Căn cứ vào tình hình kinh tế của các nước thành viên và với khối lượng tiết kiệm lớn, Đông Á có thể xây dựng các thị trường vốn khu vực có khả năng cạnh tranh với các thị trường vốn toàn cầu. Nếu những thị trường này hoạt động có hiệu quả và mạnh, khu vực có thể cải thiện việc phân phối các nguồn lực và bảo vệ khu vực khỏi các cuộc khủng hoảng tài chính.
Việc phát triển thị trường trái phiếu khu vực cần được tiến hành theo hai bước: ở cấp độ quốc gia với việc trái phiếu chính phủ và trái phiếu tư nhân: ở cấp độ khu vực với việc phát triển thị trường trái phiếu chung khu vực. Để thực hiện được điều đó, ở cấp độ quốc gia, cần cho phép người không cư trú như các công ty đa quốc gia chẳng hạn phát hành trái phiếu địa phương. Ở cấp độ khu vực, các nước cần phối hợp để thiết lập các cơ chế thanh toán, cơ chế thanh toán bù trừ, cơ chế công khai thông tin; xây dựng các chuẩn mực kế toán và kiểm toán; thiết lập các công ty đánh giá tín dụng chung. Bước tiếp theo là phát hành trái phiếu được định danh bằng đồng tiền chung của khu vực như phát hành trái phiếu ACU chẳng hạn.
Cần lưu ý là sự phát triển thị trường vốn ở Đông Á bị cản trở do nhiều yếu kém về thể chế; sự thiếu hụt các chuyên gia thành thạo về kinh doanh chứng khoán, sự không thích hợp của hạ tầng tài chính và luật pháp bao gồm cả hệ thống kiểm soát, trình độ kế toán và kiểm toán thấp, sự trì trệ của các công ty chính phủ. Chính vì vậy, để phát triển thị trường trái phiếu trong khu vực, Đông Á cần phải vượt qua các cản trở trên.