Nguyên nhân vĩ mô

Một phần của tài liệu Đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ năm 2013: Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành đối với thị trường tài chính Việt Nam (Trang 68 - 71)

Thứ nhất, mô hình giám sát tài chính Việt Nam phân tán theo chuyên ngành không còn phù hợp. Mô hình này bắt đầu bộc lộ một số hạn chế khi thị trường tài chính phát triển phức tạp hơn với các hoạt động đầu tư chéo, sở hữu chéo, sự ra đời của các tập đoàn tài chính và các sản phẩm tích hợp trong khi các cơ quan giám sát sát chuyên ngành thiếu sự phối hợp chặt chẽ và không có đầu mối mang tính tích hợp để giám sát toàn diện thị trường tài chính. Do triển khai theo mô hình giám sát theo chức năng nên hệ thống luật và văn bản pháp luật cũng được định hướng quy chuẩn việc giám sát theo chuyên ngành. Vì vậy, việc giám sát các đối tượng có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của thị trường tài chính còn bị bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, một số phân tích cho thấy có thể xảy ra hiện tượng xung đột lợi ích khi tập trung cả vai trò điều hành chính sách tiền tệ và giám sát ngân hàng vào Ngân hàng Trung Ương. Ví dụ khi Ngân hàng Trung Ương thực hiện chức năng người cho vay cuối cùng giải cứu những ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản thông qua việc bơm vốn khả dụng quá mức vào hệ thống có thể gây ra những đe dọa nhất định tới sự ổn định của thị trường tiền tệ.

Thứ hai, hệ thống luật pháp làm cơ sở để phối hợp hoạt động các cơ quan giám sát chuyên ngành chưa hoàn chỉnh. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh tra giám sát chưa có sự đồng bộ cao, thiếu những quy định rõ ràng và cụ thể về quyền hạn và chức năng xử lý của từng cơ quan; cơ chế phối hợp thanh tra – giám sát và cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan này; cũng như trách nhiệm của từng cơ quan giám sát khi xảy ra khủng hoảng mà cụ thể là đổ vỡ ngân hàng. Bên

cạnh đó, hiện nay hệ thống luật giám sát vẫn chưa có sự thống nhất. Các bộ luật như Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán và Luật Kinh doanh bảo hiểm đều đề cập tới vấn đề giám sát an toàn, bảo vệ người tiêu dùng, quản trị rủi ro và công bố thông tin của các tổ chức thuộc phạm vi giám sát. Vì xây dựng tách bạch nhau nên các quy định giám sát có thể bị trùng lắp trong khi khung pháp lý liên quan đến một số sản phẩm tài chính tích hợp, hay liên quan đến hoạt động bảo vệ khách hàng, giám sát hợp nhất, phân tích dự báo và cảnh báo sớm còn bỏ trống.

Cuối cùng, vị thế quyền lực của cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc phối kết hợp hoạt động của các cơ quan giám sát chuyên ngành cũng như phân tích, dự báo, cảnh báo mức độ an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng và nguy cơ rủi ro đối với thị trường tài chính quốc gia là UBGSTCQG còn bị hạn chế bởi một số nguyên nhân sau: (i) UBGSTCQG được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng và Nhiệm vụ chính của Ủy ban giám sát tài chính chỉ là tham mưu, tư vấn và đề xuất cho Thủ tướng Chính phủ trong việc ban hành các quy định về điều phối hoạt động giám sát. Điều này có nghĩa là Ủy ban giám sát tài chính quốc gia có vị thế pháp lý thấp hơn các cơ quan giám sát chuyên ngành khác (Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước- 2 cơ quan giám sát- đều thành lập và hoạt động theo Nghị định hoặc Luật) và Ủy ban chưa thực sự được trao quyền quyết định về các hoạt động điều phối giám sát. (ii) Nhiệm vụ của Ủy ban trong việc điều phối các hoạt động giám sát chuyên ngành lại tập trung vào việc kiến nghị các cơ quan giám sát chuyên ngành trong việc chấp hành các thông lệ, chuẩn mực quốc tế trong từng lĩnh vực hoạt động ngân hàng, bảo hiểm hoặc chứng khoán. Nhiệm vụ này dường như là không có ý nghĩa và hiệu lực đối với các cơ quan giám sát chuyên ngành, bởi vì vị thế của Ủy ban thấp hơn họ và cũng không có một quy định nào yêu cầu các cơ quan giám sát này phải xem xét các kiến nghị của Ủy ban. (iii) Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng không có các quyền quản lý Nhà nước (như cấp phép, thanh tra, giám sát trực tiếp các đối tượng giám sát trong từng lĩnh vực), thậm chí cũng không được trao quyền thẩm định các văn bảp pháp lý liên quan đến hoạt động thanh tra của từng lĩnh vực. Nhiệm vụ của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia

chỉ dừng lại ở việc giám sát các điều kiện cấp phép và kiến nghị các cơ quan giám sát chuyên ngành trong việc xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm các điều kiện hoạt động trong từng lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm hay chứng khoán. Một lần nữa, vai trò này của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia là khá mờ nhạt khi các cơ quan giám sát chuyên ngành nắm thông tin tốt hơn và chủ động hơn trong việc phát hiện các vi phạm

Kết luận: Chương 2 đã phân tích thực trạng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành hiện nay ở Việt Nam. Các phân tích cho thấy, hoạt động giám sát chủ yếu diễn ra độc lập theo từng lĩnh vực của thị trường tài chính; mỗi lĩnh vực lại có một cơ chế giám sát và nội dung giám sát được thực hiện bởi một cơ quan riêng biệt. Trong mô hình giám sát phân tán như vậy, các cơ quan giám sát lại chưa xây dựng được một cơ chế phối hợp hoạt động và chia sẻ thông tin hiệu quả. Điều này đã dẫn đến một số nội dung giám sát có sự chồng chéo trong khi tồn tại “khoảng trống” giám sát trong một số nội dung khác (giám sát hoạt động của tập đoàn tài chính hay các sản phẩm tài chính tích hợp); nội dung giám sát an toàn vĩ mô để đưa ra những cảnh báo rủi ro sớm đối với toàn thị trường tài chính vẫn chưa được chú trọng… Các nguyên nhân đằng sau những hạn chế trên đã lần lượt được phân tích, từ các nguyên nhân xuất phát từ nội dung, phương pháp giám sát của từng cơ quan đến những nguyên nhân xuất phát từ mô hình giám sát, hệ thống pháp lý hay thiếu hệ thống chỉ tiêu giám sát an toàn vĩ mô… Tuy thị trường tài chính Việt Nam chưa xuất hiện hiện tượng đổ vỡ nhưng trong tương lai gần với một thị trường tài chính ngày càng phát triển phức tạp và hội nhập sâu vào thị trường quốc tế thì công tác hoàn thiện sự phối hợp hoạt động để nâng cao năng lực giám sát của toàn hệ thống tài chính là rất quan trọng.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ năm 2013: Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành đối với thị trường tài chính Việt Nam (Trang 68 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(93 trang)
w