Khắc họa nhân vật qua nghệ thuật kể chuyện

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài thời kỳ trước cách mạng tháng tám (Trang 49 - 57)

Trong sáng tác của Tô Hoài, nhân vật người kể chuyện thường xuất hiện ở ngôi thứ ba trong văn chương truyền thống. Ban đầu người kể chuyện thường tỏ thái độ khách quan của người đứng ngoài cuộc với những câu mào đầu như:“Khốn nạn, câu chuyện rắc rối chỉ chớm như thế này”[15,149] hoặc:“Câu chuyện xoay nghiêng ra thế này”[15,170]...Trong một cái nhìn tỉnh táo của người đứng ngoài biết hết mọi chuyện, người kể chuyện thường bộc lộ những cảm nhận chủ quan, những nhận xét cảm tính về nhân vật của mình. Thuyết minh về nhân vật của mình là cách mà Tô Hoài thường làm. Chẳng hạn, nhận xét về lão Lý Chi trong Quê

người, nhà văn viết:“Lão Lý Chi vốn là người hiền lành và cổ quái. Cái đức sợ vợ

và cái đức ở bẩn của lão ngang nhau. Lão sợ vợ là vì thói quen, là vì cái tước “Lý” của lão do vợ mua. Thường vợ lão vẫn túm râu lão, nhốt vào buồng cầm phất trần đánh chơi luôn luôn. Cả nhà ai cũng biết. Bởi sự đã nhàm, nên khi nghe ông Lý Chi ở trong buồng tối kêu ấm ứ và khóc hu hu, cũng chẳng ai ngạc nhiên mấy. Ông khóc rồi lại nín, ông có làm sao và có hề gì ai đâu! Cho nên ông bị một tên nữa là Lý Quặp”[8,210]. Sợ vợ đến thế thì gọi là quặp cũng đúng. Còn “cái đức ở bẩn của ” thì thế nào:“Lão thường kể từ ngày vua Khải Định ra Hà Nội chơi đến giờ, lão chỉ mới tắm có vài bận. Không hiểu vì lẽ gì mà cứ mỗi lần tắm, lão lại ốm một trận tưởng chết. Hơn mười năm nay thì lão chừa hẳn tắm. Những ngày mùa hè có nắng to, lão chỉ dấp cái khăn mặt ướt để lau mình. Có một điều kỳ là trông người lão cũng trăng trắng, chứ không vân ám lên những đất. Nhưng một đôi khi, ngồi nói chuyện với người ta, buồn tay lão gãi gãi vào người, thường xoe được những viên đất to bằng hạt ngô nếp. Lão có cái móng tay, gẩy tách đi một cái. Còn lão có hôi nách không thì ít ai rõ”[8,210].Với vai trò là người kể chyện ở ngôi thứ ba, nhà văn đã dựng lên chân dung một lão Lý Chi vừa ở bẩn, vừa sợ vợ với một cái nhìn khách quan nhưng cũng không kém phần hài hước, dí dỏm.

Chuyện vợ chồng nhà Thủ Dân cũng được Tô Hoài “thuyết minh” rất kỹ.

“Bà Thủ Dân không hẳn là một người lành và hiền. Bà cũng lắm điều nhưng vào hạng vừa thôi. Tuy chẳng hay cãi nhau với ai, song bà có tính hay cãi nhau một mình. Dù bà bị ông ấy mắng hoặc chửi bà cũng chẳng hé răng ra nói một lời. Nhưng chỉ một lát sau, hễ ông Thủ có đi đâu vắng, bà ngồi ở nhà một mình liền kể

lể, chửi bới râm ran cả lên. Bà cứ hoa chân hoa tay lên nhiếc móc dữ dội như chính có một người đáng ghét đang ngồi trước mặt bà”[8,178]. Bà Thủ Dân thật đúng là một người đàn bà nhà quê. Bà lắm điều nhưng cũng như bao người đàn bà khác thời bấy giờ, bà sống nhẫn nhục, không cãi chồng bao giờ. Còn ông Thủ Dân là một người “nóng tính như lửa”. Chẳng thế mà khi Lụa bỏ nhà chồng về, ông đã vác cả dao để điệu con trở về nhà thông gia. Cách kể chuyện của nhà văn cứ nhẹ nhàng, cứ đủng đỉnh mà gây được sức hấp dẫn cho người đọc.

