Giải pháp về sản xuất

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT LÚA TẠI HUYỆN CHÂU THÀNH TỈNH SÓC TRĂNG (Trang 96 - 100)

- Diện tích: Với định hướng phát triển đến năm 2020 diện tích đất trồng lúa toàn huyện là 46.000 ha (hiện nay là 34.789 ha) thì địa phương phải mở rộng diện tích đất sản xuất để khai thác tối đa thế mạnh về sản xuất lúa của vùng.

Bên cạnh đó, nên hình thành các mô hình cánh đồng mẫu lớn để tập trung sản xuất diện rộng, hạn chế chi phí đầu vào cũng như những hao hụt của phương pháp sản xuất nhỏ lẻ.

- Kinh nghiệm canh tác: Bên cạnh việc sản xuất theo kinh nghiệm tích luỹ được thì việc tiếp thu những kiến thức mới về sản xuất lúa là rất cần thiết. Những kiến thức này có thể được bổ sung thông qua các chương trình khuyến nông, bạn của nhà nông, cùng nông dân ra đồng… trên đài truyền hình; cũng có thể tiếp thu những kiến thức sản xuất nông nghiệp hiện đại thông qua các cuộc hội thảo tại địa phương, các buổi tập huấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác, phương pháp nhận biết và phòng trừ sâu bệnh… Đây là biện pháp hữu ích và thiết thực giúp người nông dân ứng dụng vào hoạt động sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất của mình.

Ngoài ra, việc cập nhật những thông tin dự báo dịch bệnh trên báo đài cũng góp phần đáng kể giúp người nông dân chủ động và kịp thời phòng tránh được sâu rầy, dịch bệnh, hạn chế thấp nhất dịch bệnh phá hoại ruộng lúa của mình, góp phần nâng cao năng suất đạt được.

- Giống: là một yếu tố quan trọng trong quá trình sản xuất lúa của nông hộ, nó quyết định năng suất và chất lượng của lúa thương phẩm. Cho nên cần lựa chọn lúa giống phải là giống thuần, có chất lượng, có khả năng kháng sâu bệnh, thích hợp với từng loại đất, từng mùa vụ và nhu cầu của thị trường. Nếu làm được những điều này thì sẽ giúp cho nông hộ sản xuất lúa đạt năng suất cao, chất lượng tốt, đồng thời giảm được chi phí trong quá trình sản xuất và

dễ dàng trong khâu tiêu thụ không bị ép giá. Để đảm bảo nguồn lúa giống có chất lượng, cần chú ý các vấn đề sau:

+ Hạn chế việc nông dân tự dành một phần lúa sau thu hoạch để làm giống gieo sạ cho vụ sau. Do hạt lúa nông hộ sản xuất ra không thuần nên không thích hợp cho việc để giống mà chỉ dùng để làm lương thực. Tuy làm theo cách này người nông dân sẽ giảm được chi phí giống, nhưng khi canh tác mang lại năng suất không nhiều, chất lượng không cao, mà theo kết quả phân tích thì năng suất có tác động mạnh hơn đến lợi nhuận sản xuất lúa của nông hộ. Cho nên, việc giảm chi phí giống này sẽ không làm lợi nhuận của nông hộ tăng lên.

+ Sử dụng các loại giống mua từ các trường Đại học, viện lúa để có hạt giống tốt. Ngoài ra, cùng với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông huyện, các hộ nông dân cũng có thể liên kết với nhau để tổ chức thành một hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa cho địa phương. Điều này vừa giúp cho nông dân có giống lúa đạt chuẩn, vừa tăng thu nhập cho các hộ dân tham gia vào quá trình sản xuất lúa giống, các hộ khác cũng được mua lúa giống với mức giá thấp hơn do không mất nhiều chi phí trong việc chuyên chở, vận chuyển.

- Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: hiện nay giá cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cao, thường biến động nên ảnh hưởng đến lợi nhuận sản xuất lúa của nông hộ. Bên cạnh đó còn xuất hiện tình trạng phân giả, thuốc giả làm cho chi phí sản xuất tăng mà năng suất, chất lượng hạt lúa mang lại không cao ảnh hưởng đến cả khâu tiêu thụ. Do đó, giải pháp đặt ra là cần phải có cửa hàng chuyên cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có uy tín, chất lượng giúp người nông dân yên tâm sản xuất, đồng thời năng suất, chất lượng mang lại cũng cao hơn, khi chi phí giảm, năng suất cao, chất lượng tốt bán được giá cao thì lợi nhuận của người nông dân cũng sẽ tăng lên.

Hỗ trợ nông dân thông qua việc bán chịu phân bón, thuốc bảo thưc vật. Ngoài ra, chiết khấu đối với trường hợp mua số lượng lớn hoặc giảm giá khi người nông dân mua trả tiền ngay để chi phí đầu tư của nông dân giảm, góp phần nâng cao lợi nhuận.

- Nhân công: trình độ dân trí là trở ngại không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và cho hoạt động sản xuất lúa nói riêng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Do khả năng về kinh tế và nhận thức của cư dân nông thôn còn hạn chế, việc đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn cần có sự trợ giúp của nhà nước và chính sách giáo dục, đào tạo riêng cho từng vùng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí nông thôn phục vụ nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá. Đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo nghề, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề nhất là ở khu vực nông thôn.

Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, kiến thức quản lý; kiến thức kinh tế - thị trường cho nông dân; xây dựng và phổ biến các mô hình sản xuất có hiệu quả phù hợp điều kiện thực tế của từng vùng để nông dân có thể làm theo. Cải tiến phương pháp tập huấn cho nông dân; phát huy kiến thức, hiểu biết để người nông dân phổ biến và học hỏi lẫn nhau.

Thực hiện tốt chính sách đào tạo, thu hút cán bộ khoa học, cán bộ quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp. Có chính sách thu hút, khuyến khích các sinh viên đại học mới tốt nghiệp về công tác tại địa phương. Đào tạo và xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành và đội ngũ cán bộ chuyên môn có tính chuyên nghiệp cao. Đi đôi với việc đào tạo bồi dưỡng, phải bố trí, sử dụng tốt và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng nguồn nhân lực đã được đào tạo, phát huy đầy đủ

khả năng, sở trường và lòng nhiệt tình lao động sáng tạo của họ để làm ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Quản lý sử dụng hợp lý cán bộ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phù hợp với chuyên môn đào tạo; tăng cường cán bộ xuống cơ sở, đặc biệt là tăng cường cán bộ cơ sở trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho từng hộ nông dân. Làm tốt công tác quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ quản lý cho ngành nông nghiệp đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Sử dụng dụng đúng người, đúng việc để cán bộ phát huy được trình độ năng lực của mình.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT LÚA TẠI HUYỆN CHÂU THÀNH TỈNH SÓC TRĂNG (Trang 96 - 100)