Thời gian sự kiện lịch sử

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài thời kỳ trước cách mạng tháng tám (Trang 93 - 101)

Thời gian sự kiện lịch sử: là mốc thời gian lịch sử được tác giả lựa chọn, tổ chức và kết hợp trong tác phẩm để thể hiện sự sáng tạo chủ quan của mình.

Trong công trình khoa học: Tiểu thuyết giáo dục và ý nghĩa của nó trong

lịch sử chủ nghĩa hiện thực (Dịch và in trên Tạp chí văn học số 4 – 1999) nhà bác

học M.Bakhtin đã nêu lên vấn đề về sự thay đổi cơ bản của bức tranh không gian, thời gian của văn học thế giới. Trong đó, khái niệm thời gian lịch sử được M.Bakhtin đưa ra với nội dung cụ thể:“Sự hình thành con người diễn ra trong thời gian lịch sử hiện thực với tính tất yếu của nó, với sự đầy đủ của nó, với tương lai của nó, với tính không - thời gian sâu sắc của nó”[tr.87]. GS.Trần Đình Sử cũng xác định nội dung khái niệm Thời gian lịch sử:“Ý niệm về thời gian lịch sử là thời gian

liên tục, không cho phép đứt đoạn và mang tính nhân quả rõ rệt(…). Thời gian lịch sử là một chuỗi nối tiếp các sự trị vì của các dòng họ theo thứ tự hưng phế, thịnh suy bĩ thái”[47,66].

Quan niệm của M.Bakhtin về không gian, thời gian lịch sử và quan niệm của GS.Trần Đình Sử về thời gian lịch sử trong văn học là cơ sở khoa học để chúng tôi tiến hành khảo sát thời gian lịch sử trong các sáng tác của Tô Hoài thời kì trước Cách mạng.

Như chúng ta đã biết, Tô Hoài là một nhà văn của những “cảm hứng nhân văn đời thường”( Nguyễn Đăng Mạnh ). Trong sáng tác của ông hầu như không đề cập đến những mâu thuẫn sục sôi, mang tính chất gay gắt, quyết liệt như hàng loạt tác phẩm của các tác giả khác cùng thời như: Chí Phèo (Nam Cao); Tắt Đèn (Ngô Tất Tố); một số truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan…Tô Hoài chọn cho mình một hướng đi riêng. Tuy nhiên, ngòi bút của nhà văn không tách khỏi dòng chảy chung của thời đại. Ông biết cách dung hoà giữa cái chung và cái riêng để không biến mình thành người “lầm đường”. Cũng viết về đề tài làng quê, cũng đưa những sự kiện lịch sử không thể nào quên lên trang sách, nhưng trong khi các nhà văn khác ráo riết đi khai thác những mâu thuẫn nảy lửa, phản ánh bức tranh xã hội thực dân nửa phong kiến bạo tàn ra sức chà đạp, bóc lột người nông dân đến tận xương tuỷ… thì Tô Hoài viết về bức tranh làng quê trên cái nền của những bức tranh phong tục, những bức tranh sinh hoạt “vụn vặt” rất đỗi đời thường.

Nếu như ở sáng tác của một số nhà văn khác thời kỳ trước Cách mạng ta thấy được những dấu ấn hiện thực rộng lớn, những sự kiện lịch sử được đề cập rõ ràng phản ánh mâu thuẫn xã hội đang diễn ra một cách gay gắt và quyết liệt thì trong các sáng tác của Tô Hoài, thời gian sự kiện lịch sử lại được ghi lại bằng một dấu ấn riêng. Ở tiểu thuyết Quê người, nhà văn ghi lại một thời gian sự kiện lịch sử quan trọng đối với nghề dệt làng Nha nói riêng và đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung vào những năm 30 – 40 của thế kỷ XX. Ấy là sự lấn át của làng hàng hoá nước ngoài bóp nghẹt nghề thủ công truyền thống trong nước, đẩy nó đến bờ vực của sự phá sản. Nguyên nhân của sự phá sản nghề dệt làng Nha chính là bởi sự xuất hiện của một thứ tơ mới:“Tơ này trắng nuột. Vặn lại từng bó, to như con sợi mà

