Ngày 01 tháng ba

Một phần của tài liệu Thu gui truong hoc - Quyen I ( của nhà giáo dục nổi tiếng Krishmamurti) (Trang 50 - 54)

Thư gởi trường học - Quyển I - Ngày 01-03-1979

Những lá thư này được viết trong tinh thần bằng hữu. Chúng không cố ý chi phối cách suy nghĩ của bạn hay thuyết phục bạn tuân theo điều gì tác giả suy nghĩ hay là cảm thấy. Chúng không là tuyên truyền. Đây thực sự là một cuộc đối thoại giữa bạn và người viết, hai người bạn đang nói chuyện với nhau về những vấn đề của họ, và trong tình bạn bè tốt đẹp như thế này không bao giờ có bất kỳ cái ý nghĩa nào của sự ganh đua hay là thống trị. Cũng vậy bạn chắc đã quan sát tình trạng thế giới và xã hội của chúng ta, và rằng là phải có một chuyển đổi căn bản trong cách sống của những con người, sự liên hệ của họ với nhau, sự liên hệ của họ với thế giới như một tổng thể và trong mọi hình thái khác. Chúng ta đang nói chuyện với nhau, cả hai đều quan tâm rất sâu sắc, không chỉ với những cái tôi riêng biệt của chúng ta, nhưng còn đối với những em học sinh mà bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm. Người giáo viên là người quan trọng nhất trong ngôi trường vì hạnh phúc và tương lai của nhân loại đều tuỳ thuộc vào thầy giáo hay là cô giáo. Đây không phải là một câu phát biểu thuần tuý bằng từ ngữ. Đây là một sự thật tuyệt đối và không thể chối cãi được. Chỉ khi nào chính người giáo dục cảm thấy sự cao quí và sự kính trọng hoàn toàn trong công việc của anh ta, thì anh ta mới ý thức rằng dạy học là nghề nghiệp thiêng liêng nhất, quan trọng hơn nghề nghiệp của nhà chính trị, đáng kính hơn những vị hoàng tử của thế giới. Tác giả có dụng ý trong mỗi một từ ngữ của câu này và vì vậy làm ơn đừng gạt nó qua một bên như là khoe khoang phóng đại hay là một gắng sức để làm cho bạn cảm thấy một sự quan trọng giả dối. Bạn và những em học sinh phải nở hoa cùng nhau trong tốt lành.

Chúng ta đã trình bày rõ ràng những nhân tố gây phân hoá hay là gây suy đồi của cái trí. Vì xã hội đang phân hoá, những ngôi trường này phải là trung tâm cho sự tái sinh của cái trí. Không phải của tư tưởng. Tư tưởng không bao giờ có thể tái sinh được bởi vì tư tưởng luôn luôn bị giới hạn, nhưng sự tái sinh tánh tổng thể của cái trí lại có thể được. Sự có thể được này không phải là khái niệm

nhưng thực sự khi người ta đã suy xét tìm hiểu kỹ càng những phương cách của suy đồi thoái hoá. Trong những lá thư trước chúng ta đã tìm hiểu một số những phương cách này.

Bây giờ chúng ta cũng phải tìm hiểu bản chất phá hoại của truyền thống, của thói quen và của những hình thức lặp đi lặp lại của tư tưởng. Tuân theo, chấp nhận truyền thống, có vẻ đem lại một sự an toàn nào đó cho cuộc sống của người ta, cả phía bên ngoài lẫn phía bên trong. Sự tìm kiếm an toàn bằng mọi cách có thể được đã là cái động cơ thúc đẩy, cái sức mạnh điều khiển trong hầu hết mọi hành động của chúng ta. Sự đòi hỏi có an toàn tâm lý phủ bóng lên an toàn thân thể và vì vậy làm cho an toàn thân thể không còn vững chắc nữa. An toàn tâm lý này là nền tảng của truyền thống được chuyển tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác qua những từ ngữ, qua những nghi lễ, qua những niềm tin – dù rằng đó là tôn giáo, chính trị hay là xã hội. Chúng ta hiếm khi nào đặt câu hỏi về khuôn mẫu đã được chấp nhận này nhưng khi chúng ta đặt câu hỏi chúng ta lại luôn luôn rơi vào một cái bẫy trong một khuôn mẫu mới. Đây đã là cách sống của chúng ta: cự tuyệt cái này và chấp nhận cái khác. Cái mới mẻ thì lý thú và quyến rũ hơn, và cái cũ kỹ được để lại cho thế hệ đã qua. Nhưng cả hai thế hệ đều bị vướng mắc trong những khuôn mẫu, trong những hệ thống và đây là chuyển động của truyền thống. Chính cái từ ngữ truyền thống ám chỉ sự tuân phục, dù là hiện đại hay là cổ xưa. Không có truyền thống tốt hay là xấu: chỉ có truyền thống, sự lặp lại hão huyền của nghi lễ trong tất cả những nhà thờ, những đền chùa và những thánh đường. Chúng hoàn toàn vô nghĩa, nhưng cảm xúc, cảm tính, lãng mạn, tưởng tượng tô điểm cho chúng mầu sắc và ảo tưởng. Đây là bản chất của mê tín dị đoan và mọi giáo sĩ trong thế giới đều khuyến khích nó. Cái quy trình buông thả trong những sự việc không có ý nghĩa hay là đóng góp trong những sự việc không quan trọng là sự lãng phí của năng lượng mà gây suy đồi thoái hoá cho cái trí. Người ta phải ý thức sâu sắc được những sự việc này và chính chú ý đó xoá tan đi tất cả những ảo tưởng.

