PHẬN THÂN, RỄ VÀ RÂU BẮP
Tiến hành 3 mẫu thí nghiệm chiết rút polyphenol từ các bộ phận khác nhau của cây bắp: Mẫu 1: chiết rút polyphenol từ thân, Mẫu 2: chiết rút polyphenol từ rễ và Mẫu 3: chiết rút polyphenol từ râu bắp. Các mẫu đều sử dụng cùng một lượng nguyên liệu: 100g. Quá trình chiết rút polyphenol từ các phần của cây bắp được thực hiện ở nhiệt độ phòng và sử dụng dung môi Ethanol 96% để chiết rút trong thời gian 24 giờ với tỷ lệ DM:NL là 20:1 (v/w). Sau khi chiết rút, lọc thu dịch chiết và tiến hành đánh giá hàm lượng polyphenol, hoạt tính chống oxy hóa của dịch chiết thu được. Kết quả đánh giá được trình bày ở các hình 3.1, 3.2 và 3.3.
Hình 3.1. Sự thay đổi hàm lượng polyphenol của dịch chiết thu nhận từ rễ, râu và thân bắp
Hình 3.2. Sự thay đổi hoạt tính chống oxy hóa tổng của dịch chiết thu nhận từ rễ, râu và thân bắp
Hình 3.3. Sự thay đổi hoạt tính khử Fe của dịch chiết thu nhận từ rễ, râu và thân bắp Từ các kết quả phân tích ở các hình 3.1, 3.2 và 3.3 cho thấy:
+ Về hàm lượng polyphenol
Kết quả phân tích cho thấy dịch chiết trong ethanol 96% của các bộ phận khác nhau của cây bắp có chứa hàm lượng polyphenol với hoạt tính chống oxy hóa khác nhau. Trong đó dịch chiết từ thân bắp có hàm lượng polyphenol cao nhất và đạt mức 2,413 (g acid gallic/100g mẫu). Trong khi đó, dịch chiết từ rễ và râu bắp có hàm lượng polyphenol thấp hơn và chỉ đạt tương ứng 1,763 và 1,312 (g acid gallic/100g mẫu), chỉ bằng tương ứng 73,06% và 54,37% hàm lượng polyphenol có trong dịch chiết từ thân bắp. Kết quả này chứng tỏ thân cây bắp có hàm lượng polyphenol cao hơn các bộ phận khác như rễ và râu bắp.
+ Về hoạt tính chống oxy hóa - Hoạt tính chống oxy hóa tổng
Kết quả phân tích cho thấy cũng giống hàm lượng polyphenol, hoạt tính chống oxy hóa tổng có trong dịch chiết từ thân bắp cũng cao hơn hoạt tính chống oxy hóa tổng có trong dịch chiết từ rễ và râu bắp (hình 3.2). Hoạt tính chống oxy hóa tổng của dịch chiết từ thân cao nhất và đạt 5,354g acid ascorbic/100g mẫu. Trong khi đó, hoạt tính chống oxy hóa tổng của dịch chiết trong ethanol 96% thu nhận từ rễ và râu bắp có khác nhau chút ít. Hoạt tính chống oxy hóa tổng của dịch chiết thu nhận từ rễ và râu bắp chỉ đạt tương ứng 3,149g acid ascorbic/100g mẫu và 3,158g acid ascorbic/100g mẫu, chỉ bằng tương ứng 58,82% và 58,98% so với hoạt tính chống oxy hóa tổng của dịch chiết thu nhận từ thân bắp. Kết quả phân tích ANOVA về hoạt tính chống oxy hóa tổng của dịch chiết từ rễ và râu bắp cho thấy không có sự khác biệt mang tính thống kê về hoạt tính chống oxy hóa tổng của dịch chiết từ rễ và dịch chiết từ râu.
- Hoạt tính khử Fe
Kết quả phân tích ở hình 3.3 cho thấy cũng giống hàm lượng polyphenol và hoạt tính chống oxy hóa tổng, hoạt tính khử sắt của dịch chiết thu nhận từ thân bắp cao hơn hoạt tính khử sắt của dịch chiết thu nhận từ râu và rễ bắp. Hoạt tính khử sắt của dịch chiết thu nhận từ thân cao nhất và đạt mức 11,762g FeSO4/100g mẫu. Trong khi đó, hoạt tính khử sắt của dịch chiết thu nhận từ rễ và râu bắp chỉ đạt tương ứng 7,262g FeSO4/100g mẫu và 7,048g FeSO4/100g mẫu. Như vậy hoạt tính khử sắt của dịch chiết thu nhận từ rễ và râu bắp chỉ bằng 61,74% và 59,92% so với hoạt tính khử sắt của dịch chiết thu nhận từ thân bắp. Kết quả phân tích ANOVA cũng cho thấy hoạt tính khử sắt của polyphenol ở râu, rễ và thân có sự khác biệt mang tính thống kê (F > Fcrit).
Từ các phân tích ở trên cho thấy thân bắp chứa hàm lượng polyphenol với hoạt tính chống oxy hóa cao nhất, cao hơn nhiều so với hàm lượng polyphenol của dịch chiết thu nhận từ râu và rễ bắp. Do vậy, thân bắp được lựa chọn làm nguyên liệu chiết rút polyphenol.