Dự báo nhu cầu vốn trong những năm tới

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác huy động vốn tại tổng công ty giấy Việt Nam (Trang 98 - 100)

Theo số liệu thống kê giai đoạn 1999-2008 tổng vốn đầu tư vào ngành giấy đạt khoảng 700 triệu USD trong đó vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 2,5%. Trong quy hoạch phát triển ngành giấy đến năm 2015 tổng vốn đầu tư cần thiết để phát triển ngành giấy khoảng 1,85 tỷ USD trong đó vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất hiện có là 710 triệu USD và vốn đầu tư mới là 1,34 tỷ USD, vốn dành cho trồng rừng sẽ vào khoảng 8.000 tỷ đồng. Riêng Công ty mẹ-TCT GVN nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện 2 dự án quan trọng là Dự án mở rộng Giấy Bãi Bằng giai đoạn 2 và dự án trồng rừng phục vụ cho dự án này sẽ cần khoảng 360 triệu USD trong đó vốn đầu tư cho trồng rừng khoảng 120 triệu USD còn lại 240 triệu USD là vốn đầu tư cho xây dựng nhà máy. Mặc dù toàn bộ vốn vay để thực hiện hai dự án trên, TCT GVN đều đã đạt được thoả thuận với Bộ Tài chính và đã được Bộ Tài chính cam kết đứng ra bảo lãnh vốn vay và các ngân hàng trong và ngoài nước cũng đã cam kết sẽ đáp ứng toàn bộ nhu cầu vốn đầu tư cho hai dự án trọng điểm trên, nhiệm vụ của TCT GVN là phải có đủ tỷ lệ 20% vốn chủ sở hữu làm vốn đối ứng, nếu xem xét khả năng tạo nguồn vốn tự có hiện tại của TCT GVN thì thấy rất khó để công ty có thế đáp ứng được nhu cầu vốn đối ứng cho các dự án trên.

Yêu cầu về cơ cấu nguồn vốn với tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu làm vốn đối ứng để có được các khoản vốn vay cam kết đó đã đặt ra những thách thức to lớn cho Công ty mẹ trong việc thu xếp được đủ tỷ lệ trên. Nguồn vốn mà Công ty mẹ kỳ vọng nhất hiện nay là nguồn vốn huy động từ việc cổ phần hoá Công ty mẹ - TCT GVN vào năm 2014.

Ngoài ra với tỷ lệ 80% số vốn đầu tư (khoảng trên 6.000 tỷ đồng) còn lại được xác định lấy từ nguồn vay nợ trong điều kiện hơn 60% số vốn đang sử dụng hiện tại của công ty cũng lấy từ vay nợ, mà chủ yếu là vay từ nguồn tín dụng ngân hàng, tiếp đó là tín dụng thương mại, cho thấy để có đủ số vốn trên thì Công ty mẹ cần phải tích cực khai thác thêm từ các nguồn tài trợ khác như vay người lao động trong công ty, vay các doanh nghiệp nhà nước lớn khác, vay của các cá nhân và tổ chức khác bên ngoài doanh nghiệp…

Có một vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm trong các kế hoạch huy động vốn của TCT GVN trong những năm tới đó là các khoản vay có gốc ngoại tệ của công ty là rất lớn, vì vậy dự báo sự biến động tỷ giá của VND đối với một số đồng tiền mà TCT GVN có giao dịch chủ yếu như đồng USD, EUR và SEK để có các biện pháp trích lập dự phòng, phòng ngừa rủi ro tỷ giá là yêu cầu thực sự cần thiết để hạn chế ở mức thấp nhất những tác động tiêu cực không mong muốn của tỷ giá đến kết quả hoạt động đầu tư của mình.

Như vậy có thể thấy trong giai đoạn từ 2009-2015 nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của TCT GVN là rất lớn, tuy nhiên khả năng tự tài trợ của công ty là thấp, do vậy công ty phải dựa chủ yếu vào nguồn vay nợ, trên cơ sở nhu cầu vốn, dự báo những khó khăn và thuận lợi mà công ty gặp phải trong hoạt động huy động vốn, bảng cân đối vốn giai đoạn 2007-2010 được xây dựng như sau:

Dựa vào bảng cân đối vốn có thể thấy tổng số vốn còn thiếu mà TCT GVN chưa tự bố trí được trong giai đoạn từ năm 2009-2012 là 7.541 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn vay đầu tư dài hạn. Để có thể bù đắp đủ cho số vốn còn thiếu trên thì Tổng công ty cần xây dựng một chiến lược huy động vốn hiệu quả nhằm hoàn thành mục tiêu trước mắt là có đủ vốn cho hoạt động và mục tiêu lâu dài là duy trì, giữ vững sự phát triển ổn định, liên tục của công ty trong bối cảnh tình hình của nền kinh tế Việt Nam có nhiều thay đổi theo hướng ngày càng mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế.

Như vậy có thể khẳng định sự cần thiết phải tăng cường khả năng huy động và sử dụng vốn tại Tổng công ty Giấy Việt Nam là một đòi hỏi tất yếu từ chính nhu cầu nội tại của doanh nghiệp, những căn cứ để công ty có quyết định tăng cường huy động vốn là:

Khi Tổng công ty thực hiện huy động vốn đầu tư cho các dự án của mình thì quy mô của tổng nguồn vốn sẽ tăng, dự kiến chỉ riêng vốn đầu tư cho 2 dự án trọng điểm của công ty đã là trên 7.000 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa với việc các hình thức huy động vốn đang áp dụng tại TCT GVN hiện nay khó có thể đáp ứng đủ số vốn tăng thêm đó.

Trong cân đối các nguồn vốn của TCT GVN đến năm 2012 thì khối lượng vốn thiếu do công ty chưa tìm được nguồn tài trợ là rất lớn, để giải quyết được lượng vốn thiếu này thì TCT GVN phải tìm kiếm thêm nhiều nguồn huy động và nhiều hình thức huy động vốn mới để tăng cường khả năng huy động vốn của công ty.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác huy động vốn tại tổng công ty giấy Việt Nam (Trang 98 - 100)