ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA TCT GVN

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác huy động vốn tại tổng công ty giấy Việt Nam (Trang 45 - 47)

3.2.1. Tình hình sản xuất kinh doanh của TCT GVN giai đoạn 2007-2010

Có thể nói việc chuyển đổi mô hình hoạt động từ mô hình của một Tổng công ty 91 sang mô hình Công ty mẹ-Công ty con trong tình hình hầu hết các đơn vị thành viên đều đang gặp khó khăn, nhiều nơi làm ăn thua lỗ, cũng trong thời kỳ này hàng loạt các công trình đầu tư mới đưa vào khai thác đang ở trong thời kỳ đầu thua lỗ, các đơn vị thành viên tiến hành cổ phần hoá khi tình hình tài chính vẫn còn hết sức tồi tệ đã đẩy Công ty mẹ đối mặt với những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Tuy nhiên, với sự nhất trí, đoàn kết và kiên quyết trong chỉ đạo của Hội đồng quản trị Tổng công ty nhiều vấn đề được triển khai đạt kết quả: từ vấn đề mô hình tổ chức, nhân sự đến các giải pháp tháo gỡ tài chính…

Tổng công ty Giấy Việt Nam đã từng bước giải quyết các khó khăn cả ở Công ty mẹ và các đơn vị thành viên, chuyển từ kinh doanh thua lỗ sang có lợi nhuận, mở ra một thời kỳ kinh doanh mới của TCT GVN, tự tin phát triển, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh từ năm 2008-2010 đã chứng minh cho những cố gắng vượt bậc của Công ty mẹ - TCT GVN trên con đường khẳng định vai trò và vị trí chủ đạo cuả mình đối với sự phát triển của TCT GVN nói riêng và của ngành giấy Việt Nam nói chung.

Bảng 3.1: Tổng hợp kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh

TT Chỉ tiêu ĐVT 2008 2009 2010

1 Giá trị sản xuất CN tỷ đồng 1.400 1.470 1.560

2 Doanh thu // 1.704 1.925 2.171

3 Lợi nhuận trước thuế // 58 79 114

4 Lợi nhuận sau thuế // 51 62 95

Năm 2008 là thời điểm mà nhà máy sản xuất chính của TCT GVN đã đạt được mức công suất tối đa theo thiết kế là 100.000 tấn giấy in và giấy viết các loại, trong năm 2009 Tổng công ty đầu tư nâng cấp công suất của nhà máy lên 125.000 tấn giấy/năm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ giấy trong nước tăng mạnh. Theo tính toán thì hiện nay sản lượng giấy của các thành viên trong Tổng công ty Giấy Việt Nam chiếm khoảng 27,9% sản lượng toàn ngành (trong đó riêng sản lượng của Công ty mẹ chiếm 41,5% sản lượng của toàn Tổng công ty và 11,6% sản lượng toàn ngành), sản lượng bột chiếm khoảng 43%, đáp ứng được 27% nhu cầu tiêu dùng giấy trong nước và bước đầu Công ty mẹ cùng với các thành viên trong TCT GVN đã có hàng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản với các sản phẩm giấy in, giấy viết, vở tập, văn phòng phẩm,….

