- Nghệ An cần có những quy hoạch chi tiết cho từng vùng nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng, và đầu tư vào các dự án nuôi trồng thủy sản với các hạng mục trọng điểm sau
2.1.2. Điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội Tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế
Trong 7 năm trở lại đây, nền kinh tế tỉnh phát triển tương đối toàn diện và liên tục tăng trưởng với nhịp độ khá; chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh đối với hàng hoá của tỉnh từng được cải thiện, tạo tiền đề cho sự phát triển trong thời kỳ tiếp theo. Trong hai năm đầu (2006, 2007) kinh tế tăng trưởng khá cao (trên 10,5%). Đến năm 2012, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6,63%; trong đó, nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,46%; công nghiệp - xây dựng tăng 4,95%; dịch vụ tăng 10,05%. Giá cả về cuối năm ổn định hơn, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 8,21% so với tháng 12/2011. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 ước đạt 20,28 triệu đồng, tăng 14,3% cùng kỳ.
Sản xuất thủy sản
Cơ cấu kinh tế của tỉnh Nghệ An đã có sự chuyển dịch căn bản theo hướng tích cực. Tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 34,41% năm 2006 xuống còn 28,46%; tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 29,30% lên 33,46%; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 36,29% lên 38,08% năm 2010. Sự chuyển dịch cơ cấu của các ngành kinh tế đó hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2012 ước tăng 4,03% cùng kỳ; trong đó nông nghiệp tăng 3,75%, lâm nghiệp tăng 3,99%, ngư nghiệp tăng 5,94%. Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục phát triển đúng hướng, ước năm 2012 nông nghiệp chiếm 81,82%, lâm nghiệp chiếm 6,97%, thuỷ sản chiếm 11,21%.
Sản xuất thuỷ sản trong năm 2012 Diện tích nuôi trồng thuỷ sản 11 tháng ước đạt 21.243 ha, ước cả năm đạt 22.500/KH 23.000 ha, tăng 7,4% cùng kỳ. Trong 11 tháng đã sản xuất được 730/KH 500 triệu con cá giống các loại, 920 triệu con tôm giống và 8 triệu con giống thuỷ sản khác.
Sản lượng nuôi trồng và khai thác năm 2012 tăng khá do phong trào nuôi cá ở các huyện phát triển mạnh, thời tiết tương đối thuận lợi cho ngư dân ra khơi, thời gian bám ngư trường nhiều hơn. Sản lượng khai thác 11 tháng ước đạt 66.958 tấn, tăng 5,76% cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng 11 tháng ước đạt 40.421 tấn, tăng 6,27% cùng kỳ. Tính chung cả nuôi trồng và khai thác 11 tháng ước đạt 107.379 tấn, tăng 5,95% cùng kỳ.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của ngành thủy sản đối với sự nghiệp phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong những năm qua ngành thủy sản Nghệ An đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức phát triển từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ trở thành một mũi nhọn kinh tế của tỉnh, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, ổn định nhất trong khối nông - lâm - ngư. Giá trị sản xuất thủy sản theo giá trị thực tế và cơ cấu nội ngành từ năm 1996 - 2010 đã đạt nhiều kết quả khích lệ: năm 1996 đạt 198,3 tỉ đồng (nuôi trồng 28,3%, khai thác 71%, dịch vụ thủy sản 0,7%); năm 2000 đạt 352,3 tỉ đồng cơ cấu tương ứng 30,86%, 67,93%, 1,52%; năm 2005 đạt 799,575 tỉ đồng, cơ cấu tương ứng 25,74%, 70,68%, 3,75%; năm 2008 đạt 1.239 tỉ đồng, cơ cấu tương ứng 30,42%, 65,68%, 3,72%; năm 2010 đạt 1.680 tỉ đồng, cơ cấu tương ứng 30,6%, 66,2%, 3,8%. Sản lượng thủy sản từ năm 1995 - 2000 tăng gần 4 lần (1995: 24.480 tấn, 2008: 86,168 tấn, 2010: 91, 232 tấn). Huyện Quỳnh Lưu năm 2000 đạt 6.232 tấn cá biển, 558 tấn tôm nuôi, năm 2008 đạt 17.813 tấn cá biển, 1.378 tấn tôm nuôi; năm 2010 đạt gần 20.000 tấn cá biển, 1.415,2 tấn tôm nuôi, là đơn vị dẫn đầu toàn ngành.
