Quy trình giám sát ASEAN (ASEAN Surveilance Process) và Quy trình

Một phần của tài liệu Hợp tác tài chính - tiền tệ Đông Á thực trạng, triển vọng và một số gợi ý cho Việt Nam (Trang 47)

trình giám sát ASEAN + 3 (ASEAN+3 Surveilance Process) - AASP Quy trình giám sát ASEAN (ASP) được thực hiện từ tháng 10 năm 1998 khi các bộ trưởng tài chính của ASEAN ký kết “Một thỏa thuận sơ bộ” về hợp tác khu vực. Mục đích của ASP là tăng cường đối thoại chính sách và năng lực hoạch định chính sách tiền tệ, tài khóa và các khu vực tài chính thông qua trao đổi thông tin, kiểm điểm ngang hàng và kế hoạch hành động ở cấp quốc gia và khu vực. Với mục đích này, ASP có nhiệm vụ theo dõi sự phát triển kinh tế vĩ mô, các luồng vốn, tỷ giá hối đoái và các chính sách xã hội và khu vực. Bên cạnh đó, ASP còn hỗ trợ xây dựng năng lực, củng cố thế chế và chia sẻ thông tin trong khu vực. Các bộ trưởng tài chính ASEAN gặp nhau 2 lần trong năm để phối hợp chính sách trong khuôn khổ ASP.

Trong khuôn khổ ASP, Phòng Phối hợp giám sát ASEAN (ASCU) thuộc ban thư ký ASEAN đã được thành lập nhằm chuẩn bị các báo cáo về giám sát ASEAN. Sử dụng những dữ liệu được cung cấp cho IMF trong khuôn khổ điều khoản IV về tư vấn và chương trình đàm phán, ASCU phân tích các điều kiện kinh tế và tài chính mới nhất ở ASEAN, trong đó có tính đến những tác động của phát triển kinh tế toàn cầu tới khu vực. Gần đây, hoạt động của ASCU được tăng cường bởi việc thiết lập các Phòng giám sát ở một số nước ASEAN (Campuchia, Inđônêxia, Lào, Philippin, Thái Lan, Việt Nam) với nhiệm vụ soạn thảo các chương về từng nước. ADB trợ giúp quá trình này bằng cách đưa ra các số liệu tổng quan kinh tế của ASEAN và các nghiên cứu chuyên sâu cũng như cung cấp sự trợ giúp kỹ thuật. Báo cáo giám sát ASEAN được các thứ trưởng tài chính và các phó thống đốc ngân hàng trung ương xem xét và hoàn thiện trước khi đưa ra thảo luận bởi các bộ trưởng tài chính tại các phiên kiểm điểm ngang hàng.

Cùng với sự phát triển hợp tác trong khu vực, ASP đã được mở rộng sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc khi ASEAN+3 được chính thức hóa vào tháng 11 năm 1999 tại Manila.

Có thể nói, ASP là nỗ lực đầu tiên của các quốc gia trong khu vực nhằm tạo ra các cơ chế cho việc trao đổi thông tin, đối thoại chính sách và phản ứng lại các vấn đề có ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế ở khu vực. Việc mở rộng ASP thành Quy trình Giám sát ASEAN+3 là một bước đi đúng hướng nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong khu vực. Tuy nhiên, cả hai quy trình này đều chưa phát huy được vai trò giám sát của mình. Các báo cáo giám sát chưa được thống nhất giữa các nước thành viên, các thông tin trao đổi còn chưa được rõ ràng và cụ thể, chủ yếu là được trích từ các báo cáo phát triển kinh tế của các nước thành viên, gây khó khăn cho việc đánh giá các vấn đề ở khu vực. Việc cung cấp được các dấu hiệu cảnh báo sớm về các vấn đề rủi ro có thể xảy ra cho các nước thành viên và khu vực trong khuôn khổ AASP chưa được thực hiện tốt. Bên cạnh đó, trong các phiên kiểm điểm ngang hàng, các nước thành viên chỉ chú trọng tới việc trình bày các vấn đề phát triển kinh tế của quốc gia mà không chú ý tới các hoạt động giám sát lẫn nhau. Do vậy, AASP đã không đóng góp được nhiều cho sự phát triển của khu vực và cho việc giám sát và liên kết các thị trường tài chính ở các nước thành viên.

Một phần của tài liệu Hợp tác tài chính - tiền tệ Đông Á thực trạng, triển vọng và một số gợi ý cho Việt Nam (Trang 47)