Giải pháp về đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT LÚA TẠI HUYỆN CHÂU THÀNH TỈNH SÓC TRĂNG (Trang 103 - 104)

Các ngành, các cấp địa phương phải thường xuyên mở các lớp tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật; tổ chức cho nông dân tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất lẫn nhau và phổ biến đầy đủ kinh nghiệm cũng như kỹ thuật mới nhất ứng dụng vào quá trình sản xuất lúa đem lại hiệu quả cao nhất.

Tập huấn kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh thường xuyên để người nông dân sử dụng hợp lý các yếu tố đầu vào mà vẫn đảm bảo mang lại năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa của nông hộ thông qua việc gia tăng về lợi nhuận.

Giới thiệu và tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc, tập huấn kỹ thuật sử dụng máy móc thiết bị hiện đại… chuyển từ lao động chân tay sang cơ giới hóa, giảm lực lượng lao động trong sản xuất, nhất là lao động thuê hiện nay, khi nông dân đi làm thuê tại các khu công nghiệp thì nông thôn bị thiếu lao động cho nên giá cả lúc này tăng cao làm chi phí sản xuất tăng, giải pháp trước mắt là nông dân phải ứng dụng nhiều máy móc thiết bị để dần thay thế lao động chân tay truyền thống.

Việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất phải được áp dụng rộng rãi, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Tăng cường đầu tư khoa học và công nghệ trong sản xuất lúa, nhất là công nghệ sinh học nhằm bảo vệ môi trường và từng bước ứng dụng công nghệ thông tin như kịp thời thông tin tình hình, diễn biến của dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để người nông dân chủ động phòng tránh. Xây dựng các ngân hàng dữ liệu nông nghiệp, ngân hàng giống cây trồng, ngân hàng kết quả nghiên cứu nghiệp, kết quả phân tích hiệu quả sản xuất nông nghiệp... để phục vụ cho công tác nghiên cứu và ứng dụng vào hoạt động thực tiễn tại địa phương, Đẩy nhanh công nghệ mới vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế

biến, vận chuyển và tiêu thụ... đảm bảo chi phí giảm, năng suất tăng, chất lượng tốt và lượng hao hụt cũng hạn chế.

Tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông, nâng cao năng lực và phát huy hết vai trò của mình nhất là cán bộ khuyến nông ở tuyến cơ sở. Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, đẩy nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng và phổ biến mô hình sản xuất có hiệu quả. Coi trọng việc xây dựng, tổng kết được nhiều mô hình sản xuất tốt phù hợp với từng vùng để nông dân có thể học tập kinh nghiệm lẫn nhau; tránh việc đầu tư xây dựng các mô hình mang nặng tính hình thức mà khó phổ biến nhân rộng đến từng hộ nông dân như hiện nay.

Khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà chuyên môn tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa tại địa phương. Tăng cường quan hệ liên kết chặt chẽ với cơ quan nghiên cứu khoa học và các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề để chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển sản xuất. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho khoa học; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, đề tài khoa học có tính thực tiễn và khả năng ứng dụng cao. Mở rộng hợp tác khoa học - công nghệ trong và nước ngoài nhằm tiếp cận, kế thừa những thành tựu khoa học - công nghệ của thế giới; tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT LÚA TẠI HUYỆN CHÂU THÀNH TỈNH SÓC TRĂNG (Trang 103 - 104)