Thế giới nhân vật người dân quê

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài thời kỳ trước cách mạng tháng tám (Trang 27 - 35)

Đề tài nông thôn đã trở thành chất liệu quý, khơi nguồn cảm hứng tìm tòi và sáng tạo cho rất nhiều nhà văn của trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945. Khi viết về đề này, mỗi tác giả có cách tiếp cận và khai thác riêng. Trước Tô Hoài, với đề tài nông thôn và hình tượng người dân quê đã xuất hiện những tên tuổi lớn như: Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan…Tuy xuất hiện muộn hơn nhưng Tô Hoài cũng có những đóng góp quan trọng vào dòng chảy chung này của khuynh hướng hiện thực phê phán.

Không đi sâu vào những xung đột xã hội với những mâu thuẫn gay gắt không thể dung hòa, không viết với giọng điệu lên gân, không dùng ngôn từ sắc nhọn, gai góc, Tô Hoài thủng thẳng, nhẹ nhàng tâm tình với những mẩu chuyện rất đỗi bình dị của cuộc sống “vụn vặt” đời thường cùng những con người cũng thật bình thường. Dưới ngòi bút của ông, hình ảnh người dân quê hiện lên chân thực và sinh động như trong chính cuộc đời thực.

* Những con người cần cù với niềm vui và ước vọng bình dị

Không quen viết những điều đao to búa lớn, Tô Hoài ưa phản ánh những điều mắt thấy tai nghe của cuộc đời diễn ra trước mắt. Bởi vậy, khi đặt bút viết văn, Tô Hoài không chỉ viết về thực trạng chung của người nông dân trước Cách mạng mà ông còn chú ý tới cả những phẩm chất đáng quý, những niềm vui bình dị và những ước mơ hạnh phúc của những con người bé nhỏ này. Vì thế, bức tranh làng quê của ông đa sắc màu như chính bản thân cuộc đời, đúng như lời nhận định của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan:“không phải chỉ rặt những màu đen tối mà còn có những màu tươi tắn, nên thơ”[19,63].

Đất nước Việt Nam vốn là đất nước của những con người cần cù, chịu khó hay lam hay làm. Con người trong sáng tác Tô Hoài cũng vậy, họ cũng tận tụy, siêng năng, chăm chỉ với công việc của mình. Họ là chính là những người góp phần làm nên vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn của con người Việt Nam trong từng thời kì lịch sử. Là cây bút “tả chân” nhưng cũng không kém phần lãng mạn, những trang văn Tô Hoài miêu tả người dân quê bao giờ cũng là những trang văn sinh động và giàu chất thơ. Đến với Quê người người đọc không thể không ấn tượng với hình ảnh những anh thợ cửi, chị thợ tơ thoăn thoắt dệt lụa. Đó là những con người yêu nghề, chịu thương chịu khó quanh năm suốt tháng:“Cô Ngây rất chăm chỉ. Thợ cửi nhà cô dệt đoạn được một cuốn thì nghỉ, cô lại khêu đèn, dệt nối thêm cuốn nữa. Đêm nào cũng thế, suốt cả tháng và suốt cả năm. Chỉ những đêm phiên là những buổi ngày cô phải đem lĩnh vào chợ bán. Đi chợ cả ngày, đêm đến cô không dám dệt cửi khuya, sợ hôm sau sinh ra mệt mỏi. Tuy những đêm ấy không mó vào chiếc thoi, song cô cũng ngồi quay tơ đến tận chín mười giờ mới đi ngủ. Cô tiếc công, tiếc việc. Con nhà làm ăn, ngồi chơi không một mảy cũng đã xót xa thì giờ”[8,9]. Thời