Trong điều kiện khó khăn do lạm phát, giá vật tư, nhiên liệu tăng cao, có được những thành tích nổi bật đó là nhờ ngành thủy sản đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo chặt chẽ việc củng cố quan hệ sản xuất ngành phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ quản lí của ngư dân. Chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống (đánh bắt gần bờ, chế biến thủ công, nuôi trồng nhỏ), ưu tiên đầu tư đánh bắt xa bờ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN vào quá trình sản xuất. Đầu tư vào khâu then chốt là tăng số lượng, nâng cao năng lực các đội tàu đánh bắt xa bờ (năm 2001 toàn tỉnh chỉ có 2905 chiếc, công suất tổng là 115.327CV, năm 2010 tăng lên 4097 chiếc, công suất tổng là 198.000CV, công suất bình quân mỗi tàu tăng từ 40 lên 47CV). Cơ cấu các đội tàu đang được phát triển theo hướng giảm dần các loại tàu thuyền có công suất dưới 20CV, tăng mạnh số đội tàu có công suất từ 25 - 50CV. Trong chương trình khai thác hải sản xa bờ toàn tỉnh đã đóng mới 67 chiếc có công suất 105 - 390CV. Chương trình này đã tạo động lực mới cho ngành khai thác thủy sản. Từ hiệu quả kinh tế mang lại hàng chục hộ ngư dân đã đóng mới được tàu thuyền có công suất 90 - 300CV đưa tổng số tàu khai thác vùng khơi lên trên 700 chiếc = 20% số lượng tàu đánh cá trong tỉnh. Một số hộ dân chưa đủ điều kiện đóng tàu to, máy lớn đã cải hoán đưa công suất lên 45 - 90CV để khai thác vùng tiếp giáp khơi - lộng.
Nhiệm vụ khai thác vùng nước mặn, lợ ven biển cũng có bước phát triển mới. Diện tích mặt nước đưa vào sản xuất tăng hàng năm. Đến nay đã có hơn 1.700ha (tăng 100ha so với năm 2008) trong đó có 1.395ha nuôi tôm, 74ha nuôi cá, 201ha nuôi hỗn hợp từ 2-3 loài, 6ha ươm giống các loại. Từ chỗ nuôi tôm sú là chủ yếu, từ năm 2005 nhiều hộ gia đình ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu đã thành công trong nuôi tôm he chân trắng, cá vược, cá mú, một số loài nhuyễn thể như ngao Bến Tre, ngao dầu, nuôi cá giò bằng lưới lồng quanh đảo Ngư đạt hiệu quả kinh tế cao.
Công tác chế biến được chỉ đạo theo hướng đa dạng sản phẩm, chất lượng hàng hóa, mẫu mã được chú trọng, tập trung xây dựng thương hiệu và không ngừng mở rộng thị trường. Các cơ sở hạ tầng chế biển thủy sản được nâng cấp, một số công nghệ mới như đóng gói chân không, công nghệ Sashimi, IQF, công nghệ bảo quản được ứng dụng. Hệ thống chế biến thủy sản nhân dân được mở rộng, 5 công ty cổ phần, 60 cơ sở chế biến tư nhân, 4 cơ sở chế biến bột cá hoạt động hiệu quả đã đưa công suất lên trên 4.000 tấn/năm (tương đương 16.000 tấn nguyên liệu thô). Các cơ sở chế biến nước mắm tập thể và 350 cơ sở tư nhân đã hoàn thành vượt chỉ tiêu 20 triệu lít/năm. Nhiều sản phẩm mới như tôm chua nguyên con, cá biển hấp ăn liền, chả cá, cá nướng tẩm gia vị... đã được thị trường chấp nhận cả hai mặt: chất lượng sản phẩm và giá cả. Sản phẩm thủy sản Nghệ An không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã thâm nhập được thị trường các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập,... Kim ngạch xuất khẩu năm 2005 đạt 12,6 triệu USD, năm 2008 đạt 14 triệu USD, năm 2010 đạt xấp xỉ 20 triệu USD.
Cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá được quan tâm đầu tư, góp phần thúc đẩy nghề cá phát triển. Các bến cá Lạch Quèn, Lạch Vạn được đầu tư nâng cấp. Cảng cá Cửa Hội sau 8 năm hoạt động đã thực sự trở thành một cơ sở hậu cần nghề biển của Bắc miền Trung, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khai thác dịch vụ và hậu cần nghề cá. Phương tiện tàu thuyền các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa,... cập cảng không ngừng tăng. Được đầu tư đồng bộ nên các cơ sở dịch vụ như nhà máy đá lạnh, kho lạnh, cửa hàng xăng dầu, tiếp nước ngọt, cơ sở chế biến đã đáp ứng được các nhu cầu của tàu thuyền cập cảng.