người ta bán lô, bán bó, chứ không nén, bán lạng như tơ của taNgười ta gọi là tơ Tầu. Quay nó thì phải lồng vào guồng to, như quay sợi vải”[8,149]. Nói về sự có mặt của thứ hàng mới này, Tô Hoài muốn nói về một thời kỳ đầy biến động của nền kinh tế thị trường trước tình trạng đảo lộn giá trị hàng hoá. Phải chăng đây chính là nguyên nhân khiến nghề dệt ở làng Nha bị phá sản và người dân bị đẩy vào cảnh điêu đứng khôn cùng? Làng Nha vốn là một làng nghề truyền thống nổi tiếng về dệt lĩnh. Đã bao đời nay người dân nơi đây coi đó là nghề tổ, là miếng cơm, manh áo, là buồn vui, hạnh phúc của cuộc đời. Thế nhưng khi đất nước rơi vào cảnh lầm than, gót giầy thực dân đã biến cảnh sống yên bình sau luỹ tre làng trở thành nỗi đau ly tán khi nghề dệt đi vào thời kì phá sản. Thứ tơ tằm truyền thống của ta dần dần bị lép vế trước tơ Tầu bởi giá cả và cách thức dệt của nó vừa rẻ lại vừa dễ:“Một bó có năm lô. Một lô là bốn đồng. Một con tơ Tầu nhiều gấp ba, bốn con tơ mái của ta. Đã thế lại chỉ rẻ bằng nửa thôi”[8,150]. Ban đầu, người ta còn lạ lẫm, còn nghi ngờ nên trong suốt mấy tháng, suốt mấy làng làm nghề lĩnh, không ai mua thứ tơ Tầu mới lạ ấy. Nhưng rồi dần dần cũng có người dùng:“Khi ấy, vào cuối ngày mùa, tơ tằm cao giá quá, và hàng lĩnh không được đắt mấy. Người ta bèn làm thử tơ Tầu. Làm thử thấy được và dễ như tơ mái – dần dần mới làm hồ, những sợi tơ Tâù lướt, khó vuốt hồ vào. Nhưng rồi thợ hồ làm cũng quen”[8,151]. Thực ra, lí do để người ta làm được tơ Tầu trước tiên là vì nó rẻ quá. Một con tơ ấy chỉ bằng nửa tiền con tơ mái ta mà khi quay thành ống lại nhiều gấp mấy lần một con tơ mái. Bởi vậy mà số người làm lụa tơ Tầu tăng dần lên và xảy ra tình trạng khủng hoảng về giá cả:“Giá bán lĩnh cho lái buôn sinh ra rất trái ngược. Lĩnh tơ ta thì bán năm sáu đồng một tấm hàng nhẹ năm bàn. Tơ tầu, chỉ bốn đồng ba đồng. Có khi lại chỉ hai đồng rưỡi. Tất nhiên, lái buôn xô vào mua lĩnh tơ tầu”[8,152]. Hàng họ ế ẩm, cuộc sống của người dân quê rơi vào cảnh túng quẫn, đồng tiền vốn đã eo hẹp nay lại càng thêm khó khăn hơn. Hãy nghe cuộc nói chuyện giữa bố con ông Nhiêu Thục và gia đình chị Ngây mới hiểu hết cái khó khăn của họ:“Chiều hôm ấy, ông Nhiêu đi bán lĩnh về đem tiền sang trả nợ vợ chồng Hời. Ông bảo chàng rể và con gái:

– Nhà tao phải nghỉ thôi. Hàng họ thế này, không thể làm được. Của nhà mày, bán được có tròn bốn đồng.

