Thời gian qua, việc vay vốn của hộ nông dân đạt được nhiều kết quả tích cực nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây được coi là bước đột phá tạo sức bật mới cho hoạt động sản xuất lúa của nông dân đối với trường hợp vay vốn đề đầu tư mở rộng diện tích sản xuất, mua máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại để ứng dụng vào sản xuất.
Tuy nhiên, để mở rộng thị trường này và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của các hộ nông dân vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ.
Thực tế những năm qua tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng việc đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân mang lại rủi ro cao do sản xuất lúa phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, mất giá thường xảy ra làm thiệt hại không nhỏ về tài sản của nhân dân, trong đó có vốn cho vay của các tổ chức tín dụng. Nhiều hộ nông dân mất mùa dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ vay ngân hàng. Tuy Nhà nước có chính sách giãn nợ, khoanh nợ cho có hộ nông dân gặp thiên tai, mất mùa hay kéo dài thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay nhưng nhiều nơi xử lý chưa kịp thời, khiến người nông dân chưa yên tâm sản xuất.
Tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, nông dân chủ yếu là trồng lúa, hiệu quả từ hoạt động sản xuất lúa ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến khả năng trả nợ vay ngân hàng của nông hộ. Khi mất mùa thì người nông dân dường như không còn nguồn thu nhập khác để tra nợ đành phải tìm đến các hộ cho vay bên ngoài với lãi suất cao để vay nhằm trả nợ ngân hàng và đầu tư cho vụ tiếp theo. Bên cạnh đó, một bộ phận nông dân ngại trong việc làm thủ tục vay vốn ngân hàng, hoặc không đủ kiên nhẫn chờ ngân hàng duyệt cho vay theo quy trình… những hộ này cũng tìm cách vay bên ngoài với lãi suất cao để đầu tư. Do đó, số lãi mà người nông dân phải trả cho khoản vay này thường rất lớn, nó góp phần tăng thêm một khoản mục chi phí trong hoạt động sản xuất lúa của nông hộ làm cho lợi nhuận sản xuất lúa bị giảm xuống.
Vấn đề đặt ra là trong thời gian tới cần đảm bảo nguồn vốn cho nông hộ thì Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ như: các ngân hàng tăng cường cho nông dân vay đủ vốn để sản xuất, tránh tình trạng người nông dân vay bên ngooài, cải thiện điều kiện cho vay, đơn giản thủ tục, thời gian phê duyệt cho vay nhanh chóng, tăng tỷ lệ vay tín chấp, cho vay số lượng nhiều hơn để
đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất. Đặc biệt, các ngân hàng cần tiếp tục thực hiện chính sách khoanh nợ, giảm lãi suất và trả nợ dần đối với những hộ nông dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhằm giúp người nông dân khôi phục sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân trồng lúa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tích lũy vốn và lập quỹ dự phòng rủi ro.
Tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này vào hoạt động sản xuất lúa của mình. Bên cạnh đó, Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của nông hộ đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn.
Bên cạnh đó, các đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cần tạo điều kiện giúp người nông dân trong việc bán chịu phân bón, thuốc trừ sâu… không tính lãi suất để người nông dân có thể đảm bảo các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất. Ngoài ra, đối với các hộ dân mua trả ngay hoặc mua với số lượng lớn thì các đại lý cần có chính sách chiết khấu, giảm giá để khuyến khích, ưu đãi hơn. Đây cũng là một biện pháp hỗ trợ tích cực đảm bảo cho hoạt động sản xuất được diễn ra liên tục, không để xảy ra tình trạng gián đoạn vì thiếu vốn trong khi nhu cầu lương thực thì ngày một tăng lên.