Sự phát triển của kinh tế thủy sản Nghệ An, đặc biệt là sự lớn mạnh của các lực lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản và các cơ sở hạ tầng nghề cá đã tạo điều kiện cho
đời sống KT - XH - VH của bà con ngư dân không ngừng được cải thiện, tạo điều kiện, động viên, cổ vũ bà con bám biển, đầu tư chiều sâu vào nghề biển, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Nhận thức rõ thủy sản là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, hoạt động trải dài trên khắp chiều dài 82km bờ biển của tỉnh và các vùng biển xa của tổ quốc luôn có quan hệ mật thiết với nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi từ biển, bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển nên trong sự phát triển của ngành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên bờ, trên biển, đảo. Kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường QP - AN, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc.
Sự kết hợp phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng biển đảo được thể hiện rõ trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành nhất là trong đầu tư xây dựng các đội tàu đánh bắt xa bờ, xây dựng các cơ sở hậu cần nghề cá trên bờ, trong tạo nguồn nhân lực và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển, đảo, vùng ven bờ. Sự kết hợp kinh tế biển với QP-AN của Nghệ An còn được thể hiện trong các hoạt động kiểm tra, giám sát, thực thi pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các địa bàn ven biển và trên biển. Nó còn được thể hiện trong các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ngăn chặn âm mưu phá hoại, hành động gây rối của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn của tổ quốc trên hướng biển. Những kết quả đó vừa là mục tiêu vừa là động lực để ngành thủy sản Nghệ An phát triển nhanh, bền vững.
Nguồn nhân lực
Dân số tỉnh Nghệ An năm 2012 có 3.103.400 người (trong đó nữ chiếm 51%). Trên 85% dân số là dân tộc kinh, 15% dân tộc thiểu số (có 6 dân tộc thiểu số là Thái, HơMông, Khơmú, Thổ, Ơđu, Vân kiều)
Tổng lao động trong độ tuổi: 2.250.000 người, chiếm 72,5% dân số. Trong đó lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp chiếm 74,3%, công nghiệp và xây dựng chiếm 17%, khu vực dịch vụ - thương mại chiếm 8,7%
Về chất lượng lao động năm 2012:
- Tổng số lao động qua đào tạo 349.820 người (chiếm 17,3% so với tổng số lao động có việc làm thường xuyên)
- Tổng số lao động phổ thông: 1.667.180 người( chiếm 82,7% so với tổng số lao động có việc làm thường xuyên)
Với số lượng và tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Do đó, cần được đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở ưu tiên đào tạo hợp lý lao động có trình độ kỹ thuật trong các ngành kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới, nhằm đưa Nghệ An mau chóng thoát khỏi tỉnh nghèo, tụt hậu về kinh tế, từng bước nâng cao đời sống dân cư và trình độ dân trí.
Mức sống dân cư
Đời sống cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện cả vật chất, văn hoá tinh thần. GDP bình quân đầu người tăng qua các năm. Năm 2012, GDP bình quân đạt 20,28 triệu đồng, tăng 14,3% cùng kỳ.
Cơ sở hạ tầng
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội không ngừng được tăng cường, nhất là giao thông, đô thị. Các công trình được xác định tại Nghị quyết và kế hoạch 5 năm 2006-2010 đều được triển khai, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.
Văn hoá xã hội
Văn hóa xã hội được chăm lo và có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.
Cải cách hành chính
Cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm có chuyển biến tích cực. Hiệu quả bộ máy chính quyền được nâng lên; chất lượng phục vụ của các trung tâm “Một cửa” và “Một cửa liên thông” có chuyển biến tốt. Công tác cán bộ và ứng dụng tiến bộ khoa học trong quản lý được quan tâm. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh.
Quốc phòng – An ninh
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm
Đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương; Chính quyền các cấp đã sớm cụ thể hoá Nghị quyết của Đảng bằng chương trình hành động và ban hành nhiều chính sách cụ thể sát với điều kiện thực tiễn để tổ chức chỉ đạo thực hiện. Các ngành, các cấp đã tăng cường kiểm tra và tổ chức chỉ đạo thực hiện khẩn trương hơn các chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh; Việc tiếp tục cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần đã thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh năng động hơn, phát triển nhanh hơn; Đội ngũ cán bộ từng bước được nâng cao về năng lực, trình độ, thích ứng với cơ chế điều hành mới; Một số dự án được đầu tư trong các năm trước phát huy hiệu quả khá.