Những kết quả trên có được phần lớn là kết quả của sự tập trung đầu tư vào mở rộng quy mô sản xuất của Công ty mẹ trong những năm gần đây mà đáng chú ý nhất là việc đầu tư nâng cao năng lực sản xuất của Dây chuyền sản xuất Giấy Bãi Bằng, dự án này được thực hiện thành 2 giai đoạn với tổng số vốn đầu tư khoảng 470 triệu USD. Sau khi hoàn thành đầu tư nâng cấp Dây chuyền sản xuất giấy Bãi Bằng giai đoạn 1 từ 55.000 tấn giấy/năm lên 100.000 tấn giấy/năm và 65.000 tấn bột giấy/năm vào năm 2004 với tổng mức vốn đầu tư khoảng 90 triệu USD thì dự kiến trong năm 2009-2012 TCT GVN sẽ tiếp tục thực hiện dự án đầu tư giai đoạn 2 với mục tiêu xây dựng một nhà máy sản xuất bột giấy có công suất 250.000 tấn/năm, dự kiến dự án hoàn thành vào năm 2012 và có tổng vốn đầu tư là 380 triệu USD trong đó có 120 triệu USD dành cho trồng rừng và 260 triệu USD dành cho phần thiết bị và xây lắp. Như vậy theo kế hoạch thì đến 2012 chỉ riêng Công ty mẹ - Tổng công ty Giấy Việt Nam sẽ có năng lực sản xuất 140.000-150.000 tấn giấy/năm và 320.000 tấn bột/năm, doanh thu dự kiến khoảng 3.600 tỷ đồng, tiếp tục duy trì là doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất giấy và bột giấy ở Việt Nam.

Sau hơn bốn năm hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, cùng với việc thay đổi về cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý điều hành là sự đa dạng hoá ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh, Tổng công ty đã mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm ra phạm vi quốc tế, trong năm 2008 TCT GVN đã xuất khẩu được 12.300 tấn giấy các loại và 115.600 tấn dăm mảnh, đạt doanh thu

xuất khẩu 20,8 triệu USD, các sản phẩm của công ty đã thâm nhập được vào thị trường Mỹ - một thị trường nổi tiếng khó tính và khắt khe về các tiêu chuẩn chất lượng, các nhà nhập khẩu giấy in và giấy viết Mỹ được khuyến cáo nên nhập khẩu giấy viết của Việt Nam có xuất xứ từ Bãi Bằng sau khi các chuyên gia của họ có sự tham quan khảo sát tại Bãi Bằng - Nhà máy sản xuất chính của TCT GVN (vào tháng 11/2006, tại nhà máy ở Bãi Bằng TCT GVN đã ký hợp đồng xuất khẩu 1.800 tấn giấy Bãi Bằng vào thị trường Mỹ với tập đoàn Sunshine Corporation), đây chính là bằng chứng khách quan khẳng định đẳng cấp và chất lượng quốc tế của Giấy Bãi Bằng, tạo ra tiền đề tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ trong những năm tiếp theo, qua đó không chỉ khắc phục được những ảnh hưởng mùa vụ đến doanh thu và hoạt động của mình mà còn gia tăng được năng lực cạnh tranh trước các đối thủ cả ở trong và ngoài nước trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới và đã đến lúc các nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư vào ngành công nghiệp giấy ở Việt Nam với quy mô rất lớn cả về vốn và sản lượng. Có thể kể ra một số dự án đầu tư vào ngành công nghiệp giấy ở Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài đang có kế hoạch thực hiện như: dự án sản xuất giấy bao bì của Công ty Vina Kraft Siam Kraft, Thái Lan có công suất 220.000 tấn/năm với vốn đầu tư 220 triệu USD, dự án nhà máy giấy bao bì công nghiệp công suất 350.000 tấn/năm của Tập đoàn Lee&Man, Trung Quốc với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, Tập đoàn SamSung, Hàn Quốc dự kiến đầu tư 200 triệu USD cho dự án sản xuất bột giấy tẩy trắng ở Nghệ An và mới đây nhất là Tập đoàn Sojitz, Nhật Bản dự kiến sẽ đầu tư một nhà máy sản xuất bột giấy ở Đà Nẵng có công suất 600.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư khoảng từ 1,2-1,5 tỷ USD. Như vậy trong tương lai không xa thì TCT GVN không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về vùng nguyên liệu, thị phần mà còn gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt cả trong khâu huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từ phía các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, khi những dự án trên được triển khai và đi vào hoạt động.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác huy động vốn tại tổng công ty giấy Việt Nam (Trang 45 - 47)