Nhật Bản làm Vùng Mục tiêu (Target Zone). Bởi vì Nhật Bản có mối quan hệ chặt chẽ với các nước trong khu vực thông qua thương mại và đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài; Nhật Bản cũng đang có ý định quốc tế hoá đồng tiền của mình, đặc biệt sau khi Euro ra đời và Nhật Bản đang cố gắng cải tổ thị trường tài chính của mình với những quy tắc điều tiết trên thị trường tài chính đang dần được nới lỏng. Ngoài ra, sự thặng dự thương mại của Nhật Bản đang là cho tài sản ở nước ngoài gia tăng và củng cố sức mạn củ đồng Yên, trái ngược lại với Đô la Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế khác lại cho rằng, việc xây dựng khu vực đồng Yên sẽ bất lợi và thậm chí không khả thị đối với Đông Á bởi vì: i) Với khu vực Đồng Yên, Đông Á sẽ phụ thuộc vào một nền kinh tế vốn đang trì trệ và chưa thoát ra khỏi tình trạng giảm phát kéo dài hơn một thập kỷ nay; ii) Lịch sử xâm chiếm của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới II cũng đang khiến cho nhiều nước e ngại đặt sự phụ thuộc của họ vào nước này; iii) Mỹ, Trung Quốc có thể ngăn cản việc hình thành khu vực đồng Yên vì lo ngại cạnh tranh.

Hệ thống neo cột vào một tập hợp 3 đồng tiền mạnh: Đôla Mỹ; Euro; Yên Nhật Bản (De Brower, 1999; Williamson, 1999, 2000)

Theo đề xuất này các đồng tiền Đông Á nên được cố định vào một tập hợp 3 đồng tiền mạnh: Đôla Mỹ; Euro; Yên Nhật Bản. Trong đó: i) Trọng số của mỗi đồng tiền mạnh trong tập hợp được xác định bởi tỷ trọng thương mại chung của khu vực đối với mỗi nước (Mỹ; Nhật Bản; châu Âu); ii) Mỗi nước thành viên xác định một tỷ giá hối đoái trung tâm so với tập hợp đồng tiền được xác định cũng như biên độ dao động của đồng tiền nước mình so với tỷ giá hối đoái trung tâm; iii) Các nước tự do lựa chọn chế độ tỷ giá hối đoái của mình; iv) Tỷ giá trung tâm và biên độ dao động được điều chỉnh theo những thay đổi của các điều kiện kinh tế cơ bản hoặc khi có sự sai lệch tỷ giá giữa các đồng tiền mạnh; v) Trong điều kiện bị đầu cơ tấn công các nước có thể tạm thời huỷ bỏ tỷ giá cố định nhằm khôi phục lại tỷ giá cân bằng; vi) Một thể thức tài trợ ngắn hạn sẽ được thiết lập nhằm trợ giúp các nước trong trường hợp bị đầu cơ tấn công. Với những đặc điểm trên, đề xuất này được gọi tắt là BBC: Tập hợp, Biên độ và Bò trườn (Basket, Band, Crawl)

Theo những người ủng hộ đề xuất này, việc cố định vào một tập hợp các đồng tiền mạnh sẽ đưa lại một loạt lợi ích đối với Đông Á: i) Phản ánh được cơ cấu thương mại đa dạng của Đông Á; ii) Tránh được sự sai lệch về tiền tệ giữa các đồng tiền trong khu vực do sự dao động giữa các đồng tiền trong khu vực và khuyến khích các nước tăng cướng sức cạh tranh dựa trên những nhân tố tổng cung; iii) Tạo ra sự ổn định vào có thể dự đoán được của tỷ giá hối đoái danh nghĩa, đặc biệt cho những nước đang áp dụng chế độtỷ giá hối đoái thả nổi có quản lý; iv) Tỷ giá ổn định sẽ thúc đẩy quá trình liên kết thương mại trong khu vực; vi) Tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc xuất hiện các điều kiện của một khu vực tiền tệ tối ưu và nâng cao ảnh hưởng của Đông Á trên thế giới.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế khác lại cho rằng, mặc dù đề xuất này cho phép tránh được sự sai lệch về tiền tệ giữa các đồng tiền trong khu vực do sự dao động giữa các đồng tiền chủ chốt gây nên nhưng lại đem lại cho đồng Yên Nhật Bản

những lợi thế đặc biệt so với các đồng tiền Đông Á khác. Ngoài ra, áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái này các nước cần phải hy sinh ở một mức độ nhất định quyền lợi của nước mình vì mục tiêu ổn định chung của khu vực [44]. Và điều này có thể sẽ khiến cho nhiều nước không muốn chuyển sang chế độ tỷ giá hối đoái mới này.

Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Á (Oh & Harvie, 2001)

Theo đề xuất này, một cơ chế tỷ giá hối đoái chung châu Á sẽ được thiết lập trên cơ sở cố định các đồng tiến nội địa với một tập hợp có tỷ trọng tất cả các đồng tiền của khu vực với những đặc trưng cơ bản: i) Đồng tiền mục tiêu sẽ là đơn vị tiền tệ châu Á (ACU), giống như đồng ECU trong cơ chế tiền tệ châu Âu trước khi đồng Euro ra đời; ii) Tỷ trọng của mỗi đồng tiền trong tập hợp được xấc định bởi tỷ trọng thương mại nước đó trong tổng giá trị thương mại khu vực; iii) Đồng tiền nội địa của mỗi nước thành viên được phép dao động trong giới hạn +/-15% so với tỷ giá hối đoái trung tâm - tỷ giá được xác định tập thể và được thông qua bởi một thể chế như Viện tiền tệ châu Á (với chức năng quản lý cơ chế tỷ giá châu Á cũng như thực thi những chính sách hợp tác và giám sát đã được thoả thuận); Một thể chế cho vay cuối cùng sẽ được thiết lập nhằm cung cấp phương tiện tài trợ ngắn hạn một khi xảy ra các cuộc tấn công đầu cơ; iv) Chế độ tỷ giá vùng mục tiêu là bắt buộc đối với tất cả các nước thành viên.

Theo những nhà kinh tế ủng hộ đề xuất này, cơ chế tỷ giá hối đoái châu Á sẽ khiến cho các nước trong khu vực: i) Tránh được sự bất ổn định của tỷ giá trong nội bộ khu vực do sự thay đổi của các điều kiện kinh tế cơ bản trong khu vực gây nên và tăng cường mức độ đồng dao động của các đồng tiền trong khu vực; ii) Tránh được nguy cơ cạnh tranh phá giá; iii) Tăng cường hiệu ứng hội tụ trong khu vực; iv) Thúc đẩy quá trình liên kết thương mại khu vực; v) Giảm sự bất ổn định giá cả và tăng tỷ lệ đầu tư; vi) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới một liên minh tiền tệ với một đồng tiền chung.

Tuy nhiên, nhiều nhà khác lại cho rằng cơ chế tỷ giá hối đoái châu Á không phản ánh được tác động của sự dao động trong giá trị giữa các đồng tiền chủ chốt đối với tỷ giá của các đồng tiền trong khu vực, đặc biệt là những dao

động của tỷ giá hối đoái giữa Đô la Mỹ và Euro. Ngoài ra, để cơ chế hoạt động có hiệu quả cần có một nền kinh tế vững mạnh làm trụ cột cho châu Á nhưng lại không có. Thêm vào đó, mọi hình thức cố định tỷ giá trong điều kiện di chuyển mạnh mẽ của các dòng vốn đều rất rủi ro và đứng trước nhiều nguy cơ tấn công của đầu cơ. Để thực hiện thành công hình thức phối hợp chính sách tỷ giá hối đoái này cần phải có sự thoả thuận và cam kết rất rõ ràng cụ thể về "luật chơi" cũng như sự phối hợp chính sách vĩ mô, đặc biệt là cần có sự tin tưởng và đồng bộ, hài hoà của các chính sách ở các nước khác nhau.

Mỗi một cơ chế tỷ giá hối đoái đều có các ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Do vậy, để có thể lựa chọn một cơ chế tỷ giá hối đoái thích hợp, Đông Á cần phải có sự cân nhắc kỹ càng.

Một phần của tài liệu Hợp tác tài chính - tiền tệ Đông Á thực trạng, triển vọng và một số gợi ý cho Việt Nam (Trang 89)