Sinh ra trên mảnh đất mà con người quanh năm gắn bó với nghề dệt lĩnh và dường như dệt nên cả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Trong sáng tác của mình, Tô Hoài đã cho người đọc thấy cả một làng nghề truyền thống như được sống dậy với tất cả những nét đặc trưng của đời sống sinh hoạt thôn quê. Và đây là bức tranh làng quê mà Tô Hoài dựng lên với một không khí nhộn nhịp, vui tươi, đầy sinh khí khi nghề dệt đang thời phát đạt. Đó là: phong tục tập quán đẹp, hình ảnh con người say mê trong lao động và tình yêu trong sáng của đám thanh niên thôn quê.
* Phong tục tập quán đẹp
Tô Hoài không chỉ được biết đến với biệt tài “miêu tả thiên nhiên” mà còn được nhắc nhiều với sở trường viết về phong tục. Trong sáng tác của ông, người đọc bắt gặp không ít những nét đẹp văn hoá làng quê thể hiện ở những phong tục tập quán đẹp: hội hè, đình đám, cưới xin…Sinh hoạt phong tục là một phương diện nhạy cảm nhất trong sinh hoạt xã hội. Theo Từ điển tiếng Việt thì khái niệm “phong tục” được hiểu là những “thói quen đã có từ lâu đời, đã ăn sâu vào đời sống xã hội và được mọi người công nhận và làm theo”. Sáng tác của Tô Hoài trước Cách mạng đã chứng tỏ ông là văn có nhãn quan phong tục đậm đặc. Nhà văn đưa người đọc
đến với vùng quê ngoại thành của mình để chứng kiến những tập quán sinh hoạt “đặc trưng cho thôn quê”. Chính chất phong tục ấy đã tạo nên giá trị cho ngòi bút văn xuôi Tô Hoài. Nhờ nó mà bức tranh sinh hoạt trong sáng tác của ông thêm phần thi vị và độc đáo.
Người dân xưa quan niệm:“Tháng một là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè”. Đây là một phong tục bắt nguồn từ thời cổ của làng quê Việt Nam và phần nào thể hiện bản chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Bằng nhãn quan phong tục, nhà văn miêu tả một cách tỉ mỉ, cặn kẽ không khí hội hè đình đám:“Năm ấy, làng Nghĩa Đô vào đám tháng hai…Làng mổ một con lợn, một con bò, cắt phần việc cho bốn giáp. Cửa đình mở từ sáng sớm hôm mùng mười. Bên sông Tô Lịch, một lá cờ kỳ được kéo lên đầu cột. Trong đám lá xanh đậm, màu cờ nhuộm một sắc đỏ chói lọi. Giữa sân bầy một chiếc long đình. Đôi bên cắm hai hàng cờ đuôi nheo. Phấp phơi, hỗn độn những màu xanh đỏ tím vàng vẫy nhau trong gió. Gần đấy, đặt nghiêng một chiếc trống cái. Trẻ con dạng cẳng, thả sức nện trống suốt ngày. Bên góc sân, phía gốc đa, đã dựng lên một rạp trèo. Bốn cái cọc tre, đỡ một nền sàn bằng ván gỗ vuông vắn, trên phủ một lá cót, che mưa nắng. Đêm đêm, có hát chèo. Ngày mười một, các cụ trong làng phủng sắc vào một cái long đình, gõ cuông cuông cuông, rước loanh quanh thôn này qua thôn khác. Đám rước lệ, lèo tèo có vài bô lão đi guốc, áo thụng bạch phếch, và một lũ rất nhiều trẻ con. Trẻ con trong làng đổ theo cái long đình, sau mấy bô lão, bám như đuôi”[15,224]. Mỗi khi làng vào đám thì tất cả mọi người già, trẻ, gái trai đều nô nức tham gia, tạo nên một bầu không khí náo nhiệt, phấn khởi.
