4. Nội dung nghiên cứu
3.2.1.1. Kết quả và nguyên nhân
Qua phân tích thực trạng sản xuất lúa hiện nay của người nông dân tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, đồng thời dựa vào kết quả phân tích các yếu tố ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến TSLN sản xuất của của hộ nông dân, ta có thể rút ra được một số kết và nguyên nhân, cụ thể :
a) Kết quả và nguyên nhân từ phân tích thống kê mô tả
- Diện tích: Đa số người nông dân sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung nên việc đầu tư cũng manh mún làm hiệu quả trên một đơn vị diện tích chưa cao.
- Kinh nghiệm canh tác: Việc trồng lúa của người nông dân theo thói quen tích luỹ từ nhiều năm, truyền từ người này sang người khác, còn mang tính thủ công, chưa cập nhật và ứng dụng vào sản xuất những công nghệ, kỹ thuật canh tác, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, loại giống mới nên chưa khai thác hết những ưu điểm từ phương pháp sản xuất hiện đại.
- Giá cả yếu tố đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… không ngừng tăng lên, cùng với hiện tượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả xuất hiện làm tăng chi phí sản xuất mà năng suất mang lại không cao, dẫn đến lợi nhuận thấp.
- Lao động: trình độ học vấn của bà con nông dân tại đây còn thấp nên việc tiếp cận với những kiến thức mới về sản xuất, chọn giống, phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng kỹ thuật vào canh tác còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự phát triển rầm rộ của các khu công nghiệp đã thu hút phần đông lao động nông thôn của địa phương đi làm công nhân, lao động nông nghiệp còn ít nên việc thuê mướn lao động sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và giá cả cũng vì thế tăng lên, điều này làm tăng chi phí sản xuất.
- Giá bán lúa: giá cả đầu ra của sản phẩm lúa luôn biến động, nguyên nhân là khi mất mùa, sản lượng ít thì giá bán cao và ngược lại người nông dân đạt năng suất cao lại gặp tình trạng “được mùa mất giá” gây tâm lý không ổn định cho người sản xuất. Ngoài ra, người nông dân không chủ động nắm thông tin giá cả mà chỉ được biết thông qua người mua, dẫn đến tình trạng thương lái ép giá.
- Năng suất: đây là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả trong việc sản xuất lúa của người nông dân. Thực tế cho thấy 3 vụ sản xuất trong năm vụ Đông Xuân đạt năng suất cao nhất, tiếp đến là vụ Hè Thu và vụ Thu Đông đạt năng suất thấp. Canh tác lúa ở vụ Thu đông không thuận lợi do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt hơn, đất đai không đủ dinh dưỡng do đã khai thác ở 2 vụ
trước, để gia tăng năng suất vụ này thì người nông dân bỏ nhiều chi phí cải tạo đất, bón phân, phun xịt thuốc nên chi phí cao nhưng năng suất vẫn không được cao như vụ Đông Xuân và Hè Thu.
- Về tỷ suất lợi nhuận thì kết quả phân tích cho thấy vụ Đông Xuân là cao nhất (0,68 lần), tiếp đến là vụ Hè Thu (0,46 lần) và thấp nhất là vụ Thu Đông (0,38 lần). Nguyên nhân có sự chênh lệch về tỷ suất lợi nhuận giữa các vụ sản xuất trong năm là do ở vụ Đông Xuân chi phí sản xuất thấp, năng suất và giá bán cao, lợi nhuận thu được cao nhất nên tỷ số này cao; trong khi đó điều kiện sản xuất ở vụ Thu Đông ít thuận lợi nên việc sản xuất đòi hỏi nhiều chi phí hơn, trong khi năng suất đạt được không nhiều, giá bán không cao dẫn đến tỷ số này thấp.
- Về tỷ số doanh thu/Chi phí: ta thấy tỷ số này cao nhất là ở vụ Đông Xuân (3,1 lần), tiếp đến là vụ Hè Thu (1,9 lần), thấp nhất là vụ Thu Đông (1,6 lần). Nguyên nhân là do doanh thu vụ Đông Xuân cao trong khi chi phí thì thấp, ngược lại vụ Thu Đông chi phí đầu tư cao nhưng do năng suất thấp dẫn đên doanh thu thấp nên tỷ số này thấp.
- Về tỷ số lợi nhuận/chi phí: qua kết quả phân tích cho thấy tỷ số này ở vụ Đông Xuân là cao nhất (2,1 lần), tiếp đến là vụ Hè Thu (0,9 lần), thấp nhất là vụ Thu Đông (0,6 lần). Nguyên nhân cũng giống như đã nói phần trên, do sản xuất lúa vụ Đông Xuân chi phí thấp, lợi nhuận cao nên tỷ số này lớn, ngược lại vụ Thu Đông sản xuất chi phí cao, lợi nhuận thấp nên tỷ số này thấp.