Ngây ngạc nhiên:

- Tròn bốn đồng!

- Ấy là còn nài mãi, người ta mới mua cho. Không nói giã bọt mép ra thì đến đem về. Mà đem hàng về thì nhà này cũng như nhà bên kia, tiền đâu đong gạo, tiền đâu mua rau.

Bà Vạng thở dài:

- Nhà kém vốn khổ quá”[8,153].

Cuộc đối thoại của những người cùng làm chung nhau một nghề mới thấm thía và đau xót biết bao nhiêu. Với họ nghề dệt được coi như máu thịt. Vậy mà trước thời buổi khó khăn ngay cả ông Nhiêu người từng sống chết với nghề dệt cũng tính cách bỏ vì không thể nhờ nó mà kiếm sống như trước nữa. Gia đình Ngây - Hời cũng có ý định bỏ làm dệt ở nhà, chồng tiếp tục quay lại đi dệt thuê như hồi chưa lấy vợ, còn Ngây vơ con tơ về quay hay đi làm hồ. Tính là tính vậy thôi chứ họ đâu dám bỏ vì Ngây sắp ở cữ. Và quan trọng hơn bỏ nghề rồi thì làm gì ra mà trả món nợ mấy chục đồng Thoại vay Lý Chi. Cái khổ của người dân quê chỉ biết sống bằng một nghề duy nhất là ở chỗ ấy. Họ không biết xoay sở ra sao khi cái nghề miếng cơm manh áo của mình rơi vào con đường phá sản.

Đọc hơn 200 trang sách của Quê người, ta không tìm thấy những mốc thời gian lịch sử cụ thể. Nhưng chỉ với mười trang sách miêu tả cảnh suy thoái của nghề dệt, ta có thể hình dung được những biến cố, những thăng trầm của người dân quê khi nền kinh tế thị trường lâm vào tình trạng khủng hoảng bởi sự xâm lược của thực dân Pháp. Nhà văn sử dụng hàng loạt các trạng ngữ chỉ thời gian sự kiện nối tiếp nhau dồn dập trong một ngày như: “buổi sáng ngày phiên chợ” người ta thấy tơ Tầu bày bán la liệt, “chiều hôm đó” ông Nhiêu đi chợ về ngán ngẩm…,“tối hôm ấy” hai vợ chồng Hời bàn chuyện nhà…khiến cho nỗi khổ của người dân quê như càng thêm đè nặng chồng chất. Kết thúc truyện là thảm cảnh thương tâm trước sự nghèo túng, khốn cùng của vợ chồng Ngây - Hời, đau lòng hơn nữa là cảnh tha hương của vợ chồng Bướm Thoại. Cái tài của Tô Hoài là ở chỗ đó. Ông không phải là người ghi sử, chép sử mà chỉ kể những chuyện đời thường, người thường mắt thấy tai nghe một cách bình dị. Nhưng những trang viết ấy đã giúp người đọc thấy rõ quá

trình lịch sử diễn ra ở một làng nghề truyền thống nói riêng và rộng hơn là xã hội Việt Nam thời kì tiền Cách mạng. Đó chính là cách Tô Hoài đã cảm nhận và phản ánh lịch sử, nhẹ nhàng thôi nhưng lại rất sâu sắc, đáng nhớ và gợi nhiều suy nghĩ. Những năm nước ta chịu sự đô hộ của Pháp có thể gọi là đêm trường đau thương, tang tóc bởi ngay khi đặt chân đến Việt Nam, thực dân Pháp đã ra sức thực hiện các chính sách nô dịch tàn bạo đối với dân ta, đẩy dân ta vào con đường bần cùng hoá. Thâm độc hơn, chúng muốn đồng hoá người Việt vào khối đại Pháp khiến cuộc sống của người dân vô cùng điêu linh. Sự kiện bác Quyền Vực về làng với lối ăn mặc kiểu mốt mới và cách nói tiếng Pháp (trong Bức vẽ truyền thần