Vậy thì có thói quen. Không có những thói quen tốt hay là xấu; chỉ có thói quen. Thói quen ngụ ý một hành động lặp đi lặp lại mà phát sinh do bởi không ý thức.

Người ta rơi vào những thói quen một cách cố ý hay là bị thuyết phục qua tuyên truyền; hay là, bởi vì sợ hãi, nên người ta rơi vào những phản xạ tự bảo vệ. Nó cũng giống như vậy với vui thú. Sự tuân theo một công việc đều đặn này, dù rằng hiệu quả hay cần thiết trong cuộc sống hàng ngày bao nhiêu chăng nữa, có thể dẫn dắt, và thông thường là như vậy, đến một cách sống máy móc. Người ta có thể làm cùng công việc vào cùng một giờ mỗi ngày mà nó không trở thành một thói quen khi có ý thức về công việc gì đang được làm. Chú ý xua tan thói quen. Chỉ khi nào không có chú ý thì những thói quen mới được hình thành. Bạn có thể dậy sớm cùng một giờ mỗi buổi sáng và bạn biết tại sao bạn lại đang dậy sớm. Cái ý thức này có lẽ hiện ra cho một người khác như một thói quen, tốt hay xấu, nhưng thực sự ra với cái người mà ý thức, là chú ý, không có thói quen gì cả. Chúng ta rơi vào những thói quen tâm lý hay là những lề thói tâm lý bởi vì chúng ta nghĩ rằng nó là cách sống thoải mái nhất và khi bạn quan sát tỉ mỉ thậm chí những thói quen được hình thành trong liên hệ, cá nhân hay là với người khác, bạn sẽ phát giác một chất lượng nào đó của sự lười biếng, cẩu thả và bất chấp. Tất cả điều này tạo ra một ý thức giả dối của tình thân mật, sự an toàn và sự độc ác dễ dãi. Có mọi nguy hiểm trong thói quen: thói quen hút thuốc, hành động lặp lại, sử dụng những từ ngữ, tư tưởng hay là cách cư xử. Việc này làm cho cái trí hoàn toàn mất nhạy cảm và quy trình thoái hoá là để tìm ra một hình thức an toàn ảo tưởng nào đó như là một quốc gia, một niềm tin hay là một lý tưởng và bám vào nó. Tất cả những nhân tố này rất huỷ hoại đến an toàn thực sự. Chúng ta sống trong một thế giới ảo tưởng mà đã trở thành một thực tế. Tìm hiểu thế giới ảo tưởng này hoặc là trở thành một người cách mạng hoặc là chấp nhận sự dễ dãi lơi lỏng. Cả hai sự việc này là những nhân tố của suy đồi thoái hoá.

Rốt cuộc , bộ não với khả nămg phi thường của nó đã bị điều kiện từ thế hệ này qua thế hệ khác để chấp nhận sự an toàn giả dối này, mà bây giờ đã trở thành một thói quen bám rễ sâu. Để phá vỡ những thói quen này chúng ta trải qua nhiều hình thức khác nhau của tra tấn hành hạ, vô số những tẩu thoát, hay quăng chúng ta vào một cái lý tưởng không tưởng nào đó và vân vân. Chính là vấn đề của người giáo dục để tìm hiểu, và khả năng sáng tạo của anh ta nằm trong việc

quan sát rất chặt chẽ tình trạng bị điều kiện bám rễ sâu của anh ta và tình trạng đó của em học sinh. Đây là một tiến trình qua lại hỗ tương: không phải rằng bạn tìm hiểu tình trạng bị điều kiện của bạn trước và sau đó bạn loan báo cho người khác về những khám phá của bạn, nhưng tìm hiểu cùng nhau và tìm ra sự thật của vấn đề. Công việc này đòi hỏi một chất lượng nào đó của kiên nhẫn; không phải sự kiên nhẫn của thời gian nhưng sự kiên trì và sự chăm sóc ân cần của trách nhiệm tổng thể.

Một phần của tài liệu Thu gui truong hoc - Quyen I ( của nhà giáo dục nổi tiếng Krishmamurti) (Trang 50 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(132 trang)
w