con gái, Ngây vốn có tiếng chăm chỉ nhất làng, đến khi lập gia đình cái bản tính siêng năng ấy càng được phát huy cao hơn để chăm lo vun vén cho gia đình nhỏ của mình. Ngày nào cũng đều đặn, ăn cơm xong là hai vợ chồng Ngây – Hời bắt tay ngay vào công việc như sợ chậm một phút là mất đi bao nhiêu cây lụa:“Hời bước ra khung cửi trong khi Ngây xách đèn vào, treo lên móc, gỡ nhịp những sợi tơ dọc. Gỡ xong, nàng lấy những tờ nhật trình lớn bọc kín cả mặt cửi và mặt hàng lại…”[8,112]. Hai vợ chồng mỗi người một việc làm cho đến khuya, khi nào mệt quá mới đi ngủ. Điều đó đủ thấy họ yêu và tận tụy thế nào trong công việc.

Không chỉ có người trẻ mới hăng say lao động mà ngay cả những người già có tuổi như bà lão Móm (Chớp bể mưa nguồn), Ông Nhiêu, ông Ba Cấn (Quê

người) cũng là những con người cần cù, chịu khó, tham công tiếc việc. Bà lão Móm

ngoài việc đồng áng còn nhận khâu vá thuê để kiếm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống. Ông Nhiêu, ông Ba Cấn dù cao tuổi nhưng còn sức khỏe, lại không muốn ỷ lại vào con cái, hai ông rủ nhau đi kéo xe đất thuê kiếm mấy đồng quà bánh. Viết về người nông dân, Tô Hoài luôn có ý thức đi sâu khai thác những ước mơ, khát vọng bình dị của họ là muốn vun trồng cho cuộc sống thêm tươi đẹp bằng sự nỗ lực hết mình trong công việc. Cái ước mơ có phần bình dị nhưng nó phần nào thể hiện được tính cách mộc mạc, chân chất của họ. Đọc truyện ngắn Anh gà gáy, chúng ta không khỏi ái ngại cho cảnh gà trống nuôi con của anh. Gia cảnh nghèo, nuôi nổi thân anh đã khó, đằng này còn có thêm đứa con. Thật khốn đốn trăm bề. Hai cha con anh sống trong một căn lều nát. Nhưng với chí tiến thủ, anh nghĩ:“Nhà anh dù chỉ là một cái lều ở đầu làng, nhưng anh muốn nó cũng phải là một cái lều đứng đắn. Anh muốn có một cái sân gạch ở trước cửa. Anh lại muốn ở trong cái sân ấy, có một cái bể đựng nước”[20,91]. Nói là làm, anh thực hiện ước mơ của mình bằng cách:“Mỗi sớm, sang quẩy nước bên xóm Giếng, con đường phải đi qua mấy lớp lò gạch. Cứ mỗi buổi sớm, lúc về ăn cơm, anh mang về được một hòn gạch trong tay, anh đem hòn gạch ấy cất vào gậm phản”[20,91]. Nhờ sự cần mẫn và lòng quyết tâm cao, sau hai năm “gậm phản nhà anh đã bề bộn, đầy tú ụ những gạch. Anh đi vôi và anh lên tận bãi Phú Gia lấy về mấy gánh cát nặng. Thế là anh có được một cái sân gạch nền nã, một cái bể nước vuông vắn”[20,91]. Anh mãn

nguyện lắm vì mỗi buổi chiều nhìn thấy thằng Ri con anh lon ton chạy ra thành bể, kiễng chân lên múc nước, trông cũng hay hay mắt. Chỉ với cái sân gạch và cái bể nước con con mà khiến cho anh nông dân nghèo nở nụ cười hạnh phúc điều đó chứng tỏ tâm hồn của họ vô cùng giản dị và quá đỗi đời thường.