Đây là những âm thanh tưng bừng của tiếng trống ngũ liên như thúc giục lòng người:“Tùng tùng tùng…Tùng tùng… Ba tiếng một, hai tiếng một. Những hồi trống ngũ liên rền rĩ vang lên nghe như nước cuồn cuộn chảy, như khói lửa nhóm lên, nghe như xô đẩy (…) những tiếng trống oai hùng thúc giục người ta đấu võ cho khỏe và làm nao nức những người đứng xem. Tiếng trống liên miên càng thúc người xô đến nhiều nữa”[15,227]; rồi âm thanh rộn rã của tiếng pháo khai hội:“Nổ xì toạch. Khói bay mịt mù phủ vào đám đông”[15,227]…làm cho không khí làng quê dần ấm lên rồi nóng lên giữa những ngày tháng Hai chưa tàn cơn đông giá.
Dựng lên bức tranh về phong tục, sinh hoạt văn hóa tinh thần, Tô Hoài thể hiện tình yêu và niềm tự hào về vẻ đẹp tâm hồn của người dân quê. Họ là những con người bình dị, chất phác nhưng biết yêu cái đẹp, biết thưởng thức những giá trị văn hóa tinh thần lành mạnh:“Ba hôm việc làng, rước xách, trong các xóm, khung cửi nào cũng nghỉ dệt. Người ta nghỉ, ngơi ăn uống và tối đến, lũ lượt ra cửa đình xem hát chèo”[15,224]. Qua thơ Nguyễn Bính, ta như được sống với những đêm hội chèo náo nức của thôn Đoài trong Mưa xuân. Và qua văn Tô Hoài, ta lại được hòa vào niềm chăm chú, vui say đến quên cả mệt mỏi của người dân trước chiếu chèo:“Người ta xem thích mê, quên cả nóng. Bên sân khấu, dưới ánh đèn đất, một ông lão cầm rùi trống thỉnh thoảng lại điểm tom tom đôi ba miếng trầu”[8,29]. Không chỉ là những khán thính giả say mê thưởng thưởng thức những đêm chèo, người dân làng Nghĩa Đô còn thực sự là những nghệ sĩ biết sáng tạo nghệ thuật. Họ mang vào cuộc sống những thanh âm huyền diệu của cung đàn và tiếng hát xua tan đi những vất vả của cuộc đời thường nhật. Đây là những âm thanh mênh mang giữa làng quê trong một đêm trăng sáng:“Tiếng đàn và tiếng hát quyện nhau, tỏa ra, vang đi trong cái thời khắc tĩnh mạc của làng xóm…Những cung hồ, cung líu trong vắt, bay lơ lửng vào ánh trăng. Những tiếng ú ngắn và rít, những tiếng say như rền rĩ, phiêu diêu, tản mát trên mảnh lá mướp, lá đề vàng rượi những trăng. Cái không khí âm nhạc đó bao trùm lên tất cả, khiến cho người nghe phải ngẩn ngơ. Giữ bàn tay với một sợi dây thép căng, ngâm lên những tiếng vang xưa của một linh hồn đất nước cổ sơ. Những tiếng tự nhiên của đất nước rất ẻo lả và não nề. Bao nhiêu là tiếng sắt, tiếng đồng chen nhau”[20,253].
Một phong tục phổ biến ở làng quê là “tục cưới xin” cũng được Tô Hoài chú ý miêu tả một cách tỉ mỉ qua đám cưới của Ngây- Hời trong tiểu thuyết
Quê người. Một đám cưới nhộn nhịp, tưng bừng với sự tham gia của đông đảo
của bà con làng xóm:“Đám cưới khởi hành. Lại vẫn cụ cầm hương đi trước.