Vàng phai) đã cho thấy sự xâm nhập nhanh chóng của một lối sống mới vào văn

hoá Việt. Những từ:“bông xua”(chào), “bôồng”(tốt), “xàvà”(khoẻ chứ), “bốp”(đẹp) mà Quyền ta sử dụng đã cho thấy cái dự cảm của nhà văn về một nỗi lo mang tầm vóc lịch sử. Phải chăng Tô Hoài muốn cảnh tỉnh người dân trước âm mưu thâm độc của bọn thực dân khi chúng mang văn hoá, chữ viết và ngôn ngữ của chúng nhằm lôi kéo người Việt quên đi cội nguồn dân tộc. Có thể với nhiều người sự việc này được coi là chuyện thường vì đi lính cho Pháp thì không chỉ Quyền Vực mà người nào làm việc cho chúng cũng biết vài từ tiếng Pháp sơ đẳng. Nhưng có lẽ với Tô Hoài, cái sự việc bình thường ấy lại trở thành cái không bình thường. Cái đặc sắc của nhà văn Nghĩa Đô thể hiện ở chỗ ông không viết về những chuyện đao to búa lớn với lời kể gân guốc mà rất nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng thấm thía, sâu xa. Chỉ với sự kiện bác Quyền về làng nhưng ẩn dấu trong đó biết bao tâm tư của tác giả và có lẽ điều mà tác giả băn khoăn nhất là làm sao để dân ta không đánh mất đi cốt cách, tinh thần, sâu hơn là bề dày truyền thống lịch sử cha ông…

Thời gian sự kiện lịch sử trong Dế Mèn phiêu lưu ký vẫn được miêu tả theo

lối riêng của Tô Hoài. Những ngày Dế Mèn bị giam cầm, bị biến thành người quản gia bất đắc dĩ của lão chim Trả phần nào phản ánh nỗi lòng của nhà văn trước cảnh đất nước chìm trong nỗi đau nô lệ. Mượn hình ảnh chú Dế Mèn ham hoạt động và yêu tự do, nay bị nhốt trong lồng, chịu sự quản thúc nhưng Mèn không chịu khuất phục mà vẫn đau đáu hi vọng, khao khát một ngày được trở về với quãng đời tự do, tự tại, Tô Hoài đã kín đáo gửi vào đó một sự thực lịch sử là dân ta đang bị thực dân

Pháp o ép, quản thúc về mọi mặt. Mặt khác nhà văn cũng thể hiện niềm tin vào sức mạnh quật cường của một dân tộc với chiều dài bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước sẽ không bao giờ chịu đầu hàng trước quân thù.