Trong nhiều truyện vừa, truyện ngắn của mình, Tô Hoài chú ý đến những thanh niên nông thôn. Họ là những người lao động chân chất, mộc mạc, đến yêu cũng ngây ngô, rụt rè. Trai gái vui khi nghĩ đến lúc gặp người yêu ở chốn hẹn hò. Mà với những người dân sống ở nông thôn thì việc hẹn hò riêng tư là cả một sự kiện trọng đại gây xôn xao làng xóm. Vì vậy, những đôi có tình ý với nhau chỉ có thể kín đáo gặp nhau ở nơi lễ hội. Mỗi khi làng nào có đám hội, trai gái lại nô nức rủ nhau đi xem. Chuyện tín ngưỡng thực chất chỉ là cái cớ để trai gái trong làng có dịp tình tự, tìm hiểu nhau. Mãi mấy hôm nữa mới có đám hội lễ mà Hời đã hỏi Ngây trước:

“- Này… - Gì?

- Này mấy hôm nữa đi xem nhé? - Xem gì hả?

- Xem cúng mát ở Cha Thượng. Có cả hát chèo. Ngây nói chủng chẳng:

- Để liệu, tối phải dệt cửi mà.

- Cầu mát những ba đêm cơ. Đi xem vào tối hăm mốt. Tối ấy là tối ngày phiên chắc là đi được đấy.

- Đi thì được nhưng ai biết, ngượng chết.

- Ngượng chó gì. Có đi với tôi đâu mà sợ. Rủ cái Bướm, cái Lụa hay cái Mơ đi một thể cho vui. Lúc về, tôi đưa về tận ngõ”[8,14]. Những câu nói không chủ ngữ kèm theo cái giọng điệu ngúng nguẩy, người đọc dễ dàng nhận ra tâm trạng thèn thẹn của đôi trai gái “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Thế rồi đến ngày hăm mốt, “từ buổi chiều, về qua làng Thượng, nghe trống đánh thòm thòm trong sân đình, Ngây đã thấy lòng hớn hở khấp khởi mừng. Không biết nàng mừng gì? Được gặp người yêu hay được đi xem hát chèo? Nàng chẳng rõ”[8,21].

Cuộc sống dù còn khó khăn vất vả, nhưng những con người trong tác phẩm của Tô Hoài vẫn hướng về cái đẹp bởi tâm hồn họ bình dị nhưng cũng thật lãng mạn. Họ không chỉ vật lộn với cuộc sống gian nan mà bên cạnh đó họ còn tạo cho mình một thế giới riêng đầy ấn tượng. Hoa ngọc lan, thứ hoa nhỏ nhắn, trắng trong và có hương thơm dịu dàng được các cô gái làng lựa chọn để trang điểm, “hái hoa lan cài trên mái tóc”[20,226]. Người đưa thư lấy hoa lan bởi yêu cái sự thanh khiết và trong sáng của nó. Hành động của bác trạm Tráng “bắc cái ghế đẩu ra sân, hái mấy chiếc hoa lan để giắt vào trong vành nón dứa đã rách lướp tướp”[17,48] rõ ràng cho thấy tâm hồn của họ thật mộng mơ lãng mạn, đáng trân trọng biết bao. Cái khổ có thể làm cho hình dáng tiều tụy nhưng không thể làm cho tâm hồn chai sạn, đông cứng. Được cài hoa lan là niềm vui, hạnh phúc. Đối với họ chỉ thế là đủ.