Bây giờ thêm vào đằng sau cùng một bọn đông những quan viên nhà gái…Đám rước đi thành hàng dài. Trong xóm Giếng, ở hai bên đường, chật ních người xem (…). Cả đám cưới đẹp đẽ, nhiều màu tưng bừng đi ra cổng xóm Giếng rồi dọc theo bờ sông Lịch. Bóng người in xuống mặt nước rung rinh vỡ ra những
mảnh hoa sặc sỡ”[8,100]. Và đây là không khí của bữa cơm thân mật tại nhà trai:“Mọi người khởi sự ăn. Thực là một cuộc xô xát dữ dội. Ba gian nhà trên,
các cụ, các ông ngồi chật ních. Chái bên phải, anh em phù rể và chú rể…Đàn bà, trẻ con cả xóm kéo đến, ăn như trống đánh (...). Khắp mọi chỗ, om lên những tiếng soàn soạt, sùn sụt, cười, nói, văng tục văng rác lăng nhăng. Không khí rượu thịt sực lên…Nét mặt ai cũng hớn hở. Vì có tốt, mới được làng nước chiếu cố đến ăn đông như thế”[8,101]. Cả làng như hòa chung niềm vui với đôi vợ chồng trẻ. Họ đến để chúc mừng, để chia vui…Điều đó góp phần thể hiện tình làng, nghĩa xóm thân thiết, đầm ấm của người dân nơi thôn quê.
Bằng tâm hồn một người con thiết tha gắn bó với quê hương, Tô Hoài đã đặc biệt thành công khi dựng lên một bức tranh sinh hoạt phong tục sống động, đầy sinh khí và hết sức đa dạng của người nông dân sau lũy tre làng. Ông đã nhìn người nông dân bằng cái nhìn đầy yêu mến. Họ không chỉ là những con người tần tảo, lam lũ trong đời sống thường nhật mà còn có một tâm hồn thơ mộng, yêu chuộng cái đẹp và khao khát thưởng thức cái đẹp. Đó là nét tính cách đáng yêu, đáng quý, đáng trân trọng của những người dân quê mộc mạc, giản đơn.
Trong Dế mèn phiêu lưu ký, thông qua câu chuyện về thế giới loài vật, Tô Hoài gợi nghĩ về cuộc sống của con người và xã hội loài người. Cuộc thi võ của loài vật sao sống động và có hồn như cuộc đấu võ của con người:“Hai võ sĩ ra đài. Cụ châu chấu già lụ khụ đã bạc cả lưng, cái gân đen kẻ nổi gồ trên trán ra ngồi cầm trịch. Trũi và bọ Muỗm, sau khi mỗi anh đi một bài võ ra mắt như các tay đô vật múa lên đài rồi dừng lại, ngó nhau một giây, rồi từ từ đưa chân lên vuốt râu đàng hoàng mấy cái, rồi thình lình ập vào đấu đá liền”[20,214]. Cảnh đấu võ của những con vật này hấp dẫn người đọc như khi họ được chứng kiến màn đấu kiếm của hai võ sĩ Vị và Tộ trong Mùa ăn chơi:“Một nhà võ nhảy lên đài. Đầu húi ngắn, mặc áo nịt ngắn và quần cộc đen, tay xách chiếc kiếm bằng song. Một nhà võ nữa cũng cắp chiếc kiếm gỗ lụi sau lưng, trèo lên sân khấu…Mỗi nhà đi một bài kiếm, trước khi đấu. Đường kiếm bắn ra xung quanh vun vút. Khi lên khi xuống, ngọn kiếm lia vù vù, thấp thoáng ẩn hiện. Võ sĩ Vị đấu với võ sĩ Tộ. Bây giờ hai người đứng đối mặt nhau. Hai thanh kiếm so lại, dứ, rồi bắt đầu đánh. Tiếng song tiếng lụi đập chan
chát. Chàng này xô thì chàng kia lùi. Một người đâm, một người đỡ. Những cái gạt xoèn xoẹt biến chuyển cùng với hai cánh tay rắn chắc, thịt nổi lên như những thớ đá…”[15,230].