- Lợi nhuận/số ngày công lao động nhà: kết quả phân tích cho thấy lợi nhuận trên ngày công lao động nhà vụ Đông Xuân là cao nhất (861.750 đồng), tiếp đến là vụ Hè Thu (311.800 đồng), thấp nhất là vụ Thu Đông (205.330 đồng). Nguyên nhân do ở vụ Đông Xuân điều kiện tự nhiên thuận lợi và tình hình sâu bệnh ở vụ Đông Xuân diến biến tích cực, người nông dân
ít bỏ công lao động nhà để thực hiện việc thăm cải tạo đất, bón phân, phun xịt thuốc, thăm đồng thường xuyên nên số ngày công lao động gia đình thấp nhất. Ngược lại vụ Thu Đông thời tiết khắc nghiệt hơn, sâu bệnh diễn biến phức tạp nên người nông dân thường xuyên thăm đồng, chăm sóc... nên tốn nhiều ngày công lao động nhà hơn.
b) Kết quả và nguyên nhân từ phân tích hồi quy
Qua kết quả sử dụng mô hình hồi quy đã biến để phân tích hiệu quả sản xuất mà cụ thể là TSLN, ta thấy:
- Đối với vụ Đông Xuân:
TSLN chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố: chi phí phân bón, chi phí thuốc bảo vệ thực vật, chi phí nhân công, năng suất và giá bán lúa. Trong đó, các yếu tố chi phí tác động ngược chiều đến TSLN, yếu tố năng suất và giá bán lúa có tác động cùng chiều đến TSLN của nông hộ. Cụ thể:
+ Chi phí phân bón: kết quả phân tích cho thấy sự tăng lên 1 đồng chi phí phân bón sẽ làm giảm 0,021 lần TSLN ở vụ Đông Xuân.
+ Chi phí thuốc bảo vệ thực vật: chi phí này tăng 1 đồng làm giảm 0,028 lần TSLN.
+ Chi phí nhân công: chi phí này tăng 1 đồng làm giảm 0,020 lần TSLN. + Giá bán lúa: yếu tố này tăng 1 đồng/kg sẽ làm tăng 0,088 lần TSLN. + Năng suất: yếu tố này tăng 1 kg/công sẽ làm tăng 0,039 lần TSLN. Từ kết quả trên ta thấy, mức độ tác động của các yếu tố đầu vào đến hiệu quả sản xuất lúa vụ Đông Xuân xếp theo thứ tự từ tốt đến xấu như sau: giá bán, năng suất, chi phí nhân công, chi phí phân bón, chi phí thuốc bảo vệ thực vật.
- Đối với vụ Hè Thu:
TSLN chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố: chí phí giống, chi phí phân bón, chi phí thuốc bảo vệ thực vật, chi phí nhân công, năng suất và giá bán lúa.
Trong đó, các yếu tố chi phí tác động ngược chiều đến TSLN, yếu tố năng suất và giá bán lúa có tác động cùng chiều đến TSLN của nông hộ. Cụ thể:
+ Chi phí giống: kết quả phân tích cho thấy sự tăng lên 1 đồng chi phí giống sẽ làm giảm 0,035 lần TSLN ở vụ Hè Thu.
+ Chi phí phân bón: chi phí này tăng 1 đồng làm giảm 0,030 lần TSLN. + Chi phí thuốc bảo vệ thực vật : chi phí này tăng 1 đồng làm giảm 0,026 lần TSLN.
+ Chi phí nhân công: chi phí này tăng 1 đồng làm giảm 0,033 lần TSLN. + Giá bán lúa: yếu tố này tăng 1 đồng/kg sẽ làm tăng 0,015 lần TSLN. + Năng suất: yếu tố này tăng 1 kg/công sẽ làm tăng 0,063 lần TSLN. Từ kết quả trên ta thấy, mức độ tác động của các yếu tố đầu vào đến hiệu quả sản xuất lúa vụ Hè Thu xếp theo thứ tự từ tốt đến xấu như sau: năng suất, giá bán, chi phí thuốc bảo vệ thực vật, chi phí phân bón, chi phí nhân công, chi phí giống.
- Đối với vụ Thu Đông:
TSLN chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố: chi phí phân bón, chi phí thuốc bảo vệ thực vật, chi phí nhân công, năng suất và giá bán lúa. Trong đó, các yếu tố chi phí tác động ngược chiều đến TSLN, yếu tố năng suất và giá bán lúa có tác động cùng chiều đến TSLN của nông hộ. Cụ thể:
+ Chi phí giống: kết quả phân tích cho thấy sự tăng lên 1 đồng chi phí giống sẽ làm giảm 0,014 lần TSLN ở vụ Hè Thu.