Ở truyện Ngôi nhà có ma, Tô Hoài lại tự đặt mình vào vị trí một nhân vật trong truyện, được trực tiếp chứng kiến sự việc và ở vị trí đó, ông đưa ra nhận xét về những người chủ của ngôi nhà:“Ông chủ, bà chủ đều là những người ít nói (đó là một điều hay). Vả lại họ đi làm cả ngày, nhiều hôm đến chặp tối mới về. Bà chủ chịu quen cái tính im lặng ấy, nên dù có tôi mà bà ta cũng chẳng vui lên được tý nào. Luôn luôn vẻ mặt thiểu não, như người sắp khóc”[11,218]. Đọc lên ta đã thấy vợ chồng nhà này có điều gì khác lạ và chắc chắn trong gia đình họ phải có điều gì đó uẩn khúc. Hầu như ở tác phẩm nào Tô Hoài cũng có phần thuyết minh về nhân vật như vậy. Có thể ông quá “chu đáo” với nhân vật của mình điều đó đã tạo lên cái riêng của Tô Hoài trong quá trình xây dựng nhân vật.

Cặp mắt sắc sảo cùng với óc suy tưởng phán đoán tinh tường đã giúp Tô Hoài đưa ra những nhận xét xác đáng về nhân vật. Hơn thế nữa, nó còn tạo cho ông khả năng có thể“đi guốc vào bụng” nhân vật của mình, phát hiện ra những suy nghĩ ở tận sâu trong đáy lòng mỗi người. Trong Quê người, Tô Hoài đã nắm bắt và phản ánh rất tinh tế những suy nghĩ sâu xa của Bướm khi cô quyết định chọn Thoại làm chồng. Bướm chọn Thoại “bởi vì Thoại bảnh bao bằng vạn các anh trai làng. Thoại lại ở đất có nghề làm lĩnh nhàn nhã; được một anh rể như Thoại, cũng đã sang”[8,69]. Tâm lý của các cô gái đi lấy chồng thường rất sợ cảnh mẹ chồng nàng dâu. Bướm cũng đã tính đến sự này:“Thầy u Thoại mất từ lâu. Thoại có đông anh em nhưng anh em ai phận nấy...Nếu Bướm lấy Thoại sẽ tránh được cái cảnh mẹ chồng nàng dâu. Nàng ở riêng với chồng, vợ chồng làm ăn cố kỉnh thì chẳng mấy lúc mà khá”[8,69]. Nhà văn đã đi vào tận các ngõ ngách trong tâm hồn nhân vật để phản ánh chiều sâu tâm lý của họ. Ở nhà quê người ta hay để ý mọi chuyện, đặc biệt là mối quan hệ của những cô gái làng. Việc Thoại và Bướm hẹn nhau bị trai làng