Làng quê với nếp sống quen thuộc có phần tẻ nhạt hàng ngày có khi lại xôn xao bàn tán trước những chuyện lạ. Một người đi làm ăn ở Sài Gòn về, một mối tình bị vỡ lở, và thậm chí là một bức vẽ truyền thần...Đó là những cái hết sức bình dị nhưng lại tạo niềm vui cho người dân quê. Bức vẽ truyền thần là câu chuyện kể về gia đình ông Nhang Chỉnh, gia đình ông thuộc loại khá trong làng. Con ông làm ra của, ông trang trí trong nhà và bầy biện lịch sự, ông lấy làm hãnh diện khi được khoe của với mọi người. Chính bởi sự sang trọng hơn người đó nên ông đã lên tỉnh chụp một bức chân dung và đem truyền thần. Bức chân dung đã đem lại cho ông niềm vui, mang lại không khí xôn xao cho cả làng:“Người trong khắp xóm và khắp cả làng kéo đến xem cái ảnh truyền thần của ông Nhang Chỉnh. Ai cũng khen:Tài thực. Giống ông Nhang Chỉnh như đúc”[20,123]. Khó có thể hình dung được nỗi vui mừng của ông Nhang Chỉnh như thế nào, chỉ biết ông vui lắm:“Ông đi khệnh khoạng, với điệu vung vinh ghê. Mặt ông vểnh lên. Hai cánh ria mũi mác đen cũng vểnh ra. Hai cái ria, nom thú vị lạ. Nó tựa như là ai viết một chữ bát vào giữa mặt ông Nhang Chỉnh. Cái chữ bát hơi móc máy,động đậy. Ấy là lúc ông đương hể hả lắm. Ông đương sửa soạn một nụ cười tủm”[20,122].

Người nhà quê ít có điều kiện đi xa để được mở rộng tầm mắt, có khi cả đời họ chỉ biết sống sau lũy tre làng nên chỉ cần một sự đổi thay nho nhỏ cũng đủ làm họ vui, họ cười. Bởi thế, theo bước chân của ông Nhang Chỉnh hành hương ra tỉnh

rồi trở về với một bức truyền thần ta bắt gặp một làn gió thơm ngát, rạo rực. Cái cảm giác nặng nề của sự đói khổ dường như tan biến, thay vào đó là một sức sống mới, sức sống của những con người dám vượt lên chính mình. Thế mới biết họ cũng mơ mộng làm sao, lãng mạn làm sao. Quả thật họ rất yêu cái đẹp.

Tô Hoài không chỉ viết về niềm vui dưới mỗi mái nhà, niềm vui của lứa tuổi thanh niên mà ông còn quan tâm đến niềm vui của trẻ con và người già. Ông quan niệm, lứa tuổi nào cũng có niềm vui riêng. Với trẻ con thì niềm vui thật đơn giản. Chúng vui vì sắp được ra thành phố chơi, được ngắm ánh điện sáng của Kẻ Chợ (nhân vật Lấm trong Giữa thành phố), vui vì sắp được ăn cỗ, vì“khắp nhà mấy hôm nay ồn lên, ken ních những người. Lại đốt pháo, mổ bò”(Phúc trong Vợ chồng trẻ con). Ông bà cũng có niềm vui. Bà Vạng mẹ của đôi trẻ Ngây – Hời vui mừng khôn xiết khi thằng Kê ra đời. Bởi thế, ngay cả khi ốm liệt giường mà ngày nào bà cũng bắt con mang thằng Kê đến, cố vuốt ve cháu bằng chút sức lực yếu ớt:“Bà cố nghiêng mình, khẽ nhích lê cái tay ra, sờ lên mặt, lên đầu, lên bụng thằng bé rồi bà khóc”[8,196].

Phải có một tình yêu tha thiết đến máu thịt với những con người nơi thôn quê thì Tô Hoài mới có thể phản ánh chân thực và sâu sắc tâm tư, tình cảm của họ. Dường như ông luôn tìm mọi cách để đi sâu, hiểu sâu và lột tả mọi ước muốn, khát vọng của những con người đời thường đáng thương những cũng rất đáng yêu, đáng trân trọng ấy.

* Những con người nhân hậu, nghĩa tình

Không chỉ là những con người chịu thương, chịu khó trong công việc, bình dị trong cuộc sống, con người trong tác phẩm của Tô Hoài còn rất giàu lòng nhân ái. Trong mọi cảnh ngộ cuộc đời, họ luôn biết cảm thông và sẻ chia cho nhau những lúc khốn khó, bần cùng theo lời dạy của cha ông:“Lá lành đùm lá rách”,“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Đạo nghĩa “thương người như thể thương thân” được những người dân quê khắc cốt ghi tâm.