Như vậy là với tài quan sát tinh tế, Tô Hoài đã cảm nhận phong tục như một giá trị thẩm mỹ đặc sắc, một nét đẹp không thể thiếu trong mạch nguồn văn hóa dân tộc. Qua đó, nhà văn bộc lộ thái độ ngợi ca, đề cao phong tục tập quán trong sinh hoạt văn hóa của quê hương mình. Đồng thời, ông cũng muốn nhắn nhủ bạn đọc hôm nay biết trân trọng, giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc. Điều đó thể hiện tình yêu của nhà văn về đất nước, con người Việt Nam.
* Không khí làm ăn thời phát đạt
Xuất thân từ một làng nghề thủ công truyền thống, trước khi trở thành nhà văn, Tô Hoài đã từng là anh thợ dệt cần mẫn, chịu khó như bao thanh niên cùng thời nên ông thấu hiểu được niềm vui của những người dân thôn quê khi nghề dệt thịnh, hàng bán chạy, người làm không hết việc...Những chiếc khung cửi dập dìu, đều đều như thoi đưa và con người hăng say làm việc:“Người đàn ông ngồi trên khung cửi,
cắm cúi đưa thoi. Thoi đưa liền liền, thoăn thoắt qua mặt cửi vàng muốt. Người đàn bà ngồi duỗi chân trên phản, tựa lưng vào cột, một tay giữ mối tơ, một tay xóc đều đều chiếc lồng. Cái lồng cuốn tơ vào ống. Chiếc vầy ở dưới tháo tơ ra. Tiếng lóc cóc ròn rã và nhịp nhàng”[8,107]. Bởi bấy giờ nghề lĩnh lụa đương thịnh, nói theo tiếng nhà nghề:“Hàng họ đương chạy tay. Vào chập tối những ngày phiên chợ, thợ tơ, thợ cửi đi chơi dong nhan ngoài đường, đứng họp chuyện ở những ngã ba, ngã tư, vui vẻ đông đảo như hội. Buổi chiều, những người trong làng lũ lượt đi chợ về. Tay ai cũng xách các thức ăn. Người này một xâu cá mè. Người kia một dây những miếng thịt trâu bạc nhạc, hoặc vài ba lá mỡ lợn. Có người lại đựng bên trên nón một ôm rau muống, một gói đậu, mấy cái bánh đa, mấy cái bánh đậu phụ”[8,147]. Nghề dệt phát đạt, cuộc sống của những người thợ dệt được cải thiện. Họ bắt tay vào việc sửa sang nhà cửa:“Hàng họ khá. Làng mạc có vẻ khang trang. Những nhà kiếm ăn được, bắt đầu sửa sang nhà cửa cho được đẹp mắt. Ở đây người ta có tính hoa hoè hoa sói, thích cái gì xốc nổi bề ngoài cho có mẽ”[8,148]. Đó là bản tính “cố hữu” của những người dân quê, mà vùng quê của Tô Hoài là nơi giáp ranh với Kẻ
Chợ nên phần nào có ảnh hưởng gu “thẩm mỹ” chốn thị thành:“Trước hết, mua gạch về xây một cái cổng kiểu Tây. Cái cổng cao hơn đầu người, có hai cánh cửa gỗ. Trên hai cái cột trụ có đôi chậu bằng vôi cát, trên nặn mấy quả phật thủ, quả bưởi, cũng bằng vôi cát. Giữa cổng, trên cùng đắp nổi hình một con dơi to, xoè rộng đôi cánh. Dưới đầu con dơi viết nổi bốn chữ số ngòng ngoèo 1930”[8,148].
Khi công cuộc làm ăn thuận lợi, phát đạt tâm lý của người dân cũng trở nên phấn khởi, vui sướng. Họ sẵn sàng bỏ ba tháng đầu xuân không dệt cửi để hoà mình vào không khí vui tươi, nhộn nhịp của “mùa ăn chơi”. Tô Hoài với tâm hồn hết sức nhạy cảm và yêu tha thiết con người nơi “chôn rau cắt rốn” của mình đã lột tả hết niềm vui, niềm lạc quan, phấn chấn của người dân quê khi công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió.