bắt được đã làm xôn xao cả làng xã. Cũng như bao cô gái khác, Bướm không muốn chuyện của mình bị đem đàm tiếu. Tô Hoài đã phản ánh được nét tâm lý đó của nhân vật: “Khi cái câu chuyện kín kia hở ra, Bướm tức tím ruột lại. Dù là chuyện thực, nhưng Bướm vẫn muốn lấp liếm đi. Đó là thói thường của các cô”[8,75]. Quả hiếm có nhà văn nào lại có thể nắm bắt tâm lý được sâu sắc như Tô Hoài. Trường hợp Lụa trong Quê người càng khẳng định thêm năng lực này của nhà văn. Lụa vốn là con dâu nhà ông Thủ Dân. Nàng ta lấy cậu bé Toản làm chồng không phải vì tình yêu“cũng chẳng phải cha mẹ nào ép uổng” mà vì một lý do rất đơn giản:“con gái dậy thì háo hức lấy chồng như háo hức đi xem hội. Có người hỏi, thì nàng lấy”[8,170]. Khổ một điều là trước đây cô ta và anh chàng Thìn đã phải lòng nhau. Vì cái háo hức của Lụa mà “mối tình suông kia liền tan mất”. “Nhưng bây giờ cái háo hức ban đầu bay rồi. Bởi vì chồng nàng là một thằng trẻ oắt. Những đứa xấu miệng dê diếu, nói chuyện vụng và cười thầm. Song sự thật, bên trong, nàng đã chán ngắt cái tên chồng vô lý ấy. Chồng gì mà bé bằng cái kẹo”[8,171]. Hơn nữa,“Lụa trông thấy Thìn, Thìn là một anh chàng hơ hớ hai mươi tuổi, thực khỏe mạnh, vạm vỡ. Thế là Lụa thấy mình tệ với người ta quá”[8,172]. Cô nàng liền bỏ Toản đi theo Thìn. Tô Hoài đã “lật áo” để người đọc hiểu rõ nhân vật của mình. Và như một người đứng ngoài, ông tóm lại sự việc bằng một câu rất đơn giản:“Vậy cũng chẳng ngạc nhiên khi có sự chắp nối trở lại của cặp tình nhân đó”[8,172]. Nhiều cô gái làng thường nông nổi hời hợt như vậy đấy. Họ yêu một người rồi lại lấy một người, để cho bao anh trai làng phải ôm mộng và phẫn chí. Có người lấy người khác vì cái háo hức như cô Lụa, có người lại vì sự giàu sang, sung sướng cho bản thân mình. Pha yêu Tại, đã từng thề non hẹn biển cùng Tại là sẽ lấy nhau. Hai bên gia đình đã định ngày cưới cho đôi trẻ. Thế rồi đùng một cái, bố mẹ Pha lật lưỡi gả Pha cho một gia đình khá giả hơn ở bên Phú Gia:“Không ai nói gì với Pha. Cha mẹ xếp đặt nơi ăn chốn ở cho con gái. Song đến khi Pha biết thì Pha cũng ừ. Thế mới chết người”[15,208]. Tô Hoài vẫn đặt mình đứng ngoài, ông tỏ ra rất khách quan khi lý giải việc làm này của Pha:“Ai mà chả biết được những ý nghĩ tráo trở của người con gái mắt trắng kia. Có lẽ cô ta cũng chẳng nghĩ ngợi gì đâu. Nghĩ quái gì cho phiền phức. Muốn nơi no ấm, chẳng muốn nơi bần hàn. Cô ta nghĩ phần lợi cho mình”[15,208].

