NGÀNH ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM
3.3.1 Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến hoạt động giám sát tài chính
Một khuôn khổ luật pháp đầy đủ về giám sát tài chính về cơ bản được chia thành 4 nhóm chính (i) khung pháp lý: bao gồm việc quy định chi tiết và rõ ràng mục đích, chức năng, nhiệm vụ, sự độc lập cũng như sự phân quyền của các tổ chức quản lý (ii) hướng dẫn thực thi: bao gồm việc hướng dẫn thực hiện các điều luật, các quy định và các quy trình (iii) khung kiểm soát và giám sát: liên quan đến các hướng dẫn và quy định về kiểm soát nội bộ, hoạt động quản trị của các đơn vị bị giám sát (iv) mạng an toàn và hợp nhất tài chính: liên quan đến các chính sách và công cụ nhằm tăng cường mức độ công bằng và liên thông trong hoạt động của các tổ chức tài chính, các thị trường cũng như các tổ chức bảo vệ người gửi tiền, nhà đầu tư và những người thực thi chính sách trong thời gian có khủng hoảng.
Nội dung của khung pháp lý được tập trung vào các lĩnh vực như (i) phát triển khu vực tài chính: phát triển liên tục các khu vực tài chính, bao gồm phát triển các tổ chức tài chính cạnh tranh, lành mạnh và nâng cấp cơ sở hạ tầng tài chính; (ii) xây dựng khung pháp lý cho giám sát tài chính: giám sát tài chính được thực hiện trên cơ sở Giám sát cẩn trọng vĩ mô, tổng hợp và toàn diện; đánh giá các xu hướng và các vấn đề dễ bị tổn thương của hệ thống tài chính; (iii) xây dựng các chính sách tài chính an toàn vĩ mô: xây dựng một khung chính sách cẩn trọng, hiệu quả và lành mạnh cho các tổ chức tài chính, tạo ra sự phát triển hài hoà và liên kết giữa các ngành; (iv) khung pháp lý cho hành vi thị trường và khách hàng: xây
dựng và thực hiện các chính sách quy định về hành vi ứng xử trên thị trường nhằm đảm bảo công bằng với khách hàng cũng như thực hiện nâng cao kỹ năng tài chính của khách hàng; (v) phát triển tài chính doanh nghiệp: tăng cường vai trò của các tổ chức tài chính phát triển trong việc thực hiện hiệu quả các vai trò được giao trong phát triển các ngành chiến lược của nền kinh tế.
Trước hết, để nâng cao năng lực của các cơ quan giám sát chuyên ngành trong cảnh báo khủng hoảng và duy trì ổn định tài chính, điều cần thực hiện đầu tiên là từng bước hoàn chỉnh khung pháp lý về giám sát thị trường tài chính, trong đó trọng tâm là xây dựng Luật Thanh tra, giám sát tài chính hợp nhất. Theo đó, Luật Thanh tra giám sát tài chính hợp nhất cần chỉ ra một cách rõ ràng, chuẩn xác nhiệm vụ, mục tiêu, quyền lực và phạm vi trách nhiệm của cơ quan giám sát hợp nhất. Luật cần nêu rõ đối tượng chịu sự giám sát của cơ quan giám sát nào, tránh sự chồng chéo trong hoạt động giám sát khi một đối tượng chịu giám sát bởi nhiều cơ quan giám sát và do đó chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ Luật, dễ gây hiểu nhầm và thực hiện trái quy định. Ngoài ra, Luật này phải quy định rõ quyền lực của cơ quan giám sát trong việc yêu cầu các tổ chức tài chính cung cấp các thông tin cần thiết cho quá trình thanh tra, giám sát; cơ chế, sự phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan và trách nhiệm xử lý vi phạm đối tượng bị thanh tra của từng cơ quan, tránh hiện tượng “đùn đẩy” trách nhiệm cho nhau. Các quy định, chính sách liên quan đến trách nhiệm thanh tra, giám sát các tổ chức tài chính của các cơ quan giám sát chuyên ngành phải được công khai, minh bạch và công bằng. Cụ thể phải quy định rõ cơ chế và trách nhiệm của các thành viên giám sát khi xử lý đổ vỡ ngân hàng. Đây chính là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cơ chế phối hợp giữa các thành viên trong hệ thống giám sát tài chính còn mang tính phân tán ở Việt Nam.
Sau khi Luật thanh tra và giám sát được xây dựng, cần xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi đồng thời các luật khác như Luật Ngân hàng nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật chứng khoán, Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật doanh nghiệp… cần được hoàn thiện để đảm bảo tính minh bạch và nhất quán với Luật Thanh tra giám sát tài chính nhất là trong các nội dung quy định về phạm vi, cơ chế chia sẻ thông tin và phối hợp giữa các cơ quan giám
sát.