Trong tiểu thuyết Quê người, nhiều bạn đọc ngậm ngùi khi chứng kiến cảnh gia đình Thoại – Bướm bị anh trai đuổi ra khỏi nhà, phải đi xin ở nhờ đất làng với một túp lều xập xệ. Ra đi với hai bàn tay trắng, cuộc sống của họ rơi vào cảnh quẫn

bách, tù túng. Thương tâm nhất là lúc thằng bé con bị đau mắt mà bố mẹ nó không có nổi một xu để mua lá thuốc. Bướm đau như đứt từng khúc ruột khi thấy hai con mắt sưng vù của đứa con tội nghiệp. Chị loay hoay tính toán. Cực chẳng đã, chị đánh liều ôm con đến nhờ người bạn thủa còn son. Dù gia cảnh nhà Ngây cũng chẳng khấm khá hơn, món nợ nhà Lý Chi còn đó, nguy cơ mất đất ngay trước mắt. Vậy mà nhìn đứa bé vô tội đang bị cơn đau hành hạ, Ngây không chút ngần ngại, đắn đo, chị “lần tay vào trong túi: em chỉ còn có bốn xu. Bốn xu cũng mua được hai lá thuốc đấy. Chị cầm tạm vậy. Bướm ngửa tay ra đón lấy bốn đồng xu của bạn, bốn đồng xu để lâu trong túi áo, hấp hổi nóng hầm hập”[8,225]. Cầm bốn đồng xu của người bạn nghèo, Bướm xúc động rưng rưng nước mắt như biết ơn và trân trọng một tấm lòng. Có lẽ chỉ những người cùng cảnh ngộ mới thực sự thấm thía giá trị của nó.

Cùng trong cảnh nghèo, người ta dễ bề hiểu và cảm thông cho nhau. Khi nghe tin:“Vợ chồng Bướm Thoại đi mất rồi”[8,245] sau cái đêm Thoại bị đánh vì tội trộm chó, Hời sốt sắng chạy một mạch ngay ra tận nhà Thoại ngoài đồng. Chỉ thấy còn cái xác lều không, trong lòng anh nghẹn đắng, xót xa thương cho người bạn thủa nối khố:“Khốn khổ, hẳn anh ấy ngượng, lúc đi cũng không dám vào đây. Mà tết nhất này kéo nhau đi đâu mới được chứ!”[8,245]. Còn Ngây, chị “cắn chặt vành môi lại, nước mắt vòng quanh”[8,245] nghẹn ứ cổ họng. Bà Vạng cũng “im lặng thở dài”[8,246]. Cái thở dài chất chứa nỗi âu lo…

Chung cảnh ngộ, người ta sống với nhau đầy tình nghĩa, chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc đời nhiều thăng trầm, dâu bể. Ngày cưới, mọi người đến giúp đỡ nhau rất tình cảm như anh em một nhà. Tiếng cười, tiếng nói ồn ã, trong nhà, ngoài sân nhộn nhịp, ai cũng vui vẻ. Họ chúc mừng cô dâu, phụ giúp chú rể. Đám cưới được tổ chức thật linh đình, đầm ấm:“Mới bảnh mắt đã rộn lên những tiếng lợn bị chọc tiết, kêu eng éc ở dưới bờ ao”[8,75]. Theo đúng lễ nghi thủ tục “ai nấy đều ăn vận tề chỉnh. Trẻ con cũng được chít khăn…các cụ, các ông ngồi lên phản trên”[20,317]. Trẻ có niềm vui của trẻ, già có niềm vui của già. Thế là thật tự nhiên cái không khí vui vẻ ấy cứ rộn lên, lôi kéo lòng người, làm đắm say lòng người nhất là các chàng trai cô gái. Lúc này họ như quên đi tất cả, chỉ còn chung

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài thời kỳ trước cách mạng tháng tám (Trang 27 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)