Tô Hoài theo dõi số phận từng nhân vật, quan sát hành vi ứng xử của mỗi người. Bằng giọng điệu, ông bộc lộ thái độ của mình. Phê phán thói học đòi làm sang của một vài người có chút ít của nả ở làng quê, Tô Hoài không giấu giếm thái độ mỉa mai đối với nhân vật. Ta hãy xem cách Tô Hoài miêu tả lại bức chân dung ông nhanh Chỉnh trong bức vẽ truyền thần:“Ông Nhang Chỉnh chít khăn len đen nhánh. Cái mặt ông, thực hệt là...cái mặt ông. Đủ hai tai, hai mắt, mắt có lông mày cẩn thận. Trên mồn chỉnh chện hai cái mác ria đen nhọn hoắt. Sao mà khéo thế, tài thế. Ông mặc áo gấm (ô hay, ông Nhang có áo gấm bao giờ), gấm hoa tròn như cái bát cẩn thận, ông ngồi trên một bộ ghế rất sang. Cánh tay ông khuỳnh ra, tựa vào mép cái bàn, một tay ông cầm chiếc quạt. Rõ trông một người đứng bậc phong lưu”[20,91]. Rồi cách nhà văn kết thúc câu chuyện trong Ông giăng không biết nói:“Ngày mười hai tháng sáu, người con gái nọ về nhà chồng. Gã trai trẻ kia chết đuối dưới giếng vào giữa đêm hát chèo ngoài cửa đình. Hai việc ấy không bận gì tới nhau. Nhưng nếu ai chịu để ý tất thấy cô gái nọ, mỗi khi ở nhà chồng về nhà mình, lại đi vòng cánh đồng vào trong xóm chớ không đi qua đường bờ giếng như mọi người khác. Song nào ai biết đâu mà để ý. Đêm ấy chỉ có mỗi một ông trăng ngồi trên trời là nhìn được tỏ tường từ đầu đến cuối. Song ả nọ đừng lo. Ông trăng thì ông ấy không biết nói”[15,265]. Đúng là giọng điệu mỉa mai hài hước. Qua giọng điệu, nhà văn đã tỏ thái độ cảm thông với những anh trai làng hiền lành, chất phác, thật thà, đáng thương. Vì nghèo khổ mà họ không có được cái hạnh phúc như họ mong muốn. Và mỉa mai những người con gái tham vàng bỏ ngãi, tham phú phụ bần đã gián tiêp gây nên cái chết thương tâm của chàng trai nọ.

Tô Hoài có nhiều cách khác nhau để thể hiện thái độ của mình, có khi ông sử dụng những câu tưởng như bâng quơ nhưng lại có tác dụng bộc lộ rất sâu sắc. Chẳng hạn như trong truyện Bóng đè, ở vị trí người kể chuyện nhà văn đã giễu cợt một người đàn bà ngoại tình:“Nhưng dạo này, ở phố ấy, ai đi chơi khuya về cũng thấy phòng mợ phán hé của sổ. Đèn điện đã tắt nhưng có ánh một ngọn đèn hoa kỳ tù mù. Một bóng người chừng như bóng mợ Phán thì phải, ngồi yên lặng trông ra đường. Nếu anh hay tôi có tò mò núp mình vào cái tường hoa gần đấy, chúng ta chốc chốc lại được nghe tiếng thở dài não ruột đến đá cũng phải chảy mồ hôi.

- Mợ Phán buồn gì thế? Mợ khỏi bóng đè rồi kia mà!...[15,216]”.

Cũng có khi người kể chuyện mượn một lý do khác tưởng như rất dễ thuyết phục để lý giải cho việc làm không phải của nhân vật nhưng thật ra lý do đó chỉ càng làm lộ rõ cái sai của họ. Nhờ đó mà thái độ của nhà văn được thể hiện rõ hơn. Chẳng hạn, trong truyện Một người đi xa về, để chê trách sự lật lọng của bố mẹ cô Pha, Tô Hoài đưa ra lý do:“Cha mẹ mong cho con cái được sung sướng chứ đâu mong cho con cái phải khổ sở. Lấy cái thằng Tại thì bao giờ mới mở mặt được bằng ai”[15,207]. Nghe thì có vẻ rất hợp lý bởi vì cha mẹ nào mà chẳng thương con. Nhưng vì thương con mà phải lật lọng như bố mẹ Pha, việc đó có nên chăng?

Đối với nhân vật là loài vật thì không chỉ có thái độ, tình cảm, sự nhận thức, đánh giá của người kể chuyện đối với các con vật – vật nuôi cũng như những con vật khác, những con vật bé nhỏ, những con vật hiện hữu quẩn quanh trong cuộc sống hàng ngày của con người, Tô Hoài còn một số phương diện khác thể hiện sự độc đáo, tính riêng biệt của điểm nhìn này trong thế giới nghệ thuật của ông, mà người nghiên cứu thấy cần phải làm rõ. Đó là cự ly, khoảng cách, sự gần gũi, quan hệ thân sơ của người kể chuyện đối với thế giới loài vật – nhất là việc sử dụng đại từ nhân xưng của người kể chuyện đã bộc lộ ra ở điểm nhìn này.

