Tô Hoài không mạnh về miêu tả tâm lý nhân vật thông qua độc thoại nội tâm. Bù lại, với khả năng quan sát tinh tường, nhạy bén và đặc biệt là tài ghi nhớ “siêu việt”, Tô Hoài đã rất thành công trong việc khắc họa chân dung nhân vật bằng ngôn ngữ miêu tả. Dưới ngòi bút điêu luyện của ông, hình dáng các nhân vật (người và vật) đều hiện lên một cách sắc nét, sinh động. Từ những nét vẽ về chân dung, ngoại hình ấy, Tô Hoài gián tiếp lột tả cái bản chất bên trong của nhân vật. Đây là cách tiếp cận nhân vật độc đáo và rất đáng ghi nhận của nhà văn. Ta hãy xem tác giả miêu tả một người đi làm ăn xa trở về làng:“Người ấy, đầu đội một chiếc mũ cát két bằng vải mông – ta – nhắc, sọc đen sọc trắng lẫn lộn. Cái lưỡi trai lại lật ngược ra đằng sau gáy, tỏ vẻ một tay chơi. Chiếc áo bành tô vàng sọng, có một chuỗi khuy đồng trước ngực. Ở cửa tay, ở hai bên cổ, ở những miệng túi cả hai bên ngực, cũng rải rác những chiếc khuy nhỏ. Làm gì mà lủng củng những khuy. Và đến cái túi cũng lắm. Túi nhỏ, túi lớn. Túi ở hai bên bẹn, túi ở hai bên ngực, túi ở hai bên trong lườn. Giá mà để đựng tiền thì đựng biết bao nhiêu tiền cho đầy! Chàng vận một cái quần lĩnh đen bóng nhoáng. Nền lĩnh lấm tấm hoa dâu óng ánh. Chân mang đôi giày tàu bằng nhung. Đôi giày tàu nhung thực là đẹp. Nếu có ở hai bên mũi giày hai
cái ngù hoa đỏ, thì đúng hệt đôi giày của một ông tướng võ, một ông Triệu Tử Long chẳng hạn, trong những phường hát tháng giêng”[15,203]. Điểm vào bộ quần áo khác người đó là:“một khuôn mặt đen nhánh và rắn rỏi”[15,203]. Tác giả đã miêu tả đúng điệu bộ của một người lạ, một người từ xa về, bởi “ở Nghĩa Đô không có ai giống thế”[15,204]. Cái lối ăn mặc khác người theo hơi hướng thị thành đã biến anh cu Tại hiền lành, chân chất của ngày xưa thành một con người khác lạ. Bộ dạng của Tại có phần hầm hố, dữ dằn hơn với lối ăn mặc kì dị. Điều đó cho thấy bản chất con người Tại dường như đã thay đổi vì anh đã nhuốm nỗi hận bị phụ tình và nay quay về thực hiện cái ước vọng trả thù Pha. Hình dáng bề ngoài của Tại khiến chúng ta liên tưởng đến nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Sau bảy, tám năm làm bạn với nhà tù, Chí trở thành thằng “săng đá”, trở về làng trong bộ dạng của quỷ dữ: cái mặt cơng cơng, răng cạo trắng hớn, mắt gờm gờm trông gớm chết, trên mình nhằng nhịt những hình xăm kì quái, khiếp người…Tại không thay đổi đến mức gớm ghiếc như thế nhưng dưới ngòi bút tả thực của Tô Hoài, hình ảnh “người lạ” với bộ dạng phởn phơ, phát đạt của một kẻ đi làm ăn xa trở về làng hiện lên vừa kì dị, khác thường lại vừa sinh động, hấp dẫn khiến dân làng và người đọc không khỏi tò mò, thích thú và dõi theo...
