Khi xã hội phát triển, trình độ chuyên môn hoá được nâng cao, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cá biệt hoá thì bán lẻ cũng xuất hiện những xu hướng phát triển mới để khẳng định vai trò quan trọng của nó trong nền kinh tế.
Hình thành các tập đoàn lớn
Trên thế giới, xu hướng tập trung hoá để hình thành các tập đoàn lớn trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đã có từ lâu như các tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức), Walmart (Hoa Kỳ), Carrefour, Cora (Pháp), Tesco (Anh). Với mạng lưới kinh doanh được mở rộng xuyên quốc gia, những tập đoàn này vừa kinh doanh bán buôn cho các doanh nghiệp khác (B2B), vừa bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng (B2C) thông qua các cửa hàng dạng kho hàng, các đại siêu thị và các trung tâm mua sắm lớn của mình. Với mức độ chuyên môn hoá cao và hệ thống phân phối tốt, hình thức tổ chức này có vị trí dẫn dắt phát triển thương mại bán buôn, bán lẻ toàn cầu. Nó có những ưu điểm nổi trội như cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến theo hệ thống thông suốt từ trung tâm đến cơ sở, khả năng nghiên cứu và nắm bắt thị trường nhanh nhạy, chính xác, trình độ khoa học công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, do kinh doanh số lượng hàng hoá lớn với chủng loại phong phú, phục vụ tiện lợi cho người mua hàng, kết hợp với ưu đãi tăng chiết khấu cho người mua số lượng lớn, hình thức này đem lại hiệu quả khá cao.
Trong khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài được biết đến với hình ảnh những đại siêu thị thì hầu hết cửa hàng truyền thống của Việt Nam đều ở trong tình trạng chung là có diện tích nhỏ, trang thiết bị thô sơ và chủ yếu sử dụng lao động phổ thông. Các doanh nghiệp thương mại trong nước phần lớn cũng là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.
Bùng nổ thương mại điện tử
Thương mại điện tử diễn ra khi tất cả các hoạt động trao đổi, thảo luận, đàm phán, ký kết hợp đồng và mua bán hàng hoá giữa người bán và người mua được thực hiện bằng phương pháp điện tử trên mạng truy cập toàn cầu Internet hoặc các mạng thông tin khác.
Lợi ích của thương mại điện tử đối với dịch vụ bán lẻ thể hiện rất rõ trên các mặt như: Tăng được năng suất do việc quản lý mua sắm và kho dự trữ đạt hiệu quả cao hơn (kiểm kê hàng hoá không cần giấy tờ) hoặc do cải thiện được hệ thống kênh phân phối trong và ngoài nước, tiết kiệm được chi phí giao dịch, đem lại cảm giác thoải mái, tiện lợi khi mua hàng, tăng cường hiệu quả quảng cáo, marketing bán hàng và thanh toán tiền hàng, tăng nhanh khả năng phổ biến và tiếp thu công nghệ mới... Do có tính ưu việt như vậy nên trong những năm gần đây, doanh số thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng chóng mặt: 280 tỉ USD năm 2000, 2.400 tỉ USD năm 2004 và hơn 4.000 tỉ USD năm 2005, tức là tăng trưởng bình quân khoảng 70% mỗi năm.
Thương mại điện tử bán lẻ với tính cách mạng tiên tiến và những ưu thế ngày càng vượt trội sẽ là loại hình kinh doanh phổ biến của tương lai. Dự báo trong vòng 5 - 10 năm tới, tuy các cửa hàng bán lẻ truyền thống vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra doanh số của bán lẻ thế giới nhưng tỷ trọng của hình thức bán lẻ ảo sẽ tăng lên nhanh chóng và đạt được thị phần đáng kể. Vừa qua, cú “bắt tay” ngoạn mục giữa Ebay với Công ty Peacesoft (chủ website chodientu.com, khu chợ “ảo” với hàng chục nghìn lượt giao dịch mỗi ngày) cho thấy những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam.
Số liệu thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam cho thấy, hiện tại có 32 triệu người Việt Nam sử dụng Internet. Thị trường rộng lớn đó, kết hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao sẽ là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Tuy nhiên, theo điều tra của Bộ Công Thương với 1000 doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có website mới chỉ chiếm 20-25%, tính năng thương mại điện tử trong các website này cũng còn khá mờ nhạt. Website được lập chủ yếu để giới thiệu về công ty (93,8%) hoặc giới thiệu sản phẩm, dịch vụ (62,5%), tính năng cho phép đặt hàng qua mạng chỉ chiếm 27,4% và khả năng cho phép thanh toán trực tuyến còn ít hơn nữa, chỉ 3,2%. Thêm vào đó, khung pháp lý bảo vệ người tiêu dùng trên “chợ ảo” còn chưa đầy đủ cũng là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của hình thức bán lẻ này.
Bán lẻ chuyên biệt
Người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn sản phẩm. Mô hình siêu thị chuyên biệt sẽ đáp ứng được nhu cầu này của khách hàng. Trên thế giới, ở những nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, các siêu thị tổng hợp đang dần nhường chỗ cho các siêu thị chuyên biệt và xu hướng này cũng sẽ xảy ra với các siêu thị Việt Nam trong thời gian tới. Hiện nay ở Việt Nam đã có siêu thị điện máy, điện thoại. Khi vào siêu thị chuyên biệt, người tiêu dùng sẽ được thỏa mãn nhu cầu lựa chọn của mình.
Kết hợp giữa bán buôn và bán lẻ:
Đó là xu hướng kết hợp giữa bán buôn và bán lẻ. Điển hình là tại Mỹ và EU, các trung tâm phân phối quy mô lớn có xu hướng kết hợp cả chức năng bán buôn và bán lẻ tại cùng một điểm bán hàng với phương thức bán hàng đơn giản, giảm thiểu yếu tố dịch vụ và mang tính công nghiệp cao độ (bán ngay tại kho hàng hoặc tại nhà máy). Ngoài ra, các trung tâm thương mại hay các đại siêu thị cũng ngày càng tích cực tham gia dịch vụ bán buôn. Sự kết hợp này giúp doanh nghiệp vừa nâng cao lợi nhuận, vừa nắm bắt nhanh chóng nhu cầu xã hội để kịp thời đề ra chiến lược kinh doanh tốt nhất.
Sự phát triển của nhượng quyền thương mại:
Hình thức nhượng quyền thương mại (franchising) đang ngày càng trở nên phổ biến. Bản chất của hình thức tổ chức này là doanh nghiệp kinh doanh một ngành hàng nào đó, sau khi đã đạt được những thành công trong kinh doanh và xây dựng được một thương hiệu mạnh, sẽ nhượng quyền khai thác thương mại cho các doanh nghiệp hay cá nhân khác theo hợp đồng ký kết giữa hai bên. Có thể kể đến các thương vụ nhượng quyền “nội” có tiếng tăm trong những năm gần đây như Cà phê Trung Nguyên, Phở 24... hoặc “ngoại” như KFC, Lotteria...