Vì tác giả miêu tả, thể hiện những sinh linh bé nhỏ với sự sống mỏng manh, nên người kể chuyện phải đến gần, đến sát đối tượng để quan sát, soi ngắm, theo dõi để nhận ra cuộc sống bản thể của chúng. Bởi vậy, giới phê bình đã khen ngợi tài quan sát, sự tinh tế trong miêu tả của nhà văn. Nhưng có một điều mà giới phê bình lãng đi, không để ý tới trong việc thể hiện thế giới loài vật của Tô Hoài, đó là việc thay đổi liên tục các đại từ nhân xưng:“Những sớm tinh sương, anh Đực hay ra ngóng ở ngoài cổng tán. Đã biết cái khóe chơi của một gã trai tơ rồi đấy. Cậu đứng đợi người yêu”[20,67]. Chỉ có ba câu văn theo cách chấm câu của Tô Hoài, thế mà con Đực đã được thay thế bằng ba đại từ nhân xưng khác nhau:“anh, gã, cậu”. Tô Hoài đã gắn cách xưng hô của con người cho loài vật, thổi vào nó những đặc tính giống con người và mỗi cách gọi thể hiện một thái độ riêng của nhà văn. “anh, cậu” là cách gọi thân mật, trìu mến, “” tỏ thái độ bỡn cợt, trêu đùa.

Còn đây là con gà trống ri trong truyện Tuổi trẻ:Rồi không ai biết rõ là bữa nào, con gà trống ra đi. Có lẽ hắn đi theo tiếng gọi của ái tình? Chỉ có một sáng, cu Lặc mở cửa chuồng như thường lệ, thấy vắng anh gà ri, tìm cũng không có.

U tôi chép miệng:

- Mất con gà ranh con rồi!

Tưởng là mất hút. Nhưng một hôm chúng tôi ra ngoài đầu xóm chơi, lại bắt gặp anh gà trống ri. Trông anh tang thương phờ phạc quá. Thực là gầy guộc phong trần cả đến lông đến cánh. Khi đó, chú gà đang mải mê theo một chị gà mái. Đó là một chị gà mái ri. Chả trách được, bấy lâu nay vắng mặt chàng cũng là có lí và có nhẽ lắm”[20,34]. Một đoạn văn ngắn, với một con gà nhưng nó đã được gọi bằng nhiêu đại từ:“hắn, anh, ranh con, chú, chàng”. Mỗi cách gọi cũng thể hiện một thái độ khác nhau của người kể chuyện. Cách gọi “hắn, ranh con” có phần suồng sã, thông tục, còn gọi là “anh, chú, chàng” thể hiện thái độ thân mật, trìu mến, trân trọng.

Những điều chúng tôi vừa nêu trên thể hiện quan điểm nghệ thuật, tư tưởng thẩm mỹ của Tô Hoài. Tư tưởng này sớm được hình thành ngay từ những văn phẩm đầu tiên và sẽ phát triển, lưu giữ trong suốt đời văn dài gần thế kỷ của ông. Nhà văn Vũ Ngọc Phan đã có nhận xét, đánh giá rất đúng đắn, chính xác về những trang văn viết về loài vật của Tô Hoài. Theo ông:“Đó là những tính tình riêng của mỗi loài mà tác giả đã xét nhận rất đúng và đã xét nhận theo con mắt một người từ tâm”[20,61]. Ở những đoạn văn xuất thần, quả thật Tô Hoài có được tâm Phật mặc dù nhà văn không phải tín đồ của Phật giáo, mặc dầu nhà văn không am tường giáo lý nhà Phật.

Như trên chúng tôi đã chỉ ra, Tô Hoài trân trọng mạng sống của mọi sinh linh, nhất là những sinh linh bé nhỏ có sự sống mong manh, khốn khó...bất kể chúng là

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài thời kỳ trước cách mạng tháng tám (Trang 49 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)