Thể hiện tâm lý, tính cách nhân vật thông qua hình dạng và trang phục bề ngoài là sở trường riêng của Tô Hoài. Đây là những dòng miêu tả cặp “vợ chồng trẻ con” sánh vai nhau về nhà ông nhạc ăn cỗ trong ngày làng Nghĩa Đô vào đám:“Hai đứa ăn mặc trang nhã như ngày tết. Phúc thấp hơn vợ, bé loắt choắt. Và đôi vợ chồng là đôi chuột tý hon. Phúc đội vành khăn lượt chit, xùm xụp, lấp xuống đến nửa trán. Trên khoáy, chum tóc hoa roi dài lòng thòng như cái đuôi đỏ như con ngựa bạch. Bởi đầu nó vừa cạo hôm qua, trắng phau như mông ngựa bạch thật. Nó mặc áo the ba chỉ, ống trùm kín nửa bàn tay. Cái thắt lưng nhiễu điều đỏ chót còn dài hơn hai vạt áo lòe xòe xuống gần đất. Nó bước tung tăng, chốc chốc lại thò tay vào túi đếm mấy đồng hào mới. Nó cười tủm, khịt mũi, nhe mấy cái răng sún, hổng, đen xỉn”[15,269]. Đúng là bộ dạng của thằng bé con. Mới có mười tuổi đã được bố mẹ đặt vào vị trí của một người chồng, Phúc ta cũng cố gắng đảm nhiệm vai trò đó nhưng trẻ con thì vẫn là trẻ con. Nhất là cái tâm lý “thích chí vì được diện bộ bốp và
được tiền mẹ cho. Thực chẳng phải thích vì được đi cạnh vợ thì đúng là tâm lý của một cậu bé con không chệch đi đâu được”[15,269]. Phúc thì như vậy còn Ngói thì thế nào. Nó “cũng làm đỏm tệ”. Và vì hơn chồng hai tuổi, lại là con gái nên nó có phần “người nhớn” hơn tý chút:“bộ tịch của cô bé ra lối đứng đắn hơn chồng. Nó cũng mặc áo the ba chỉ mà hai vạt trước thắt quả găng gọn gang. Dải thắt lưng hoa hiên bay phất phơ trước gió. Cái vãy lĩnh xùm xòe gió phần phật trong mỗi bước đi nhẹ. Ngói vẫn khăn nhiễu đóng. Nhưng cô ả lại trùm mỏ quạ tùm hụp một tấm khăn vuông láng thâm. Chỉ nom thấy cặp môi ăn trầu đỏ loét và thỉnh thoảng, hàm răng nhuộm cánh kiến màu cánh gián. Nó đi làm điệu ve vẩy hai tay mềm mại. Cái nón to vành kẻ Chuông đội trên đầu, chốc chốc, gió lại đánh bật ra đằng sau”[15,269]. Ngói ta cũng cố gắng làm ra vẻ mình là người lớn, để diễn thật đạt cái vai của “người vợ” của mình. Và Tô Hoài cũng cố gắng lột tả được cái vẻ người lớn của cô bé, nhưng phải chăng đó chính là dụng ý nghệ thuật của ông bởi càng cố gắng thì cái vẻ trẻ con của Ngói lại càng hiện rõ. Dưới ngòi bút của Tô Hoài, chân dung của cặp vợ chồng trẻ con này hiện lên thật vui nhộn, ngộ nghĩnh, sinh động và cũng rất đáng yêu. Người đọc vừa buồn cười lại vừa lo âu trước vai diễn cập kênh của đôi vợ chồng trẻ con này.
Óc quan sát sắc sảo còn giúp Tô Hoài nắm bắt và phản ánh rất tinh tường nét tâm lý các nhân vật của mình. Ta hãy xem điệu bộ và hình dạng ông Nhang Chỉnh khi ông ra tỉnh đem bức vẽ truyền thần về treo lên tường nhà để lấy oai với dân làng:“Ông đi khệnh khạng, với cái điệu vung vinh ghê. Mặt ông vểnh lên. Hai cánh ria mũi mác đen đen cũng vểnh ra. Hai cái ria, nom thú vị lạ. Nó tựa như là ai viết một chữ bát vào giữa mặt ông Nhang Chỉnh. Cái chữ bát hơi mấp máy, động đậy. Ấy là lúc ông đương hể hả lắm. Ông đương sửa soạn một nụ cười tủm”[20,290]. Đó là điệu bộ của người tuy chưa có mấy của nả nhưng lại muốn tỏ vẻ nhà ta khá lắm, muốn học làm sang theo cách mới ở trên tỉnh. Đây đúng thực là nét tâm lý phổ biến của người nhà quê mà Tô Hoài đã nắm bắt và miêu tả rất tinh tế.
Để có thể nắm bắt nhanh và trúng những nét đặc trưng của đối tượng miêu tả, Tô Hoài trước hết phải có một năng lực quan sát rất tinh và sắc. Khả năng đó được thể hiện rõ trong cách tác giả miêu tả ngoại hình của các con vật. Hãy xem
cách nhà văn miêu tả hình hài Dế Mèn khi trở thành chàng dế thanh niên cường tráng bằng thủ pháp nghệ thuật so sánh:“Đôi càng tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần lên và nhọn hoắt (…). Đôi cánh tôi trước kia ngắn hủn hoẳn, bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi (…). Đầu tôi to ra và nổi từng tảng, rất bướng. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc. Sợi râu tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng”[20,169]. Đoạn văn cho người đọc hình dung một cách đầy đủ nhất về chân dung chú Dế Mèn – người bạn thân thiết đối với tuổi thơ. Và chỉ có thể là tình yêu thương, gắn bó thì nhà văn mới đặc tả nó một cách chính xác, cụ thể, tỉ mỉ lại ngộ nghĩnh và đáng yêu đến thế.