* Tình yêu trong sáng của tuổi trẻ
Tô Hoài dành nhiều tình cảm yêu mến cho những thanh niên nông thôn. Họ là những người lao động chân chất, cần mẫn, biết trân trọng và đam mê cái hạnh phúc đơn sơ của mình. Nhà văn đã rất tinh tế khi nhìn ra nét hồn nhiên, có phần nghịch ngợm pha chút tinh quái nhưng cũng rất đáng yêu của những anh trai làng.
Truyện ngắn Đi tắm đêm kể về trò đùa tinh nghịch, láu lỉnh của những anh trai làng đi xem trộm các thiếu nữ “tắm đêm”. Dưới ánh trăng, các chàng trai mới lớn tha hồ chiêm ngưỡng những thân hình trắng nõn, đẹp như “bầy thiên nga giáng trần”. Ở đây, có lẽ nhà văn không đặt ra vấn đề đạo đức mang thói dung tục, ông chỉ viết về những anh trai làng hết sức hồn nhiên, trong sáng. Họ rình các thiếu nữ tắm đêm vì cái nét tính cách tinh nghịch, hóm hỉnh của tuổi trẻ. Và biết đâu cũng từ đây, có thể nhiều đôi trai gái nên duyên vợ chồng. Cái “lõi đời” của Tô Hoài là ở chỗ ấy, ông hiểu được tâm lý của lớp thanh niên đương thời, ông muốn làm chiếc cầu nối đưa họ xích lại gần nhau. Đó không chỉ là thứ tình yêu nam nữ đơn thuần mà cao hơn là tình người, tình đồng loại.
Tình yêu của trai gái nông thôn cũng mang hương vị riêng. Đó là thứ tình yêu giản dị, kín đáo nhẹ nhàng giống như bản chất con người họ mộc mạc, chân thành. Tình yêu ấy đôi khi không cần nói thành lời. Chỉ qua ánh mắt, nụ cười mà mỗi khi nhìn thấy nhau họ đã cảm thấy xao xuyến:“Xem chừng, không phải là Miến không có
cảm tình với Câu. Mỗi lần đến nhà chị gặp Câu, miệng cô chúm chím, lúng túng: “Lạy bác” đôi má cô lại ửng hồng phơn phớt. Có khi Câu còn bắt gặp khóe mắt liếc trộm của cô, lúc cô ra khỏi đầu ngõ hoặc những lúc Câu dậy học ngoài trường. trường ở xế ngay bên lối đi lên chợ. Đứng trong trường ai đi thoáng bên ngoài đều nhìn rõ Miến thường cắp giỏ đi chợ. Mỗi lần Miến đi qua, Miến nghiêng nón ghé nhìn vào trường. Nếu thấy Câu, Miến mỉm cười chẳng ra chào, chẳng ra không. Ý nhị, Câu đứng lui lên đầu lớp nhìn theo hút cho đến lúc bóng Miến đã khuất vào lùm cây nhãn bên cầu”. Và thế là “cuộc tình duyên không lời, chỉ có khóe mắt và nụ cười cứ mơ mộng kéo dài cho đến khi hia người yêu nhau thật. Bây giờ cũng không ai nhớ xem lời đầu tiên tỏ tình họ đã nói ra ở trường hợp nào”(Giăng thề). Và họ nên duyên vợ chồng cũng từ mối tình đẹp và trong sáng ngày nào.
Ở phần đầu tiểu thuyết Quê người, Tô Hoài miêu tả tình yêu trong sáng của lớp thanh niên giàu sức sống, những chủ nhân trẻ tuổi của làng quê. Họ là những người giàu khát vọng sống, có ước mơ và có một tình yêu thuần khiết, say đắm. Chuyện tình của hai bạn trẻ Bướm - Thoại là một mối tình đẹp. Tình yêu của họ là