Theo quan điểm của mỹ học hiện đại, vai trò quyết định tạo nên các khuynh hướng văn học là quan niệm nghệ thuật về con người. Đó là cách cắt nghĩa, là phương diện chủ quan trong cách cảm nhận của nhà văn đối với con người. Hay nói rõ hơn, là các quan niệm về cá nhân, bao gồm hai phương diện: cá nhân tồn tại như một cá thể và cá nhân trong mối quan hệ xã hội.
Mỗi nhà văn lớn đều có một quan niệm nghệ thuật riêng. Quan niệm này sẽ chi phối quá trình sáng tác và là cơ sở tư duy nghệ thuật. Chính vì vậy, đối với
người đọc và người nghiên cứu, việc nắm được quan niệm sáng tác của nhà văn là rất quan trọng, nó sẽ giúp ích nhiều cho việc tìm hiểu và đánh giá tác phẩm. Hạt nhân của quan niệm nghệ thuật là quan niệm nghệ thuật về con người, bởi vì dù nhà văn có miêu tả khía cạnh nào của thế giới thì tựu trung lại là đều nói tới con người. Các tác gia nổi tiếng của văn học hiện thực phê phán như: Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố…mỗi người đều có một quan niệm nghệ thuật khác nhau về con người.
Ngô Tất Tố xuất thân là một nhà nho và chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo nên trong quan niệm của ông, con người không bao giờ chịu tha hóa. Dù cuộc sống có cùng cực, điêu đứng đến đâu thì con người trong tác phẩm của ông trước sau vẫn giữ được những phẩm chất đáng trân trọng. Chị Dậu (Tắt đèn), vượt qua biết bao vùi dập, khốn đốn nhưng chị vẫn giữ được phẩm cách trong sạch của mình. Con người trong tác phẩm của Nam Cao thì lại méo mó, dị dạng, tha hóa đến nỗi biến thành quỷ dữ nhưng chưa mất hẳn tính người. Trong sâu thẳm của những kẻ khốn cùng nhất, bi đát nhất như Chí Phèo vẫn còn le lói ánh sáng và sự khao khát lương tri. Con người trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan lại bị tha hóa hoàn toàn, hầu như trở thành vật hóa, đồ vật hóa, con người không còn là con người như nó vốn có nữa. Còn với Tô Hoài, ông quan niệm “con người là con người” với đúng nghĩa của nó và đúng với tất cả những gì là chân thực nhất. Với cảm quan hiện thực đời thường, nhà văn miêu tả con người như nó vốn có, với tất cả mặt tốt và mặt xấu của nó. Bởi vậy có thể coi Tô Hoài là nhà văn của cuộc sống đời thường.
Trước cách mạng, Tô Hoài tập trung viết về những chuyện phong tục, chuyện đời tư, đời thường. Nhưng ông không quan tâm đến cảnh sống sung sướng đủ đầy với những cuộc tình diễm lệ, chứa chan nước mắt của những chàng và nàng trong văn chương Tự lực văn đoàn. Cảnh sống vất vả, túng thiếu của bản thân, của gia đình khiến ông khó có thể thả hồn mình phiêu diêu theo lối viết lãng mạn. Tô Hoài hướng ngòi bút của mình vào những con người cần lao chất phác, những cảnh đời điêu đứng, cùng quẫn của những người dân quê quen thuộc và thân thiết ở chính vùng quê Nghĩa Đô của ông. Tô Hoài nhiều lần khẳng định cái chức năng của người cầm bút, không muốn tô điểm. Ông cũng không muốn lấy mình làm trung tâm để khơi gợi cho những trang viết. Cá nhân mỗi người trước dòng đời chung đã trở nên
hạn chế, nghèo nàn. Tô Hoài chỉ muốn quan tâm tới những mảnh nhỏ, mảnh vụn của từng gia đình, những cảnh đời đang nằm trong mạch máu chung của cuộc sống. Ông muốn khám phá bề sâu của hiện thực với những quy luật riêng của nó. Chính bởi “cái tạng” chỉ quen viết những vụn vặt, nhem nhọ đời thường mà nhân vật của Tô Hoài không có những người lãng mạn, bóng bẩy mà là những người thuộc cái nhân loại nghèo đói, nhếch nhác, bị những cái vụn vặt, tầm thường của cuộc sống kéo xuống. Chân thật trong cách viết, cách tả và chân thật trong cả lời văn nên trong sáng tác Tô Hoài, ta không gặp những ngôn ngữ bóng bẩy, ước lệ tượng trưng mà ngôn ngữ ở đây rất đời thường. Đó là thứ ngôn ngữ lượm lặt luôn từ cuộc sống lam lũ đói nghèo, nhiều khi chưa rũ hết bùn đất bụi bặm, nhưng lại có sức diễn tả mạnh mẽ vì nó gọi đích danh cái tên nôm na mộc mạc nhất của sự vật. Các nhân vật dường như bước thẳng từ đời thường vào trang sách mà không cần qua một sự chế biến, nhào nặn nào của tác giả.
Tóm lại, sáng tác của Tô Hoài in đậm dấu ấn cái tôi cá nhân của ông. Cái tôi đời thường chuyên viết chuyện thường đã làm nên sức hấp dẫn cho tác phẩm. Đó là
“một cái tôi khôn ngoan, tinh quái, thóc mách, lọc lõi, rất mực hiểu mình, hiểu người và có đá chút khinh bạc. Một cái tôi ý thức rất rõ về sức hấp dẫn cũng như sức mạnh của sự thực. Vì thế muốn giữ thái độ khách quan, trung thực với mình, với người, cứ đều đều một giọng, không lên gân lên cốt, không cao giọng dạy đời, có gì nói thế:con người là con người, chỉ là con người vậy thôi (…). Nhưng điều thú vị lại là ở đó”[27,126].
1.3.3. Thế giới nhân vật trong sáng tác của Tô Hoài thời kì trước Cách mạng tháng Tám tháng Tám