Qua truyện ngắn Truyện gã chuột bạch ta có cảm giác tác giả muốn đưa ra một lời khuyến cáo tới con người: hãy biết gắng thoát ra khỏi cuộc sống nhàm chán buồn tẻ của “gã Chuột Bạch đánh vòng và ngủ đứng”. Đó là tóm tắt tất cả những công việc của một cuộc sống, lối sống được “điều kiện hóa” ấy làm tê liệt tính năng động, khát vọng độc, tự do, ước mơ tháo cũi xổ lồng. Thực dân Pháp còn mong muốn gì hơn nếu dân ta chấp nhận lối sống:“Đã một lần, có một đứa trẻ nghịch tinh mở cửa lồng xem chuột, rồi quên không đóng lại. Đôi vợ chồng nối đuôi nhau, tha thẩn bò ra ngoài. Hai cái bóng đi lồm cồm, hếch chiếc mõm nhọn hoắt lên ngơ ngác nhìn quanh quẩn. Như là họ chẳng quen bò ra giữa nơi khoáng đãng. Và họ lại nối đuôi nhau, tha thẩn, từ từ bò vào, cũng như lúc bò ra. Từ đấy, dù mở cửa, cậu mợ chuột cũng chẳng bò ra nữa. Họ yếu đuối. Ở ngoài làm chi có gạo mà ăn”[20,38]. Nhà văn kêu gọi mọi người phải thoát ra khỏi lối sống này bằng mọi cách thì mới có thể thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự chủ cho dân tộc. Công cuộc xâm lược của thực dân đã đẩy người dân Việt Nam vào con đường bần cùng hoá. Đói rét, thiếu thốn, nợ nần chồng chất đã đẩy họ ra khỏi luỹ trẻ làng, lang thang nơi “đất khách quê người” dật dờ kiếm sống. Âm vang và bóng dáng của thời gian sự kiện lịch sử này được nhà văn khắc họa qua hình ảnh của những con người tha hương trong một số tác phẩm như: Một người đi xa về, Quê người, Cỏ dại…Biết bao người đã đi vào tận nước “Sài Gòn xa lăng lắc”, đi mộ phu bên “Tân thế giới”…Tất cả họ đều xuất phát từ một mong muốn thoát khỏi làng quê nghèo túng để đến với một “miền đất hứa” xa xôi, miền đất mà trong ý nghĩ họ cho rằng dễ kiếm được đồng tiền, bát gạo. Nhưng trong thời buổi khó khăn chung, ước mong của họ đâu phải lúc nào cũng thành hiện thực. Bố cu Bưởi (Cỏ Dại ), sau bao tháng ngày lang thang nơi đất Sài Gòn đã về thăm nhà. Ở nhà mấy tháng không kiếm được việc làm, ông lại một lần nữa khăn gói vào Nam. Và lần này thì ông đi hẳn, không về. Tất cả tin tức của người cha, cu Bưởi chỉ được nghe người làng kể lại:“Có người cùng làng ở Sài Goòng về, kể rõ ràng cho biết bố tôi đã lấy người

bên Sà Goòng, làm nghề tráng bánh đa nem, đã được hai con, một trai, một gái. Bác ấy kể: khi bố tôi vào Sà Goòng cũng không tìm được việc làm, đến lúc gặp người đàn bà này, ở An Nhơn, thế là bố tôi về ở nhờ. Rồi bố tôi đau mắt, đau đến loà hai mắt. Bây giờ đi phải chống gậy, hằng ngày chỉ làm việc bưng bánh tráng ra sân phơi. Bác người làng đã đến chơi tận An Nhơn (…). Bác ấy hỏi bố tôi có nhắn gì về nhà không. Bố tôi chỉ thở dài, rồi lau nước mắt”[20,164]. Người cha ấy cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay cũng không được nhìn mặt người thân lần cuối. Ông chết lặng lẽ nơi xứ người, kết thúc một kiếp đời lang thang, phiêu bạt.

Nhân vật Từ (Quê người) cũng vào Nam kiếm sống. Anh may mắn hơn nhiều người khi được làm một chân đội xếp. Cuộc sống có lẽ tạm dư dật nên mỗi năm đều gửi tiền về cho mẹ và em ở nhà. Nhưng về sau cũng bặt vô âm tín, không biết sống chết thế nào vì có đến mấy năm không thấy biên thư về. Bà Vạng - mẹ Từ lúc ra đi có lẽ cũng không yên lòng khi chưa được gặp mặt đứa con trai cả.

Qua bước chân lang thang, phiêu bạt của những người đi làm ăn xa, những tiếng khóc, tiếng cười của đời sống thường nhật, nhà văn đã giúp cho người đọc thấy được bóng dáng của lịch sử xã hội đương thời.

Sau cách mạng, ngòi bút của Tô Hoài khi viết về thời gian sự kiện lịch sử dường như không thay đổi. Vẫn là cách viết không cụ thể, rành mạch về thời gian,

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài thời kỳ trước cách mạng tháng tám (Trang 93 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)