Đây là ngoại hình của con mèo mướp mà Tô Hoài đã kì công ngắm nghía rồi mô tả lại:“Cái bộ lông mèo mướp thực là kì dị. Nó vừa trắng màu lụa, vừa xám màu tro, lại vừa đen xỉn. Khắp mình, ba màu ấy trộn lẫn với nhau mà trộn rất nhỏm hòa hợp lại thành một màu đặc biệt như màu cái chăn dạ của các chú lính tập. Chỉ ở dưới bụng có một mảng lông trắng mềm mềm. Màu mướp ấy trông bẩn, vì đen ngòm ngòm, nhưng chính ra sạch lắm. Nó sạm như đất, mà không phải là có đất bám. Nó lại mờ như có tro bếp phủ lên (…). Ngắm thì không đẹp mắt lắm, nhưng nếu sờ tay vào, nó muốt như sờ tay trên tấm nhung tơ. Hai mắt mèo tròn và quắc như đôi bi ve để dưới ánh mặt trời. Hắn không có môi; song hắn có cái mũi đo đỏ, đẹp như cặp môi son hồng của cô gái mười tám đương thì”[20,24]. Với cách miêu tả này, hình ảnh con mèo hiện lên thật sinh động lúc có phần bụi bặm như màu tro bếp, lúc lại trong sáng, đáng yêu như vẻ đẹp của cô thiếu nữ xuân thì. Chỉ có thể quan sát một cách kĩ lưỡng và thổi hồn mình vào bức tranh loài vật, Tô Hoài mới mới có thể viết lên những dòng miêu tả đầy tâm huyết và đắt giá này.
Trong nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật của Tô Hoài có thể thấy sự kết hợp hết sức tài tình của nhiều yếu tố nghệ thuật. Đây là hình ảnh con mèo mướp trong truyện O chuột, bức tranh của hội họa, thị giác hay của tâm linh?
“Gã mèo mướp ăn ở thì giờ như một người đúng mực, ban ngày hắn ngủ hoài, cái dáng mèo nằm, dáng êm, dáng thanh, dáng lâng, đẹp biết bao! Lúc bấy giờ cái thân hắn nhẹ muốt, chỉ như một chút gợn gió phẩy bay một nắm bông gạo
nõn”[20,24]. Cái dáng, cái hình của con mèo trong tư thế nằm, hiển nhiên là hình ảnh của hội họa thị giác. Nhưng trong thế giới nghệ thuật của Tô Hoài, con mèo có “dáng êm”. Êm thuộc về xúc giác; con mèo có “dáng thanh”. Thanh không đơn thuần thuộc về thị giác mà còn có phần tham gia của thính giác, hoặc có thể mơ hồ thêm một chút như là vị giác nữa. Nhưng đến “dáng lâng”, thì các giác quan của chúng ta đã được mở rộng ra, từ trọng lượng (cảm giác nặng, nhẹ...) mở rộng ra để được mơ hồ hơn, bảng lảng hơn, không xác định hơn...mở rộng đến cõi tâm linh...nơi mà kẻ nhìn thấy con mèo, và chính con mèo, cả hai đều mang sự sống, và hai sinh linh này tương hợp với nhau. Sự cảm nhận về “lâng” của người đọc càng thêm được tin chắc, được củng cố bằng cảm nhận “nhẹ muốt” với tấm thân của con mèo. Vậy thì cả dáng lâng ấy đương nhiên là nhẹ rồi. Nhưng nhẹ tới mức độ nào, tới trình độ nào, nhẹ như thế nào...? Nhẹ tới mức độ có thể nhìn thấy: nhẹ muốt! Trình độ tới mức thuần khiết, không pha tạp. Trở về phạm trù của trọng lượng, trọng lượng đương nhiên không có hình tướng, Tô Hoài sẽ làm cho trọng lượng hiện hình thị giác, để chúng ta dễ dàng hình dung, tưởng tượng và cảm nhận đối với con mèo mướp được đầy đủ hơn, thật hơn, nhẹ hơn, bởi chỉ cần có gió với một lượng ít ỏi “một chút”, một “gợn” thôi, “gợn” gió ấy không thể thổi (gió thổi) mà chỉ cần “phẩy nhẹ” cũng đủ làm “bay” “một nắm bông gạo nõn” – tức là bay con mèo mướp mà chúng ta đang ngắm nhìn nó! “Êm”, “thanh”, “lâng”, “muốt” đã tương đồng tương kết với “nõn” – mọi giác quan cùng hợp sức để chạm vào tâm linh. Tâm linh là gì? Đây là sự nhận thức mà cảm giác, tri giác đã vượt qua tầm kiểm soát của lý trí để nhận thức đi sâu vào bản chất tinh khôi của sự vật và hiện tượng. Câu đầu tiên của đoạn văn vừa trích dẫn đã cho phép người đọc tạm dẹp tư duy logic, tạm dẹp sự sáng tỏ, rõ ràng sang một bên, để quen với cái không sáng rõ. Bởi vì “gã mèo mướp ăn thì ở giờ như một người đúng mực” là một câu văn, mà sự diễn đạt đương nhiên là lủng củng, thiếu trong sáng theo ngữ pháp câu trong nhà trường. Để cho câu văn được mạch lạc, rõ rệt được ý tứ, có thể viết là: Giờ giấc sinh hoạt của mèo mướp đã tỏ ra rằng, gã là kẻ đã đúng mực...Tô Hoài đã có được những áng văn tuyệt bút về loài vật, mà trước ông cũng như sau ông, thậm chí cho đến tận hôm nay chưa một cây bút văn xuôi Việt Nam nào có thể sánh được.