Khái niệm thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài thời kỳ trước cách mạng tháng tám (Trang 91 - 92)

Nghệ thuật là một dạng tồn tại đặc thù của vật chất. Bởi vậy, nghệ thuật cũng có thời gian riêng để thể hiện phương thức tồn tại và triển khai thế giới nghệ thuật. Tuy nhiên, nếu nghệ thuật chỉ tồn tại trong thời gian vật chất như dung lượng một bản nhạc, một vở kịch, một tác phẩm văn học…được diễn ra trong khoảng thời gian bao lâu thì đó chưa phải là thời gian nghệ thuật.

Thời gian nghệ thuật là thời gian luôn vận động, biến đổi. Nó mang một đặc điểm riêng của tác phẩm nghệ thuật. Văn học là một bộ môn nghệ thuật chủ yếu tái hiện cuộc sống diễn ra trong thời gian. Nghĩa là mọi hoạt động của con người luôn gắn liền với chuỗi cảm thụ trong thời gian về suy nghĩ, hành vi, sự kiện…Đọc xong một tác phẩm văn học, ta có thể cảm nhận như đã trải qua một cuộc đời, một năm, một ngày hoặc có thể quay về quá khứ, hướng tới tương lai. Theo GS.Trần Đình Sử thì thời gian nghệ thuật là “thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với chiều dài thời gian là hiện tại, quá khứ hay tương lai”[47,62]. Không những thế thời gian nghệ thuật là:“Hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Cũng như không gian nghệ thuật, sự miêu tả, trần thuật trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật. Sự chi phối của hai yếu tố thời gian này tạo thành thời gian nghệ thuật, một hiện tượng ước lệ chỉ có trong thế giới nghệ thuật”[47,62].

Trong thực tế khách quan, thời gian là một đại lượng vật lý đo bằng ngày – tháng – năm liên tục một chiều, thể hiện đời sống theo kiểu thời gian kịch, thời gian đồng hồ, thời gian cơ học đồng chất đều đặn của Niutơn. Tức là thời gian trong thực tế khách quan tuân theo một quy định bất biến không ai có thể xoay chuyển được. Nhưng thời gian nghệ thuật trong văn học lại khác, nó được soi sáng bởi tư tưởng, tình cảm nhà văn, được nhào nặn và sáng tạo để trở thành nghệ thuật, phù hợp với

quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người và thế giới. Vì vậy, thời gian nghệ thuật có thể nhanh hay chậm, dài hay ngắn, liên tục hay đứt quãng thậm chí dừng lại theo một logic riêng không hoàn toàn trùng khớp với thời gian khách quan. Nói như nhà nghiên cứu Trần Đình Sử thì:“Nghệ thuật có thể kéo dài hay làm dừng lại một giây phút, để người ta cảm thấy mọi liên hệ của thực tại xảy ra trong một khoảnh khắc, nghệ thuật cũng có thể dồn nén trăm năm, nghìn năm vào một giờ để cho thấy các vận động chậm chạp mà đời người không cảm thấy được. Nghệ thuật có thể đưa ta vào chuỗi các sự biến dồn dập, để ta thấy cái nhịp bão táp của cuộc đời nó lại có thể làm thời gian đồng hiện, cho ta thấy một lúc cái hôm qua và ngày mai trong ngày hôm nayĐó là những hình thức nghệ thuật quan trọng để thể hiện đời sống”[47,68]. Tuy nhiên, không phải mọi thứ liên quan đến thời gian trong tác phẩm văn học đều là thời gian nghệ thuật. Nằm sâu trong tác phẩm văn chương, thời gian chỉ chuyển hoá thành thời gian nghệ thuật khi nó xuất hiện cùng với các yếu tố khác như cốt truyện, kết cấu… thể hiện quan niệm của nhà văn về con người và cuộc đời. Chính vì thế, nhà nghiên cứu văn học Nga, D.X.Likhachốp cho rằng:“Thời gian nghệ thuật là nhân tố trong mạng lưới nghệ thuật. Nó buộc thời gian cú pháp và quan niệm triết học về thế giới phải phục vụ cho những nhiệm vụ nghệ thuật của nó”, là “một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để thể hiện nội dung của nghệ thuật”(A.Gurêvích).

GS.Trần Đình Sử trong cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu cũng khẳng định:“Thời gian nghệ thuật trong văn học không phải đơn giản là quan điểm của tác giả về thời gian mà là một hình tượng thời gian sinh động, gợi cảm, là sự cảm thụ, ý thức về thời gian đựoc dùng làm hình thức nghệ thuật để phản ánh hiện thực, tổ chức tác phẩm”[48,90].

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài thời kỳ trước cách mạng tháng tám (Trang 91 - 92)