4. Nội dung nghiên cứu
3.1.2.2. Phân tích các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế trong hoạt động
sản xuất lúa tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng
Từ kết quả phân tích chi phí các vụ sản xuất lúa là cơ sở cho việc tính toán hiệu quả của hoạt động trồng lúa như bảng sau đây:
Bảng 3.14: Hiệu quả kinh tế trong hoạt động sản xuất lúa của Huyện
Khoản mục Đơn vị tính Đông Xuân Hè Thu Thu Đông
1. Doanh thu Đồng 5.080.000 3.385.000 3.209.000
2. Chi phí Đồng 1.633.000 1.826.000 1.977.000
3. Chi phí lao động nhà Đồng 240.000 300.000 360.000
4. Số ngày công lao động nhà Ngày 4 5 6
5. Chi phí chưa có lao động nhà Đồng 1.423.000 1.506.000 1.627.000
6. Thu nhập ròng (1)-(5) Đồng 3.657.000 1.879.000 1.582.000
7. Lợi nhuận ròng (1)-(2) Đồng 3.447.000 1.559.000 1.232.000
8. Các chỉ tiêu tài chính
Tỷ suất lợi nhuận (7)/(1) Lần 0,68 0,46 0,38
Doanh thu/Chi phí Lần 3,1 1,9 1,6
Lợi nhuận ròng/Chi phí Lần 2,1 0,9 0,6
Lợi nhuận ròng/Số công LĐ nhà (7)/(4)
Đồng/ngày 861.750 311.800 205.330
Nguồn: Điều tra trực tiếp nông hộ - tháng 4/2014
Qua bảng 3.14 ta thấy, với mức chi phí đầu tư cho một công đất canh tác lúa ở từng vụ sau khi bán người dân sẽ thu lại được lợi nhuận bình quân 3.447.000 đồng/công trong vụ Đông Xuân, lợi nhuận ở vụ này cao gấp 2,2 lần lợi nhuận người nông dân thu được ở vụ Hè Thu và gấp 2,8 lần vụ Thu Đông. Nguyên nhân là do chi phí vụ Hè Thu và vụ Thu Đông cao hơn so với vụ Đông Xuân. Bên cạnh đó, sản xuất lúa ở vụ Đông Xuân đạt năng suất cao hơn 2 vụ còn lại, chất lượng gạo cao hơn nên giá bán cũng cao hơn. Đặc biệt một điều là do số liệu điều tra thu thập ngay khi nông dân thu hoạch và bán lúa vụ Đông Xuân năm 2013 với năng suất cao và giá bán lúa cũng cao so với các năm trước đó nên có sự chênh lệch lớn về lợi nhuận.
- Tỷ suất lợi nhuận (Lợi nhuận/Doanh thu): tỷ số này cho biết 1 đồng doanh thu mà người nông dân thu được thì sẽ mang lại bao nhiêu đồng lợi nhuận. Ở đây, tỷ số này ở vụ Đông Xuân: 0,68, vụ Hè Thu: 0,46, vụ Thu Đông: 0,38. Như vậy trong 1 đồng doanh thu của vụ Đông Xuân thì sẽ mang lại cho người nông dân lợi nhuận cao nhất.
- Doanh thu/Chi phí: tỷ số này cho biết 1 đồng chi phí đầu tư thì người nông dân thu được bao nhiêu đồng doanh thu. Theo kết quả điều tra thì tỷ số này lần lượt là, vụ Đông Xuân: 3,1, vụ Hè Thu: 1,9, vụ Thu Đông: 1,6. Tỷ số này > 1 cho thấy việc đầu tư có lợi nhuận. Tỷ số này càng cao thì lợi nhuận càng lớn. Với kết quả này cho thấy với 1 đồng chi phí đầu tư ở vụ Đông Xuân sẽ thu được nhiều doanh thu hơn so với 2 vụ còn lại.
- Lợi nhuận/Chi phí: tỷ số này cho biết 1 đồng chi phí bỏ ra người nông dân thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận. Tỷ số này càng cao thì lợi nhuận càng nhiều. Tỷ số lợi nhuận/Chi phí vụ Đông Xuân: 2,1, vụ Hè Thu: 0,9, vụ Thu Đông: 0,6. Cũng như 2 tỷ số trên thì tỷ số này ở vụ Đông Xuân là cao nhất, chứng tỏ lợi nhuận mà người nông dân thu được từ việc sản xuất lúa ở vụ Đông Xuân là cao nhất.
- Lợi nhuận/số công lao động nhà: tỷ số này cho biết 1 ngày công lao động gia đình bỏ ra thu đuược bao nhiêu đồng lợi nhuận. Từ số liệu điều tra thực tế nông hộ, bình quân nông dân bỏ ra 4 ngày công lao động nhà cho 1 công đất canh tác lúa ở vụ Đông Xuân, 5 ngày vụ Hè Thu và 6 ngày cho vụ Thu Đông. Con số này có sự khác nhau giữa các vụ là do điều kiện canh tác, sâu bệnh, ở các vụ là khác nhau nên việc chăm sóc lúa từng vụ khác nhau. Qua bảng số liệu trên ta thấy, hộ nông dân trồng lúa tham gia quản lý, chăm sóc diện tích lúa mà họ canh tác thu được lợi nhuận 861.750 đồng/ngày công lao động nhà cho vụ Đông Xuân, con số này lần lượt là 311.800 đồng ở vụ Hè Thu và 205.330 đồng ở vụ Thu Đông.
Qua phân tích các tỷ số tài chính nói trên, ta thấy được rõ hơn về hiệu quả mà việc sản xuất lúa ở vụ Đông Xuân mang lại là lớn hơn so với vụ Hè Thu và vụ Thu Đông. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu thì sản xuất ở cả 3 vụ nói trên người nông dân đều thu được lợi nhuận, không bị lỗ, cho nên việc sản xuất lúa ở các vụ vẫn được người dân duy trì thực hiện.