+ Chi phí phân bón: chi phí này tăng 1 đồng làm giảm 0,017 lần TSLN. + Chi phí thuốc bảo vệ thực vật: chi phí này tăng 1 đồng làm giảm 0,035 lần TSLN.
+ Chi phí nhân công: chi phí này tăng 1 đồng làm giảm 0,039 lần TSLN. + Giá bán lúa: yếu tố này tăng 1 đồng/kg sẽ làm tăng 0,018 lần TSLN. + Năng suất: yếu tố này tăng 1 kg/công sẽ làm tăng 0,059 lần TSLN.
Từ kết quả trên ta thấy, mức độ tác động của các yếu tố đầu vào đến hiệu quả sản xuất lúa vụ Thu Đông xếp theo thứ tự từ tốt đến xấu như sau: năng suất, giá bán, chi phí giống, chi phí phân bón, chi phí thuốc bảo vệ thực vật, chi phí nhân công.
- Đối với 3 vụ:
+ Chi phí giống: Ta thấy chi phí giống trong hoạt động sản xuất lúa chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí sản xuất lúa của nông hộ. Chi phí này khác nhau ở 3 vụ lúa trong năm. Trong đó, chi phí giống không có tác động đến TSLN của nông hộ sản xuất lúa vụ Đông Xuân, còn ở vụ Hè Thu và Thu Đông thì chi phí giống tác động ngược chiều đến TSLN, khi chi phí này tăng sẽ làm TSLN từ hoạt động sản xuất lúa của hộ nông dân giảm.
+ Chi phí phân bón: Phân bón là loại vật tư nông nghiệp được sử dụng nhiều trong hoạt động sản xuất lúa, chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí. Vì vậy sự biến động của giá cả đầu vào của yếu tố này sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến TSLN của nông hộ trồng lúa. Theo kết quả phân tích ta thấy chi phí phân bón đã làm giảm TSLN của nông hộ trồng lúa ở cả 3 vụ. Do đó, nông hộ phải sử dụng yếu tố phân bón một cách hiệu quả, đủ lượng đảm bảo tiết kiệm chi phí mà vẫn mang lại hiệu quả cao cho hoạt động sản xuất lúa.
+ Chi phí thuốc bảo vệ thực vật: Cũng giống như phân bón, hoạt động sản xuất lúa thường xuyên xảy ra dịch bệnh nên người nông dân phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh, giúp cây lúa không bị dịch bệnh tấn công, gây hại, hạn chế thấp nhất sâu bệnh làm giảm năng suất lúa của mỗi vụ. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như thế nào cho hợp lý vừa đảm bảo năng suất nhưng chi phí bỏ ra là thấp nhất.
+ Chi phí nhân công: Ta thấy chi phí thuê nhân công cho hoạt động sản xuất lúa của các hộ nông dân cũng chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí
sản xuất. Hoạt động sản xuất lúa đòi hỏi phải thăm đồng, chăm sóc, thuê bón phân, thuê phun xịt thuốc bảo vệ thực vật... Vì thế chi phí này đã làm giảm lợi nhuận sản xuất của nông hộ và do nhu cầu chăm sóc ở mỗi vụ khác nhau nên mức độ ảnh hưởng của loại chi phí này cũng khác nhau, lợi nhuận giảm ảnh hưởng đến TSLN cũng giảm theo.
+ Giá bán lúa: Ta thấy giá bán lúa là yếu tố quan trọng tác động đến TSLN từ hoạt động sản xuất lúa của nông hộ và tác động cùng chiều đến TSLN. Thực tế cho thấy trong những năm qua giá bán lúa tương đối ổn định và có phần tăng lên, đặc biệt là ở vụ Đông Xuân 2013 – 2014 vừa qua. Điều đó đã góp phần đáng kể trong việc mang lại lợi nhuận lớn cho nông hộ trồng lúa, điều này trực tiếp làm tăng TSLN. Nguyên nhân là do nhu cầu lúa gạo trong nước và xuất khẩu tăng dẫn đến giá cả lúa bán ra của hộ nông dân cũng tăng lên.
+ Năng suất: Cùng với yếu tố giá bán, năng suất lúa đạt được cũng tác động cùng chiều đến TSLN của hộ nông dân sản xuất lúa và tác động mạnh hơn so với yếu tố giá bán lúa. Năng suất tăng cùng với việc ổn định giá cả sẽ làm cho TSLN. Điều nay ta thấy rõ nét từ kết quả nghiên cứu. Do vụ Đông Xuân năng suất cao nên TSLN người nông dân đạt được là cao nhất. Vụ Hè Thu tuy giá bán có thấp hơn giá bán vụ Thu Đông nhưng do năng suất đạt được cao nên TSLN ở vụ Hè Thu cao hơn vụ Thu Đông.